Chi tiết tin - VPUBND Tỉnh
VĂN PHÒNG UBND TỈNH QUẢNG TRỊ GIAI ĐOẠN 1945 - 1946.
Post date: 18/03/2022
1. Bối cảnh lịch sử.
Dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, nắm vững thời cơ chiến lược - những người cộng sản Quảng Trị với mưu trí sáng tạo và quyết tâm cao đã tổ chức lãnh đạo nhân dân tỉnh nhà khởi nghĩa giành chính quyền về tay mình trong một thời điểm lịch sử quyết định: Tháng 8 năm 1945.
Quán triệt nội dung bản Quân lệnh số 1 ngày 13/8/1945 của Uỷ ban Khởi nghĩa toàn quốc và lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Chủ tịch Chính phủ Lâm thời nước Việt Nam mới gửi đồng bào và chiến sĩ cả nước "Giờ quyết định cho vận mệnh dân tộc ta đã đến. Toàn quốc đồng bào hãy đứng dậy đem sức ta mà tự giải phóng cho ta"[1]. Ngay sau Đại hội Quốc dân họp ở Tân Trào (tỉnh Tuyên Quang) thông qua; hoà chung với khí thế cách mạng Tháng Tám sôi sục trong cả nước, ngày 18/8/1945 (nhằm ngày 11 tháng 7 năm Ất Dậu) Hội nghị đại biểu Ban thống nhất Đảng bộ Quảng Trị họp ở làng Phước Lễ, phủ Triệu Phong (sau chuyển qua làng Mỹ Lược) nhận định: Chính quyền Phan Văn Hy tỉnh trưởng là con đẻ của Phát xít Nhật, nó bất lực về chính trị, đang bại hoại về tinh thần, tê liệt về tổ chức, chúng đang sẵn sàng đầu hàng cách mạng, ta tiến hành thuyết phục, cảm hoá và lôi kéo họ.
Hội nghị bàn thảo sôi nổi, nghiêm túc và khẩn trương trong không khí phấn khởi, đoàn kết, hội nghị đã quyết định tiến hành tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả tỉnh từ ngày 21 đến 25/8/1945.
Hội nghị cử ra Uỷ ban Khởi nghĩa tỉnh, gồm có: Đồng chí Trần Hữu Dực - Chủ tịch, đồng chí Đặng Thí - Phó Chủ tịch và các đồng chí Hoàng Thị Ái, Lê Vụ, Nguyễn Hữu Khiếu làm thành viên.
Uỷ ban Khởi nghĩa tỉnh làm việc tại nhà ông Sơ, làng Mỹ Lược, phủ Triệu Phong, có hệ thống giao liên và cán bộ giúp việc, Uỷ ban chỉ đạo toàn tỉnh thực hiện cuộc tổng khởi nghĩa, đặc biệt tập trung sự chỉ đạo cho việc giành chính quyền ở tỉnh lỵ và một số phủ, huyện lỵ trọng điểm. Mọi công việc được các đồng chí Lãnh đạo các cấp cùng nhân dân các địa phương chuẩn bị khẩn trương, đạt được như ý đồ chỉ đạo của Uỷ ban Khởi nghĩa.
Chiều ngày 22/8/1945, lệnh khởi nghĩa chính thức của Uỷ ban Khởi nghĩa tỉnh phát ra, làm nức lòng mọi người trong toàn tỉnh.
01 giờ sáng ngày 23/8/1945, các đơn vị tự vệ chiến đấu và lực lượng dự bị đều đã đột nhập nội thị tỉnh lỵ, chiếm lĩnh được tất cả các vị trí đã phân công, tiếp đến là lực lượng quần chúng đông đảo biểu tình thị uy từ bốn hướng rầm rập kéo vào nội thị, biển người với rừng cờ, tiếng trống, tiếng mỏ, tiếng phèng la, tù và cùng với tiếng hô vang khẩu hiệu:
- Chính phủ Cụ Hồ muôn năm!
- Thành lập chính quyền cách mạng.
- Đánh đổ chính quyền bù nhìn Bảo Đại - Trần Trọng Kim.
- Ủng hộ Mặt trận Việt Nam độc lập đồng minh.
Uỷ ban Khởi nghĩa đã bố trí một tiểu đội tự vệ chiến đấu do đồng chí Trần Đình Phú đột nhập vào gặp và khống chế Tỉnh trưởng Phan Văn Hy với bộ phận thân cận của Tỉnh trưởng tại Dinh.
5 giờ sáng ngày 23/8/1945, Chủ tịch Uỷ ban Khởi nghĩa Trần Hữu Dực được lực lượng tự vệ bảo vệ đứng trên tầng cao Dinh Tỉnh trưởng (Toà Công sứ Pháp cũ) tự tay mình hạ lá cờ quẻ ly xuống và treo lá cờ đỏ sao vàng lên nóc Dinh Tỉnh trưởng trước tiếng hò reo của hàng chục ngàn đồng bào thị xã và vùng ven có mặt, cùng lúc đó trong Thành, đồng chí Dương Đậu cho hạ lá cờ vàng ở cột cờ trước cái nhà thường gọi là "Hoàng cung" và kéo lá cờ đỏ sao vàng của Cách mạng lên. Tất cả nhằm báo hiệu với đồng bào: Cuộc Tổng Khởi nghĩa giành chính quyền ở thị xã tỉnh lỵ đã kết thúc. Thắng lợi hoàn toàn đã thuộc về nhân dân, thuộc về cách mạng.
9 giờ sáng ngày 23/8/1945, lễ mit-tinh đầu tiên có hàng chục ngàn quần chúng thị xã và các phủ huyện lân cận được tổ chức ngay trước trụ sở mới của Uỷ ban Khởi nghĩa tỉnh (Toà Công sứ Pháp cũ - Dinh Tỉnh trưởng cũ) để chào mừng thắng lợi của cách mạng và hoan nghênh UBNDCM tỉnh nhà. Với cương vị là Chủ tịch Uỷ ban Khởi nghĩa, đồng chí Trần Hữu Dực tuyên bố: Từ giờ phút này, UBNDCM tỉnh được thành lập, xoá bỏ hoàn toàn Chính quyền bù nhìn và đồng chí tuyên đọc 10 chính sách của Chính quyền Cách mạng, kêu gọi toàn thể nhân dân trong tỉnh đoàn kết, nhất tề thực hiện mọi công việc theo sự hướng dẫn của UBNDCM các cấp.
Tuân theo sự hướng dẫn của Trung ương, ngay sau khi khởi nghĩa thắng lợi, Uỷ ban Khởi nghĩa các cấp chuyển thành UBNDCM và đảm nhiệm quản lý mọi công việc của chính quyền Nhà nước của cấp mình.
Khoảng 10 giờ sáng ngày 23/8/1945, tại phòng khách của Uỷ ban có Chủ tịch Trần Hữu Dực, Phó Chủ tịch Đặng Thí và đồng chí Lê Thế Diễn; đồng chí Trần Phú hướng dẫn Phan Văn Hy (Tỉnh trưởng Quảng Trị vừa bị lật đổ) đi vào và chỉ chỗ cho Phan Văn Hy yên toạ, đồng chí Chủ tịch UBNDCM tỉnh tuyên bố ngay: "Từ nay chính quyền đã về tay nhân dân, UBNDCM chúng tôi thay mặt nhân dân cai quản mọi công việc của tỉnh nhà. Ông là người có trách nhiệm cao nhất trong chính quyền cũ của tỉnh, nhưng xét thấy việc làm của ông trong thời gian làm Tỉnh trưởng và nhất là thái độ của ông đối với cách mạng thời gian gần đây, nên cách mạng có chính sách khoan hồng đối với ông, từ nay ông là một công dân của nước Việt Nam thực sự độc lập”
Từ ngày 23/8 - 25/8/1945, cuộc khởi nghĩa trên toàn tỉnh đã giành thắng lợi triệt để. Chính quyền Cách mạng được thiết lập khắp từ tỉnh đến các phủ, huyện.
2. Tổ chức bộ máy của UBNDCM tỉnh và Văn phòng UBNDCM tỉnh.
Sau khi được thành lập, UBNDCM tỉnh nhanh chóng cử ngay cán bộ của mình đến tiếp quản các công sở, tiếp nhận việc bàn giao của các người phụ trách trước đó của chính quyền cũ; các đồng chí lãnh đạo UBNDCM tỉnh trực tiếp đến kiểm tra và đôn đốc việc bàn giao của người quản lý cũ cho cán bộ Việt Minh tiếp nhận, các đồng chí lãnh đạo tỉnh rất quan tâm đến hoạt động của nhà máy điện, nhà máy nước, sở bưu điện, nhà thương, nhà ga xe lửa,… nhằm duy trì bảo đảm chăm lo đời sống sinh hoạt bình thường cho nhân dân. Việc tiếp quản Ty Liêm phóng có tổ đặc trách do đồng chí Lê Đình Thu phụ trách, nhưng vì có nhiều hồ sơ bằng tiếng Pháp nên sau đó cử thêm đồng chí Đoàn Chương cùng phụ trách.
UBNDCM tỉnh đã ra lệnh phóng thích, trả lại tự do cho một số tù nhân trong nhà tù của chính quyền cũ và cũng ra lệnh bắt giữ ngay một số tên Việt gian phản động, chống phá cách mạng một cách hết sức khẩn trương và thận trọng.
Ngay trong ngày 23/8/1945, UBNDCM tỉnh mở ngay cuộc vận động đăng ký tuyển quân cấp tốc để thành lập chi đội giải phóng quân gồm 1.500 chiến sĩ, do ông Trương Linh phụ trách và tiến hành tiếp quản doanh trại kho tàng vũ khí của lực lượng vũ trang hỗn hợp chiếm đóng của địch.
Mọi công việc lúc này do các đồng chí trong cơ quan Uỷ ban tự bảo đảm, từ soạn thảo văn bản, phát hành, truyền đạt, tổ chức chỉ đạo thực hiện, cả việc hậu cần, tiếp tế, phương tiện làm việc. Thời gian làm việc gần như suốt cả ngày đêm, có khi đến 2 - 3 giờ sáng. Số lượng cán bộ tại Văn phòng - cơ quan làm việc của UBNDCM tỉnh (cả lãnh đạo và nhân viên giúp việc) suốt thời gian của những ngày đầu này không quá 10 người (không kể lực lượng tự vệ, bảo vệ cơ quan làm việc của Uỷ ban).
UBNDCM tỉnh do đồng chí Trần Hữu Dực làm Chủ tịch từ ngày 23/8/1945.
UBNDCM các phủ huyện lần lượt được thiết lập:
- Phủ Hải Lăng: Đồng chí Nguyễn Quýnh làm Chủ tịch từ ngày 23/8/1945
- Phủ Triệu Phong: Đồng chí Hồ Ngọc Tích làm Chủ tịch từ ngày 23/8/1945
- Phủ Vĩnh Linh: Đồng chí Nguyễn Đức Thưởng làm Chủ tịch từ ngày 23/8/1945
- Huyện Gio Linh: Đồng chí Nguyễn Đăng Khoa làm Chủ tịch từ ngày 23/8/1945
- Huyện Cam Lộ: Đồng chí Nguyễn Diệu làm Chủ tịch từ ngày 24/8/1945
- Huyện Hướng Hoá: Đồng chí lãnh đạo UBNDCM huyện được công bố từ ngày 25/8/1945
- Thị xã Quảng Trị: Sau Hội nghị cán bộ toàn tỉnh (ngày 10 - 11/9/1945) đồng chí Hoàng Mạnh Khang được Tỉnh uỷ phân công làm Bí thư Thị uỷ kiêm Chủ tịch UBNDCM lâm thời thị xã [2]
Ngày 28/8/1945, ngày ra đời của bộ máy Văn phòng Chính phủ, cơ quan hành chính cao nhất - Nhà nước của nhân dân do Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo. Ngày 28/8/1945 cũng là ngày mà toàn bộ hệ thống bộ máy chính quyền cách mạng tỉnh Quảng Trị được thiết lập từ tỉnh đến các phủ, huyện, thị xã trong toàn tỉnh.
Uỷ ban Khởi nghĩa tỉnh được chuyển thành UBNDCM và được mở rộng thành phần tham gia, bao gồm cả cán bộ Việt Minh, những nông dân, phụ nữ hăng hái tích cực và thực hiện chủ trương tranh thủ một số quan lại, công chức cũ, nhân sĩ trí thức tham gia Chính quyền và Mặt trận nhằm tăng cường khối đoàn kết toàn dân, một số quan lại, công chức cũ, nhân sĩ trí thức như:
- Ông Phan Giá, Chưởng lý Văn phòng của Triều đình Huế đưa vào Mặt trận Việt Minh Hải Lăng, sau trở thành Chủ tịch UBKCHC huyện Hải Lăng, Uỷ viên UBKCHC tỉnh kiêm chức Hội thẩm nhân dân thường trực Toà án tỉnh, quyền Chánh án Toà án tỉnh
- Ông Lê Châm, Hàm Thị lang của Triều đình Huế được giao làm Chánh án Toà án tỉnh
- Ông Phan Văn Hy, Tỉnh trưởng Quảng Trị của chính quyền bù nhìn thân Nhật trước ngày Cách mạng Tháng 8/1945 được giao làm Trưởng Bệnh viện Dân y tỉnh
- Ông Nguyễn Trí Kiệt, Tri huyện cũ được giao giữ chức Chủ tịch Mặt trận Liên Việt tỉnh
- Ông Lê Xuân Trâm, Tri huyện cũ được giao làm Thẩm phán toà án sơ cấp huyện Hải Lăng. Theo cơ cấu lúc đó, Thẩm phán là chức danh cao nhất ở Toà sơ cấp huyện[3]…
Uỷ ban tỉnh từ 5 thành viên sau bổ sung thành 11 thành viên, sau lại tăng thêm có khi lên đến 15 thành viên.
Đồng chí Trần Hữu Dực được điều lên cơ quan Xứ (Kỳ) và là Chủ tịch Uỷ ban Hành chính Trung bộ.
Đồng chí Lê Thế Hiếu được cử làm Chủ tịch Uỷ ban thay đồng chí Trần Hữu Dực, đồng chí Đặng Thí tiếp tục giữ chức Phó Chủ tịch và đồng chí Trần Sâm vẫn giữ chức Uỷ viên thư ký Uỷ ban tỉnh. Ngày 10 - 11/9/1945, Tỉnh uỷ và Uỷ ban tỉnh mở Hội nghị cán bộ chủ chốt tại Xóm Rào, làng An Tiêm (Triệu Phong) phía Đông Nam ven thị xã để bàn thảo thực hiện những nhiệm vụ cấp bách của Chính phủ được Chủ tịch Hồ Chí Minh kết luận và các Sắc lệnh liên quan Chủ tịch đã ký, Hội nghị cũng đã quyết định một số nội dung nhiệm vụ cụ thể phải thực hiện ngay, nhằm lãnh đạo, chỉ đạo vận động phong trào và điều hành, quản lý chính quyền cách mạng các cấp trong tỉnh có biện pháp tổ chức thực hiện: Xây dựng Đảng, xây dựng và củng cố chính quyền các cấp, chống mù chữ, phục hồi và phát triển kinh tế, cải tạo và xây dựng văn hoá - xã hội, xây dựng và phát triển lực lượng vũ trang.
Tháng 10/1945, đồng chí Nguyễn Xuân Luyện được cử làm Chủ tịch UBNDCM tỉnh thay đồng chí Lê Thế Hiếu được cử giữ chức Chủ tịch Mặt trận Liên Việt tỉnh; đồng chí Phó Chủ tịch Đặng Thí tập trung chăm lo công tác Đảng và đào tạo cán bộ. Công tác của Uỷ ban tỉnh lúc này thường trực chủ yếu có đồng chí Nguyễn Xuân Luyện, Chủ tịch và đồng chí Trần Sâm, Uỷ viên thư ký Uỷ ban. Bộ phận Thư ký Uỷ ban được bổ sung thêm một số đồng chí: Lương An, Thái Văn Dự,… có trình độ, am hiểu các lĩnh vực, nhiệm vụ công tác trọng tâm của Uỷ ban tỉnh cần theo dõi, nghiên cứu, tổng hợp để phục vụ cho công tác chỉ đạo, điều hành của UBNDCM tỉnh.
Từ đầu tháng 12/1945, Uỷ ban tỉnh và Mặt trận Việt Minh tỉnh đã có chương trình, kế hoạch tổ chức công tác bầu cử Đại biểu Quốc hội và HĐND tỉnh, xã lần đầu tiên dưới chế độ mới. Cuối tháng 2, đầu tháng 3/1946, HĐND tỉnh khoá I họp, chính thức bầu đồng chí Nguyễn Xuân Luyện làm Chủ tịch Uỷ ban Hành chính tỉnh.
Các ban ngành chuyên môn, nghiệp vụ của tỉnh được tăng cường củng cố một bước, các vị uỷ viên Uỷ ban được phân công phụ trách:
- Ông Nguyễn Hữu Khiếu, Trưởng Ty Công an
- Ông Nguyễn Trọng Hy, Trưởng Ty Giao thông bưu điện
- Ông Nguyễn Duy Thược, Trưởng Ty Tài chính
- Ông Nguyễn Tăng Mật, Trưởng Ty Y tế
- Ông Trương Quang Phiên, phụ trách Ty Giáo dục
- Ông Nguyễn Thuỵ, phụ trách Ban Kiến thiết
- Ông Nguyễn Đàm, Thẩm phán Toà án tỉnh
Từ tháng 12/1945, hệ thống quân sự đã thành một ngành dọc hoàn chỉnh, ở tỉnh đồng chí Hồ Tri Tân (tức Hồ Tỵ) làm Tỉnh đội trưởng. Ở mỗi huyện có Huyện đội trưởng để tổ chức, chỉ huy ban tự vệ chiến đấu huyện. Ở mỗi xã có xã đội trưởng, phụ trách ban dân quân tự vệ, chỉ huy lực lượng dân quân tự vệ xã. Uỷ ban Hành chính (tên gọi mới) là cơ quan chính quyền các cấp lần này được kiện toàn, củng cố thêm một bước.
Thực dân Pháp tiếp tục khiêu khích và gửi tối hậu thư đòi nhân dân ta đầu hàng, Tổ quốc lâm nguy. Ngày 19/12/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến. Tại tỉnh Quảng Trị, tháng 12/1946, Uỷ ban Kháng chiến tỉnh được thành lập, gồm các đồng chí sau:
- Đồng chí Đặng Thí, Bí thư Tỉnh uỷ
- Đồng chí Nguyễn Xuân Luyện, Chủ tịch UBHC tỉnh
- Đồng chí Trần Sâm, Chính trị viên Trung đoàn Thiện thuật
- Đồng chí Nguyễn Hữu Khiếu, Trưởng Ty Công an
- Đồng chí Hùng Việt, Trung đoàn Trưởng Trung đoàn Thiện thuật
Văn phòng tại tỉnh, thị xã tỉnh lỵ và của UBNDCM các phủ, huyện đều được thiết lập tại các phủ huyện đường, lỵ sở chính quyền cũ kể từ ngày cách mạng giành được chính quyền, đáp ứng kịp thời cho việc điều hành hoạt động cách mạng của chính quyền các cấp từ những ngày đầu sau khởi nghĩa.
Văn phòng thời gian này tuy số người ít, đặc biệt là bộ phận thường trực Uỷ ban và Thư ký, song công việc đã đi dần vào nề nếp, bảo đảm mối quan hệ với các ban ngành, các địa phương, giúp cho việc chỉ đạo, điều hành, quản lý của Chủ tịch Uỷ ban tỉnh được thông suốt và hiệu quả.
Lúc này, bộ phận thư ký được tăng cường cả số lượng và chất lượng để giúp việc Uỷ ban, giúp Chủ tịch Uỷ ban tỉnh điều hành, chỉ đạo công việc chung và do yêu cầu công việc, bên cạnh bộ phận thư ký đã có thêm bộ phận khác như: văn thư, đánh máy, giao liên, quản trị,… Bộ máy Văn phòng Uỷ ban tỉnh lúc đó chưa có Chánh Văn phòng mà do Trưởng Tiểu Ban thư ký Trần Sâm, Ủy viên thư ký Uỷ ban tỉnh phụ trách. Bên cạnh Ủy viên thư ký, còn có các thư ký đã góp phần chăm lo công việc, chuẩn bị nội dung cho các cuộc họp và các buổi làm việc của Chủ tịch, Phó Chủ tịch Ủy ban đạt kết quả mong muốn.
Các ban ngành nghiệp vụ, chuyên môn tham mưu giúp việc điều hành quản lý của UBNDCM tỉnh do các vị thành viên Uỷ ban tỉnh phụ trách lần lượt được thành lập với biên chế rất gọn, do đó hết thảy cán bộ đều đóng quanh gần Văn phòng và cùng chung sinh hoạt ở "Cơ quan làm việc của Uỷ ban tỉnh".
3. Hoạt động tham mưu, phục vụ của Văn phòng UBNDCM tỉnh.
Với bối cảnh lịch sử như trên, Văn phòng UBNDCM tỉnh, đã tích cực thực hiện các công việc tham mưu giúp việc cho UBNDCM tỉnh.
Văn phòng đã giúp cho UBNDCM thực hiện các cuộc họp quan trọng dưới sự chủ toạ của Chủ tịch, Phó Chủ tịch Uỷ ban. Đồng chí Trần Sâm, Uỷ viên Thư ký Uỷ ban tỉnh và các Thư ký, cộng sự của tiểu ban thư ký đã góp phần chăm lo công việc bảo đảm cho các cuộc họp và các buổi làm việc của Chủ tịch, Phó Chủ tịch Uỷ ban tỉnh. Văn phòng trực tiếp tham mưu và giúp Uỷ ban tỉnh tổ chức tốt hội nghị quán triệt cho cán bộ, chiến sĩ và nhân dân toàn tỉnh khẩn trương chuẩn bị mọi mặt cho cuộc "Toàn dân kháng chiến" theo lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Tháng 3/1946, tại thị xã tỉnh lỵ, Tỉnh uỷ, UBNDCM tỉnh mở hội nghị cán bộ chủ chốt toàn tỉnh để quán triệt chỉ thị "Hoà để tiến" của Trung ương nhằm loại bớt kẻ thù, tranh thủ thời gian gấp rút chuẩn bị lực lượng kháng chiến lâu dài và kiểm điểm việc thực hiện chỉ thị "kháng chiến kiến quốc" của Trung ương.
Nhằm cổ vũ và động viên quần chúng nhân dân vững tin ở chế độ mới, hăng hái thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh nhà lần thứ nhất (tháng 6/1946), nhân dịp kỷ niệm một năm ngày Cách mạng Tháng 8 và Quốc khánh 02/9 (02/9/1945 - 02/9/1946), Tỉnh uỷ và Uỷ ban hành chính tỉnh tổ chức triển lãm những thành tích phấn đấu xây dựng, phát triển và trưởng thành của nhân dân Quảng Trị một năm qua tại thị xã tỉnh lỵ. Cuộc triển lãm đã giới thiệu tổng quát thành tựu của Đảng bộ, của quân và nhân dân các dân tộc toàn tỉnh đã đạt được trên các mặt kinh tế, xã hội, văn hoá và an ninh trật tự trong một năm dưới chế độ mới. Thành tích nổi bật nhất là "chính quyền cách mạng các cấp đã quân cấp công bằng, hợp lý cho mọi công dân, không phân biệt trai hay gái, chính cư hay ngụ cư được 49.360 ha ruộng đất công, chiếm 53% diện tích canh tác toàn tỉnh", cùng với thành tích sửa chữa mương đập thuỷ lợi. Kết quả diện tích gieo trồng vụ chiêm, vụ tám và sản lượng năm 1946 đều tăng hơn trước, nạn đói giáp hạt được khắc phục đáng kể. Hình ảnh cuộc Tổng tuyển cử bầu Đại biểu Quốc hội, bầu HĐND tỉnh, xã thực sự là ngày hội của quần chúng về xây dựng Chính quyền dân chủ nhân dân. Đại bộ phận nhân dân nhất là ở đô thị và đồng bằng đã thoát nạn mù chữ và tự tay mình viết được lá phiếu bầu cử người đại biểu cho mình; các tầng lớp nhân dân thuộc các dân tộc anh em, các giai tầng xã hội, các tôn giáo… có nhiều hình ảnh tiêu biểu thực hiện đời sống mới, đẩy mạnh sản xuất, phát triển kinh tế, hoạt động an ninh, tòng quân Nam tiến giết giặc, bảo vệ Tổ quốc.
Ngày 09/11/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh công bố Hiến pháp được Quốc hội khoá I, họp kỳ thứ 2 thông qua, nhân dân Quảng Trị cùng với nhân dân cả nước hân hoan phấn khởi đón Hiến pháp đầu tiên của chế độ mới của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, là bản Hiến pháp dân chủ, phản ánh rõ thắng lợi của Cách mạng Việt Nam, khẳng định quyền dân tộc độc lập, thống nhất lãnh thổ và quyết tâm, bảo vệ đất nước của toàn dân, xây dựng một thể chế Dân chủ Cộng hoà, một chế độ bảo đảm quyền dân chủ tự do của mọi công dân, không phân biệt nam hay nữ, đặc biệt ưu đãi đối với đồng bào các dân tộc thiểu số.
Ngày 20/12/1946, Văn phòng trực tiếp tham mưu và giúp Uỷ ban tỉnh tổ chức tốt hội nghị quán triệt cho cán bộ, chiến sĩ và nhân dân toàn tỉnh khẩn trương chuẩn bị mọi mặt cho cuộc "Toàn dân kháng chiến" theo lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh "Chúng ta thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ.
Hỡi đồng bào! Chúng ta phải đứng lên! ”.
Kể từ đó, công tác chuẩn bị kháng chiến sẵn sàng chiến đấu trong tỉnh càng khẩn trương. Uỷ ban Kháng chiến, Uỷ ban phòng thủ các cấp được thành lập, chuyên lo việc tổ chức dân quân tự vệ, bộ đội địa phương, bố phòng kháng chiến, bố trí lực lượng di chuyển hồ sơ, tài liệu…
Để thực hiện chủ trương "Toàn dân kháng chiến, tiêu thổ kháng chiến" ta đã phá hoại một số cầu đường, dựng các chướng ngại vật, tháo dỡ, đốt phá một số ngôi nhà có vị trí trung tâm, hoặc kiên cố mà địch có thể lợi dụng để trú quân, để đóng đồn bốt như nhà "Hoàng cung" trong nội thành, biệt thự Pháp ở Cửa Tùng, nhà "thừa hưởng" Cửa Tùng, các nhà thờ họ kiên cố: họ Trần 2 làng Long Hưng,… nhằm gấp rút hoàn thành các tuyến phòng ngự chung quanh thị xã tỉnh lỵ, thị trấn, dọc Quốc lộ 1, Quốc lộ 9. Mỗi huyện, mỗi xã đều cử người chịu trách nhiệm chăm lo việc sơ tán, thực hiện "Vườn không nhà trống". Những việc làm tích cực trên đã có tác dụng ngăn chặn, hạn chế các mũi tiến quân của địch và tạo điều kiện cho công tác chiến đấu phòng ngự của bộ đội, tự vệ chiến đấu và dân quân du kích của ta trên các hướng.
Cùng với hành động gây hấn của thực dân Pháp xâm lược ngày 23/9/1945 ở Sài Gòn, từ cuối tháng 10/1945 một lực lượng tàn quân Pháp ở Trung - Hạ Lào tập hợp mở cuộc hành quân áp sát biên giới Miền Tây Quảng Trị, Quảng Bình tập trung hướng đường 9 với âm mưu đánh chiếm Lao Bảo, Khe Sanh làm bàn đạp để tiến về chiếm vùng đồng bằng ven biển Bình - Trị - Thiên, giải vây Thuận Hoá, tạo ra nơi đứng chân hòng tấn công ra Thanh - Nghệ - Tĩnh, thực hiện mưu đồ đánh chiếm xâm lược nước ta một lần nữa.
Đường di chuyển Văn phòng - Cơ quan làm việc UBND tỉnh Quảng Trị qua các thời kỳ 1945 - 1954
Sau hơn 15 tháng, kể từ ngày 23/8/1945, ngày khởi nghĩa thắng lợi, Chính quyền Cách mạng được thiết lập, lúc này Văn phòng - Cơ quan làm việc của UBNDCM tỉnh đặt ở thị xã Quảng Trị (tại Dinh Tỉnh trưởng - Toà Công sứ Pháp cũ), nơi đây đã diễn ra những cuộc họp quan trọng của Uỷ ban tỉnh dưới sự chủ toạ của Chủ tịch, Phó Chủ tịch Uỷ ban. Đồng chí Trần Sâm, Uỷ viên Thư ký UBNDCM tỉnh và các Thư ký, cộng sự của Tiểu ban thư ký đã góp phần chăm lo công việc bảo đảm cho các cuộc họp và các buổi làm việc của Chủ tịch, Phó Chủ tịch Uỷ ban đạt được kết quả mong muốn.
Tóm lại, giai đoạn năm 1945 - 1946, UBNDCM tỉnh được thành lập và bước đầu lãnh đạo nhân dân thực hiện đồng thời hai nhiệm vụ cách mạng, đó là: gìn giữ chính quyền non trẻ và chuẩn bị lực lượng cách mạng, chỉ đạo nhân dân kháng chiến lâu dài. Văn phòng UBNDCM tỉnh trong giai đoạn này đã tham mưu, giúp việc cho UBNDCM tỉnh trong việc điều hành quản lý chính quyền tỉnh non trẻ và trong các hoạt động lãnh đạo, chỉ đạo kháng chiến chống thực dân Pháp, góp phần thành công cho cách mạng Việt Nam giai đoạn 1945 - 1946 quan trọng này.
[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1995, tập 3, trang 554
[2] 50 năm hoạt động của Đảng cộng sản Việt Nam, NXB Sự thật, 1978, trang 84 được sơ thảo lịch sử Đảng bộ thị xã Quảng Trị, Tập I (1930-1995) đã dẫn ở trang 95
[3] Lịch sử Đảng bộ tỉnh Quảng Trị, Tập I