Chi tiết tin - VPUBND Tỉnh

VĂN PHÒNG UBND TỈNH QUẢNG TRỊ GIAI ĐOẠN 1947 - 1954.

18-03-2022 07:39:05

1. Bối cảnh lịch sử.

Sắc lệnh 91/SL ngày 1/10/1947 do Chủ tịch Hồ Chí Minh ký

Ngày 19/12/1946, tại Thủ đô Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến. Hưởng ứng lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân thủ đô Hà Nội đã nhất tề mở đầu cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.
Đầu tháng 01/1947, Hội nghị cán bộ phía Nam tỉnh tại làng Gia Đẳng (huyện Triệu Phong), đồng chí Đặng Thí, Bí thư Tỉnh uỷ thay mặt Lãnh đạo Uỷ ban kháng chiến, phân tích tình hình thuận lợi và khó khăn trong nước và trong tỉnh khi cuộc kháng chiến toàn quốc bùng nổ và quán triệt chủ trương kháng chiến toàn dân, toàn diện, lâu dài và dựa vào sức mình là chính của Trung ương Đảng và Chính phủ" [1]. ra Vinh (Nghệ An) công tác ghé qua Quảng Trị. Nhân dịp này đồng chí Trần Hữu Dực đã nói chuyện với cán bộ và lãnh đạo Huyện uỷ và Uỷ ban huyện Hải Lăng tại đình Diên Sanh. Tại buổi nói chuyện, đồng chí đã phân tích tình hình và phổ biến nhiệm vụ mới, đặc biệt đồng chí nhấn mạnh nhiệm vụ của Đảng bộ, chính quyền, bộ đội địa phương, dân quân du kích và nhân dân Quảng Trị trước mưu đồ của thực dân Pháp xâm lược bắt đầu mở đợt đánh qua biên giới Lào - Việt, chiếm đường 9, Khe Sanh, Đông Hà, thị xã Quảng Trị, tiến vào giải vây Huế và sau khi tập trung đánh chiếm 3 tỉnh Bình - Trị - Thiên , để làm nơi đứng chân, chúng sẽ tấn công đánh chiếm Thanh - Nghệ - Tĩnh.Ngày 17/02/1947, giặc Pháp đã chiếm được huyện Hướng Hoá (chủ yếu là thị trấn Khe Sanh và dọc theo trục Quốc lộ 9), huyện Cam Lộ, thị trấn Đông Hà, huyện Hải Lăng, huyện Triệu Phong và thị xã Quảng Trị. Tỉnh còn lại 2 huyện: Gio Linh và Vĩnh Linh, cùng với vùng núi phía Tây nơi biên giới Việt - Lào.
"Ngày 17/02/1947, Thường vụ Tỉnh uỷ và Uỷ ban tỉnh họp mở rộng tại làng Lại An (huyện Gio Linh) gồm có các đồng chí: Đặng Thí - Bí thư Tỉnh uỷ, Nguyễn Xuân Luyện - Chủ tịch Uỷ ban tỉnh, Nguyễn Hữu Khiếu - Uỷ viên Thường vụ Tỉnh uỷ, Uỷ viên Nội vụ Uỷ ban tỉnh, Trưởng Ty Công an, Trần Sâm - Trung đoàn trưởng, Lê Chưởng - Chính uỷ Trung đoàn 95…
Hội nghị nhận định tình hình địch còn dừng lại một thời gian để củng cố lực lượng, tiến hành "bình định" vùng chúng mới chiếm đóng, sau đó chúng sẽ mở đợt tấn công đánh chiếm Gio Linh và Vĩnh Linh… Cấp uỷ, Uỷ ban các cấp phải một mặt chuyển sang chỉ đạo đấu tranh vũ trang, bám đất, bám dân giữ vững cơ sở, khôi phục lực lượng kháng chiến, lãnh đạo chiến tranh du kích ở địa phương, mặt khác phải kiên quyết đập tan kế hoạch lập nguỵ quân, nguỵ quyền của địch" [2].

2. Tổ chức bộ máy của UBKCHC tỉnh và Văn phòng UBKCHC tỉnh giai đoạn 1947-1954.
Trong giai đoạn này, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng tháng 4/1947 thống nhất chuyển Uỷ ban Kháng chiến và Uỷ ban Hành chính thành UBKCHC các cấp. Chính phủ có Sắc lệnh 91/SL ngày 01/10/1947 hợp nhất Ủy ban Kháng chiến và Ủy ban Hành chính từ tỉnh đến xã thành Ủy ban Kháng chiến kiêm Ủy ban Hành chính, quy định thành phần Uỷ ban và quan hệ làm việc của Uỷ ban các cấp.
Cuối tháng 4, đầu tháng 5/1947, cơ quan làm việc của lãnh đạo Tỉnh uỷ, UBKCHC và các ban ngành thuộc tỉnh cơ bản đã ổn định và thực hiện vai trò, chức năng, nhiệm vụ của mình theo thời chiến tại vùng chiến khu Ba Lòng, các huyện đã làm việc tại chiến khu, căn cứ địa kháng chiến trên địa bàn lãnh thổ của mình.
- Cơ quan tỉnh: Chiến khu Ba Lòng (thuộc vùng Triệu Nguyên)

Sắc lệnh 251/SL ngày19/11/1948 Chủ tịch Hồ Chí Minh ký


- Huyện Hải Lăng: Chiến khu Ba Cầu (vùng Hải đạo)
- Huyện Triệu Phong: Chiến khu Phong An (vùng Phong An)
- Huyện Cam Lộ: Chiến khu Cùa (vùng Cam Lộ)
- Huyện Gio Linh: Chiến khu Linh An (vùng Linh An)
- Huyện Vĩnh Linh: Chiến khu Thuỷ Ba (vùng Vĩnh Thuỷ)
- Huyện Hướng Hoá: Chiến khu Trại Cá (vùng Ba Ngăn - Tà Long)
Về việc củng cố, tăng cường và kiện toàn chính quyền nhân dân địa phương, nhằm đáp ứng kịp thời có hiệu quả, hiệu lực theo chức năng, nhiệm vụ của chính quyền trong thời chiến, được Chính phủ rất quan tâm. Chú trọng chỉ đạo mặt trận kinh tế, UBKCHC các cấp đã tổ chức động viên nhân dân "tăng gia sản xuất, tăng gia sản xuất nhiều hơn nữa", mặc dù bọn giặc càn quét quấy phá, ban ngày không sản xuất được thì ban đêm nông dân đồng bằng bám ruộng cày cấy, gieo trồng, không bỏ đất ruộng hoang.
Trong điều kiện chiến tranh cam go và ác liệt của chiến trường Quảng Trị, không những nhân sự của bộ máy phục vụ các ban ngành của tỉnh khó ổn định lâu dài mà nhân sự Văn phòng - Cơ quan làm việc của UBKCHC cũng phải nhiều lần thay đổi thành viên (có đồng chí hy sinh vì nhiệm vụ, hay bị địch bắt, bị bom đạn, bị ốm chết,…), song nhờ có sự bổ sung, kiện toàn, củng cố cán bộ nên hoạt động tham mưu, giúp việc cho chính quyền cách mạng nói chung và tham mưu, giúp việc cho hoạt động của UBKCHC tỉnh vẫn được thông suốt từ tỉnh đến cơ sở trong mọi tình huống.
HĐND và UBKCHC của hệ thống Chính quyền Cách mạng từ tỉnh đến xã, nhất là ở cấp xã không ngừng được kiện toàn, bổ sung, củng cố, kịp thời nâng cao hiệu lực, hiệu quả, phục vụ kháng chiến, kiến quốc.
Văn phòng UBKCHC tỉnh, cơ quan, bộ máy Chính quyền địa phương tỉnh trong thời kỳ chiến tranh như sắc lệnh của Chủ tịch Nước quy định, căn cứ chức năng, nhiệm vụ đó để thực hiện giúp cho Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBKCHC tỉnh hoàn thành nhiệm vụ của Liên khu, chỉ lệnh và kế hoạch của Hội đồng Quốc phòng Tối cao và các sắc lệnh hữu quan của Chính phủ quy định.
Văn phòng - Cơ quan làm việc của UBKCHC, ngoại trừ bộ phận bảo vệ, hậu cần nói chung không lúc nào quá 10 người.
Từ sau khi thực hiện chủ trương giảm biên, có sự sắp xếp lại gọn hơn, tuy có thời gian có chủ trương tăng cường tỉnh, Thường trực Ủy ban tỉnh thường là Chủ tịch, nếu Chủ tịch ốm hoặc đi học dài ngày thì Phó Chủ tịch thường trực (thời gian đồng chí Hồ Ngọc Chiểu, Chủ tịch ốm đau dài ngày, đồng chí Lê Liêm, Phó Chủ tịch thường trực thay).
Luôn có mặt là Uỷ viên Thư ký hay Uỷ viên Thường trực (tên gọi chung), đồng chí này xử lý công văn giấy tờ của Uỷ ban như Chánh Văn phòng sau này, có khi gọi là Trưởng ban Thư ký uỷ ban, là người có trách nhiệm xem xét, rà soát lại việc biên tập của các vị thư ký. Làm việc Thư ký Uỷ ban có nhiều người, mỗi người Thư ký theo dõi một ngành chuyên môn hay cả một lĩnh vực (quân sự, chính trị, kinh tế, xã hội,…) khi có nhiều Thư ký thì tách theo chuyên môn ngành, nghề, công việc. Khi ít Thư ký (như lúc ban đầu hay sau giảm biên) thì theo khối nhiệm vụ hoặc theo địa phương lãnh thổ.
Về Uỷ viên Thư ký (hoặc Uỷ viên Thường trực phụ trách Văn phòng) thời kỳ này: tiếp sau đồng chí Trần Sâm (đồng chí Trần Sâm được điều động làm Chính trị viên E 95, sau là E Trưởng 95...) là đồng chí Trần Đình Bảo, đồng chí Phan Giá, đồng chí Nguyễn Văn Triều, đồng chí Phạm Văn Ga, đồng chí Phan Văn Khánh.
Văn phòng Tỉnh uỷ và Văn phòng Uỷ ban tỉnh tuy là hai nhưng khi giúp việc lãnh đạo tỉnh thống nhất như là một và đến 1953 - 1954 nhập làm một Văn phòng, do đồng chí Phan Văn Khánh đảm nhận Chánh Văn phòng.
3. Hoạt động tham mưu, phục vụ của Văn phòng UBKCHC tỉnh.
Thực hiện Nghị quyết của hội nghị cán bộ tỉnh mở rộng tháng 4/1947, Văn phòng đã chuẩn bị kế hoạch, nhiệm vụ công tác và triển khai các điều kiện cần thiết để UBKCHC tỉnh đưa cán bộ các ban ngành thuộc UBKCHC tỉnh, các đoàn thể quần chúng và các huyện được phân công về cơ sở bám địa bàn, nắm dân, dựa vào dân, xây dựng lực lượng cốt cán từng cơ sở, xây dựng thực lực kháng chiến, kể cả việc xây dựng Chính quyền cách mạng ở những vùng bị địch tạm chiếm. Cán bộ bám dân, dân quân tự vệ bám địch để đánh địch, nông dân bám đồng ruộng, xóm làng để tăng gia sản xuất, thực hiện "tấc đất, tấc vàng". Vận động quần chúng nhân dân thực hiện "ba không": không đi phu, đi lính cho địch; không tiếp tế cho địch; không dẫn đường cho địch. Quyết không để của cải, lương thực, thực phẩm lọt vào tay giặc. Phát động phong trào trừ gian, diệt tề. Đồng thời ra sức xây dựng và bảo vệ vùng Chiến khu của tỉnh, của các huyện thành hệ thống căn cứ địa vững chắc. Không ngừng củng cố, mở rộng phạm vi an toàn, bảo đảm an ninh tuyệt đối, tăng cường cảnh giác cách mạng, chống biệt kích, gián điệp xâm nhập đánh phá,…nhắc nhở nhân dân giữ bí mật khi có người lạ mặt hỏi thì trả lời: Không biết, không nghe, không thấy.
Từ chiến khu, căn cứ địa kháng chiến, cán bộ của Uỷ ban tỉnh, Tỉnh uỷ và các ban ngành sau từng đợt về báo cáo, nghiên cứu học tập chủ trương, nghị quyết, chỉ thị mới, trở lại cơ sở cùng ăn, cùng ở, cùng lao động sản xuất, đánh địch, phát đông phong trào, vận động quần chúng xây dựng lực lượng, tăng cường tiềm lực kháng chiến. Bộ đội, tự vệ chiến đấu, dân quân du kích, hoạt động chống địch, đánh đồn, phá càn bảo vệ dân làm ăn sinh sống và cùng với lực lượng công an từ tỉnh đến cơ sở tích cực mưu kế bảo vệ cán bộ lãnh đạo, bảo vệ chính quyền cách mạng.
Tất cả hợp lực, hỗ trợ nhau thực hiện nhiệm vụ trọng tâm bấy giờ là: bám đồng bằng, đi sát quần chúng, nhằm vào những vùng dân cư đông đảo, ruộng đất phì nhiêu, những vùng xung yếu sau lưng địch làm trung tâm hoạt động; gây dựng cho được phong trào đấu tranh liên tục sôi nổi trong lòng địch; lấy việc phá tề, trừ gian và tranh đấu cải thiện dân sinh làm công tác chính yếu của mình.

Báo cáo của UBHC, UBKCHC tỉnh Quảng Trị đến liên khu qua các năm từ 1946 - 1954

Nhằm quán triệt tinh thần và phát huy kết quả của hội nghị dân quân toàn quốc lần thứ nhất, tháng 5/1947, Tỉnh uỷ và UBKCHC tỉnh tổ chức học tập thư Bác Hồ gửi cho Hội nghị, thư Bác có đoạn khẳng định: "Dân quân tự vệ và du kích là lực lượng của toàn dân tộc, là một lực lượng vô địch, là bức tường sắt của Tổ quốc. Bất kỳ kẻ địch hung bạo thế nào, hể đụng vào  lực lượng đó, bức tường đó, thì địch nào cũng phải tan rã" [1]
Các cấp uỷ Đảng, UBKCHC, các đoàn thể nhân dân trong toàn tỉnh qua  học tập đều thấm nhuần sâu sắc hơn, coi việc chăm lo xây dựng, củng cố và phát triển lực lượng bộ đội địa phương, tự vệ chiến đấu, dân quân du kích, đẩy mạnh chiến tranh du kích nhất là tích cực đẩy mạnh chiến tranh du kích sau lưng địch là nhiệm vụ trung tâm bậc nhất lúc bấy giờ. Kết quả chỉ mấy tháng cuối quý II và đầu quýIII/1947 "ngoài lực lượng bộ đội tập trung, tự vệ chiến đấu, dân quân du kích phát triển đều khắp, cả tỉnh lúc này có 3.778 chiến sỹ đội viên và đã trang bị vũ khí tốt hơn (do tự tạo và thu được của địch mà có): 218 súng trường, 9 tiểu liên, 28 quả bom, 2073 quả lựu đạn".[1]

Ngày 10/10/1947, Chủ tịch Nguyễn Xuân Luyện về dự lễ khánh thành xưởng quân giới Hùng Việt tại Khe Dầu, huyện Hải Lăng (tài liệu do cụ Văn Viết Tuỳ công tác tại xưởng cung cấp tháng 02/2000). Hoạt động của dân quân du kích càng mạnh lên, càng phối hợp chặt chẽ với công an, toà án và các lực lượng khác, đánh địch ngày càng mạnh hơn, hiệu quả hơn, cảm hoá tốt hơn, nhất là trong công tác trừ gian, phá tề, đánh rã nguỵ quân, nguỵ quyền cơ sở, sức mạnh chính nghĩa được phát huy, chính sách khoan hồng càng lôi cuốn người lạc đường quay về với gia đình, quê hương và chính sức mạnh đó cũng đã gây cho nhiều tên việt gian khét tiếng lo sợ. Một số tên thoái thác xin thôi, một số tên tìm cách liên lạc với ta, không còn hung hăng càn quấy như trước kia, nhân dân càng tin tưởng, ủng hộ kháng chiến, không hoang mang lo sợ.
Dưới sự lãnh đạo của Liên Khu uỷ và UBKCHC Liên Khu IV và với tình cảm sâu nặng, gắn bó, sẻ chia cay đắng, ngọt bùi của Thanh - Nghệ - Tĩnh dành cho Bình - Trị - Thiên , các đội thuyền buồm vận tải từ Thanh - Nghệ - Tĩnh vẫn cập bến Gia Đẳng (Triệu Phong), Mạch Nước, Thái Lai xã Vĩnh Thái; Cương Gián xã Vĩnh Liêm (huyện Vĩnh Linh), Hà Lợi Trung xã Linh Hòa (huyện Gio Linh) bất chấp sự phong tỏa của địch, chỉ riêng 3 tháng cuối năm 1947, Thanh - Nghệ - Tĩnh đã chuyển vào Bình - Trị - Thiên  trên 100 tấn gạo, 320 tấn muối, 21.000 mét vải, 10.000 viên thuốc sốt rét, 300 súng trường, 35.000 quả lựu đạn, 200 đạn bazôka; Thanh Hoá còn ủng hộ: 1.500.000 đồng; Hà Tĩnh và Nghệ An ủng hộ 2.700.000 đồng[1]
Thắng lợi trong năm đầu kháng chiến (1947), quân và dân Quảng Trị dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ và Chính quyền các cấp, trong điều kiện nền độc lập mới giành được, chính quyền mới còn non trẻ, đã thể hiện sự kết hợp chặt chẽ: tiêu thổ kháng chiến, bảo toàn lực lượng với xây dựng bảo vệ chính quyền thành quả cách mạng, bảo vệ chế độ mới, và cùng với chiến thắng của cả nước, đặc biệt là quân và dân ta đã đánh thắng chiến dịch Việt Bắc, Thu Đông 1947, đã làm thất bại chiến lược "đánh nhanh thắng nhanh" của thực dân Pháp, chúng chuyển sang đánh kéo dài, thực hiện chính sách "lấy chiến tranh nuôi chiến tranh, dùng người Việt đánh người Việt".

Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Liên Khu (5/1948), dưới sự lãnh đạo của Tỉnh uỷ, UBKCHC tỉnh, Đại đội Lê Hồng Phong phối hợp lực lượng của Trung đoàn 95, lực lượng công an và được sự yểm trợ, giúp đỡ của dân quân du kích và đồng bào các địa phương, cơ sở đã liên tục đánh địch, phá hội tề, trừ gian, bảo vệ sản xuất. mùa màng, bảo vệ nhân dân đạt hiệu quả cao, thu được nhiều thắng lợi quan trọng, đặc biệt là công tác chiến đấu chống địch càn vào Chiến khu, các căn cứ địa kháng chiến của tỉnh và các huyện.
Báo cáo năm 1948 của UBKCHC tỉnh ghi rõ:
- Lực lượng công an thực hiện 6 lần tổng giải tán hội tề, bắt gọn 17 ban hội tề, 116 tên việt gian.
- Bộ đội địa phương, dân quân du kích đánh 92 trận lớn nhỏ, giết, bắt sống, gọi hàng và bắn bị thương loại khỏi vòng chiến đấu 1005 tên, thu và phá huỷ 32 súng các loại, 30 xe vận tải, đánh chìm 4 thuyền của địch.
Trên mặt trận kinh tế, UBKCHC các cấp đã tổ chức động viên nhân dân "tăng gia sản xuất, tăng gia sản xuất nhiều hơn nữa", mặc dù bọn giặc càn quét quấy phá, ban ngày không sản xuất được thì ban đêm nông dân đồng bằng bám ruộng cày cấy, gieo trồng, không bỏ đất ruộng hoang. Miền núi sản xuất ổn định hơn, đẩy mạnh hơn, những rẫy lúa, rẫy sắn, khoai của đồng bào sơ tán, tản cư và đồng bào tại chỗ gieo trồng và chăm sóc tươi tốt. Đồng bào dân tộc còn khai thác lâm thổ sản tạo nên những mặt hàng trao đổi phong phú hơn và sắm sửa được nhu yếu phẩm tiêu dùng. Những rẫy sắn là nguồn lương thực trợ giúp đồng bào vùng bị mất mùa nặng. UBKCHC tỉnh còn xuất 20 vạn đồng ủng hộ đồng bào các vùng bị mất mùa, bị lũ lụt nặng. Với đội thương thuyền của Ban tiếp vận kinh doanh vận tải của tỉnh do đồng chí Bùi Khôn lãnh đạo, được thành lập trong năm 1947 phát huy tác dụng, không những cung ứng tiếp tế cho cán bộ, bộ đội mà còn hỗ trợ các nhu yếu phẩm vật tư tiêu dùng phục vụ sản xuất và đời sống nhân dân trong vùng của chính quyền cách mạng. Ban Kinh tài tỉnh có mạng lưới kinh doanh ở Liên khu 5, Thanh - Nghệ - Tĩnh, Ròn (Quảng Bình).
Đồng bào nơi có khả năng đã hăng hái đóng góp kháng chiến, mua được 2,5 triệu đồng công trái kháng chiến.
Tháng 7/1948, khi được tin giặc Pháp càn quét dã man, đốt phá lúa gạo ở Bình - Trị - Thiên , Uỷ ban Mặt trận Việt Minh tỉnh Nam Định đã mở cuộc vận động nhân dân toàn tỉnh góp tiền ủng hộ và gửi thư thăm hỏi. Huyện Trực Ninh đã quyên góp 7.740,05 đồng, huyện Vụ Bản quyên góp 3.227 đồng, Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Ý Yên đã vận động được 3.534,80 đồng gửi vào Bình Trị Thiên. [1]
Về giáo dục, toàn tỉnh có 24 trường tiểu học, trong đó có 4 trường đủ các lớp: 1,2,3,4 với 33 giáo viên và kiểm soát viên.
Trong năm 1948, Ty Tiểu học vụ đã mở kỳ thi tốt nghiệp Tiểu học ở các huyện Gio Linh, Cam Lộ, Triệu Phong và Chiến khu Ba Lòng, có 120 em dự thi, tốt nghiệp 82 em.
Phong trào bình dân học vụ phát triển khá ở các vùng chiến khu, tiền chiến khu và miền núi, huyện Triệu Phong, Cam Lộ khá hơn các huyện khác. Cuối năm 1948, có 5.123 học viên và có gần 900 người là giáo viên bình dân học vụ.
Trong hoàn cảnh chiến tranh ác liệt, tỉnh đã có một tầm nhìn chiến lược lâu dài về đào tạo cán bộ. Đưa một số cán bộ và con em cán bộ học xong tiểu học ra Nghệ Tĩnh tiếp tục học trung học (100 người). Lập trại Quảng Sinh ở Đức Thọ, Hà Tĩnh đưa các cháu ra học văn hóa. Hầu hết anh chị em học ở đây sau này đều trưởng thành phục vụ kháng chiến và xây dựng đất nước, quê hương. Nhiều người đã trở thành cán bộ cao cấp của Đảng, Nhà nước và quân đội, những nhà khoa học có tên tuổi.
Văn hoá thông tin: thời gian này, tỉnh xuất bản tờ báo "Tiếng vang" do đồng chí Vĩnh Mai phụ trách, mỗi tháng 2 kỳ, mỗi kỳ 500 bản và tờ "Tin Quảng Trị" mỗi tháng 1 kỳ với 800 bản có nội dung phong phú, phục vụ kịp thời, sâu sát đối với công tác thông tin tuyên truyền của Đảng bộ và chính quyền tỉnh.
Song song với hoạt động tuyên truyền báo chí, phong trào văn hoá, văn nghệ cũng được phát triển khá mạnh mẽ, nhiều tác phẩm có giá trị ra đời để lại những dấu ấn theo cùng thời gian lịch sử của đất nước. Có nhiều đội tuyên truyền văn nghệ hoạt động tận các vùng tạm bị chiếm, thực hiện truyền đạt cổ vũ nhân dân, bộ đội về chủ trương, đường lối, chính sách kháng chiến, kiến quốc, xây dựng chính quyền, củng cố hậu phương… thông qua lời ca tiếng hát, vũ điệu, giọng hò, được bà con đồng bào, bộ đội, cán bộ ta hết lòng ái mộ, hưởng ứng.
- Việc chăm sóc sức khoẻ cho nhân dân trong điều kiện chiến tranh năm 1947, 1948… còn rất hạn chế, y bác sỹ thiếu, thuốc men không có nhiều bệnh viện dân y gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp nhận bệnh nhân. Chỉ có phong trào phòng bệnh được nhân dân hưởng ứng, quan tâm nhiều như: vệ sinh điều kiện ăn ở, ăn chín, uống sôi, ăn dùng đũa 2 đầu, nhà có hố tiêu…
Trong thời gian từ tháng 3/1949 - 1954, bộ máy Văn phòng tập trung phục vụ Uỷ ban và Tỉnh uỷ chỉ đạo thực hiện nhiều chủ trương lớn, đó là:
Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ III (03/1949), nhất trí đánh giá: "Đảng bộ và nhân dân trong tỉnh ngày càng thấy rõ đường lối, chính sách chung của Đảng và Chính phủ là đúng đắn, nội bộ đoàn kết nhất trí, lãnh đạo và chỉ đạo kịp thời, sát thực tế. Cán bộ, bộ đội thi đua trở về đồng bằng. Phong trào dân quân bật nổi. Nhiều khu du kích được hình thành và các vùng căn cứ cách mạng của tỉnh, của huyện được củng cố xây dựng vững chắc hơn trước" [2].
Đầu tháng 4/1949, Văn phòng UBKCHC tỉnh chuẩn bị chu đáo về văn bản, về hậu cần và có kế hoạch bảo vệ cho Hội nghị Hội đồng nhân dân tỉnh, UBKCHC tỉnh, Chủ tịch UBKCHC tỉnh phối hợp với các ngành, với các huyện để quán triệt và triển khai nhiệm vụ mới.
 Hội đồng nhân dân tỉnh đã họp (4/1949) bàn biện pháp cụ thể thực hiện nhiệm vụ được Đại hội Đảng bộ lần thứ III đề ra và các sắc lệnh hữu quan của Chính phủ, sự chỉ đạo của phân khu và UBKCHC liên khu. HĐND tỉnh tập trung bàn kiện toàn bộ máy chính quyền cách mạng huyện, xã, ra sức phá tan hội tề địch, tích cực phát triển lực lượng vũ trang kịp thời đáp ứng yêu cầu tình hình nhiệm vụ mới, cải thiện đời sống nhân dân, vận động thực hiện nếp sống mới, chống địch bắt lính và chống địch cướp lúa gạo của dân.
Đầu quý III/1950, triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ tư, "cùng với việc lập lại quy mô xã", "đơn giản huyện, tăng cường tỉnh và xã", Chủ tịch UBKCHC tỉnh, đồng chí Nguyễn Đức Kỳ đã chủ trì hội nghị, bao gồm tất cả cán bộ chủ chốt cấp xã để học tập, quán triệt tình hình nhiệm vụ mới theo nội dung lời kêu gọi của Đại hội Đảng gửi cho toàn Đảng, toàn quân, toàn dân trong tỉnh.
Đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước do UBKCHC tỉnh phát động từ ngày 10/8/1948.
Ngày 12 - 14/9/1950, UBKCHC tỉnh mở hội nghị gồm đại biểu các Ty, ngành chuyên môn tỉnh thảo luận kế hoạch thi đua hành động "Tuần lễ giết giặc lập công".
Cùng với việc đẩy mạnh phong trào thi đua tăng gia sản xuất, trồng rau màu khắc phục trận lụt lớn tháng 10/1950, phong trào toàn dân thi đua thực hiện lời kêu gọi của Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ IV (4/1950) sôi nổi và rộng khắp toàn tỉnh "nếu Quảng Trị đã anh dũng chiến đấu thì Quảng Trị cũng kịp thời vùng dậy, phối hợp với chiến trường Bắc bộ, chuyển sang tổng phản công. Mỗi đồng chí như một người lính xung trận của giai cấp, của dân tộc, muôn người như một phải gấp rút, táo bạo, thông suốt và triệt để thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ IV". "Chúng ta phải tranh thủ thời gian xây dựng thực lực cách mạng đủ mạnh để cùng với cả nước chuyển mạnh sang tổng phản công kịp trong năm 1950" Chỉ trong một thời gian ngắn, toàn tỉnh có 6.524 người ghi tên tòng quân, nhưng tổ chức chỉ nhận ở lần này là 1.500 người để bổ sung lực lượng, có 14.857 người/lượt đi dân công vận tải phục vụ chiến trường, huy động cho quỷ kháng chiến được 5,5 triệu đồng, 312 tấn lúa, thu thuế điền thổ  được 763 tấn thóc.

Hội nghị binh vận năm 1950

Trong thời gian từ tháng 3/1949 đến 1954, bộ máy Văn phòng tập trung phục vụ Uỷ ban và Tỉnh uỷ chỉ đạo thực hiện nhiều chủ trương lớn, đó là:
 Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chính phủ, của Khu uỷ và UBKCHC liên khu, Lãnh đạo của Tỉnh uỷvà UBKCHC tỉnh qua các kỳ Đại hội đại biểu tỉnh Đảng bộ lần thứ II, thứ III, thứ IV (1948, 1949, 1950) đã thực sự góp phần đẩy mạnh kháng chiến toàn dân, toàn diện, phát triển chiến tranh du kích từng bước tiến lên, làm thất bại một bước âm mưu kéo dài, mở rộng chiến tranh và chính sách "dùng người Việt đánh người Việt, lấy chiến tranh nuôi chiến tranh" của thực dân Pháp tại địa bàn Quảng Trị.
HĐND và UBKCHC hệ thống Chính quyền Cách mạng từ tỉnh đến xã, nhất là ở cấp xã không ngừng được kiện toàn, bổ sung, củng cố, kịp thời nâng cao hiệu lực, hiệu quả, phục vụ kháng chiến, kiến quốc.
Nhiệm vụ phá rả hội tề, chính quyền nguỵ và xây dựng chính quyền cơ sở của ta là một mặt đấu tranh rất quan trọng của nhân dân trong vùng tạm bị địch chiếm, sau lưng địch; dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của UBKCHC tỉnh, thông qua các ngành chuyên môn hữu quan, với nguyên tắc cơ bản là phải rất khôn khéo, mềm mỏng, tuỳ hoàn cảnh, tuỳ tình thế mà định cách đối phó cho đúng, vận dụng một cách thích hợp, hoặc giải tán tề hoặc lợi dụng họ, hoặc cử người của mình ra lập hội tề,…
Nhiệm vụ công tác này đối với tỉnh coi như thường xuyên, càng về sau càng có kinh nghiệm tốt hơn, kể cả những lần "tổng phá tề" đồng loạt khắp trên cả địa bàn (thực chất là cuộc diễn tập "thực binh nhân dân" đồng loạt nổi dậy vùng sau lưng địch, biến "hậu phương an toàn của địch" thành tiền tuyến của ta).
Công tác theo dõi tình hình tổng hợp thông tin, báo cáo của Văn phòng được kịp thời, đã giúp cấp uỷ, UBKCHC tỉnh chỉ đạo, uốn nắn, thúc đẩy phong trào. Ngày 24/9/1951, tỉnh đã có chỉ thị nhắc nhở các cấp, các ngành trong  tỉnh tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua "giết giặc lập công", "sản xuất lập công", và uốn nắn tư tưởng chủ quan, lơ là mất cảnh giác; đẩy mạnh du kích chiến tranh rộng khắp trong toàn tỉnh, giữ vững quyền chủ động đánh địch cả chính diện và sau lưng địch.
Cuối năm 1951, toàn tỉnh triển khai điều lệ thuế nông nghiệp và chế độ thu thuế nông nghiệp bằng thóc tính theo hoa lợi trên ruộng đất, Văn phòng Ủy ban tỉnh cùng với Ban Kinh tài đã xây dựng dự án kế hoạch thực hiện, UBKCHC tỉnh đã huy động trên 100 cán bộ được tập huấn và đưa về phối hợp với các huyện tổ chức phổ biến, giải thích trong quần chúng nhân dân, hướng dẫn nghiệp vụ cho UBKCHC xã, Ban thuế xã đo đạc điền thổ, lập sổ địa bạ, tính toán thuế nông nghiệp công bằng và hợp lý được nhân dân đồng tình. Kết quả đợt đầu, toàn tỉnh thu được 1.342 tấn thóc thuế nông nghiệp. Người nông dân Quảng Trị không những hăng hái nộp thuế nông nghiệp nhanh, đủ, mà còn thu hoạch, cất dấu lương thực dự trữ cho gia đình không để rơi vào tay giặc, đồng thời rất hăng hái góp hơn 700 ngàn ngày công tham gia chiến dịch vận chuyển số lương thực từ đồng bằng lên chiến khu. UBKCHC các xã còn huy động được 30 triệu đồng trong nhân dân các vùng, kể cả vùng tạm bị chiếm cho Nhà nước vay.
Từ giữa năm 1952 trở đi, thực hiện chủ trương của Trung ương Đảng, Thường vụ Tỉnh uỷ và UBKCHC tỉnh đã mở đợt "chỉnh Đảng, chỉnh quân", với phương châm lấy việc nâng cao trình độ tư tưởng chính trị làm chính; về 

Hội nghị quân, dân, chính đảng bàn về chuyển giai đoạn kháng chiến tại chiến khu Ba Lòng

phương pháp lấy giáo dục làm chính, học phải liên hệ với việc đã làm, nêu cao tinh thần phê bình và tự phê bình. Lãnh đạo tỉnh coi đây là đợt công tác  trung tâm xây dựng Đảng, xây dựng lực lượng vũ  trang, xây dựng thực lực Cách mạng. Vì vậy, được các cấp, các ngành tiến hành khẩn trương, nghiêm túc thực hiện, và được xem là đợt chỉnh huấn chính trị, được toàn thể cán bộ trong các cơ quan, chiến sỹ trong lực lượng vũ trang, các thầy giáo, cô giáo của các trường, các học sinh cấp 2 trong toàn tỉnh cùng hăng hái tham gia tích cực tại các lớp chỉnh huấn chính trị.
Từ trung tuần tháng 9/1953, Hội nghị Lãnh đạo tỉnh đã có nhận định: các tầng lớp nhân dân ta có tinh thần yêu nước cao, được thử thách qua 8 năm kháng chiến dưới sự lãnh đạo, giáo dục của Đảng, cán bộ, đảng viên, chiến sỹ và đông đảo nhân dân ta đã nhận thức được cuộc kháng chiến của ta là chính nghĩa, bởi vì trong mỗi con người họ đều thấm nhuần sâu sắc: lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, chỉ thị toàn dân kháng chiến của Trung ương Đảng, tác phẩm “Kháng chiến nhất định thắng lợi” của đồng chí Trường Chinh  (đã được thực tế chứng minh trong suốt thời kỳ chống thực dân Pháp xâm lược những năm qua), họ luôn luôn hướng về cách mạng, hướng về kháng chiến và Hồ Chủ tịch. Đồng bào vùng tạm bị chiếm với lòng căm thù giặc Pháp cao độ, đoàn kết hoạt động đấu tranh chống lại âm mưu, thủ đoạn của địch nhằm góp phần giành thắng lợi cuối cùng.
Về tổ chức, lúc này đồng chí Trương Công Kỉnh, Phó Bí thư Tỉnh uỷ phụ trách chung, kiêm phụ trách công tác tuyên huấn và công tác phát động quần chúng; đồng chí Hồ Ngọc Chiểu, Uỷ viên Thường vụ Tỉnh uỷ giữ chức Chủ tịch UBKCHC tỉnh; đồng chí Hồ Sỹ Thản, Tỉnh uỷ viên phụ trách Tỉnh đội trưởng. Nhập tổ chức chính quyền với tổ chức Tỉnh uỷ. Văn phòng Tỉnh uỷ và Văn phòng UBKCHC tỉnh cũng hợp lại làm một.[1]
Hạ tuần tháng 7/1954, tại chiến khu Ba Lòng, Tỉnh ủy và UBKCHC tỉnh đã mở hội nghị có 500 cán bộ chủ chốt tỉnh, các Ban, ngành, các huyện, thị xã và các đơn vị trực thuộc. Đồng chí Trương Công Kỉnh, Bí thư Tỉnh ủy chủ trì hội nghị, quán triệt Nghị quyết Hội nghị lần thứ VI của Ban chấp hành Trung ương và hội nghị đã tập trung thảo luận phân tích đặc điểm vị trí Quảng Trị sau khi Hiệp định Giơ-ne-vơ có hiệu lực. Hội nghị đặc biệt nhấn mạnh công tác tư tưởng để tiếp nhận nhiệm vụ công tác tới: "Cán bộ, đảng viên không vì hòa bình mà lơ là mất cảnh giác đối với mọi âm mưu thủ đoạn mới của quân địch. Cán bộ, đảng viên phải bám địa bàn, cùng với quần chúng bảo vệ và phát huy mọi thành quả của cách mạng đã giành được trong một chục năm qua"[2]
Đặc biệt, ngày 18/8/1954, Tỉnh ủy, UBKCHC tỉnh, Ủy ban Mặt trận Liên Việt tỉnh được Văn phòng, Tuyên huấn, Thông tin Văn hóa, Tỉnh đội, Công an và đơn vị cảnh vệ tỉnh phối hợp với Cấp ủy, Chính quyền, Mặt trận, Dân quân, Công an địa phương xã, huyện sở tại đã tổ chức kỷ niệm lần thứ 9 ngày Cách mạng tháng 8 và Quốc khánh 02/9 tại làng Phước Môn (huyện Hải Lăng) với gần 10.000 người, bao gồm đại diện đủ các thành phần, các ngành, các cấp, các đơn vị trong địa phương; đồng bào ở vùng bị kiểm soát của đối phương bất chấp sự đe dọa, ngăn cấm của bọn lê dương, cảnh sát, mật vụ họ tấp nập đến địa điểm dự lễ kỷ niệm. Tại cuộc mit tinh, đại diện của Tỉnh ủy, UBKCHC tỉnh, Ủy ban Mặt trân Liên Việt tỉnh đã nói về ý nghĩa lịch sử Cách mạng Tháng 8 và ngày Quốc khánh 02/9, nói về chiến thắng to lớn và quyết định thắng lợi ở Điện Biên Phủ, về Hiệp định đình chỉ chiến sự ở Việt Nam mà các bên dự hội nghị Giơ-ne-vơ đã ký kết ngày 20/7/1954, Lãnh đạo tỉnh nhà đã truyền đạt nội dung lời kêu gọi của Bác Hồ ngày 22/7/1954 nhân Hội nghị Giơ-ne-vơ thành công và phân tích tình hình, động viên đồng bào toàn tỉnh đoàn kết, đấu tranh đòi đối phương thi hành nghiêm chỉnh Hiệp định Giơ-ne-vơ, phấn đấu bền bỉ vì sự nghiệp thống nhất nước nhà.

Sau mit-tinh kết thúc, đông đảo bà con ở lại dự liên hoan văn nghệ, tiễn đưa cán bộ, bộ đội của tỉnh lên đường tập kết ra Bắc.

Tóm lại, trong giai đoạn 1947 - 1954, chính quyền non trẻ của tỉnh tiếp tục phải thực hiện 2 nhiệm vụ chính trị quan trọng được tiến hành song song là: Vừa đảm bảo điều hành, quản lý các hoạt động nhiệm vụ phá rả hội tề, chính quyền nguỵ và xây dựng chính quyền cơ sở của ta, vừa thực hiện chỉ đạo phong trào đấu tranh của nhân dân trong vùng tạm bị địch chiếm, sau lưng địch. Với nhiệm vụ chính trị quan trọng đó, Văn phòng UBKCHC tỉnh lúc bấy giờ vừa tham mưu, giúp việc cho Tỉnh ủy và tham mưu giúp việc cho UBKCHC chỉ đạo phong trào, cùng cả nước góp phần làm nên chiến thắng của chiến dịch Điện Biên Phủ, buộc Pháp phải đàm phán và ký kết Hiệp định Giơ-ne-vơ, công nhận chủ quyền độc lập của nước ta từ vĩ tuyến 17 trở ra.


[1] Lịch sử Đảng bộ tỉnh Quảng Trị, tập I, trang 388, 392, 393 và ý kiến đồng chí Phan Văn Khánh là chứng nhân đã cung cấp.

[2]  Lịch sử Đảng bộ tỉnh Quảng Trị, tập I, trang 409