Chi tiết tin - VPUBND Tỉnh

  

VĂN PHÒNG UBHC KHU VỰC VĨNH LINH.

Post date: 18/03/2022

  1. Bối cảnh lịch sử.

Sau thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám 1945, Chiến thắng Điện Biên Phủ “chấn động địa cầu” vào ngày 07/5/1954 kết thúc thắng lợi 9 năm kháng chiến chống Pháp xâm lược đã đã đánh bại ý chí duy trì Đông Dương là lãnh thổ thuộc Liên hiệp Pháp, công nhận độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của nước Việt Nam, đồng thời buộc thực dân Pháp và bè lũ tay sai Mỹ phải ký vào Hiệp định Giơ-ne-vơ vào ngày 21/7/1954, trong đó có điều khoản quy định ở Việt Nam, lấy vĩ tuyến 17 (sông Bến Hải thuộc huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị) làm giới tuyến quân sự tạm thời cùng với một khu phi quân sự có chiều rộng 5 km chạy dọc theo hai bên giới tuyến từ Cửa Tùng đến biên giới Việt - Lào. Thắng lợi to lớn đó đã kết thúc ách thống trị của thực dân Pháp ở Miền Bắc, nhân dân Miền Bắc được hoàn toàn giải phóng, tạo điều kiện thuận lợi cho công cuộc hòa bình kiến thiết đất nước sau này.Thực hiện Hiệp định Giơ-ne-vơ, nước ta tạm thời bị chia cắt thành hai miền Bắc - Nam. Tỉnh Quảng Trị là nơi trực tiếp chứng kiến nỗi đau của sự chia cắt: khu vực Vĩnh Linh thuộc Miền Bắc XHCN, riêng các huyện còn lại của tỉnh Quảng Trị nằm ở phía Nam sông Bến Hải (vĩ tuyến 17) cùng với Miền Nam trở thành thuộc địa kiểu mới của đế quốc Mỹ.
       Tỉnh Quảng Trị trong thời kỳ chống Mỹ cứu nước như hình ảnh của cả nước Việt Nam thu nhỏ: Hai miền, hai khu vực với hai chế độ khác nhau. Trong cùng một lúc, Đảng bộ, quân và dân tỉnh Quảng Trị phải đồng thời tiến hành hai nhiệm vụ cách mạng cao cả: Xây dựng Miền Bắc tiến lên chủ nghĩa xã hội, Miền Nam tiếp tục đấu tranh thực hiện nhiệm vụ cách mạng dân tộc, dân chủ, tiến tới thống nhất nước nhà. Là nơi trực tiếp chứng kiến cuộc đụng đầu lịch sử của hai thế lực cách mạng và phản cách mạng, quân và dân Quảng Trị luôn mang trong mình đầy ắp những biến cố lịch sử đau thương mà oanh liệt: chuyển từ cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp sang hoà bình, tái thiết, rồi từ hoà bình qua chống chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ, trực tiếp chiến đấu giữ đất, giữ làng (ở khu vực Vĩnh Linh); Chuyển từ thời kỳ đen tối nhất của cách mạng Miền Nam sang đồng khởi vùng lên đến tiến công và chiến thắng đế quốc Mỹ (ở các huyện của tỉnh Quảng Trị nằm ở phía Nam sông Bến Hải). Đỉnh cao trong thời kỳ này là chiến dịch tấn công, nổi dậy giải phóng Quàng Trị và chiến đấu bảo vệ thành quả đã giành được kéo dài từ ngày 30/3/1972 đến sau ngày Hiệp định Paris được ký kết (ngày 31/01/1973) diễn ra hết sức ác liệt trong bối cảnh giữa ta và địch đều quyết tâm giành cho được một thắng lợi quân sự quyết định nên đã tranh thủ sự quan tâm, theo dõi của toàn thế giới, đặc biệt là cuộc chiến đấu tại Thành Cổ 81 ngày đêm. Thắng lợi tại mặt trận Quảng Trị năm 1972 và cuộc chiến đấu bảo vệ Thành Cổ Quảng Trị đã góp phần làm thất bại mưu đồ đàm phán trên thế mạnh của Mỹ, buộc Mỹ phải ký kết Hiệp định Paris, tạo ra bước ngoặt vĩ đại của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước: Mùa Xuân 1973 “Mỹ cút”, Mùa Xuân 1975 “Ngụy nhào”. Quảng Trị cùng cả nước hoàn thành sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.
Trong giai đoạn này, tỉnh Quảng Trị chia thành hai đơn vị hành chính là tỉnh Quảng Trị ở phía Nam sông Bến Hải và khu vực Vĩnh Linh ở phía Bắc sông Bến Hải (khu vực Vĩnh Linh là đơn vị hành chính độc lập thuộc Trung ương).
2. Tổ chức bộ máy của UBHC khu vực Vĩnh Linh và Văn phòng UBHC khu vực Vĩnh Linh.
Theo các điều khoản của Hiệp định Giơ-ne-vơ, ngày 20/7/1956, Việt Nam sẽ tiến hành tổng tuyển cử thống nhất đất nước. Tuy nhiên, đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai đã lật lọng và trắng trợn tuyên bố nước Mỹ không bị ràng buộc bởi các điều khoản của Hiệp định và ngang nhiên xé bỏ Hiệp định Giơ-ne-vơ, lập ra chính phủ bù nhìn tay sai Ngô Đình Diệm với âm mưu chia cắt nước ta vĩnh viễn, biến Miền Nam Việt Nam thành thuộc địa kiểu mới, căn cứ quân sự mới của Mỹ tại khu vực Đông Nam Á.
Trước tình hình đó, ngày 28/5/1955, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã ban hành Nghị quyết 16/NQTW thành lập Đảng ủy Khu vực Vĩnh Linh. Ngày 16/6/1955, Thủ tướng Chính phủ đã có Nghị định số 551/TTg thành lập Đặc khu Vĩnh Linh là đơn vị hành chính trực thuộc Trung ương, đặt dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Trung ương Đảng, Chính phủ (Đơn vị hành chính đặc biệt tương đương cấp tỉnh). Thực hiện Nghị định trên, UBHC khu vực Vĩnh Linh được thành lập.
Văn phòng UBHC khu vực Vĩnh Linh cùng các ban, ngành chuyên môn cũng được thành lập, phục vụ hoạt động chỉ đạo, điều hành của UBHC khu vực Vĩnh Linh, thực hiện các nhiệm vụ mục tiêu lớn của thời kỳ này như: cải cách ruộng đất, chống âm mưu phá hoại của đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai Ngô Đình Diệm, chống cưỡng ép di cư, phục hồi kinh tế sau cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp thắng lợi.
Cơ cấu, tổ chức của bộ máy UBHC khu vực Vĩnh Linh giai đoạn này như sau:
1. Đồng chí Hoàng Đức Sản, Chủ tịch (1954 - 1962)
2. Đồng chí Trần Đồng, Chủ tịch (1963 - 1966) - Thời kỳ giữa 1964, đồng chí Trần Đồng đi học, đồng chí Hồ Sĩ Thản - Bí thư Đảng uỷ khu vực kiêm Chủ tịch UBHC khu vực.
3. Đồng chí Lê Thanh Liêm , Chủ tịch (1966 - 1973)
4. Đồng chí Dương Tốn, Chủ tịch (từ năm 1973 cho đến 7/1976 nhập tỉnh Bình - Trị - Thiên ), phụ trách công tác chi viện giải phóng Quảng Trị năm 1972.
- Các Phó Chủ tịch UBHC khu vực Vĩnh Linh giai đoạn 1955 -1975 gồm có:
+ Đồng chí Phan Ngô (1962 - 1963)
+ Đồng chí Nguyễn Văn Khiếu (1965 - 1966)
+ Đồng chí Hoàng Đáo (1964 - 1966)
+ Đồng chí Hoàng Thị Mễ (1967 - 1971)
+ Đồng chí Hoàng Cân (1973 - 1976)
+ Đồng chí Lê Ngọc Uynh (1966 - 1970)
+ Đồng chí Lưu Đức Huân (1973 - 1976)
+ Đồng chí Trần Đắc (1973 - 1976)
+ Đồng chí Nguyễn Quốc Tuấn (1973 - 1976)
- Uỷ viên Thư ký trực tiếp chỉ đạo công tác Văn phòng có các đồng chí:           
+ Đồng chí Trần Trọng Ban (1957 - 1960)
+ Đồng chí Nguyễn Tỵ (1960 - 1961)
+ Đồng chí Trần Giác (1961 - 1962)
+ Đồng chí Lê Cúc (1962 - 1963)
+ Đồng chí Nguyễn Văn Khiếu (1964 - 1965)
+ Đồng chí Trần Đức Hạnh (1965 - 1968)
+ Đồng chí Hoàng Cân (1970 - 1972)
+ Đồng chí Nguyễn Kham (1973 - 1975)
+ Đồng chí Nguyễn Văn Hỷ (1975 - 1976)
Cơ cấu, tổ chức của bộ máy Văn phòng UBHC khu vực Vĩnh Linh giai đoạn này như sau:
1. Lãnh đạo Văn phòng.
a) Chức danh Chánh Văn phòng: gồm các đồng chí:
+ Đồng chí Lê Ngọc Thanh (1954 - 1958)
+ Đồng chí Trần Đức Hạnh (1958 - 1965)
+ Đồng chí Trương Thanh (1966 - 1969)
+ Đồng chí Nguyễn Kham (1970 - 1973)
+ Đồng chí Nguyễn Hữu Bành (1974 - 1976)
b) Chức danh Phó Văn phòng: gồm các đồng chí:
+ Đồng chí Đinh Viết Diệu (1954 - 1976)
+ Đồng chí Trương Thanh (1963 - 1965)
+ Đồng chí Phan Thanh Dư (1965 - 1976)
2. Tổ Thư ký Đoàn gồm các đồng chí: Phùng Khắc Phẩm, Lê Cứ, Nguyễn Quốc Tuấn, Nguyễn Duy Quang, đồng chí Côn, đồng chí Châu Năm, đồng chí Trần Thao,…
3. Các bộ phận khác gồm các đồng chí: Nguyễn Thị Hải Yến, đồng chí Sâm, đồng chí Thơi (đánh máy); đồng chí Liễu (y tá); Trương Đình Thân, Nguyễn Khoa Huân, đồng chí Cường, đồng chí Hoàn (lái xe); Lê Thị Niềm (giữ trẻ); Thái Thị Chuyên (cấp dưỡng); Trần Thị Tư, đồng chí Lãng, đồng chí Thực (quản trị, tài vụ); Các đồng chí: Tùng, Phan Thanh Dư, Huân, Nguyễn Hoàng, Nguyễn Thị Thơ, Nguyễn Thị Béo, đồng chí Sửu, đồng chí Điệt… (phụ trách và cán bộ của Giao tế khu vực Vĩnh Linh).
Ngoài ra, do đặc điểm lịch sử của khu vực Vĩnh Linh trong thời kỳ chống chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ, Văn phòng UBHC khu vực Vĩnh Linh còn có các bộ phận được thành lập để thực hiện một số nhiệm vụ trong từng thời kỳ, cụ thể như sau:
- Phòng 10 (với bộ máy trên 100 người) do đồng chí Nguyễn Xuyến phụ trách, đóng tại huyện Tân Kỳ, tỉnh Nghệ An để thực hiện kế hoạch 10 (K10 - khoảng 10/1967) đưa 3,5 vạn dân Vĩnh Linh, chủ yếu là những người già, phụ nữ có con mọn, trẻ em chưa đến tuổi đi học… ra Tân Kỳ (Nghệ An), huyện Can Lộc, huyện Thạch Hà (Hà Tĩnh) và trực tiếp chăm lo sản xuất, ổn định cuộc sống cho bà con tại những nơi định cư mới (trong suốt giai đoạn 10/1967 - 5/1973).
- Bộ phận phụ trách K8 được thành lập để thực hiện sơ tán 3 vạn học sinh từ lớp 1 cho đến lớp 10 (nay là lớp 12) ra sinh sống học tập ở các tỉnh phía Bắc gồm Nghệ An, Thanh Hoá, Ninh Bình, Nam Hà, Thái Bình và Quảng Ninh (trong suốt giai đoạn 7/1967 - 6/1973) do đồng chí Trần Đức Hạnh - Uỷ viên Thư ký trực tiếp phụ trách.
2. Hoạt động tham mưu, phục vụ của Văn phòng UBHC đặc khu Vĩnh Linh.
Giai đoạn 1955 - 1958: ổn định tổ chức, thành lập các bộ phận chuyên môn phục vụ tích cực có hiệu quả cho UBHC khu vực Vĩnh Linh, tham mưu cho Lãnh đạo thực hiện các nhiệm vụ mục tiêu lớn của thời kỳ này như: cải cách ruộng đất, chống âm mưu phá hoại của đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai Ngô Đình Diệm, chống cưỡng ép di cư, phục hồi kinh tế sau cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp thắng lợi.
Trước khi rút quân ra khỏi Miền Bắc theo Hiệp định Giơ-ne-vơ, thực dân Pháp cùng đế quốc Mỹ tiến hành nhiều hoạt động nhằm chống phá công cuộc xây dựng Miền Bắc, trong đó có khu vực Vĩnh Linh. Chính vì vậy, ngay sau khi được thành lập, ngoài việc ổn định tổ chức đi vào hoạt động, Văn phòng UBHC khu vực Vĩnh Linh và các cơ quan chuyên môn đã tham mưu cho UBHC chỉ đạo, điều hành khôi phục nền kinh tế bị kiệt quệ sau nhiều năm kháng chiến chống thực dân Pháp trường kỳ, xây dựng Vĩnh Linh thành tuyến đầu của Miền Bắc XHCN, chuẩn bị lực lượng sẵn sàng cho cuộc đụng đầu lịch sử giữa cách mạng và phản cách mạng.
Nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách của Đảng bộ, quân và dân khu vực Vĩnh Linh được xác định là: Ra sức hàn gắn vết thương chiến tranh, khôi phục và phát triển kinh tế, văn hoá, đồng thời không ngừng nâng cao cảnh giác, gấp rút xây dựng lực lượng vũ trang, củng cố quốc phòng, sẵn sàng chiến đấu chống kẻ thù nếu chúng liều lĩnh xâm phạm Miền Bắc XHCN. Điều này đã được khẳng định trong báo cáo tại Hội nghị xây dựng kế hoạch phục hồi kinh tế của UBHC khu vực Vĩnh Linh diễn ra từ ngày 24/02 - 28/02/1956. Tại thời điểm này, Văn phòng UBHC khu vực Vĩnh Linh mặc dù vừa mới được hình thành, bộ máy chưa ổn định, phương tiện điều kiện làm việc còn nhiều thiếu thốn, khối lượng công việc đồ sộ, phải tập trung tham mưu cho lãnh đạo giải quyết nhiều vấn đề bức xúc, nóng bỏng đang đặt ra; do đó lúc này cán bộ chủ chốt một số ngành, đơn vị đã được điều động, tăng cường cho Văn phòng. Với nhiệt tình cách mạng sẵn có cộng thêm ý chí quyết tâm vượt lên mọi khó khăn gian khổ, sẵn sàng cống hiến cho cách mạng nên cán bộ công chức Văn phòng UBHC khu vực đã dốc sức, dốc lòng, tập trung trí tuệ để cùng các Ban, ngành, địa phương tham mưu cho Lãnh đạo khu vực hoạch định được những chủ trương, quyết sách, chính sách đúng đắn, sát hợp với tình hình thực tiễn. Văn phòng UBHC khu vực Vĩnh Linh cũng đã tích cực tham mưu UBHC khu vực quán triệt chỉ đạo của Trung ương Đảng, Chính phủ điều hành thực hiện các nhiệm vụ, mục tiêu lớn của thời kỳ này như: cải cách ruộng đất, chống âm mưu phá hoại của đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai Ngô Đình Diệm, chống cưỡng ép di cư, phục hồi kinh tế sau cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp thắng lợi.
Tập thể cán bộ, nhân viên Văn phòng UBHC khu vực Vĩnh Linh đã cùng với các đồng chí lãnh đạo Đảng ủy, UBHC khu vực bám sát nhiệm vụ chính trị, trọng tâm, cấp bách do Trung ương giao phó; xuống tận các địa bàn các xã, thôn, bản để trực tiếp giúp Lãnh đạo khu vực chỉ đạo phong trào toàn dân tham gia khai hoang phục hoá, làm thuỷ lợi, phát triển chăn nuôi, phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, mở mang ngành nghề rèn, mộc, gạch, vôi, xây dựng nhà máy chế biến tinh bột sắn có công suất 1.000 tấn/năm… nhằm phục hồi kinh tế, phát triển sản xuất, giải quyết công ăn, việc làm tại chỗ (trong đó ưu tiên cho cán bộ và nhân dân Miền Nam tập kết ra ở khu vực Vĩnh Linh).
Thực hiện Nghị quyết hội nghị cán bộ, hưởng ứng phong trào thi đua sản xuất, tiết kiệm của Chính phủ phát động ngày 19/12/1955 và thực hiện chỉ đạo của Đảng ủy khu vực, Văn phòng đã tham mưu UBHC khu vực Vĩnh Linh xây dựng, phát động phong trào khai hoang phục hoá trên toàn khu vực dưới khẩu hiệu "Tấc đất, tấc vàng" và đã huy động hàng triệu ngày công[1]. Vụ Đông Xuân 1955 - 1956, toàn khu vực Vĩnh Linh đã khai hoang, phục hóa trên 1.000 mẫu ruộng, đất. Các vùng ven thị trấn Hồ Xá, xung quanh các đồn bốt của Pháp trước đây như Hiền Lương, Tân Trại, Cổ Hiền…đều đã được tháo gỡ dây kẽm gai, bom mìn, khai hoang, phục hóa thành ruộng lúa. Sau 3 năm phấn đấu đã đưa tổng diện tích gieo trồng lên 12.119 ha, tăng 2.510 ha so với năm 1955. Năm 1956, do hạn hán kéo dài, khu vực Vĩnh Linh đã phát động phong trào "Vắt đất ra nước, thay trời làm mưa" đã đào 450 con mương lớn nhỏ, tổng cộng 35.883 ngày công, đắp 339 con đập. Phong trào thuỷ lợi này đã biến 9.648 mẫu ruộng 1 vụ thành 2 vụ, đưa năng suất từ 12,38 tạ/ha năm 1955 lên 15,01 tạ/ha/năm 1957".[2]
Thực hiện chỉ đạo của Bộ Chính trị và Nghị quyết Hội nghị Đảng ủy khu vực Vĩnh Linh ngày 11/9/1955, từ ngày 25/12/1955 - 30/7/1956, Văn phòng UBHC khu vực Vĩnh Linh cũng đã tham mưu cho lãnh đạo khu vực tổ chức thành lập các Đội Cải cách ruộng đất khu vực, xây dựng kế hoạch và các bước tiến hành thực hiện cải cách ruộng đất toàn bộ 21 xã khu vực Vĩnh Linh. Cuộc cải cách ruộng đất đã hiện thực hóa phương phâm căn bản, có tính chất chiến lược của Đảng: “Người cày có ruộng, giải phóng sức sản xuất ở nông thôn, đẩy mạnh sản xuất, mở đường cho nông nghiệp phát triển, tạo điều kiện thuận lợi cho công nghiệp hóa”, đồng thời cũng khẩn trương tiến hành sửa chữa một số khuyết điểm cải cách ruộng đất ở khu vực Vĩnh Linh cũng như Miền Bắc nước ta theo chỉ đạo của Bộ Chính trị và Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Song song với phong trào thi đua sản xuất, khôi phục và phát triển văn hóa, giáo dục, y tế nhằm xây dựng thực lực cách mạng, trong các năm 1955 và 1956, Văn phòng UBHC khu vực Vĩnh Linh đã tham mưu, giúp việc cho UBHC thành lập Tiểu đoàn 25 (D25)[4] với nhiệm vụ bảo vệ giới tuyến, đồng thời tổ chức nhiều đợt mít tinh, biểu tình, lấy chữ ký, đưa kiến nghị lên Ủy ban quốc tế giám sát và kiểm soát việc thực hiện Hiệp định Giơ-ne-vơ, kiên quyết đòi Mỹ - Diệm phải thi hành nghiêm chỉnh Hiệp định, thực hiện tổng tuyển cử thống nhất đất nước.
[1] Lịch sử Đảng bộ tỉnh Quảng Trị, Tập II (1954-1975), NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1999, trang 81.
[2] Lịch sử Đảng bộ và nhân dân Vĩnh Linh, 1930 - 1975, trang 139.
[3] Lịch sử Việt Nam (1954 - 1956), NXB Khoa học xã hội, Hà Nội, 1995, trang 30.
[4] Sau này phát triển thành Khu Công an vũ trang Vĩnh Linh

Các đồng chí trong Đảng uỷ, UBHC khu vực Vĩnh Linh và Văn phòng UBHC khu vực Vĩnh Linh

Thực hiện Chỉ thị 272 của Trung ương Đảng coi chống địch cưỡng ép nhân dân di cư vào Nam là công tác đặc biệt và cấp bách, là công tác đột xuất quan trọng bậc nhất trong một thời gian nhất định, Ban Chống cưỡng ép di cư khu vực Vĩnh Linh được thành lập với 36 thành viên do đồng chí Trần Giác, Đảng uỷ viên khu vực, Uỷ viên Thư ký UBHC làm Trưởng Ban đã tích cực bám dân tuyên truyền, vận động, giải thích cho bà con giáo dân hiểu được chính sách tôn giáo của Đảng và Chính phủ, chăm lo và giúp bà con giải quyết khó khăn, ổn định đời sống. Nhờ vậy, hàng ngàn giáo dân ở Miền Bắc đã bám trụ lại Vĩnh Linh, không di cư vào Nam.
Bên cạnh đó, trong khoảng thời gian này, Văn phòng UBHC khu vực Vĩnh Linh cũng đã tham mưu cho lãnh đạo khu vực thành lập Ban Tiếp đón để chăm lo sắp xếp công ăn, việc làm, ổn định đời sống cho trên 5.000 đồng bào, cán bộ, chiến sĩ Miền Nam tập kết ra Bắc ở tại Vĩnh Linh. Từ tháng 10/1957, tham mưu lãnh đạo khu vực tích cực vận động nhân dân thí điểm xây dựng hai hợp tác xã nông nghiệp ở hai xã Vĩnh Kim, Vĩnh Hòa[1]. Hợp tác xã Tiền Phong ở Vĩnh Long, Hợp tác xã Minh Khai ở xã Vĩnh Thuỷ và rất nhiều đơn vị sản xuất khác được thành lập và không ngừng phát triển, trở thành một trong những bệ phóng cho phong trào hợp tác hoá nông nghiệp của khu vực Vĩnh Linh và tỉnh Quảng Trị sau này.

Cột cờ bờ Bắc cầu Hiền Lương
và cầu Hiền Lương trong những năm 1960

Đặc biệt, ngày 02/9/1955, nhân dịp kỷ niệm 10 năm Cách mạng tháng 8/1945 và Quốc khánh 02/9, tại Hiền Lương, Văn phòng UBHC khu vực Vĩnh Linh đã phối hợp chặt chẽ với Công an vũ trang khu vực, cùng các Đồn Công an vũ trang ở Hiền Lương, Tùng Luật, Cửa Tùng,… tổ chức đón tiếp hơn 3.000 đồng bào bờ Nam vượt tuyến để cùng với hàng vạn bà con ở Vĩnh Linh dự lễ mít tinh trong không khí ấm cúng, ruột thịt tình Bắc - Nam. Để làm tốt công tác tuyên truyền, dân vận phục vụ đấu tranh chính trị, Văn phòng UBHC khu vực Vĩnh Linh đã tham mưu thực hiện nhiều chủ trương lớn như: thành lập Đài Truyền thanh khu vực, đội Chiếu bóng lưu động; xây dựng trạm tăng âm có công suất lớn ở Hiền Lương để phục vụ hệ thống loa truyền thanh đồ sộ gồm 4 cụm: Cổ Trai, Huỳnh Thượng, Tùng Luật, Hiền Lương (mỗi cột có từ 10 - 40 loa, mỗi loa có công suất từ 25 - 180W). Đặc biệt, ở Bắc Hiền Lương, có đặt hệ thống loa lớn với công suất 500W để phục vụ nhân dân bờ Nam, góp phần thực hiện tốt công tác binh vận, địch vận. Đáp ứng yêu cầu, tâm tư, nguyện vọng của nhân dân bờ Nam giới tuyến, sau nhiều lần Mỹ nguỵ quyết tâm xây cột cờ cao hơn, với lá cờ to hơn cột cờ và lá cờ của ta, cuối cùng ta đã cho xây dựng một cột cờ bằng sắt cao 36,8m, lá cờ rộng 108m2 hơn hẳn lá cờ ba que của địch ở bờ Nam. Đây chính là biểu tượng cho ý chí, quyết tâm chiến đấu và chiến thắng vì độc lập, tự do, là khát vọng thống nhất của dân tộc ta, nhân dân ta. Thắng lợi này làm nức lòng nhân dân Miền Nam và nhân dân cả nước[1].
Năm 1957, trong chuyến về thăm đồng bào và chiến sỹ khu 4, Bác Hồ dự định sẽ vào tận Vĩnh Linh để được gần hơn với Miền Nam - Thành đồng Tổ quốc, để tận mắt nhìn sang bờ Nam sông Bến Hải - nơi đồng bào, đồng chí đang phải sống đọa đày dưới ách kìm kẹp của Mỹ - Diệm nhưng do tình hình khu phi quân sự căng thẳng nên dự định của Bác không thực hiện được. Bác đã triệu tập một số cán bộ chủ chốt của khu vực Vĩnh Linh ra Quảng Bình để Bác Hồ được gặp. Đảng ủy, UBHC Khu vực Vĩnh Linh đã cử đoàn đại biểu ra Đồng Hới gặp Bác. Trong cuộc gặp này, Bác đã chuyển lời thăm hỏi ân cần đến toàn thể đồng bào, cán bộ, chiến sỹ Vĩnh Linh. Bác không quên gửi đến đồng bào, cán bộ, chiến sỹ Vĩnh Linh những tình cảm thương yêu nồng nàn. Bác còn căn dặn: "Quảng Bình cùng với Vĩnh Linh ở tuyến đầu Miền Bắc, tiếp giáp với Miền Nam, mọi việc làm tốt hay xấu của các cô các chú ở đây đều có ảnh hưởng nhất định đến Miền Nam, đều có ý nghĩa đến đến việc bảo vệ Miền Bắc. Nếu kẻ địch có hành động liều lĩnh gì thì Vĩnh Linh, Quảng Bình phải đương đầu với chúng trước hết và phải bảo đảm thắng lợi trước hết... các cô, các chú phải chăm lo xây dựng lực lượng vũ trang nhất là dân quân tự vệ"[2].
Kết thúc giai đoạn 3 năm (1954 - 1957) khôi phục kinh tế, phát triển văn hóa - xã hội và hoạt động trong bối cảnh khó khăn, bộn bề công việc do những ngày đầu thành lập, đồng thời thông qua việc phát động phong trào thi đua làm theo lời Bác dạy, Văn phòng UBHC khu vực Vĩnh Linh đã thực hiện tốt vai trò tham mưu, giúp việc cho UBHC khu vực, góp phần đạt được nhiều thành tựu đáng ghi nhận trên nhiều lĩnh vực: “Hoạt động kinh tế được phục hồi; giáo dục, y tế, văn hóa được phát triển; đối sống nhân dân nhìn chung bước đầu được cải thiện; lực lượng quốc phòng an ninh và hệ thống chính trị cấp cơ sở không ngừng được củng cố; công tác xây dựng Đảng được coi trọng; trình độ chính trị, quan điểm, lập trường giai cấp công nhân của cán bộ, đảng viên được nâng lên một bước, nhất là qua các đợt cải cách ruộng đất và sửa sai về cải cách ruộng đất”[3].
Giai đoạn 1958 - 1960: 
Xác định trọng tâm trước mắt của giai đoạn này là đẩy mạnh cải tạo XHCN, được sự quan tâm, hỗ trợ của Trung ương và khu ủy Vĩnh Linh, Văn phòng UBHC khu vực Vĩnh Linh đã nỗ lực tham mưu xây dựng và cải tạo nông, công, thương nghiệp xuất phát từ thực tiễn địa phương. Trên cơ sở đó, ngày 16/12/1958, Hội nghị Ban chấp hành Đảng uỷ khu vực đã quyết nghị: “Vĩnh Linh tiến hành cải tạo nông nghiệp, thủ công nghiệp và những người buôn bán nhỏ đi theo CNXH với mức độ nhanh hơn, mạnh hơn để đến năm 1960 hoàn thành cải tạo 3 thành phần trên, làm cho thành phần kinh tế quốc doanh phát triển mạnh mẽ, nhằm không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, biến Vĩnh Linh - một vùng nghèo khó thành một vùng giàu có, thể hiện sự tốt đẹp của chế độ XHCN ở Miền Bắc, tạo điều kiện cho việc phát triển quan hệ Bắc - Nam, góp phần tích cực vào sự nghiệp thống nhất Tổ quốc"[4].
Quán triệt Quyết nghị trên, Văn phòng UBHC khu vực đã tham mưu UBHC xây dựng, hoạch định 3 nhiệm vụ trọng tâm trong “Đề án kế hoạch giai đoạn 1958 - 1960”, đó là:
“1. Cải tạo và phát triển kinh tế, nâng cao đời sống của quần chúng, phát triển văn hoá.
2. Ra sức nâng cao giác ngộ XHCN và đấu tranh thống nhất Tổ quốc, củng cố chính quyền dân chủ nhân dân, tăng cường công tác mặt trận trên cơ sở công - nông liên minh, đẩy mạnh việc đấu tranh quan hệ hai miền.
3. Muốn đưa phong trào tiến lên, nhất là bảo đảm sự toàn thắng của kế hoạch 3 năm, việc xây dựng Đảng lớn mạnh để giữ vững sự lãnh đạo tuyệt đối của Đảng là vấn đề mấu chốt"[5].

Chiếc máy cày do Bác Hồ tặng xã Vĩnh Kim

Để thực hiện Nghị quyết BCH Đảng uỷ khu vực, trên cơ sở 3 nhiệm vụ trọng tâm của thời kỳ này, Văn phòng UBHC khu vực Vĩnh Linh đã được tăng cường một bước về lực lượng cán bộ từ các đơn vị chức năng trong khu vực, trình độ cán bộ, nhân viên Văn phòng đã từng bước được chuyên môn hóa và đã có sự phối hợp chặt chẽ với các Ty, ngành trong khu vực trong công tác tham mưu, giúp việc. Đây là một bước trưởng thành đáng ghi nhận của Văn phòng UBHC khu vực Vĩnh Linh, góp phần phát huy phong trào quần chúng đông đảo, rộng khắp, tạo khí thế mới, sắc diện mới về bộ mặt kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh của mảnh đất đầu cầu giới tuyến Miền Bắc XHCN.


[1] Lịch sử ngành Văn hoá - Thông tin tỉnh Quảng Trị (1945 - 2000)
[2] Lịch sử Đảng bộ tỉnh Quảng Trị, Tập II (1954 - 1975), NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1999, trang 86
[3] Lịch sử Đảng bộ tỉnh Quảng Trị, Tập II (1954 - 1975), NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1999, trang 89.
[4] Lịch sử Đảng bộ và nhân dân Vĩnh Linh, 1930 - 1975, trang 159.
[5] Nghị quyết Hội nghị BCH Đảng uỷ khu vực Vĩnh Linh, ngày 16/12/1958 và Lịch sử Đảng bộ Quảng Trị, Tập II, (1954 - 1975) - NXB Chính trị Quốc gia, trang 90.



Trong giai đoạn này, được sự chỉ đạo trực tiếp của Trung ương Đảng, ngày 23/3/1959, Đại hội đại biểu khu vực Vĩnh Linh lần thứ nhất được tổ chức tại thị trấn Hồ Xá với sự tham dự của 126 đại biểu, đại diện cho 2.175 đảng viên của Đảng bộ đến dự Đại hội[1]. Đại hội đã tập trung thảo luận, soát xét lại kế hoạch 3 năm (1958 - 1960), nêu cao ý chí quyết tâm hoàn thành công cuộc cải tạo XHCN trong nông nghiệp, đồng thời tiến hành cải tạo XHCN đối với thủ công nghiệp và tiểu thương. Đại hội đã bầu Ban Chấp hành Đảng bộ khu vực gồm 15 ủy viên chính thức và 5 ủy viên dự khuyết. Phiên họp Ban Chấp hành lần thứ nhất vào ngày 04/4/1959 đã thống nhất bầu đ/c Hoàng Đức Sản làm Phó Bí thư, Chủ tịch UBHC khu vực Vĩnh Linh chuyên trách khối kinh tế - tài chính, kiêm Trưởng Ban Cải tạo công thương nghiệp khu vực.
Cuộc cách mạng XHCN ở nông thôn Vĩnh Linh nhằm xoá bỏ tận gốc kinh tế tư hữu, đưa nông dân từ làm ăn riêng lẻ đi vào tổ đổi công tiến lên hợp tác xã bậc thấp rồi hợp tác xã nông nghiệp bậc cao đã góp phần từng bước đưa tầng lớp tiểu thương, thợ thủ công vào các hợp tác xã mua bán, hợp tác xã thủ công nghiệp. Đến năm 1958, hợp tác xã tín dụng và hợp tác xã mua bán chính thức được thành lập để động viên nông dân góp vốn, giúp đỡ nhau đẩy mạnh và phát triển sản xuất, phát triển ngành nghề nhằm cải thiện và nâng cao đời sống. Sau Đại hội Đại biểu Đảng bộ khu vực Vĩnh Linh lần thứ nhất (tổ chức từ ngày 23/3 - 02/4/1959), toàn khu vực đã mở cuộc vận động xoá bỏ quan hệ sản xuất lạc hậu, xây dựng quan hệ sản xuất tiên tiến trong nông nghiệp… Hợp tác hoá nông nghiệp là cuộc cách mạng sâu sắc, triệt để và diễn ra mạnh mẽ trong nông thôn Vĩnh Linh. Đến vụ Đông Xuân 1958 - 1959, toàn khu vực đã có 80 hợp tác xã, tăng gấp 40 lần so với giai đoạn trước. Đến cuối năm 1959, toàn khu vực đã căn bản hoàn thành hợp tác xã sơ cấp nông nghiệp, đánh dấu bước tiến mới có tính chất lịch sử trong quan hệ sản xuất ở nông thôn Vĩnh Linh. Kết thúc toàn đợt vận động xây dựng hợp tác xã, toàn khu vực đã thành lập được 198 hợp tác xã bậc thấp, đạt tỷ lệ 90,36% hộ nông dân vào hợp tác xã. Đến năm 1960, toàn khu vực đã có 116 hợp tác xã bậc thấp, 33 hợp tác xã bậc cao (Trong đó có 10 hợp tác xã của đồng bào Miền Nam tập kết). Thời kỳ này cũng đã xây dựng được 17 HTX tín dụng (8 sơ cấp và 9 HTX cao cấp); xây dựng được 30 HTX đánh cá cho bà con ngư dân; xây dựng 102 tổ đổi công của đồng bào dân tộc thiểu số ở miền núi khu vực Vĩnh Linh. Tiểu thương và thợ thủ công đã xây dựng được 35 cơ sở (riêng thị trấn Hồ Xá đã có 21 cơ sở, trong đó có 3 cơ sở cao cấp và 2 HTX trung cấp). HTX Vĩnh Kim - lá cờ đầu của phong trào hợp tác hoá Vĩnh Linh vinh dự được cử đại biểu đi dự và báo cáo điển hình tại Hội nghị BCH Trung ương Đảng và đã được Bác Hồ tặng chiếc máy cày Zetor 25 K (của Tiệp Khắc trước đây tặng Bác), vì có nhiều thành tích trong phát triển sản xuất nông nghiệp, xây dựng thành công mô hình hợp tác xã tiên tiến trong khu vực Vĩnh Linh và Miền Bắc XHCN.
Nghị quyết BCH Đảng bộ khu vực họp từ ngày 11-16/01/1960 cũng đã khẳng định: "Thắng lợi ấy có tính chất lịch sử trong đời sống chính trị và kinh tế ở nông thôn. Làm thay đổi tận gốc xã hội cũ, đưa nông dân từ làm ăn riêng lẻ sang làm ăn tập thể, từ nên kinh tế tiểu nông lạc hậu sang nền kinh tế XHCN, làm cho xu thế XHCN chiếm ưu thế tuyệt đối ở nông thôn. Sự phát triển của phong trào HTX vừa qua với nhịp độ tương đối nhanh, thực chất là phong trào quần chúng rộng rãi căn bản là tốt". Đây là những thành tựu hết sức quan trọng, góp phần giúp Đảng bộ, Chính quyền, quân và dân Vĩnh Linh chuyển sang một giai đoạn mới cam go và khốc liệt hơn.
[1] Lịch sử Đảng bộ tỉnh Quảng Trị, Tập II, (1954 - 1975) - NXB Chính trị Quốc gia, trang 93.
[1] Lịch sử Đảng bộ tỉnh Quảng Trị, Tập II (1954 - 1975), NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1999, trang 91.


Các đồng chí trong Đảng uỷ, UBHC, Văn phòng UBHC khu vực Vĩnh Linh


Giai đoạn 1961 - 1965: 
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Bộ Chính trị, Đảng ủy và UBHC khu vực Vĩnh Linh đã triển khai thực hiện kế hoạch 5 năm lần thứ nhất "Khu vực Vĩnh Linh lấy phát triển nông nghiệp một cách toàn diện, mạnh mẽ, vững chắc làm trọng tâm nhằm giải quyết vấn đề lương thực: phải đủ tự túc hoàn toàn, và khoai sắn phải có thừa để bán, đồng thời ra sức phát triển cây công nghiệp… Trên cơ sở đó nâng cao đời sống vật chất và văn hoá của nhân dân lao động lên một bước vững chắc".
Trên cơ sở nhiệm vụ, phương hướng của kế hoạch 5 năm lần thứ nhất, mặc dù phải đối mặt với muôn vàn khó khăn, Văn phòng UBHC khu vực Vĩnh Linh đã tham mưu cho Lãnh đạo UBHC khu vực chỉ đạo, Lãnh đạo, điều hành toàn khu vực tiếp tục tập trung thực hiện hiệu quả Đề án phát triển kinh tế - xã hội 3 năm 1958 - 1960 của khu vực, đồng thời xác định 3 nhiệm vụ trọng tâm của giai đoạn 1961 -1965 là:
"1. Phát triển nông nghiệp một cách toàn diện mạnh mẽ, vững chắc, đẩy mạnh công nghiệp địa phương và thủ công nghiệp, giao thông vận tải, tăng cường thương nghiệp quốc doanh, hợp tác xã mua bán, chuẩn bị cơ sở, đưa dần nền kinh tế địa phương có cả công nghiệp và nông nghiệp cơ giới hoá.
2. Tiếp tục hoàn thành cải tạo XHCN đối với nông nghiệp, thủ công nghiệp và người buôn bán nhỏ, củng cố và tăng cường HTX với quy mô toàn xã, mở rộng quan hệ sản xuất XHCN, ra sức phát triển thành phần kinh tế quốc doanh ở địa phương.
3. Đi đôi với phát triển kinh tế, ra sức củng cố lực lượng vũ trang, tăng cường an ninh trật tự, đề cao cảnh giác trong cán bộ và nhân dân sẵn sàng đập tan mọi âm mưu của kẻ địch" [1].
Dưới sự chỉ đạo của Đảng ủy và UBHC khu vực, Văn phòng UBHC khu vực Vĩnh Linh cũng đã nỗ lực tham mưu, đề xuất thực hiện chủ trương "3 xây, 3 chống" do Hồ Chủ tịch đề xướng để nhanh chóng ổn định và phát triển. Toàn khu vực đã dấy lên một phong trào thi đua yêu nước với khẩu hiệu là "Vượt sóng Duyên Hải", "Nổi gió Đại Phong", Gióng trống Bắc Lý", phất cờ "Ba nhất" nhờ vậy mà toàn khu vực Vĩnh Linh đã có một sự đổi thay căn bản và thu được những kết quả hết sức to lớn trên tất cả các lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, văn hoá giáo dục và quốc phòng - an ninh.
Theo báo cáo của BCH Đảng bộ khu vực tại Đại hội Đại biểu lần thứ  III, ngày 03/6/1963sau 2 năm thực hiện Nghị quyết, các mặt kinh tế - văn hoá - xã hội, an ninh - quốc phòng đều có những tiến bộ nổi bật, đặc biệt là trên mặt trận sản xuất nông nghiệp và củng cố tăng cường quan hệ sản xuất XHCN. Năm 1962, đã khai hoang phục hoá đưa tổng diện tích gieo trồng lên 16.824 ha, tăng gấp gần 2 lần so với năm 1955. Tổng sản lượng lương thực đạt 23.297 tấn, bình quân lương thực đạt 370,5 kg/đầu người. Giá trị công nghiệp đạt 4.600.000 đồng, tăng 75,1% so với năm 1955. Công nghiệp địa phương năm 1962 tăng 42,7% so với năm 1961, thủ công nghiệp tăng 8%, các cơ sở điện lực, cơ khí, khai thác gỗ, gạch, vôi có nhiều cố gắng trong việc phục vụ sản xuất nông nghiệp và cải thiện đời sống nhân dân [2].
Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Khu vực, Văn phòng UBHC khu vực Vĩnh Linh đã chuẩn bị tốt nội dung để lãnh đạo UBHC Khu vực Vĩnh Linh trực tiếp làm việc với Chính phủ, các Bộ ngành Trung ương và được Chính phủ, các Bộ ngành Trung ương quan tâm hỗ trợ đầu tư xây dựng Công trình Thuỷ lợi La Ngà. Văn phòng UBHC Khu vực Vĩnh Linh đã kịp thời tham mưu và phối hợp với các ngành, các xã trong toàn khu vực do đồng chí Lê Cúc chỉ huy tổ chức huy động hàng ngàn ngày công, đào đắp hơn hàng triệu m3 đất, đá, để xây dựng công trình thuỷ lợi quan trọng này. Đây là một công trình có ý nghĩa kinh tế - xã hội to lớn, với sức chứa hơn 36 triệu m3 nước, phục vụ tưới tiêu cho hơn 1.500 ha lúa 2 vụ cho vùng lúa các xã Vĩnh Thuỷ, Vĩnh Lâm, Vĩnh Sơn, Vĩnh Long… tạo được một bộ mặt nông thôn mới XHCN ở mảnh đất đầu cầu giới tuyến. Phát huy hiệu quả của Công trình Thuỷ lợi La Ngà, lãnh đạo UBHC Khu vực Vĩnh Linh tiếp tục tổ chức xây dựng Đập chứa nước Bàu Nhum ở trên đất Lệ Thuỷ (Quảng Bình) để phục vụ tưới tiêu cho đồng ruộng của các xã Vĩnh Chấp, Vĩnh Hoà, Vĩnh Giang và một số xã đất đỏ vùng Đông của huyện.
Năm 1962, Đảng uỷ khu vực đã thành lập Ban chỉ đạo miền Tây - một địa bàn chiến lược của Vĩnh Linh để vận động đồng bào các dân tộc định canh định cư, tổ chức và ổn định sản xuất, bảo vệ tuyến an ninh biên giới
Tại Đại hội Đại biểu Đảng bộ khu vực lần thứ 3 đã nhận định: "Từ năm 1961 trở đi, Mỹ - Diệm ngang ngược phá hoại Hiệp  định Giơ-ne-vơ, phá hoại Quy chế khu phi quân sự, bắn súng khiêu khích sang bờ Bắc với mức độ ngày càng tăng. Trước tình hình đó phải xác định nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân Vĩnh Linh mà trước hết là các lực lượng vũ trang, bán vũ trang là: phải làm tròn nhiệm vụ của mình là bảo vệ giới tuyến, bảo vệ hoà bình, bảo vệ Đảng, bảo vệ nhân dân. Đối với lực lượng dân quân tự vệ, vừa có nhiệm vụ tác chiến tại chỗ, vừa trực tiếp bảo vệ lao động sản xuất, bảo vệ công cuộc xây dựng Chủ nghĩa xã hội. Để phòng thủ Vĩnh Linh về mọi mặt, phải tích cực xây dựng mạng lưới chiến tranh nhân dân, sẵn sàng đối phó với kẻ thù. Phải nắm chắc lực lượng dân quân tự vệ và lãnh đạo tốt 4 mặt: tổ chức, huấn luyện, trang bị và công tác. Đối với công tác quân sự phải xem nhiệm vụ đấu tranh chính trị hết sức quan trọng nhằm tăng cường công tác giáo dục đường lối, chính sách của Đảng, nâng cao giác ngộ XHCN cho cán bộ nhân dân để đẩy mạnh khí thế cách mạng sôi nổi. Nêu cao tinh thần cảnh giác cách mạng, đấu tranh chống mọi âm mưu của Mỹ - Diệm" [3]Đây là nhận định tổng quát, chuyển hướng chiến lược quan trọng để lãnh đạo, chỉ đạo sự phát triển của khu vực Vĩnh Linh, phù hợp với thời kỳ mới. Nhiệm vụ quan trọng lúc này là vừa chăm lo phát triển sản xuất, vừa phải sẵn sàng chiến đấu và trực tiếp phục vụ cho chiến đấu.
Trước tình hình đó, Văn phòng UBHC khu vực Vĩnh Linh đã linh hoạt, sáng tạo và nhạy bén tham mưu, đề xuất Lãnh đạo khu vực tiến hành nhiều biện pháp về phát triển kinh tế - xã hội, trong đó tập trung điều chỉnh, phân bổ lại dân cư nhằm tạo sự cân đối và hợp lý giữa lao động, đất đai và tài nguyên, trên cơ sở khai thác tốt tiềm năng thế mạnh của 3 vùng: vùng đất đỏ với diện tích 5.000 ha, tập trung phát triển cây công nghiệp xuất khẩu như: tiêu, chè, cao su…Vùng đất đồng tập trung thâm canh tăng năng suất cây lúa là chủ yếu; coi trọng phát triển chăn nuôi trâu, bò ở vùng gò đồi. Vùng miền núi thì phải vừa phát triển lúa nước, trồng và chế biến khoai, sắn vừa tích cực bảo vệ rừng đầu nguồn. Tham mưu chuyển hàng trăm hộ gia đình thuộc 2 xã Vĩnh Tú, Vĩnh Giang lên lập làng, lập nghiệp ở 2 xã Vĩnh Thuỷ, Vĩnh Sơn.
Đối với lĩnh vực giao thông vận tải, do yêu cầu, nhiệm vụ cấp bách mới, khu vực Vĩnh Linh thực hiện sự chỉ đạo của Trung ương đã tổ chức mở 3 tuyến đường quan trọng để phục vụ chiến đấu, chi viện sức người, sức của cho Miền Nam ruột thịt, đó là: tuyến đường Trường Sơn xuất phát từ miền Tây Vĩnh Linh vào đường 9; tuyến đường biển xuất phát từ Đức Lộc (Cửa Tùng) vào Cửa Việt; tuyến đường hợp pháp qua lại cầu Hiền Lương (tuyến này chỉ tồn tại trong một thời gian nhất định). Cả 3 tuyến đường này đều do Ban C10 - Bí danh của Phòng Liên lạc Miền Nam thuộc Ban Thống nhất Trung ương đặt tại khu vực Vĩnh Linh trực tiếp điều hành.
Ngày 3/10/1963, sau một thời gian chuẩn bị tích cực, Đảng uỷ và UBHC khu vực Vĩnh Linh tổ chức Hội nghị triển khai Chỉ thị 66/CT-TW ngày 11/9/1963 của Trung ương và đã ra Nghị quyết "Sẵn sàng đập tan mọi âm mưu của đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai tung gián điệp, biệt kích ra phá hoại Miền Bắc, phá hoại Vĩnh Linh". Bên cạnh đó, nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ hậu cứ cho tỉnh Quảng Trị, Vĩnh Linh đã xây dựng Bệnh viện Đa khoa mang tên "Bệnh viện Gio Cam" để kịp thời phục vụ chăm lo sức khoẻ, khám và điều trị cho cán bộ và nhân dân ở bờ Nam sông Bến Hải trong suốt cả thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Song song với cuộc sống học tập, lao động, sản xuất, phương án phòng thủ bảo vệ cuộc sống nhân dân, bảo vệ thành quả cách mạng trước sự đánh phá liều lĩnh điên cuồng của đế quốc Mỹ cũng đã được Đảng ủy, UBHC khu vực triển khai với sự tham mưu tích cực của bộ máy Văn phòng Đảng ủy và UBHC. Hệ thống hầm hào công sự, các trận địa đã được xây dựng ở tất cả các cơ quan, đơn vị, trường học, ở các làng xã, thôn xóm. Lực lượng dân quân tự vệ được củng cố và phát triển để quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết của Đảng uỷ khu vực tại Hội nghị ngày 26/3/1964: "Bất cứ trong tình huống nào, Vĩnh Linh cũng giữ vững vị trí đầu cầu của Miền Bắc XHCN, làm được nhiệm vụ chặn đứng âm mưu phá hoại của đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai của chúng"[4]Ngày 05/8/1964, đế quốc Mỹ tiến hành gây ra cuộc chiến tranh phá hoại Miền Bắc. Ngày 08/8/1964, máy bay Mỹ bắn phá đảo Cồn Cỏ và thường xuyên nã pháo từ hạm đội 7 của Mỹ ở ngoài biển khơi vào địa bàn các xã dọc tuyến biển của khu vực Vĩnh Linh và tỉnh Quảng Bình. Nhân dân Vĩnh Linh bước vào thời kỳ mới.
Sau 4 năm thực hiện kế hoạch 5 năm lần thứ nhất 1961 - 1965, với quyết tâm và khí thế cách mạng cao, toàn khu vực Vĩnh Linh đã đạt được những thành tựu rất to lớn và tự hào: đã hoàn thành cơ bản việc cải tạo quan hệ sản xuất cũ, xây dựng quan hệ sản xuất mới, xây dựng nông thôn mới. "Quyết tâm của Đảng bộ và Lãnh đạo khu vực là tích cực cải thiện và nâng cao đời sống của nhân dân đã trở thành hiện thực. Các đồi hoang cỏ dại biến thành rừng tiêu, bãi sắn. Đồng khô cỏ cháy biến thành đồng ruộng phì nhiêu, quanh năm mượt lúa hai mùa. Khu đồi Hồ Xá tiêu điều trở thành thị trấn XHCN phồn vinh như các thị trấn khác trên Miền Bắc. Con người đói khổ xưa kia nay thành con người làm chủ, hiên ngang đứng gác ở đầu cầu Miền Bắc XHCN"[5].
Từ 1954 - 1965, Văn phòng UBHC khu vực Vĩnh Linh ngoài việc trực tiếp tham mưu cho Lãnh đạo UBHC khu vực chỉ đạo, điều hành thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chiến lược, những mục tiêu quan trọng của từng thời kỳ như đã nêu ở trên, thì cũng đã trực tiếp giúp UBHC khu vực tổ chức hàng trăm Hội nghị tổng kết, hội nghị thi đua; đón tiếp hàng ngàn đoàn Đại biểu các Bộ, ngành Trung ương, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Chính phủ và các đoàn khách quốc tế vào thăm Vĩnh Linh. Đặc biệt đã tổ chức đón tiếp, phục vụ chu đáo, an toàn các Đoàn: Phó Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng (1959), Đại tướng Nguyễn Chí Thanh (1962), Thủ tướng Phạm Văn Đồng (1963),… và rất nhiều các đồng chí cán bộ cấp cao khác của Đảng, nhà nước vào thăm Vĩnh Linh. Văn phòng UBHC khu vực đã tham mưu, tổ chức thành công hàng trăm buổi lễ mít tinh kỷ niệm như: 10 năm, 15 năm và 20 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 02/9; 20 năm và 30 năm thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh, chào mừng Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam ra đời (20/12/1960), chào mừng những trận thắng giòn giã của quân dân Miền Nam như Ấp Bắc, Bình Giã, Vạn Tường…; triển khai các cuộc diễu hành, biểu dương lực lượng phản đối đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai Ngô Đình Diệm cố tình phá hoại Hiệp định Giơ-ne-vơ, lên án những cuộc đàn áp, tra tấn dã man đối với đồng bào yêu nước chúng ta ở Miền Nam như những vụ: Phú Lợi, Vĩnh Trinh, Mỏ Cày, Chợ Được, vụ xử bắn anh Nguyễn Văn Trỗi, vụ tra tấn dã man đối với chị Trần Thị Lý…
Trong bối cảnh đó, cán bộ lãnh đạo cùng nhân viên của Văn phòng UBHC khu vực Vĩnh Linh đã sát cánh cùng với các đồng chí lãnh đạo khu vực lặn lội về cơ sở, lên rừng, xuống biển để chỉ đạo sản xuất; xây dựng cơ sở, chỉ đạo phong trào. Với chức năng, nhiệm vụ của mình, Văn phòng UBHC khu vực cũng đã hoàn thành xuất sắc công tác phục vụ cho các đồng chí lãnh đạo khu vực nói chung, lãnh đạo UBHC khu vực nói riêng. Thường xuyên chăm lo xây dựng cơ sở vật chất, xây dựng trụ sở, củng cố hầm hào, bảo đảm an toàn tuyệt đối cho các đồng chí lãnh đạo; chăm lo bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ; nâng cao tinh thần trách nhiệm, ý thức giác ngộ cách mạng cho toàn thể lãnh đạo, cán bộ, công nhân viên Văn phòng.
Được sự ưu tiên hỗ trợ của Trung ương Đảng và sự dốc sức, dốc lòng của đồng bào cả nước, đến năm 1964, Văn phòng UBHC khu vực Vĩnh Linh đã tích cực tham mưu, giúp việc cho UBHC khu vực Vĩnh Linh xây dựng Vĩnh Linh với diện tích 820 km2 và 44.700 người tại thời điểm đó trở thành một trong những địa phương có nền kinh tế - xã hội khá phát triển với phong trào hợp tác hóa nông nghiệp phát triển nhất Miền Bắc, có nền công nghiệp chế biến nông - lâm - thủy sản phát triển tương đối toàn diện. Thương mại, dịch vụ nhà nước đóng vai trò chủ đạo, hệ thống HTX mua bán, HTX tín dụng mở rộng đến tận thôn, bản. Văn hóa, giáo dục, thể thao và y tế đã từng bước được củng cố và cải thiện. Vĩnh Linh là hình ảnh thể hiện đầy đủ những đặc tính ưu việt của chế độ XHCN, được cả nước và bạn bè quốc tế tin yêu trìu mến gọi Vĩnh Linh là “ viên kim cương đầu giới tuyến”; thực sự trở thành tiền đồn vững chắc của Miền Bắc XHCN, hậu phương trực tiếp của cách mạng Miền Nam và của Trị - Thiên ruột thịt [6].
Thời kỳ từ cuối năm 1954 đến đầu năm 1965 là thời kỳ cuộc đấu tranh của nhân dân Quảng Trị và nhân dân Vĩnh Linh diễn ra hết sức phong phú, đa dạng và độc đáo. Tuy nhiệm vụ cụ thể của mỗi khu vực có khác song đều phục vụ một mục tiêu chung là giải phóng hoàn toàn Miền Nam, bảo vệ Miền Bắc, vì sự nghiệp thống nhất đất nước.

  1. Nghị quyết Đại hội Đại biểu 3 Đảng bộ khu vực 1963, trang 169.


[2] Báo cáo của BCH Đảng bộ khu vực tại Đại hội Đại biểu lần thứ 3, ngày 3/6/1963, trang 172.
[3] Báo cáo BCH Đảng bộ khu vực tại Đại hội Đại biểu lần thứ III, ngày 3/6/1963, trang 172.
[4] Báo cáo BCH Đảng bộ khu vực tại Đại hội Đại biểu lần thứ III, ngày 03/6/1963.
[5] Báo cáo BCH Đảng bộ khu vực tại Đại hội Đại biểu lần thứ III, ngày 03/6/1963.
[6] Tỉnh ủy Quảng Trị - Bộ Quốc phòng: 40 năm giải phóng tỉnh Quảng Trị và chiến đấu bảo vệ Thành Cổ ( 1972 - 2012), NXB Chính trị Quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2012, trang 350.

Trường cấp 3 Vĩnh Linh bị đánh sập trong trận ném bom đầu tiên của giặc Mỹ  (08/02/1965)

Trong tình hình còn gặp rất nhiều khó khăn, Vĩnh Linh cũng đã có nhiều hoạt động cho dù ở mức khiêm tốn để chi viện cho địa bàn Quảng Trị, góp phần hỗ trợ phong trào cách mạng bên kia bờ Nam giới tuyến từng bước tiến lên, giành thắng lợi cuối cùng[1].
Trong gian khổ, hy sinh càng thấy rõ Văn phòng UBHC khu vực Vĩnh Linh là một tập thể vững mạnh, đoàn kết nhất trí, toàn tâm toàn ý, chung sức chung lòng để quyết tâm hoàn thành tốt tất cả những nhiệm vụ được giao, góp phần to lớn vào chặng đường phát triển một cách toàn diện, vững chắc trên tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh của Khu vực trong một giai đoạn lịch sử đầy cam go, thử thách của thời kỳ đầu khôi phục, hàn gắn vết thương chiến tranh và xây dựng Chủ nghĩa xã hội; xứng đáng là cơ quan làm việc đầy trách nhiệm và đáng tin cậy của Lãnh đạo khu vực Vĩnh Linh.
      Giai đoạn 1965 - 1973: 
Sau thời kỳ khôi phục và phát triển kinh tế, đặc biệt là sau khi thực hiện kế hoạch 5 năm lần thứ nhất, quan hệ sản xuất XHCN ở Vĩnh Linh từng bước được củng cố và hoàn thiện. Tình hình kinh tế - xã hội ngày càng ổn định, sản xuất phát triển mạnh, đời sống nhân dân được cải thiện và nâng cao. Tháng 8/1964,  Mỹ  đã tạo ra sự kiện Vịnh Bắc Bộ để bắt đầu cuộc chiến tranh phá hoại ra Miền Bắc bằng không lực, trong đó Vĩnh Linh là mục tiêu đánh phá hàng đầu. Ở Miền Nam, sau chiến lược chiến tranh đặc biệt bị thất bại, nguỵ quyền Sài Gòn nguy cơ bị sụp đổ, đế quốc Mỹ hoảng loạn, lồng lộn đưa quân trực tiếp nhảy vào Miền Nam, thực hiện cuộc chiến tranh cục bộ, đồng thời huy động một lực lượng lớn không quân, hải quân tiến hành cuộc chiến tranh phá hoại Miền Bắc. Chúng tập trung đánh phá ác liệt các cơ sở kinh tế trọng điểm, các khu vực bệnh viện, trường học, chợ, đường giao thông, các thành phố lớn, các khu dân cư hòng uy hiếp tinh thần nhân dân Miền Bắc, buộc nhân dân Miền Bắc từ bỏ nghĩa vụ thiêng liêng của mình đối với Miền Nam ruột thịt.
Cả khu vực Vĩnh Linh đã sẵn sàng bước vào cuộc chiến mới, thực hiện 2 nhiệm vụ chiến lược song song: trực tiếp chiến đấu, phục vụ chiến đấu, phục vụ tiền tuyến và tiếp tục tổ chức sản xuất bảo đảm cuộc sống trong thời chiến.


[1] Lịch sử Đảng bộ tỉnh Quảng Trị, Tập II, (1954 - 1975) -  NXB Chính trị Quốc gia, trang 195.

UBHC khu vực Vĩnh Linh tại Khu sơ tán xã Vĩnh Hoà

Thấy rõ tầm quan trọng và vị trí chiến lược của Vĩnh Linh, đế quốc Mỹ đã điên cuồng bắn phá và chọn Vĩnh Linh - mảnh đất tuyến đầu của Miền Bắc, hậu phương lớn trực tiếp của Miền Nam ruột thịt để làm mục tiêu trọng điểm huỷ diệt của chúng. Để thực hiện âm mưu đó, ngày 08/8/1964, chúng bắt đầu đánh phá đảo Cồn Cỏ. 1 giờ sáng 30 Tết Ất Tỵ (02/02/1965), lợi dụng lúc nhân dân ta vui đón giao thừa, chúng cho tàu biệt kích lẻn vào Vĩnh Thái khiêu khích, thăm dò và 14 giờ 30 phút ngày 08/02/1965, chúng đã cho 82 lần chiếc máy bay chia thành 14 tốp (cả máy bay phản lực F105, F4H, AD6) ồ ạt tập trung đánh phá các mục tiêu: Doanh trại Sư đoàn 341 (đóng ở Vĩnh Chấp), Xí nghiệp chế biến Chè hương Bến Hải, Xí nghiệp gỗ Lê Thế Hiếu, Trường cấp 3, Đài Anh hùng (ở Trung tâm thị trấn Hồ Xá)… chính thức mở đầu cho cuộc chiến tranh phá hoại lớn nhất, dài nhất (9 năm từ 1965 - 1973) tàn bạo nhất trong lịch sử nhân loại đối với mảnh đất nhỏ hẹp Vĩnh Linh
Trong suốt những năm 1965 - 1972Vĩnh Linh liên tục bị đánh phá với tổng cộng hơn nửa triệu tấn bom đạn các loại. Đế quốc Mỹ đã sử dụng tất cả các loại máy bay, đại bác, bom đạn, chất độc hóa học, các phương tiện chiến tranh hiện đại nhất, tối tân nhất với dã tâm hủy diệt hậu phương Vĩnh Linh. Kết hợp với đánh phá bằng quân sự, chúng tăng cường chiến tranh tâm lý: thả đài bán dẫn, đồ chơi trẻ em, truyền đơn chiêu hồi, tung nhiều toán biệt kích xuống miền núi, miền biển, tung gián điệp con thoi qua giới tuyến để nằm vùng, điều tra lực lượng quân sự, cơ quan lãnh đạo, kho tàng, nắm lực lượng và sự động tĩnh của quân đội ta. Tổn thất, mất mát và hy sinh của quân và dân Vĩnh Linh giai đoạn này là cực kỳ to lớn. Toàn bộ cơ sở hạ tầng đã được xây dựng thời kỳ đầu hoàn toàn bị san phẳng. Hàng ngàn cán bộ, chiến sĩ và đồng bào ta đã ngã xuống trong cuộc chiến đầy máu lửa hy sinh này. Tính bình quân, mỗi người dân Vĩnh Linh nói riêng và Quảng Trị nói chung đã phải gánh chịu 7 tấn bom đạn Mỹ. Song, Khu ủy, chính quyền, quân và dân Vĩnh Linh đã chuẩn bị sẵn sàng, phối hợp chặt chẽ với các đơn vị chủ lực bắn rơi 293 máy bay các loại của giặc Mỹ, trong đó có 7 máy bay ném bom chiến lược B52, bắt sống nhiều giặc lái, bắn chìm và cháy 69 tàu chiến.
Để kịp thời rút kinh nghiệm, phát huy những thắng lợi trên mặt trận sản xuất và chiến đấu, thực hiện sự chỉ đạo của lãnh đạo khu vực, Văn phòng UBHC khu vực Vĩnh Linh đã giúp lãnh đạo khu vực Vĩnh Linh tổ chức thành công Hội nghị tổng kết phong trào thi đua 4 năm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược (1965 - 1968).
Trong 9 năm oanh liệt, gian khổ và hào hùng, Văn phòng UBHC khu vực Vĩnh Linh mặc dù đội ngũ ít, cơ sở vật chất thiếu thốn (vì đã bị đánh phá hoàn toàn sau 08/02/1965), bao nhiêu lần chuyển đổi nơi làm việc từ hầm lán, xuống dưới lòng địa đạo ở Liêm Công Tây, rồi xã Vĩnh Hoà, Vĩnh Hiền, Vĩnh Nam cuối cùng trở về thị trấn Hồ Xá (sau khi ký Hiệp định Paris). Cán bộ, công nhân viên Văn phòng vẫn ngoan cường bám trụ, trở thành cơ quan tham mưu đắc lực cho UBHC khu vực Vĩnh Linh tổ chức chỉ đạo, thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ, mục tiêu hết sức trọng đại của thời kỳ này là thực hiện tốt công tác phòng tránh để đảm bảo chiến đấu tốt, sản xuất tốt, chủ động hậu cần tại chỗ.


Hoạt động cứu thương trong thời chiến

Ngày 03/6/1965, Văn phòng UBHC khu vực Vĩnh Linh đã phục vụ tốt việc tiếp đón, làm việc với Đoàn lãnh đạo cấp cao của Đảng, Chính phủ vào thăm Vĩnh Linh, gồm các đồng chí: Lê Văn Lương, Phạm Hùng, Tố Hữu, Hoàng Anh, Nguyễn Văn Trân. Trên cơ sở quán triệt ý kiến chỉ đạo của Đoàn, Đảng uỷ khu vực Vĩnh Linh tổ chức cuộc họp vào ngày 31/7/1965 và đã ra Nghị quyết: "Tiếp tục cải tạo địa hình, xây dựng làng chiến đấu, cần phát triển mạnh các loại vũ khí thô sơ có chọn lọc, nâng cao nhằm tăng khả năng sát thương địch phù hợp với tính chất quần chúng để phát triển rộng rãi. Có kế hoạch cụ thể về sơ tán dân, kho tàng. Tiếp tục củng cố dân quân tự vệ, phải đưa số dân quân có kinh nghiệm trong kháng chiến, bộ đội phục viên, chuyển ngành vào dân quân để tăng sức mạnh và kinh nghiệm chiến đấu".










 


Dân quân Vĩnh Linh bắt sống giặc lái Mỹ

Nghị quyết trên đã góp phần chuyển biến mọi hoạt động của UBHC khu vực Vĩnh Linh cũng như Văn phòng UBHC khu vực. Cơ quan Văn phòng UBHC khu vực Vĩnh Linh thời kỳ đầu đã trực tiếp tham mưu các chủ trương sơ tán nhân dân, các cơ quan, trường học, bệnh viện về khu vực nông thôn. Đến tháng 5/1965, phần lớn nhân dân thị trấn được sơ tán về các địa phương. Một bộ phận nhân dân các xã lên lập làng mới, sinh sống lâu dài ở miền Tây xã Vĩnh Thuỷ. Các cơ quan ban ngành chức năng ban ngày phân tán về những địa phương theo quy định, ban đêm trở về cơ quan tiếp tục vận hành công tác. Khi cường độ đánh phá của máy bay Mỹ dày đặc và căng thẳng hơn thì UBHC khu vực đã chỉ đạo nhân dân thị trấn sơ tán triệt để. Các ngành kinh tế quốc dân kịp thời chuyển sang thời chiến. Chợ chuyển sang họp đêm. Địch đánh phá ác liệt thì giải tán chợ, hợp tác xã nông nghiệp, mua bán đảm nhiệm khâu phân phối nên giá cả thị trường vẫn ổn định. Hầu hết lực lượng thanh niên, lao động khoẻ đều được tuyển chọn kết nạp vào lực lượng dân quân tự vệ để trực sẵn sàng chiến đấu.Trên lĩnh vực sản xuất, UBHC khu vực phát động phong trào toàn khu vực học tập và làm theo HTX Nam Hồ với 3 bài học lớn do Anh hùng Lao động Đinh Như Gia khởi xướng là: Thực hiện bám đất, bám HTX, bám địch để sản xuất và chiến đấu; Tổ chức sản xuất như tổ chức chiến đấu, ra đồng sản xuất phải có chỉ huy, có bộ phận cứu thương, tải thương, có hầm hào. Trong bất cứ tình huống nào vẫn phải giữ được 3 quản (quản lý lao động, quản lý sản xuất, quản lý tài vụ) và 3 khoán (khoán công điểm, khoán chi phí, khoán sản lượng) và vận dụng phù hợp với tình hình mới. Tiếp tục chỉ đạo tiến công vào khoa học kỹ thuật, cải tiến nông cụ, cải tiến quản lý HTX, thâm canh tăng năng suất, kiến thiết đồng ruộng; bờ vùng bờ thửa, kiên quyết không để một tấc đất bỏ hoang. Với khẩu hiệu: "Cuốc cày là vũ khí, nhà nông là chiến sỹ", bom thả xuống ruộng thì quyết tâm lấp lại để tiếp tục sản xuất, nơi nào không lấp được thì trồng khoai, môn, sắn, trồng cây này hết thời vụ thì phải có kế hoạch trồng ngay cây khác, đưa cơ khí nhỏ vào nông nghiệp như: máy xay xát, máy bơm nước, xây dựng cơ sở ngâm ủ giống, thành lập 13 cơ sở sản xuất nông cụ….
Mùa xuân 1965, đảo nhỏ Cồn Cỏ đi vào lịch sử, trở thành biểu tượng sáng chói của chủ nghĩa Anh hùng cách mạng. Đảo trụ vững, tồn tại nhờ sự chi viện, tiếp tế sức người, sức của của đất liền Vĩnh Linh. Với quyết tâm: "Còn đất liền còn đảo và còn đảo còn đất liền", hàng ngàn lá đơn tình nguyện, có lá đơn viết bằng máu của các cụ già 60 - 70 tuổi ở các xã vùng biển Vĩnh Giang, Vĩnh Quang, Vĩnh Thạch, Vĩnh Thái xung phong ra đảo. Vĩnh Linh mở con đường máu đầy hy sinh thử thách từ Vịnh Mốc ra đảo. 11 chiếc thuyền đầu tiên chở vũ khí, lương thực và nước ngọt ra đảo trót lọt, máy bay trinh sát của địch dò la, phát hiện gọi máy bay phản lực đến ném bom chặn đường tiếp tế ra đảo. Hy sinh, mất mát chất chồng, những chiến sỹ cảm tử tiếp đảo đã lấy biển làm hầm, lấy mạn thuyền làm công sự, đánh địch mà đi, vượt qua mưa bom, bão đạn vẫn quyết tâm đưa hàng ra đảo. Biết bao tấm gương sáng chói của người dân Vĩnh Linh đã hy sinh cho đảo Cồn Cỏ đứng vững, trường tồn. Tiêu biểu nhất là Anh hùng lực lượng vũ trang Lê Văn Ban - là một Thuyền trưởng đầy mưu trí và dũng cảm. Nhiều lần thuyền gỗ của ông đã thắng tàu sắt của giặc. Có lần trên đường tiếp tế ra đảo, vừa chống chọi với máy bay, tàu chiến, vừa chống chọi với mưa bão; thuyền ông lạc vào vùng biển phía Nam, ông vẫn bình tĩnh cử người lên bờ tìm bắt liên lạc với cơ sở của ta. Sáng hôm sau cùng phối hợp với du kích vùng Cửa Việt tổ chức chống địch càn thắng lợi. Ông tặng lại toàn bộ vũ khí cho du kích địa phương rồi đưa thuyền trở ra Bắc an toàn. Trong quá trình đầy gian khổ đó, hàng chục ngàn tấn vũ khí, kể cả pháo 85 ly, lương thực, thực phẩm, nước ngọt, vật dụng,… đã được những chiếc thuyền gỗ chạy buồm, chèo tay đơn sơ chở từ đất liền tiếp tế ra đảo cho các chiến sỹ ở đảo anh dũng kiên cường, giữ vững đảo tiền tiêu của Tổ quốc. Đảo Cồn Cỏ anh hùng đã bắn cháy 48 máy bay Mỹ (trong đó có 29 chiếc rơi tại chỗ). Có ngày bắn rơi 4 chiếc (có lần trong 2 giờ đã bắn rơi 3 chiếc). Bắn cháy 17 tàu chiến và hải thuyền của địch, có trận chỉ 2 phát đạn pháo mặt đất đã nhấn chìm 1 thuỷ phi cơ Mỹ, trong đó có nhiều tên giặc lái mà nó vừa cứu được… Giữa bao gian lao của đạn bom, các chiến sỹ trên đảo vẫn tranh thủ sản xuất, đánh cá để cải thiện bữa ăn hàng ngày, vẫn giải trí, vui chơi với niềm tự hào lạc quan của người chiến thắng. Với những thành tích vang dội nêu trên, Cồn Cỏ vinh dự 2 lần được Đảng và Nhà nước tuyên dương đơn vị Anh hùng, nhiều cá nhân được tuyên dương Anh hùng lực lượng vũ trang như: Thái Văn A, Nguyễn Tăng Mật, Cao Văn Khang… Cán bộ, chiến sỹ đảo được tặng Huân chương Độc lập hạng Hai và hàng trăm Huân chương quân công, chiến công khác. Đảo vinh dự được Bác Hồ khen tặng 2 câu thơ:
"Cồn Cỏ nở đầy hoa thắng trận,
Đánh cho tan xác giặc Huê Kỳ"

Năm 1965, mặc dù đã chuyển qua thời chiến, nhưng Lãnh đạo UBHC khu vực chủ trương vẫn tiếp tục tận dụng và đẩy mạnh công tác đấu tranh công khai với cảnh sát nguỵ để phục vụ yêu cầu bảo vệ giới tuyến. Càng ngày, máy bay địch càng tập trung đánh mạnh vào khu vực cột cờ và đồn Công an vũ trang Hiền Lương. 11 lần cột cờ bị gãy đổ, 11 lần ta lại kiên trì anh dũng dựng lên. Lá cờ bị đạn xé, thì Vĩnh Linh xuất hiện ngay Mẹ Diệm vá cờ. Mỹ nguỵ biết ý nghĩa sâu sắc của lá cờ đối với đồng bào bờ Nam ruột thịt nên chúng quyết tâm đánh hạ lá cờ cho bằng được. Song cán bộ chiến sỹ Công an vũ trang đồn Hiền Lương vượt qua bom đạn, không tiếc máu xương quyết giương cao lá cờ Tổ quốc trên tuyến đầu Miền Bắc XHCN.Năm 1965 là năm đầu chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ nhưng nông nghiệp Vĩnh Linh lại được mùa chưa từng có (sản lượng lúa cả năm đạt 18.136 tấn, tăng 7,5% kế hoạch và vượt 13% so với năm 1963, là năm được mùa nhất trong 10 năm trước đó; Sản lượng màu cũng tăng 11%, làm nghĩa vụ cho Nhà nước 5.300 tấn thóc, 1.000 tấn màu, tăng 13% kế hoạch nghĩa vụ Nhà nước giao). Đời sống nhân dân cơ bản được ổn định, tăng thêm tiềm lực kinh tế đáng kể cho quốc phòng. Các lĩnh vực khác như: Công nghiệp, Thủ công nghiệp, Giao thông vận tải, Bưu điện, Giáo dục, Y tế, Văn hoá vẫn được giữ vững.







Đến năm 1966, mức độ đánh phá, huỷ diệt của địch càng ác liệt hơn. Đi đôi với việc đánh phá trên không, trên biển, thời gian này địch ráo riết tung biệt kích, gián điệp do thám phá hoại giới tuyến, không ngừng đẩy mạnh chiến tranh tâm lý, rải truyền đơn xuyên tạc, bôi nhọ chế độ; dùng hàng hoá để lôi kéo, mua chuộc. Do yêu cầu của tình

Lao động, sản xuất của người dân Vĩnh Linh trong thời kỳ chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ

 hình, đồng chí Hồ Sỹ Thản - Bí thư Đảng uỷ khu vực được Trung ương điều động tăng cường cho chiến trường B. Đồng chí Trần Đồng - nguyên Chủ tịch UBHC khu vực thay giữ chức Bí thư Đảng uỷ khu vực và đồng chí Lê Thanh Liêm thay thế đồng chí Trần Đồng làm Chủ tịch UBHC khu vực. Trong giai đoạn này, toàn khu vực đã đề bạt 30 cán bộ các Ty, Sở và Văn phòng UBHC khu vực đồng thời tiến hành kiện toàn, bổ sung bộ máy của các tổ chức thanh niên, hội phụ nữ và các hội đoàn thể khác nhằm tập trung thực hiện nhiệm vụ trong tình hình mới: chiến đấu, phục vụ chiến đấu, phục vụ tiền tuyến là nhiệm vụ hàng đầu, sản xuất là tự cứu.
Ngày 17/7/1966, Bác Hồ ra lời kêu gọi đồng bào chiến sỹ cả nước quyết chiến đấu bảo vệ nền độc lập tự do của Tổ quốc: Chiến tranh có thể kéo dài 5 năm, 10 năm, 20 năm hoặc lâu hơn nữa. Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố, xí nghiệp có thể bị tàn phá. Song nhân dân Việt Nam quyết không sợ. Không có gì quý hơn độc lập tự do. Đến ngày thắng lợi, nhân dân ta sẽ xây dựng lại đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn. Hưởng ứng lời kêu gọi chống Mỹ cứu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Chỉ thị của Ban Bí thư Trung ương Đảng, cả khu vực Vĩnh Linh đã dấy lên một phong trào thi đua quyết tâm "Tay cày tay súng, tay búa tay súng, tay bút tay súng. Giặc đến chiến đấu, giặc đi sản xuất".





 

Mọi sinh hoạt đều chuyển xuống dưới lòng đất

Hàng ngàn lá đơn bày tỏ quyết tâm xin được bám trụ, sản xuất, chiến đấu, phục vụ tiền tuyến. Khắp các công nông trường, xí nghiệp trường học ra sức thi đua thực hiện làm thêm giờ chống Mỹ cứu nước. Ra sức phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, cải tiến tổ chức lao động, cải tiến quản lý, quyết tâm đạt 3 điểm cao: năng suất cao, chất lượng tốt, tiết kiệm nhiều. Thanh niên với phong trào "3 sào, 5 việc", phụ nữ với phong trào "3 đảm đang", lực lượng vũ trang, bán vũ trang và an ninh với quyết tâm bất luận trong tình huống nào cũng chủ động đánh thắng địch.Đối với nhiệm vụ sản xuất, lãnh đạo khu vực đã khẳng định và quyết tâm tập trung chỉ đạo: "Trong hoàn cảnh xa Trung ương, dễ bị chia cắt, phải tự lực cánh sinh, đồng thời phải thấy rõ Vĩnh Linh là một huyện được giải phóng của tỉnh Quảng Trị, trong lúc tỉnh nhà đang trực tiếp chống Mỹ cứu nước, cần sự chi viện về mọi mặt, là hậu phương trực tiếp của chiến trường Trị - Thiên. Sản xuất trong hoàn cảnh chiến đấu ác liệt cũng có thể đổ máu như chiến đấu. Tranh thủ mọi thời cơ, tập trung cao độ mọi năng lực và trí tuệ vào mặt trận sản xuất nông nghiệp, có ăn, có dự trữ cho chiến đấu lâu dài và giữ vững các mặt sản xuất công nghiệp, giao thông vận tải, bưu điện, truyền thanh thường xuyên thông suốt"[1]











Về Giáo dục, ngoài ngành học phổ thông, vỡ lòng, mẫu giáo, Lãnh đạo khu vực chủ trương đẩy mạnh công tác bổ túc văn hoá, trong đó yêu cầu bắt buộc là tất cả các cán bộ chủ chốt của các cơ quan, đơn vị, các Hội, Đoàn thể và các HTX phải có trình độ từ lớp 7/10 trở lên. Các lớp học được tổ chức dưới các căn hầm vững chắc, kiên cố với 1 tuần 2 tối, hoặc cả ngày chủ nhật. Bệnh viện Vĩnh Linh cũng được chuyển về xã Vĩnh Tú, một bộ phận chuyển qua HTX Tiên Lai, xã Vĩnh Lâm, các trạm xá xã, bệnh xá nông trường được củng cố để kịp thời khám chữa bệnh cho nhân dân, kết hợp với công tác cứu thương cho cán bộ, chiến sỹ dân quân tự vệ và bộ đội.

Làng Vịnh Mốc trước và sau 1 đợt ném bom hủy diệt của giặc Mỹ


Càng ngày đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai càng tổ chức đánh phá ác liệt hơn. Một chiến dịch mới, một quyết tâm mới được phát động, đó là: "Phải quân sự hoá toàn dân, công sự hoá toàn khu vực" để bảo đảm lực lượng, tiếp tục bám trụ vừa học tập, vừa sản xuất, vừa trực tiếp chiến đấu và phục vụ chiến đấu.
Toàn khu vực các loại hầm bắt đầu được xuất hiện: hầm hội họp, sinh hoạt văn hoá, văn nghệ; hầm làm bệnh viện, trạm xá, trường học, hầm nhà trẻ, nhà tắm, hầm cho người ở, hầm trú ẩn cho trâu bò…. Hầm được đào tại đồi, nương; hầm đào tại đồng ruộng, hầm rơm lưu động tránh bom bi.
Lúc này, hệ thống giao thông hào được đào chằng chịt để thay cho tất cả mọi con đường đi trên mặt đất. Đỉnh cao cho quyết tâm bám trụ kiên cường, quyết đánh và quyết thắng giặc Mỹ xâm lược là một hệ thống địa đạo - làng hầm lần lượt được đào bằng cả sức mạnh của ý chí, niềm tin và trí tuệ thông minh tuyệt vời của người dân Vĩnh Linh anh hùng, chằng chịt xuất hiện đều khắp cả khu vực Vĩnh Linh. Trong thời kỳ này, Văn phòng UBHC khu vực cũng đã tổ chức triển khai xây dựng địa đạo cho Đảng uỷ khu vực và UBHC khu vực, bảo đảm tốt cho sự Lãnh đạo, chỉ đạo điều hành sản xuất, chiến đấu và phục vụ chiến đấu của Lãnh đạo khu vực và bảo đảm sự an toàn tuyệt đối cho cơ quan đầu não của khu vực. Đặc biệt là hệ thống hầm, hào và địa đạo của cơ quan UBHC khu vực Vĩnh Linh do Văn phòng ngày đêm vừa công tác, vừa xây dựng tại nhà ông Sách ở thôn Liêm Công Tây (xã Vĩnh Hoà). Đây là cơ sở ăn ở, sinh hoạt, làm việc của lãnh đạo Uỷ ban, Văn phòng và cũng là nơi lãnh đạo khu vực tiếp nhiều đoàn khách quốc tế, Trung ương vào thăm và làm việc tại khu vực Vĩnh Linh. Căn hầm địa đạo này tồn tại mãi trong suốt 6 năm (từ 1967 -1973). Trong số 114 địa đạo trong toàn bộ hệ thống làng địa đạo Vĩnh Linh với tổng chiều dài gần 40 km thì làng địa đạo Vịnh Mốc thuộc xã Vĩnh Thạch là một công trình kỳ vỹ, độc đáo với hệ thống đường hầm dài trên 2.000m, gồm 3 tầng (tầng 1 có độ sâu 8 - 10m, tầng 2 sâu từ 15 - 18m, tầng 3 sâu từ 20 - 23m) có 13 cửa, và 8 lỗ thông hơi. Bên trong làng hầm, có 3 giếng nước, có hội trường hội họp và sinh hoạt văn nghệ, có bệnh xá, nhà trẻ, nhà tắm, bếp nấu ăn, nhà trực chiến, kho vũ khí lương thực, 96 căn hộ gia đình, nhà hộ sinh, đặc biệt đã có 17 cháu được sinh ra tại đây … Đây cũng là nơi trực tiếp tiếp tế cho đảo Cồn Cỏ trong những tháng năm ác liệt nhất. Có thể nói làng hầm địa đạo Vịnh Mốc là một tượng đài Anh hùng được xây dựng trong lòng đất, là niềm kiêu hãnh tự hào của người dân Vĩnh Linh trong thời kỳ chống Mỹ cứu nước và cũng là một bài học sinh động cho sự bứt phá vươn lên "Tồn tại hay không tồn tại" (To be or not to be) để làm nên chiến thắng của cha ông đối với thế hệ trẻ hôm nay. Đây là sản phẩm lịch sử kết tinh từ lòng yêu nước và chủ nghĩa anh hùng cách mạng, thể hiện ý chí, bất khuất, kiên cường cùng với sự sáng tạo tuyệt vời, sự yêu chuộng hòa bình của quân và dân Vĩnh Linh, Quảng Trị nói riêng và toàn dân tộc Việt Nam nói chung. Ở góc độ chiến lược quân sự, di tích địa đạo Vịnh Mốc và hệ thống làng hầm Vĩnh Linh tái hiện lại mô hình làng chiến đấu, một chiến tuyến độc đáo trong lịch sử chiến tranh nhân dân Việt Nam.
Tháng 7/1966, Văn phòng UBHC khu vực Vĩnh Linh đã tham mưu tổ chức đón tiếp, phục vụ chu đáo, an toàn cho Đoàn Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hữu Dực vào thăm, làm việc với lãnh đạo khu vực. Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Trung ương và của Phó Thủ tướng, lãnh đạo khu vực quyết định tổ chức sơ tán cho người già, phụ nữ, trẻ em an toàn.

Trích sơ đồ đường đi, các trạm đón tiếp cuộc " Vạn lý trường chinh" của học sinh K8 và đồng bào K10, K15 do Văn phòng UBHC khu vực Vĩnh Linh xây dựng


Thực hiện chủ trương lớn của Trung ương và của Bác Hồ, được sự phân công của UBHC khu vực, đồng chí Trần Đức Hạnh là Uỷ viên Thư ký Uỷ ban, trực tiếp làm Trưởng Ban K8, để chuẩn bị kế hoạch và lên phương án tổ chức thực hiện chiến dịch mới. Năm 1967, Văn phòng UBHC khu vực trực tiếp tham mưu cho lãnh đạo khu vực tổ chức thành công 2 chiến dịch đầy gian truân, thử thách đó là chiến dịch K8 (Kế hoạch 8: sơ tán hơn 3 vạn học sinh Vĩnh Linh ra học tập ở Nghệ An, Thanh Hoá, Ninh Bình, Nam Hà, Thái Bình và Quảng Ninh) và chiến dịch K10 do đồng chí Lưu Đức Huân Phó Chủ tịch UBHC khu vực, trực tiếp làm Trưởng ban (Kế hoạch 10: sơ tán toàn bộ hơn 3,5 vạn những người già yếu, tàn tật, phụ nữ có con nhỏ dưới 5 tuổi ra sinh sống tại 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh). Có thể nói đây thực sự là một cuộc "Vạn lý trường chinh" có một không hai trong lịch sử Vĩnh Linh và của cả nước. Đặc biệt, kế hoạch di chuyển Trường cấp III Vĩnh Linh ra huyện Tân Kỳ (Nghệ An) là một chủ trương đúng đắn, có tầm chiến lược về giáo dục và đào tạo cán bộ trong thời kỳ ác liệt nhất để sau đó nhiều học sinh ra trường đã trở thành những cán bộ cốt cán, những chiến sỹ xuất sắc của tỉnh và khắp cả mọi miền đất nước. Vượt qua biết bao thử thách gian nguy, hàng trăm đợt đưa các cháu và dân đi ra tuyến sau đều bảo đảm an toàn, hạn chế tối đa thương vong. Tấm gương dũng cảm của lái xe Trần Chí Thành vượt qua mưa bom bão đạn, bật đèn sáng cho xe chạy vòng thu hút máy bay địch về phía mình để cứu đoàn xe chở trên 400 cháu thoát ra an toàn đã được Đảng, Nhà nước và nhân dân ghi nhận và phong tặng danh hiệu cao quý Anh hùng Lao động.
Kết thúc 2 năm thực hiện kế hoạch K8, hơn 3 vạn học sinh Vĩnh Linh (trong đó có các cháu ở 2 huyện Gio - Cam ở bờ Nam sơ tán ra bờ Bắc) đã tập kết an toàn, ổn định sinh hoạt ở các huyện của một số tỉnh phía Bắc. Văn phòng UBHC khu vực đã trực tiếp tham mưu cho lãnh đạo khu vực đưa cán bộ, giáo viên Vĩnh Linh ra cùng với các cháu, phối hợp với ngành giáo dục các tỉnh bạn, lãnh đạo và nhân dân các huyện đùm bọc, nuôi nấng con em Vĩnh Linh cùng chăm lo cuộc sống, bảo đảm học tập cho các cháu. Có thể nói, học sinh K8 ở bất cứ tỉnh nào đều phát huy tốt truyền thống bản chất hiếu học của quê hương: học giỏi, chăm ngoan. Nhiều em đã phấn đấu trở thành những tấm gương tiêu biểu cho học sinh ở các địa phương bạn học tập. Đây cũng là lực lượng tăng cường cho các đơn vị chiến đấu trên chiến trường Quảng Trị đầy gian khổ, ác liệt giai đoạn năm 1970 - 1972 và là nguồn cán bộ chủ chốt của nhiều địa phương, Ty, Ban, ngành, Đoàn thể tỉnh Quảng Trị lúc bấy giờ.
Văn phòng UBHC khu vực Vĩnh Linh cũng đã trực tiếp tham mưu cho lãnh đạo khu vực thành lập Phòng 10 tại Tân Kỳ (Nghệ An) để phối hợp với lãnh đạo tỉnh Nghệ An, huyện Tân Kỳ sớm sắp xếp ăn ở, tổ chức sản xuất ổn định đời sống cho trên 3,5 vạn đồng bào sơ tán. Nhờ sự giúp đỡ chí tình của tỉnh Nghệ An mà trực tiếp là Đảng bộ và nhân dân huyện Tân Kỳ, bà con ta ở quê mới đã hăng hái thành lập các HTX, các tập đoàn sản xuất, nhanh chóng bắt tay vào xây dựng nhà cửa, phát rẫy làm nương. Cuộc sống dần dần đi vào ổn định và từng bước được nâng cao. Nhiều hộ bắt đầu có của ăn, của để, giảm bớt dần gánh nặng trợ cấp cho Nhà nước. Mối quan hệ giữa cán bộ và nhân dân đối với đồng bào K10 ngày càng tốt đẹp. Nhiều kinh nghiệm trong canh tác, sản xuất, chế biến hoa màu của Vĩnh Linh được bà con các dân tộc ở Tân Kỳ nghiên cứu, học tập, ứng dụng. Hai loại cây trồng mới của Vĩnh Linh đã bắt đầu được phát triển ở Tân Kỳ: hồ tiêu và dong riềng. Thông qua sự phối hợp công tác của UBHC và Văn phòng UBHC Khu vực, 5.000 nhân dân các xã vùng biển: Vĩnh Quang, Vĩnh Thái, Vịnh Mốc (Vĩnh Thạch) ra Can Lộc và Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh đã sớm ổn định ăn ở, sản xuất, xây dựng cuộc sống mới.

Chỉ đạo của Chính phủ về ổn định cuộc sống K10
 

Thua đau ở chiến trường Miền Nam và thất bại thảm hại của cuộc chiến tranh phá hoại Miền Bắc để "đè bẹp" ý chí của dân tộc ta, Mỹ, ngụy càng điên cuồng, cay cú đánh phá Vĩnh Linh và các tỉnh ở Miền Bắc ở cấp độ khốc liệt và dã man hơn.

Chia lửa với quân và dân Cồn Tiên, Dốc Miếu

Chưa bao giờ bom toạ độ thả dày đặc xuống Vĩnh Linh như lúc này. Cứ 15 phút là một loạt toạ độ, chúng dựng lên một bức tường lửa dọc sông Bến Hải (từ hạm đội ở ngoài biển và triển khai lực lượng đóng chốt trong đất liền) để ngăn chặn sự chi viện của Vĩnh Linh đối với Quảng Trị và các tỉnh Miền Nam. Đối mặt của Vĩnh Linh lúc này là hơn 25.000 quân Mỹ nguỵ ở bờ Nam và lực lượng pháo binh được tăng cường trên toàn bộ các tuyến: Dốc Miếu, Cồn Tiên và Đường 9 với hệ thống các loại pháo hạng nặng 105 ly, 155 ly và "Vua chiến trường" 175 ly. Chúng tổ chức rải truyền đơn đe doạ xuống Vĩnh Linh "Những súng đại bác cực nhanh này đã bắn chưa? Chưa. Nếu đã bắn thì các bạn đâu còn đọc được truyền đơn này". Phóng viên hãng Thông tấn Anh Reuter phát đi bản tin "Các đại bác lớn nhất của Mỹ đã hoàn thành ngày thứ nhất cuộc tiến công liên tục vào Bắc Việt Nam. Các đại bác này thường xuyên bắn qua khu phi quân sự vào đêm chủ nhật. Những quả đạn nặng 68 kg được đặt trên một cao nguyên trống trải ở ngay phía Nam giới tuyến quân sự. Các đại bác hạng nặng này không bị cản trở vì thời tiết xấu và đêm tối như máy bay". Quyết tâm không để cho pháo địch hoành hành, lãnh đạo khu vực quyết định cho Đại đội 4 pháo mặt đất dùng súng cối chế áp địch ở Dốc Miếu và bí mật vượt sông Bến Hải đoạn thôn Tùng Luật, đưa súng cối vào thôn Cẩm Phổ, Lại An của Gio Linh áp sát hàng rào địch để tấn công. Hai "Vua chiến trường" đã bị phá huỷ trong trận đầu tấn công. Ngày 20/3/1967, với sự hợp đồng tác chiến chặt chẽ giữa bộ đội pháo binh chủ lực với bộ đội địa phương, sự tham gia tích cực của các lực lượng dân quân tự vệ và của nhân dân Vĩnh Linh, một trận bão lửa của pháo binh bờ Bắc đã đánh thắng các căn cứ Cồn Tiên, Dốc Miếu. Những câu chuyện đẹp có một không hai đã được diễn ra tại Vĩnh Linh: Bà con xóm Bàu, Thuỷ Ba Tây (Vĩnh Thuỷ) huy động gỗ, ván (kể cả dỡ nhà) để lót đường chống lầy cho xe pháo của ta vượt qua về tập kết ở trận địa; Ban chủ nhiệm HTX Thuỷ Ba Hạ dùng trâu kéo pháo; đồng chí Thuộc, công nhân Ty giao thông Vĩnh Linh đưa máy húc để kéo khẩu pháo 100 ly bị chìm khi xuống phà Sa Lung để cứu pháo, đồng chí đã anh dũng hy sinh trong một loạt bom toạ độ của địch. Kết quả của trận bão lửa mở đầu này là ta đã diệt 1.070 tên địch, hầu hết là lính thuỷ đánh bộ Mỹ, phá huỷ 22 xe tăng và xe M113, 37 xe vận tải; 5 máy bay lên thẳng; thiêu cháy 1 kho xăng, 2 kho đạn. Chiến thắng này làm nức lòng cán bộ chiến sỹ và nhân dân 2 Miền Nam - Bắc. Ngày 02/5/1967, cùng với các lực lượng trên toàn chiến trường, bộ binh và pháo binh Vĩnh Linh phối hợp vây ép Cồn Tiên, đồng thời tổ chức tấn công liên tục các căn cứ của địch trên tất cả các tuyến Bắc Quảng Trị: Đông Hà, Dốc Miếu, Cồn Tiên, cao điểm 241, Bái Sơn, Hồ Khê, Khe Sanh… làm cho 25.000 lính thuỷ đánh bộ Mỹ rơi vào thế tuyệt vọng.

Rừng xanh bị hủy diệt vì chất độc hóa học

Ngày 27/7/1967, ta tổ chức đánh lần thứ 2 vào căn cứ Dốc Miếu. Lần này, uy lực của pháo binh ta còn lớn hơn lần đầu và tổ chức đánh trực diện giữa ban ngày. Trong nửa giờ đồng hồ, Trung đoàn Pháo binh Bến Hải đã bắn 1.500 quả đạn pháo HA12, dân quân tự vệ bắn 400 quả đạn cối, tiêu diệt 300 tên Mỹ, thiêu huỷ 2 chiếc xe M113, 2 kho đạn, 2 kho xăng, 11 pháo 105, 155 và 175 ly, 13 xe ô tô của địch. Đồng thời cùng chia lửa với chiến trường Miền Nam, các lực lượng phòng không Vĩnh Linh cũng đã lập chiến công xuất sắc, bắn rơi chiếc máy bay lần thứ 100 của giặc Mỹ. Ngày 12/5/1967, Bác Hồ đã gửi thư khen ngợi quân dân Vĩnh Linh: Bác rất vui lòng được tin Vĩnh Linh bắn rơi 100 máy bay Mỹ và trừng trị đích đáng pháo binh Mỹ, sản xuất và phòng không nhân dân Vĩnh Linh cũng tốt… Nhiều địa phương ra sức học tập thi đua với Vĩnh Linh.









 

Tiếp lương, tải đạn cho chiến trường Miền Nam

Thành tích của Đặc khu Vĩnh Linh


Sau trận thua đau đó, trung tuần tháng 4/1967, Mỹ bắt đầu dùng máy bay rải chất độc hoá học xuống địa bàn Vĩnh Linh từ các xã Vĩnh Quang lên Vĩnh Sơn. Cây cối, hoa màu bị huỷ diệt, trơ trụi lá, 390 người nhiễm chất độc tại chỗ.Ở bờ Nam, chúng ném bom huỷ diệt và dùng tàu hạm đội, máy bay, xe tăng, xe bọc thép đổ bộ từ biển Đông vào với hơn 7.000 quân Mỹ để càn quét. Với phương châm “đốt sạch, phá sạch”, chúng đã huỷ diệt hàng trăm làng ở bờ Nam sông Bến Hải và bốc 10.000 dân ở vùng khu phi quân sự vào các khu tỵ nạn tập trung ở Tân Tường, huyện Cam Lộ và các tỉnh phía Nam.
Nhằm ngăn chặn sự chi viện của Miền Bắc vào Miền Nam, Mỹ - ngụy đã lập vành đai trắng ở dọc tuyến phía Nam sông Bến Hải để cắt đứt địa bàn thông qua việc xây dựng tuyến phòng thủ hiện đại “Hàng rào điện tử Mc. Namara” chạy dài từ thôn 8 xã Gio Hải lên đến Cồn Tiên và kéo dài đến tận biên giới Việt - Lào với tổng chiều dài gần 100 km. Chúng tổ chức trận càn "bạch hoá" khu phi quân sự và đã thiêu huỷ hầu hết tất cả các thôn ở phía Nam Vỹ tuyến 17. Hàng ngàn người dân ở bờ Nam, lợi dụng lúc pháo binh của ta nện trúng đầu giặc đã tìm cách vượt sông Bến Hải ra Bắc, quyết không chịu đi theo địch. Sự kiện này xảy ra quá bất ngờ không nằm trong phương án tác chiến của ta. Nhưng nhờ sự chỉ đạo kịp thời của Lãnh đạo khu vực, tất cả thuyền gỗ, thuyền nan, cây chuối…và hàng trăm bà con của bờ Bắc đã kịp thời lao xuống nước để kịp bơi dìu, cứu bà con ở bờ Nam. Tiếp đó là những ngày bà con ở các xã Vĩnh Giang, Vĩnh Tân, Vĩnh Thành, Vĩnh Sơn, Vĩnh Lâm, Vĩnh Thuỷ, Vĩnh Thái và rất nhiều xã khác nữa của Vĩnh Linh đã tổ chức cưu mang đùm bọc, san sẻ nhường từng căn hầm, từng cân lương thực, từng tấm áo, cái chăn cho bà con ruột thịt bờ Nam ra lánh nạn.























 

Kế hoạch K15 đón tiếp, bố trí ăn ở cho đồng bào Miền Nam ra Vĩnh Linh


Trên cơ sở những thắng lợi trước đó, với sự hỗ trợ của quân và dân Vĩnh Linh, ta đã bí mật tấn công vào Gio An, dồn lính Mỹ vào bẫy đã bố trí trước để tiêu diệt gọn 3 đại đội lính thuỷ đánh bộ Mỹ, bắt sống 38 tù binh. Chúng đã cho máy bay thả bom Na-pan giết chết bọn tù binh này ngay sau đó. Càng hoang mang, ngông cuồng, lồng lộn hơn, ngày 13/7/1967, đế quốc Mỹ dùng con bài chiến lược cuối cùng, máy bay B52, ném bom rải thảm xuống hầu hết các xã của Vĩnh Linh. Những tháng ngày gian khổ, ác liệt đối với bộ đội và nhân dân Vĩnh Linh từ đây mới thực sự bắt đầu. Tính riêng ở Vĩnh Thuỷ, xã chịu thiệt hại nặng nhất, chỉ trong 2 tháng năm 1967 đã chịu 32 trận, 400 lần chiếc; 9/11 thôn xóm của xã bị phá huỷ hoàn toàn, 623 nhà bị tiêu huỷ, 900/1.200 trâu bò bị giết, bình quân đầu người phải gánh chịu 223 quả bom, 40 quả đạn pháo, chúng phá nát 923 mẫu ruộng.
Vừa chiến đấu, vừa phục vụ chiến đấu, Văn phòng UBHC khu vực đã cùng với các đồng chí Lãnh đạo khu vực luồn lách hầm hào, vượt qua đạn bom, không sợ gian khổ hy sinh về tận các làng, xã, các trận địa pháo để thăm hỏi, động viên và chỉ đạo bà con giữ vững sản xuất, bảo đảm đời sống tại chỗ và đủ sức chi viện cho chiến trường Miền Nam. Văn phòng UBHC khu vực vẫn kiên định tham mưu cho Lãnh đạo UBHC khu vực triển khai tổ chức thực hiện tốt Nghị quyết của Đảng uỷ khu vực:"Bất luận trong tình huống nào, Vĩnh Linh vẫn xây dựng CNXH và không ngừng đẩy mạnh sản xuất lương thực, thực phẩm để không những tự túc mà còn phải có thừa để chi viện cho tiền tuyến". Nhờ vậy phong trào thi đua sôi nổi: "Chắc tay súng" để chiến đấu và chiến thắng kẻ thù; "Vững tay cày" hăng hái vượt mọi thử thách cam go để giữ vững và phát triển sản xuất được triển khai trong mưa bom bão đạn.
Với mục tiêu kết hợp chặt chẽ giữa chiến đấu và sản xuất, lãnh đạo UBHC khu vực nêu khẩu hiệu và chỉ đạo toàn dân hạ quyết tâm bám đất, bám làng, bám địch, tìm địch mà đánh, tìm đất mà sản xuất. Do đó, diện tích gieo trồng bình quân cho 1 lao động vẫn bảo đảm 0,87 ha bằng năm 1964 (trước chiến tranh phá hoại). Đặc biệt năm 1968, một năm đánh phá cực kỳ ác liệt của giặc Mỹ, diện tích gieo trồng toàn khu vực vẫn đạt 101% so với kế hoạch (trong đó lúa đạt 105,7%; hoa màu đạt 95%). Trong nước và bạn bè khắp 5 châu đã ca ngợi Vĩnh Linh với nhiều tên gọi: "Vĩ tuyến lửa", "Miền đất lửa", "Luỹ thép Anh hùng", "Mảnh đất kim cương”.
Đối với công tác tổ chức cuộc sống, mặc dầu ở dưới các hầm địa đạo nhưng chủ trương của lãnh đạo UBHC khu vực là vẫn phải bảo đảm cuộc sống ngăn nắp, gọn gàng. Phong trào ca hát phát triển mạnh với tinh thần "Tiếng hát át tiếng bom". Đài Truyền thanh Vĩnh Linh, báo Thống Nhất vẫn thường xuyên đưa tin kịp thời tình hình sản xuất, chiến đấu của nhân dân trong toàn khu vực cũng như thời sự trong nước, quốc tế đến với từng cơ sở, từng làng, từng xã và từng tổ, đội chiến đấu.
Để phù hợp với tình hình mới, thực hiện sự chỉ đạo của Trung ương và Đảng uỷ khu vực, Văn phòng UBHC khu vực Vĩnh Linh đã trực tiếp tham mưu cho lãnh đạo UBHC khu vực thành lập Ban chỉ đạo Khu công an, trong đó thống nhất ngành công an, Công an giới tuyến, Công an Biên phòng do đồng chí Vân Hùng trực tiếp phụ trách để thực hiện tốt nhiệm vụ vừa đối đầu với địch ở giới tuyến, ở biên giới Việt - Lào, vừa chiến đấu với máy bay địch bảo vệ địa bàn, bảo vệ các mục tiêu kinh tế, chính trị quan trọng của khu vực.
Công tác thông tin liên lạc cũng đã được Văn phòng UBHC Khu vực quan tâm, vận hành hiệu quả, đảm bảo sự chỉ đạo thông suốt với các xã, các đơn vị trực thuộc. Đặc biệt, Bộ phận cơ yếu điện đài đã dũng cảm thường xuyên phục vụ thông tin, liên lạc kịp thời, nhanh chóng với Trung ương để giúp cho sự chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo UBHC Khu vực sát đúng và hiệu quả.
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Đỗ Mười: trong 3 tháng từ tháng 11/1968  - 01/1969, cùng với toàn Miền Bắc, Vĩnh Linh tập trung sức mạnh, huy động lực lượng thực hiện chiến dịch vận tải lớn (với mật danh VT5) chuyển chở 12 vạn tấn hàng từ các tỉnh phía ngoài vào Quảng Bình và từ Quảng Bình vào chiến trường và khu vực Vĩnh Linh. Ban VT5 được thành lập do đồng chí Lê Ngọc Uynh - Phó Chủ tịch UBHC khu vực Vĩnh Linh làm Trưởng ban để trực tiếp chỉ huy, tổ chức thực hiện chiến dịch. Vĩnh Linh phải đảm nhiệm 1 vạn tấn, bao gồm: đạn dược, gạo, thực phẩm, thuốc men, bông băng và các nhu yếu phẩm khác để cung cấp cho quân chủ lực và dân quân du kích vượt tuyến vào tham gia các trận đánh ở phía Nam. Bất chấp B52 rải thảm, pháo chụp, pháo bầy, nhân dân các xã bờ Bắc sông Bến Hải vẫn bám trụ vững tay chèo đưa thuyền chở hàng về tập kết đúng theo quy định và đưa bộ đội vượt sông vào Đường 9. Cha hy sinh, con thay thế, người này ngã xuống, người khác xông lên, kiên quyết cõng gùi đạn vào chiến trường phục vụ chiến dịch Khe Sanh, chi viện kịp thời sức trẻ và hàng hoá, vũ khí cho đảo Cồn Cỏ, tham gia tải đạn, tiếp lương và trực tiếp cùng bộ đội tham gia đánh tàu địch tại Cửa Việt.
Với những thành tích đặc biệt xuất sắc của Vĩnh Linh trong chiến đấu, lao động và sản xuất, ngày 01/01/1967, Vĩnh Linh vinh dự được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Đặc khu Vĩnh Linh anh hùngPhần thưởng xứng đáng, kịp thời này đã động viên, khích lệ cán bộ, nhân dân và các lượng vũ trang Vĩnh Linh lập thêm nhiều chiến công mới trên cả 2 mặt trận chiến đấu và công tác, lao động sản xuất. Vĩnh Linh trở thành hậu phương vững chắc và tin cậy, là nơi trực tiếp chi viện sức người, sức của cho cách mạng Miền Nam giành chiến thắng.
Tham gia chiến dịch Trị - Thiên, giải phóng hoàn toàn tỉnh Quảng Trị.
Ngày 08/02/1969, Văn phòng UBHC khu vực Vĩnh Linh đã tổ chức phục vụ cho các đồng chí lãnh đạo khu vực đón tiếp đồng chí Lê Thanh Nghị - Uỷ viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ vào thăm và dự Đại hội Anh hùng chiến sỹ thi đua toàn khu vực với sự tham gia của gần 500 đại biểu tiêu biểu. Văn phòng UBHC khu vực Vĩnh Linh đã tổ chức đón tiếp các Đoàn tỉnh bạn gồm: Ninh Bình, Nam Hà, Hà Tĩnh, Quảng Bình và huyện Tân Kỳ (Nghệ An), Đoàn Quân khu uỷ và Bộ Tư lệnh Quân khu 4 vào dự Đại hội này.
Đồng chí Lê Thanh Nghị đã trao quà tặng của Hồ Chủ tịch cho Đảng bộ và nhân dân Vĩnh Linh, đồng thời thay mặt Đảng, Chính phủ tuyên dương: "Chiến công về mọi mặt của Vĩnh Linh là nguồn cổ vũ, động viên rất lớn đối với đồng bào Miền Nam, đặc biệt là đối với đồng bào Bình - Trị - Thiên , đối với cán bộ, chiến sỹ mặt trận Khe Sanh và Đường 9 anh hùng. Thắng lợi và thành tích rực rỡ của Vĩnh Linh trên cả 3 mặt chiến đấu, sản xuất và tổ chức đời sống là tấm gương sáng cho quân và dân Miền Bắc, động viên quân và dân Miền Bắc ra sức thi đua chống Mỹ cứu nước và xây dựng CNXH thắng lợi. Thay mặt Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ và Bác Hồ, tôi nhiệt liệt khen ngợi đồng bào, chiến sỹ, cán bộ và Đảng viên ở Vĩnh Linh, sát cánh cùng đồng bào, chiến sỹ, cán bộ và Đảng viên các tỉnh trong Quân khu 4 đã hoàn thành một cách xuất sắc nhiệm vụ nặng nề và vẻ vang mà Đảng và Chính phủ giao phó".
Phát huy những thắng lợi to lớn của thời gian qua, Đảng uỷ khu vực và UBHC khu vực Vĩnh Linh đã xác định nhiệm vụ trọng tâm của giai đoạn mới là "… khẩn trương tăng cường lực lượng mọi mặt cho chiến đấu, sẵn sàng chiến đấu, phục vụ tiền tuyến là nhiệm vụ hàng đầu, đồng thời tranh thủ mọi thời cơ thuận lợi đẩy mạnh sản xuất, bồi dưỡng sức dân, xây dựng từng bước cơ sở vật chất kỹ thuật cần thiết nhằm bảo đảm cho nhu cầu trước mắt và tạo cơ sở cho nhiệm vụ lâu dài".
Giai đoạn này, sau 8 tháng Mỹ tuyên bố ngừng ném bom Miền Bắc; toàn khu vực tập trung huấn luyện quân sự, xây dựng, củng cố và tăng cường vững mạnh hơn lực lượng dân quân tự vệ ở tất cả các vùng, miền của khu vực. Một số đơn vị chủ lực vẫn tiếp tục phối hợp với các đơn vị trong toàn quân khu chiến đấu diệt địch ở phía trước. Lực lượng tại Vĩnh Linh cũng đã 25 lần nổ súng đánh trả máy bay Mỹ đến khiêu khích, xâm phạm vùng trời của ta. Du kích xã Vĩnh Sơn đã hạ được 1 chiếc máy bay trực thăng. Các xã miền núi và Hướng Lập đã tổ chức tuần tra bắt các toán biệt kích và đã diệt 8 tên, bắn bị thương 14 tên, bắt sống 3 tên và thu toàn bộ điện đài, rađiô và nhiều phương tiện, vũ khí khác. Khu vực đã tổ chức huy động 10.247 công phục vụ tiền tuyến, tu sửa và làm mới 330 km hào giao thông, làm mới 20 km đường, nâng cấp 875 hầm chữ A, 1.655 hầm cá nhân, xây dựng hoặc mở rộng thêm các cơ sở cấp cứu, điều trị cho thương, bệnh binh.
Về lĩnh vực sản xuất: Mặc dầu khó khăn chồng chất: thiếu giống, nhân lực, sức kéo ruộng đất hoang hoá, dày đặc hố bom, bom mìn còn sót lại chưa nổ… nhưng với quyết tâm và khí thế mới nên diện tích gieo trồng đã thực hiện được 2.346 ha, tăng 34,8% so với năm 1968. Trên các mặt trận giao thông vận tải, văn hoá xã hội đều đã có những bước tiến khá vững chắc, tạo cơ sở chuẩn bị cho giai đoạn giành thắng lợi quyết định.
Giữa lúc cao trào cách mạng ở Vĩnh Linh nói riêng cũng như của cả nước nói chung đang phát triển mạnh thì được tin Bác Hồ kính yêu của chúng ta không còn nữa. Thực hiện sự chỉ đạo của BCH Đảng uỷ và lãnh đạo UBHC khu vực, Văn phòng UBHC khu vực Vĩnh Linh đã khẩn trương phối hợp với các ngành, các xã trong toàn khu vực trang trọng tổ chức Lễ truy điệu Bác Hồ. Toàn Đảng, toàn quân và toàn dân Vĩnh Linh đã quyết tâm biến đau thương, mất mát to lớn này thành hành động cách mạng, thi đua lập thành tích xuất sắc hơn nữa trên tất cả mọi mặt chiến đấu, sản xuất, phục vụ tiền tuyến, góp phần giải phóng quê hương, thống nhất đất nước:

Thủ tướng Phạm Văn Đồng vào thăm Vĩnh Linh

- Xây dựng tinh thần kiên trì và đẩy mạnh cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đến thắng lợi hoàn toàn.
- Thường xuyên nâng cao cảnh giác, nâng cao chất lượng của các lực lượng vũ trang để chủ động đánh thắng địch bất kỳ tình huống nào, đồng thời hết sức phục vụ tiền tuyến, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chiến đấu ở chiến trường phía trước khi có lệnh, phối hợp chặt chẽ với chiến trường B5 và Gio Cam, Hướng Hoá để tích cực tấn công địch cả về mặt binh vận và địch vận.
- Tích cực khôi phục và phát triển kinh tế ở địa phương, chăm lo cải thiện đời sống, nêu cao tinh thần tự lực cánh sinh, phát huy thuận lợi, ra sức khắc phục khó khăn để đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp, chủ yếu là sản xuất lương thực, thực phẩm đủ tự túc và dự trữ cần thiết.
- Xây dựng tinh thần kiên trì và đẩy mạnh cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đến thắng lợi hoàn toàn.
- Thường xuyên nâng cao cảnh giác, nâng cao chất lượng của các lực lượng vũ trang để chủ động đánh thắng địch bất kỳ tình huống nào, đồng thời hết sức phục vụ tiền tuyến, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chiến đấu ở chiến trường phía trước khi có lệnh, phối hợp chặt chẽ với chiến trường B5 và Gio Cam, Hướng Hoá để tích cực tấn công địch cả về mặt binh vận và địch vận.
- Tích cực khôi phục và phát triển kinh tế ở địa phương, chăm lo cải thiện đời sống, nêu cao tinh thần tự lực cánh sinh, phát huy thuận lợi, ra sức khắc phục khó khăn để đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp, chủ yếu là sản xuất lương thực, thực phẩm đủ tự túc và dự trữ cần thiết.

Bước qua năm 1971, hòng ngăn chặn sự chi viện của hậu phương, địch đã mở hai cuộc hành quân mà chúng cho là trọng điểm trên dọc tuyến hành lang chiến lược của ta. Trong đó, cuộc hành quân Lam Sơn 719 là thâm độc nhất với ý đồ bịt chặt Đường 9 - Nam Lào để cho cách mạng Miền Nam thất bại, nhưng chính chúng đã bị quân và dân ta đánh bại hoàn toàn.Để xác định tình hình và đề ra mục tiêu nhiệm vụ của khu vực trong giai đoạn mới, Đại hội đại biểu Đảng bộ khu vực Vĩnh Linh lần thứ 4 đã khai mạc vào tối 28/11/1971, Văn phòng UBHC khu vực đã phối hợp Văn phòng Đảng ủy khu vực Vĩnh Linh tổ chức đón tiếp, bố trí ăn nghỉ cho 140 đại biểu toàn khu vực về dự Đại hội. Đặc biệt là chuẩn bị phương án đón tiếp, bảo đảm an toàn cho đồng chí Hoàng Tùng - đại diện Trung ương Đảng và các Đoàn đại biểu các tỉnh: Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, huyện Tân Kỳ và các huyện phía Nam của tỉnh như Gio Linh, Cam Lộ về dự Đại hội.
Sau Đại hội, đến Tết Nguyên đán Tân Hợi năm 1971, Văn phòng UBHC khu vực Vĩnh Linh vừa tham mưu cho lãnh đạo khu vực chăm lo phục vụ tết cho đồng bào, chiến sỹ, đồng thời vinh dự chuẩn bị kế hoạch cho lãnh đạo khu vực tiếp đón chu đáo, an toàn chuyến thăm, làm việc của Thủ tướng Phạm Văn Đồng. Phát biểu với Đảng bộ, quân và dân Vĩnh Linh, Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã nhiệt liệt biểu dương những kết quả to lớn đã đạt được đồng thời căn dặn những chủ trương lớn cần phải được bám sát thực hiện trong thời gian tới nhằm đưa cách mạng đi đến thắng lợi hoàn toàn.
Sau thất bại nặng nề ở Đường 9 - Nam Lào, Mỹ - nguỵ càng ra sức củng cố vùng chiến thuật 1, biến khu Trị - Thiên thành "con đê ngăn chặn rắn nhất của Việt Nam cộng hoà". Với bản chất ngoan cố và hiếu chiến, với tiềm lực chiến tranh lớn và hiện đại, chúng tiếp tục cố thực hiện cho bằng được những âm mưu xâm lược và hành động chiến tranh phiêu lưu nhằm chống lại nhân dân 3 nước Đông Dương, thực hiện chiến lược "Việt Nam hoá chiến tranh" giành ưu thế mặc cả với ta ở bàn đàm phán Hội nghị Paris.
Trước tình hình đó, Bộ Chính trị và Quân uỷ Trung ương đã quyết định thay đổi hướng tiến công chiến lược chính sang chiến trường Trị - Thiên. Thực hiện quyết định quan trọng đó, Đảng uỷ Bộ Tư lệnh chiến dịch Trị - Thiên đã triển khai kế hoạch tác chiến (tại cuộc họp ngày 15/3/1972 tại Bãi Hà, khu vực Vĩnh Linh). Đến ngày 26/3/1972, mọi công tác chuẩn bị cho chiến dịch đã cơ bản hoàn thành. Cục Vận tải Đoàn 559, Đoàn Vận tải Quân khu 4 và hàng ngàn thanh niên xung phong, dân công hoả tuyến Quảng Bình, Vĩnh Linh đã vận chuyển vượt cung, phá tuyến được 16.020 tấn hàng. Sư đoàn 308 cũng đã hành quân vào bờ Bắc sông Bến Hải.
Ngày 27/3/1972, Thường vụ Đảng uỷ khu vực Vĩnh Linh họp bất thường ra Nghị quyết về một số nhiệm vụ đột xuất và một số công tác cần kíp trước mắt.
Văn phòng UBHC khu vực Vĩnh Linh đã nhanh chóng lao vào cuộc chiến mới, tham mưu kịp thời cho lãnh đạo khu vực chỉ đạo, tổ chức toàn Đảng, toàn quân và toàn dân Vĩnh Linh quyết tâm thực hiện 5 nhiệm vụ trọng tâm và cấp bách là:
1. Kiên quyết đập tan mọi cuộc phản kích của địch để bảo vệ và giữ vững vùng giải phóng, bảo vệ nhân dân.
2. Bắn rơi tại chỗ nhiều máy bay, bắt gọn giặc lái. Bắn cháy, bắn chìm nhiều tàu chiến địch. Chuẩn bị tốt về công tác tư tưởng, xây dựng cơ sở vật chất, kỹ thuật; củng cố hệ thống công sự, hầm hào để chiến đấu và chiến thắng trong điều kiện địch phản kích quyết liệt.
3. Tiếp tục tiếp tế cho đảo Cồn Cỏ để trụ vững và chiến thắng. Trực tiếp cử người ra kiểm tra, rút kinh nghiệm để thực hiện tốt nhiệm vụ trên.
4. Nghiêm chỉnh thực hiện Chỉ thị của Thường vụ Đảng uỷ Quân khu, chuyển mọi sinh hoạt trở lại thời chiến, từ ăn ở, hội họp, đi lại, sản xuất, vui chơi, nhất thiết phải làm đúng kỷ luật phòng không.
5. Đặc biệt quan tâm và có trách nhiệm đầy đủ với bà con Gio Cam sơ tán ra khi chiến dịch thực sự đến giai đoạn quyết liệt bằng cách đào hầm giúp bà con, vận động bà con cùng đào, ăn ở phân tán, quyết hạn chế tối đa mọi thiệt hại. Trường hợp xảy ra thương vong phải tích cực giúp đỡ mọi mặt để nhanh chóng ổn định tư tưởng, đề phòng dao động.

Một tấc không đi, một ly không rời

Thời khắc lịch sử đã đến. Đúng 11h ngày 30/3/1972, chiến dịch Quảng Trị bắt đầu. Hàng trăm nòng pháo các cỡ tập trung hoả lực mang tên "Bão táp số 1" bắn phá các mục tiêu của địch. Với sự chi viện của Bộ binh, xe tăng ta cũng đã tiến mạnh đột phá vào các khu vực phòng thủ của địch trên toàn tuyến. Hàng rào điện tử Mc.Namara của Mỹ nay trở thành bàn đạp của ta để tiếp tục tấn công, tiêu diệt địch. Hai huyện Gio Linh, Cam Lộ với hơn 10 vạn dân được hoàn toàn giải phóng. Cùng với vùng giải phóng miền Tây của tỉnh đã nối thông với hậu phương lớn Vĩnh Linh, Quảng Bình của Miền Bắc. Giới tuyến Bến Hải - Hiền Lương vĩnh viễn không còn phải gánh chịu nỗi đau chia cắt.
Chung vui với thắng lợi, Vĩnh Linh khẩn trương huy động hơn 8 ngàn dân công ngày đêm khôi phục nối liền Quốc lộ 1, bắc cầu phao qua sông Hiền Lương chuẩn bị bến vượt cho xe pháo hạng nặng của ta tiến lên phía trước, đồng thời đón nhận chăm sóc thương binh, thu dung hàng binh, tiếp tế ban đầu các nhu cầu thiết yếu cho nhân dân huyện Cam Lộ, Gio Linh.
Thua đau trước cuộc tấn công chớp nhoáng, thần tốc như vũ bão của quân và dân ta, Mỹ buộc phải "Mỹ hoá" trở lại cuộc chiến tranh hòng cứu vãn tình thế. Rạng sáng ngày 06/4/1972, chúng bắt đầu mở lại cuộc chiến tranh phá hoại Miền Bắc. Chúng huy động 300 lần chiếc máy bay ném bom ồ ạt từ sông Gianh trở ra. Đối với Vĩnh Linh, kể từ sau 13/4/1972, chúng đã cho 245 lần máy bay xâm phạm vùng trời Vĩnh Linh, ném 172 lượt bom hạng nặng, bắn nhiều loạt đạn 20 ly, tên lửa. Pháo địch từ tàu biển bắn 61 lần với 2.608 quả  đạn (127 ly đến 203 ly). Chúng cũng bắt đầu sử dụng tia laser để điều khiển bom, tên lửa phá huỷ hoàn toàn các mục tiêu công trình quan trọng của Vĩnh Linh.
Thực hiện Di chúc thiêng liêng của Bác Hồ và nghiêm chỉnh chấp hành mệnh lệnh của Trung ương, quân dân Vĩnh Linh vẫn anh dũng, ngoan cường bám trụ "Một tấc không đi, một ly không rời", quyết chiến đấu và chiến thắng kẻ thù ngay trên mảnh đất đầu cầu thân yêu của mình. Toàn khu vực đã bắn rơi 1 máy bay B52, đã bắn cháy 249 máy bay các loại. Chiến trường Quảng Trị thắng lớn. Hệ thống căn cứ Đường 9 cùng hầu hết lực lượng địch ở Đông Hà, Ái Tử, La Vang đều bị đánh tan và ta đã làm chủ hoàn toàn.
Cũng trong thời gian này, Thường vụ Đảng uỷ khu vực đã ra Chỉ thị khẩn cấp, trong đó đã chỉ rõ: "…chúng ta phải tập trung làm thật tốt việc đón tiếp và sắp xếp nơi ăn ở cho bà con tỉnh nhà tạm thời sơ tán ra với số lượng sẽ rất lớn. Có thể bằng và lớn hơn số dân của ta lúc hoà bình. Số còn lại nếu tiếp tục sơ tán thêm với con số quá khả năng cố gắng cao nhất thì ta sẽ tổ chức chuyển ra Quảng Bình. Đảng bộ và nhân dân ta phải xem đây là công tác đột xuất số 1, đạt kết quả cao nhất và thắng lợi lớn nhất".
 

Từ trái sang phải: Đ/c Dương Tốn, đ/c Hồ Sỹ Thản, Đ/c Lê Tự Đồng (Tư lệnh B5), Đ/c Tổng Bí thư Lê Duẩn


Trong khi hoạch định kế hoạch tác chiến cho cuộc tiến công chiến lược năm 1972, Đảng ủy, UBHC khu vực Vĩnh Linh đã nhiều lần họp bàn về nhiệm vụ mới mẻ, nặng nề lần đầu tiên thực hiện trong hoàn cảnh chiến tranh - đó là việc thực hiện “Kế hoạch K15”: tổ chức đón tiếp, bố trí nơi ăn ở, sinh hoạt, phòng tránh bom đạn, ổn định sản xuất…cho trên 80.000 đồng bào các huyện phía Nam sông Bến Hải (Gio Linh, Cam Lộ, Triệu Phong, Hải Lăng) sơ tán ra Vĩnh Linh. Trong bối cảnh đó, Văn phòng UBHC khu vực đã không quản khó khăn, tích cực bám sát lãnh đạo Khu ủy, Ủy ban vận động nhân dân các xã Vĩnh Quang, Vĩnh Sơn, Vĩnh Giang dùng tất cả thuyền bè, ván, chuối, xông pha dưới mưa bom bão đạn đưa trên 8 vạn người già, trẻ em, phụ nữ sang bờ Bắc. UBHC khu vực và các lực lượng quân đội đã huy động được trên 1.500 cán bộ, dân quân các nơi vào tận Bắc sông Bến Hải đón nhận, hướng dẫn bà con sơ tán về các xã nằm trong kế hoạch. Ngoài 4.113 tấn lương thực, thực phẩm, thuốc men, phương tiện sinh hoạt, đồ dùng trong các gia đình mà Đảng ủy, UBHC khu vực đã chuẩn bị sẵn sàng để trực tiếp cung cấp, phân phối cho đồng bào K15, bà con các xã còn thực hiện 22.136 ngày công đào hầm, dựng lán, giúp trên 192 tấn lương thực, 5.000 chiếc quần áo, chăn chiếu; 96.000 cái tranh; 120.500 cây tre, gỗ và nhường trên 5.000 hầm, lán để góp phần giúp nhân dân K15 ổn định cuộc sống[1].
Văn phòng UBHC khu vực cũng đã nhường hẳn khu Giao tế để làm bệnh viện dã chiến phục vụ hàng ngàn bà con K15 bị thương nằm la liệt bởi bom đạn của Mỹ - ngụy, đồng thời huy động hàng trăm y, bác sỹ, hộ lý ngày đêm túc trực, cứu chữa cho người bị nạn.
Văn phòng UBHC khu vực cũng đã tích cực tham mưu Lãnh đạo khu vực tích cực đi về từng xã, nắm danh sách, sắp xếp từng gia đình theo địa chỉ từng xã, thôn để phù hợp với từng địa bàn, đồng thời giao chính quyền xã, thôn và các xã viên truyền đạt kinh nghiệm thực tế của Vĩnh Linh về xây dựng và quản lý hoạt động Hợp tác xã để triển khai sau này trên bờ Nam khi quê hương sạch bóng quân thù. Theo yêu cầu của Thường vụ Tỉnh uỷ và UBNDCM tỉnh Quảng Trị, qua 2 đợt, khu vực Vĩnh Linh đã kịp thời điều động 786 cán bộ (nhân viên kỹ thuật bưu điện, công an, y tế, giáo dục; cán bộ khung cho các huyện, thị xã,…) để tăng cường cho Quảng Trị bảo đảm tốt mọi hoạt động của quê hương trong những ngày đầu mới giải phóng.
Tại Đại hội Đảng bộ khu vực lần thứ V - năm 1972, Hội nghị cũng đã khẳng định những thành tích đạt được của quân và dân Vĩnh Linh trong chiến đấu, sản xuất và phục vụ xuất sắc vai trò hậu phương, đón tiếp đồng bào Miền Nam ra sơ tán trong thời chiến, góp phần mang lại thắng lợi vẻ vang cho chiến dịch giải phóng hoàn toàn Quảng Trị năm 1972.
Ngày 27/01/1973, thua đau ở chiến trường Miền Nam nói chung và Quảng Trị nói riêng, Mỹ buộc phải ký hiệp định Paris, rút hết quân

Tổng Bí thư Lê Duẩn thăm vùng giải phóng phía Nam cầu Hiền Lương năm 1973

Mỹ, quân các nước chư hầu ra khỏi Miền Nam Việt Nam, làm cho tương quan lực lượng thay đổi hoàn toàn có lợi cho ta, tạo điều kiện cơ bản nhất để chúng ta tiếp tục tiến lên giải phóng Miền Nam, giành thắng lợi cuối cùng.
Trong giai đoạn lịch sử đầy thử thách, mất mát, hy sinh từ 1965 - 1973, Văn phòng UBHC khu vực Vĩnh Linh đã trải qua một chặng đường đầy máu và nước mắt, kiên trì bám trụ, kiên định với những chủ trương quyết sách lớn của Trung ương và khu vực, vững vàng trong mọi tình huống, hoàn cảnh để đề xuất, tham mưu kịp thời cho lãnh đạo UBHC khu vực chỉ đạo thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị, kinh tế - xã hội phù hợp với từng giai đoạn lịch sử. Con đường vượt hố bom, băng qua đồng ruộng, núi đồi, chạy dọc trên các tuyến giao thông hào của đông đảo các thế hệ cán bộ, công nhân viên chức Văn phòng trong suốt thời gian này có thể dài gấp hàng trăm lần chiều dài đất nước, để lặn lội về cơ sở cùng với các đồng chí lãnh đạo khu vực, để di chuyển hàng chục lần cơ sở làm việc, xây dựng, củng cố hầm hào bảo đảm an toàn, bí mật tuyệt đối cho các đồng chí lãnh đạo trung ương và khu vực. Cơ quan Văn phòng UBHC khu vực Vĩnh Linh thực sự là bộ máy giúp việc đắc lực, là đội ngũ trung thành, đáng tin cậy của lãnh đạo khu vực Vĩnh Linh trong những năm tháng ác liệt nhất, hào hùng nhất.Giai đoạn từ 1973 - 6/1976: Tập trung khôi phục và phát triển kinh tế, đẩy mạnh sản xuất, tổ chức đời sống, bảo đảm quốc phòng - an ninh.
Sau khi Quảng Trị hoàn toàn giải phóng, thể theo yêu cầu của các huyện phía Nam, Văn phòng UBHC khu vực Vĩnh Linh đã phối hợp với các ngành, các xã và nhân dân trong toàn khu vực tổ chức tiễn bà con K15 trở về quê cũ. Một rừng cờ giải phóng tung bay trong buổi tiễn đưa này như một ngày hội lớn: khác với lần chạy ra Vĩnh Linh năm nào đầy máu và nước mắt thì ngày trở về thật hoành tráng trong niềm vui khải hoàn ca chiến thắng. Theo sự chỉ đạo của Lãnh đạo khu vực, Văn phòng UBHC khu vực Vĩnh Linh lại tất bật nhưng cũng rất phấn khởi tự hào, gấp rút chuẩn bị kế hoạch tổ chức cuộc đại mít tinh mừng chiến thắng vào ngày 30/01/1973, đồng thời tổ chức đón tiếp chu đáo các Đoàn đại biểu Quốc hội, Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam về dự cuộc mít tinh lịch sử này. Cũng trong một thời gian ngắn sau đó, Vĩnh Linh vinh dự được đón Tổng Bí thư Lê Duẩn vào thăm, rồi liên tục đón các đồng chí: Võ Nguyên Giáp, Trường Chinh, Nguyễn Duy Trinh, Xuân Thuỷ…, các Đoàn đại biểu quốc tế như: Đồng chí Fidel Castro, đồng chí Tổng Bí thư Đảng Cộng sản

Đại tướng Võ Nguyên Giáp vào thăm khu vực Vĩnh Linh (1973)

Pháp Gioóc-Giơ-Mase và nhiều đoàn nhà báo, nhà quay phim của Mỹ, Úc, Áo, Nhật Bản, Thuỵ Điển, Đan Mạch và của hầu hết các nước XHCN vào thăm, làm việc với Vĩnh Linh. Nhiều Uỷ viên Bộ Chính trị của Đảng Cộng sản các nước XHCN cũng như nhiều nước tư bản đã bí mật đến thăm và học tập kinh nghiệm chỉ đạo chiến
tranh của ta tại Vĩnh Linh. Theo Chỉ thị của Ban Bí thư Trung ương Đảng, báo chí chỉ được đưa tin công khai chuyến thăm của Lãnh tụ Cuba Fidel Castro và Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Pháp Gioóc-Giơ-Mase trên phương tiện thông tin đại chúng. Văn phòng UBHC khu vực Vĩnh Linh trực tiếp phục vụ, bố trí ăn nghỉ hướng dẫn các Đoàn đi thăm Bảo tàng, các hầm chiến đấu, các địa đạo và các xã, các cơ quan trong khu vực một cách tận tình, chu đáo và an toàn tuyệt đối.Cùng thời gian trên, Văn phòng UBHC khu vực Vĩnh Linh đã xây dựng kế hoạch và tổ chức tiếp nhận, đón hơn 22.000 đồng bào ta sơ tán ở Tân Kỳ, 5.000 bà con sơ tán ở 2 huyện Thạch Hà, Can Lộc ở Hà Tĩnh và hơn 3 vạn học sinh K8 ở các tỉnh phía Bắc trở về. Một lần nữa, vượt lên đau thương mất mát, khó khăn và dưới sự chỉ đạo tận tình của Lãnh đạo khu vực, bà con ta phấn khởi, hồ hởi bắt tay vào sản xuất, tái lập cuộc sống trên một cơ ngơi hoang tàn, đổ nát. Lúc này, Vĩnh Linh đã huy động trên hàng chục ngàn ngày công rà phá bom mìn, san lấp hố bom, khai hoang phục hoá trên 5.000 ha ruộng đất, dựng trên 2.000 căn nhà mới, xây dựng lại toàn bộ trạm xá, trường học trong toàn huyện nhằm bảo đảm đủ nơi ăn ở, học hành, chữa bệnh cho nhân dân. Nhiệm vụ trọng tâm và cấp bách của toàn khu vực là: nhanh chóng hàn gắn vết thương chiến tranh, khôi phục và phát triển kinh tế, trước hết là tập trung giải quyết tốt vấn đề lương thực, thực phẩm, phát triển văn hoá, chăm lo đời sống mọi mặt cho nhân dân. Đồng thời không ngừng đề cao cảnh giác, tăng cường công tác trị an, củng cố quốc phòng vững mạnh.
Nhờ bám sát nhiệm vụ chính trị trong tình hình mới, với tinh thần tự lực, tự cường cao, đến năm 1975, nền kinh tế của khu vực Vĩnh Linh đã có nhiều chuyển biến khởi sắc. Diện tích gieo trồng tăng 15,5%; tổng sản lượng lương thực tăng 29% so với năm 1974. Diện tích và năng suất màu, nhất là sắn đạt khá. Đàn trâu bò đạt kế hoạch, đàn lợn xấp xỉ năm 1965. Tổng giá trị sản lượng công nghiệp tăng. Trong đó công nghiệp quốc doanh tăng 25%. Các mặt giao thông vận tải, lưu thông phân phối, ngân hàng, tài chính đều có tiến bộ. Điểm nổi bật là: trong 2 năm 1974 - 1975, đã khai hoang phục hoá và kết hợp di chuyển mồ mả làm tăng thêm được trên 3.000 ha ruộng đất. Năm 1975 đã khôi phục trên 20 km đê chống mặn. Công trình thủy lợi La Ngà được tôn cao, đã khoan thành công một số giếng nước ở vùng đất đỏ phục vụ cho việc phát triển cây công nghiệp. Đồng ruộng đã hoàn chỉnh thuỷ nông đến kênh cấp 4 gần 2.000 ha. Các cơ sở sản xuất giống lúa, lợn được khôi phục lại và phát triển thêm quy mô ở khu vực và hợp tác xã. Đường sá, cầu cống đã khôi phục và phát triển. Các công trình phúc lợi như: trường học, bệnh viện, trạm xá được sửa chữa và làm mới thêm. Việc củng cố và hoàn thiện quan hệ sản xuất XHCN đã được phát triển lên một tầm cao mới.
Từ năm 1973 - 6/1976: Giới tuyến quân sự tạm thời đã hoàn toàn bị xoá bỏ. Vĩnh Linh được nối liền với Quảng Trị thân yêu, ruột thịt. Tuy vậy, Vĩnh Linh vẫn tồn tại là một đặc khu, một đơn vị hành chính trực thuộc Trung ương cho đến tháng 6/1976 (trước khi nhập tỉnh Bình - Trị - Thiên). Vĩnh Linh đã chuẩn bị sẵn sàng bước vào giai đoạn mới, phấn khởi, tin tưởng và tự hào. Chiến thắng vĩ đại của Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử (30/4/1975) là một vận hội mới, thời cơ mới cho Đảng bộ và nhân dân Vĩnh Linh tiếp tục vững bước tiến lên trên con đường XHCN, cùng cả tỉnh bước vào một thời kỳ mới - hợp nhất tỉnh Bình - Trị - Thiên  (tháng 6/1976).
Kể từ đây, vai trò lịch sử của Văn phòng UBHC khu vực Vĩnh Linh đã kết thúc và hoà nhập vào Văn phòng UBND tỉnh Bình- Trị- Thiên (từ 1976 đến 1989) cho tới khi trở lại với Văn phòng UBND tỉnh Quảng Trị (tháng 7/1989).

Đ/c Nguyễn Kham - UVTK khu vực Vĩnh Linh chuyển quà của Chủ tịch Fidel Castro (Cu Ba)
Cho các cháu bị bom tại HTX Hiền Lương, xã Vĩnh Thành, khu vực Vĩnh Linh, năm 1973.


Tóm lại, từ năm 1954 đến ngày 30/4/2975, vượt qua muôn vàn khó khăn, gian khổ hy sinh, quân và dân Vĩnh Linh đã hết lòng, hết sức chi viện sức người, sức của cho chiến trường Trị - Thiên ruột thịt, chuyển đến chiến trường hàng vạn tấn vũ khí, đạn dược, lương thực, thực phẩm; cấp cứu, vận chuyển về tuyến sau hàng vạn thương binh, liệt sỹ, bệnh binh. Đảng bộ, Chính quyền, quân và dân Vĩnh Linh vinh dự được Bác Hồ 8 lần gửi thư khen ngợi. Mỗi tên đất, tên làng, ngọn núi, dòng sông… trên quê hương Vĩnh Linh đã thấm máu bao người con quang vinh của dân tộc và đi vào lịch sử với những chiến công chói lọi.
Những thành tích mà Vĩnh Linh giành được là kết quả của sức mạnh đại đoàn kết trên dưới một lòng của toàn Đảng bộ, chính quyền, là tinh thần yêu nước nồng nàn, ý chí tự lực tự cường và lòng căm thù giặc sâu sắc của quân và dân trong toàn khu vực. Những thành tích vẻ vang đó đã đóng góp một phần hết sức quan trọng cùng với Trị - Thiên và cả nước đánh bại hoàn toàn các cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, làm nên chiến thắng lịch sử Hồ Chí Minh, giải phóng hoàn toàn Miền Nam, thống nhất đất nước.


[1] Tỉnh ủy Quảng Trị - Bộ Quốc phòng: 40 năm giải phóng tỉnh Quảng Trị và chiến đấu bảo vệ Thành Cổ (1972 - 2012), NXB Chính trị Quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2012, trang 357.

More