Chi tiết tin - VPUBND Tỉnh

VĂN PHÒNG UBND TỈNH THAM MƯU LÃNH ĐẠO TỈNH CHỈ ĐẠO THỰC HIỆN NHIỆM VỤ PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI, BẢO ĐẢM QUỐC PHÒNG - AN NINH THỜI KỲ ĐẦU LẬP LẠI TỈNH (1989 - 1990).

18-03-2022 09:08:42

1. Vài nét về tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh Quảng Trị sau khi được lập lại.
Thực hiện Quyết định số 36-QĐ/TW ngày 14/4/1989 và Quyết định số 87-QĐ/TW ngày 08/5/2989 của Bộ Chính trị về chia tỉnh Bình - Trị - Thiên thành 3 tỉnh: Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế, Quốc hội khóa VIII - Kỳ họp thứ 5 (Từ ngày 19/6 - 30/6/1989), đã chính thức thông qua Nghị quyết về việc phân rạch địa giới hành chính của các tỉnh: Nghĩa Bình, Phú Khánh và Bình - Trị - Thiên . Trong đó, tỉnh Bình - Trị - Thiên được tách thành 3 tỉnh mới là: tỉnh Quảng Bình, tỉnh Quảng Trị và tỉnh Thừa Thiên - Huế. Ngày 01/7/1989, tỉnh Quảng Trị chính thức được lập lại.
Ngày 30/5/1989, Bộ Chính trị ban hành Quyết định số 698-QĐ/TW chỉ định đồng chí Nguyễn Đức Hoan - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình - Trị - Thiên giữ chức Quyền Bí thư Tỉnh ủy Quảng Trị. Ngày 28/6/1989, Ban chấp hành Tỉnh ủy lâm thời họp, ban hành Nghị quyết số 01-NQ/TU về việc phân công các chức vụ chủ chốt trong cấp ủy. Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Trị gồm có 5 đồng chí, trong đó đồng chí Nguyễn Bường được phân công giữ chức vụ Quyền Chủ tịch UBND tỉnh.
Ngày 07/7/1989, HĐND tỉnh Bình - Trị - Thiên họp phiên cuối cùng để thông qua đề án chia tỉnh và dự kiến phân bổ đại biểu HĐND về các tỉnh. Theo đó, Quảng Trị được phân bổ 27 đại biểu.
Ngày 10/7/1989, HĐND tỉnh Quảng Trị họp phiên thứ nhất để bầu UBND tỉnh. Ngày 14/7/1989, Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) đã ban hành Quyết định số 85-HĐBT phê chuẩn kết quả bầu cử UBND tỉnh Quảng Trị, đồng chí Nguyễn Bường giữ chức vụ Chủ tịch UBND tỉnh. 

Tuyên truyền Kỷ niệm 100 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh

(19/5/1890 – 19/5/1990)

Tỉnh Quảng Trị sau khi được lập lại có diện tích đất tự nhiên 4.746 km2, bao gồm đất liền và đảo Cồn Cỏ. Dân số toàn tỉnh có 458.336 người, gồm 3 dân tộc cùng chung sống: Kinh, Vân Kiều và Pa Cô. Tỉnh Quảng Trị được chia làm 4 huyện, thị xã là: thị xã Đông Hà, huyện Bến Hải, huyện Triệu Hải và huyện Hướng Hóa. Thị xã Đông Hà được chọn làm trung tâm tỉnh lỵ.Trong 13 năm hợp nhất trong ngôi nhà chung Bình - Trị - Thiên, tình hình kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh Quảng Trị đã đạt được những thành tựu quan trọng. Công tác chuyển dịch và phân bố lại dân cư, lao động trên địa bàn toàn tỉnh được thực hiện khá mạnh mẽ. Nhân dân 2 huyện Triệu Phong, Hải Lăng được nhà nước đưa lên các vùng kinh tế mới ở huyện Hướng Hoá, Gio Linh nhằm khai thác tiềm năng tài nguyên đất đai để sản xuất nông nghiệp, chủ yếu là trồng các cây lương thực ngắn ngày như sắn, khoai, ngô, lạc... Phương thức sản xuất mới theo tập đoàn và hợp tác xã được phát triển từ bậc thấp đến bậc cao theo chủ trương làm ăn lớn XHCN. Việc tiếp thu và ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, nâng cao trình độ quản lý, nâng cao năng suất lao động được quan tâm… Trong thời kỳ này, cán bộ và nhân dân tỉnh Quảng Trị đã cùng với cán bộ, nhân dân tỉnh Thừa Thiên, tỉnh Quảng Bình xây dựng một số công trình thuỷ nông phục vụ cho việc tưới tiêu các vùng trọng điểm lúa trong toàn tỉnh. Công trình đại thủy nông Nam Thạch Hãn phục vụ việc tưới tiêu cho vựa lúa đồng bằng Triệu Hải; công trình thủy lợi Kinh Môn phục vụ việc tưới tiêu cho đồng bằng Gio Linh… Từ năm 1985, cây cao su được trồng đại trà trên vùng đất đỏ bazan phía tây huyện Gio Linh, và sau này đã chứng minh được vai trò kinh tế quan trọng của một loại cây công nghiệp trên địa bàn… Đó là những điều kiện thuận lợi, là yếu tố quan trọng để Quảng Trị tiếp tục phát huy và phát triển trong thời kỳ mới.
Trong chiến tranh, Quảng Trị là hình ảnh thu nhỏ của đất nước đang bị chia cắt hai Miền Nam - Bắc. Phía nam sông Bến Hải nằm trong vùng địch tạm chiếm. Khu vực Vĩnh Linh ở phía bắc sông Bến Hải thuộc Miền Bắc XHCN, là cầu nối giữa hậu phương lớn với tiền tuyến lớn Miền Nam. Do vậy, Quảng Trị là mảnh đất bị chiến tranh tàn phá, hủy diệt vô cùng khốc liệt. Sau ngày Miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất và sau 13 năm sáp nhập vào tỉnh Bình - Trị - Thiên đến khi lập lại tỉnh, do điều kiện kinh tế thời bấy giờ nên những hậu quả nặng nề của chiến tranh vẫn chưa khắc phục được là bao. Khi mới lập lại, điểm xuất phát của nền kinh tế tỉnh Quảng Trị là rất thấp. Sản xuất nông nghiệp độc canh cây lúa là chủ yếu, phụ thuộc vào thời tiết nên năng suất thấp song lại chiếm đến 65,7% GDP toàn tỉnh. Sản xuất hàng hóa kém phát triển. Các cơ sở sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp nhỏ bé, manh mún, lạc hậu nên sản lượng hàng hóa đạt thấp, khó tiêu thụ trên thị trường.
Cơ sở vật chất, hạ tầng kinh tế, hạ tầng xã hội hết sức nghèo nàn, lạc hậu. Toàn tỉnh chỉ có 3,5 km tỉnh lộ được rải nhựa, còn lại là đường đất, mùa mưa lầy lội, mùa hè bụi mịt mù; nhiều vùng đi lại rất khó khăn, đặc biệt là miền núi, miền biển. Sản xuất công nghiệp chỉ có 1 xí nghiệp gạch và 1 xí nghiệp gốm của tỉnh Bình - Trị - Thiên đóng trên địa bàn Quảng Trị. Sản lượng điện chỉ đạt 1.200KW do 4 máy GE66 cũ kỹ phát, không đủ để đáp ứng nhu cầu thắp sáng của nhân dân thị xã Đông Hà. Nhà máy nước ở thị xã Đông Hà đã được xây dựng trước lúc lập lại tỉnh nhưng sản lượng thấp, chỉ đáp ứng được một phần nhỏ nhu cầu. Cán bộ, nhân dân suốt đêm vẫn phải sắp hàng đi lấy nước giếng song mùa hè cũng không đủ để dùng. Vùng đồng bằng, miền núi, miền biển thiếu nước sạch nghiêm trọng.
Các công trình phúc lợi xã hội, phục vụ dân sinh cũng hết sức thấp kém. Trường học chủ yếu là nhà gỗ, tranh tre nứa lá tạm bợ, chỉ có 24/235 trường học (chiếm 0,59%) được xây 2 tầng nhưng đã hư hỏng, xuống cấp. Giáo viên không đủ để đứng lớp. Tỷ lệ người mù chữ trong xã hội còn rất cao. Toàn tỉnh chỉ có 400 giường bệnh (1 bệnh viện khu vực với 200 giường bệnh và 4 bệnh viện huyện với tổng cộng chỉ có 200 giường bệnh). Cơ sở vật chất khám chữa bệnh nghèo nàn, thiếu thốn; 45/132 xã, phường, thị trấn không có trạm y tế. Nhân lực ngành y tế chỉ có 1.063 cán bộ, trong đó cán bộ sau đại học là 15, đại học là 252 (có 236 bác sỹ). Bệnh sốt rét, bướu cổ hoành hành ở vùng núi. Các loại dịch bệnh như tiêu chảy, hô hấp, đau mắt đỏ… thường xuyên xảy ra. Việc chăm sóc sức khỏe cho nhân dân nhìn chung rất khó khăn, nhất là ở vùng sâu, vùng xa. Các công trình công cộng, phúc lợi xã hội như nhà khách, nhà hát, rạp chiếu bóng, sân vận động, câu lạc bộ, nhà văn hóa, thư viện, bảo tàng cũng như hệ thống phát thanh, truyền hình đều không có. Một bộ phận nhỏ nhân dân huyện Hải Lăng có thể bắt được sóng truyền hình của Đài Phát thanh - Truyền hình Huế khi thời tiết tốt.
Tổng thu ngân sách trên địa bàn năm 1989 là 6.618 triệu đồng, "trong đó: thu xí nghiệp quốc doanh, kể cả nông trường là: 1.312 triệu đồng"[1]. Tổng chi ngân sách địa phương là là 17,169 tỷ đồng. Tổng sản lượng lương thực có hạt chỉ có 11,27 vạn tấn. Toàn tỉnh có 666 ha hồ tiêu, 739 ha cà phê, 4.178 ha cao su. Sản lượng thủy hải sản chủ yếu đạt 4.996 tấn. Đời sống của nhân dân lúc bấy giờ hết sức khó khăn, đặc biệt là các gia đình thuộc diện chính sách. Toàn tỉnh có 45.847 đối tượng chính sách, chiếm 9,6% dân số; có 147 gia đình có từ 3 - 6 liệt sỹ; bình quân cứ 10 người dân có 1 đối tượng chính sách.
Nhìn chung, sau khi được chia tách từ tỉnh Bình - Trị - Thiên, tỉnh Quảng Trị có nhiều thuận lợi song cũng không ít khó khăn. Bức tranh chung của Quảng Trị khi mới lập lại là một tỉnh nghèo và lạc hậu. Cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật hầu như không có gì. Dân cư phân bố không đều, chủ yếu tập trung ở vùng đồng bằng. Trình độ dân trí thấp. Kinh tế phát triển chậm lại không đồng đều giữa các vùng. Khí hậu, thời tiết diễn biến phức tạp. Tiềm lực kinh tế, nguồn lực tài chính hạn hẹp và mất cân đối, đầu tư cho phát triển còn nhiều hạn chế, chưa có tích lũy. Bộ máy tổ chức và nhân sự chưa hoàn chỉnh. Đó là những khó khăn, trở lực lớn, ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình xây dựng và phát triển của tỉnh.

[1] Báo cáo "Nhìn lại sau 3 năm lập lại tỉnh" của UBND tỉnh Quảng Trị.

Phương tiện vận tải hành khách công cộng chủ yếu ngày đầu lập lại tỉnh

Tuy vậy, Quảng Trị là tỉnh có điều kiện tự nhiên có nhiều thuận lợi để phát triển một nền kinh tế toàn diện trên tất cả các mặt: nông nghiệp, công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, thương mại - dịch vụ… Quảng Trị nằm trên giao điểm, có khả năng kết nối với kinh tế - xã hội với các tỉnh, thành phố trong cả nước thông qua Quốc lộ 1A và đường sắt xuyên Việt; kết nối với Lào, Thái Lan thông qua Quốc lộ 9. Nhân dân Quảng Trị cần cù, sáng tạo, yêu lao động. Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Quảng Trị đồng lòng đồng sức cùng vượt qua những khó khăn trước mắt, đoàn kết xây dựng quê hương, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, giữ vững trật tự an toàn xã hội.

2. Văn phòng UBND tỉnh tham mưu lãnh đạo tỉnh chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng - an ninh thời kỳ đầu lập lại tỉnh (1989 - 1990).​
Đường lối phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh của tỉnh thời kỳ đầu lập lại (1989 - 1990).
Từ cuối năm 1989 và trong năm 1990, các chủ trương, chính sách đổi mới của Đảng đã đi vào cuộc sống và bắt đầu mang lại những hiệu quả hết sức to lớn. Trước tình hình biến động đầy phức tạp của thế giới và các nước XHCN ở Đông Âu, Văn phòng UBND tỉnh Quảng Trị đã bám sát Nghị quyết Trung ương lần thứ 8 (khóa VI) về "Tình hình các nước XHCN, sự phá hoại của chủ nghĩa đế quốc và nhiệm vụ cấp bách của Đảng ta"; Chỉ thị số 60/TW ngày 26/5/1990 của Bộ Chính trị về nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia trong tình hình hiện nay; Chỉ thị số 135/HĐBT ngày 14/5/1989 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng về bảo vệ an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội và Chỉ thị số 11/CT-TU ngày 03/7/1990 của Tỉnh ủy để tiếp tục hoàn thành tốt nhiệm vụ tham mưu, trực tiếp đề xuất cho UBND tỉnh Quảng Trị những chủ trương, nhiệm vụ, giải pháp và những bước đi trong quá trình phát triển đi lên của quê hương Quảng Trị một cách đúng hướng và phù hợp với tình hình thực tiễn của tỉnh:
"- Giải quyết vấn đề lương thực tại chỗ bằng đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh tổng hợp lâm ngư nghiệp, việc khai thác tốt ruộng nước, đất bằng. Phát triển mạnh kinh tế vườn, vườn đồi, từng bước hạn chế nạn đốt rừng làm rẫy.
- Phát triển mạnh chăn nuôi gia súc, gia cầm và một số con nuôi khác một cách rộng rãi trong gia đình, làng bản.
- Tập trung tu sửa, nâng cấp các tuyến đường chính vào khu vực trọng điểm.
- Y tế: Tiếp tục đẩy mạnh chương trình chống sốt rét, bướu cổ và xây dựng các phòng khám khu vực để bảo đảm việc khám và chữa bệnh thông thường cho nhân dân. Chăm lo tốt việc bồi dưỡng kiến thức, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ y tế tại chỗ, đào tạo, bổ túc lại, đồng thời tuyển chọn lại để có đội ngũ cán bộ y tế miền núi, phù hợp thực tế địa phương
- Văn hóa - Xã hội: Khơi dậy, phát huy các hình thức hoạt động văn hóa cổ truyền dân tộc để lôi cuốn đông đảo nhân dân tham gia.
- Giáo dục: Tổ chức tốt các lớp học cấp I ở từng bản và liên bản, tiến tới xây dựng và mở trường cấp II khu vực, quan tâm tăng dần số học sinh cấp II, III cho con em dân tộc các trường phổ thông, dân tộc nội trú.
- Quốc phòng - An ninh: Coi trọng, củng cố lực lượng dân quân tự vệ làng bản, phối hợp các lực lượng công an, quân sự, biên phòng, hải quan..., chủ động phòng chống xâm nhập, vượt biên và các hoạt động của địch; tăng cường quan hệ và phối hợp tốt với bạn Lào để bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội.
- Công tác cán bộ: Có kế hoạch và chính sách thiết thực để đào tạo cán bộ lãnh đạo, quản lý và cán bộ khoa học kỹ thuật bằng các hình thức tại chỗ và tập trung"[1]
Để thực hiện thắng lợi các mục tiêu nêu trên, những giải pháp quan trọng cần tập trung chỉ đạo là:
- Tiếp tục tổ chức thực hiện đường lối đổi mới của Đảng bằng tinh thần tự lực, tự cường, chủ động sáng tạo trong từng ngành, từng cấp, từng đơn vị, tranh thủ sự chỉ đạo và hỗ trợ của các ngành Trung ương, nhạy bén và chủ động lập các dự án khai thác và sử dụng có hiệu quả viện trợ quốc tế và các nguồn vốn khác để vượt qua khó khăn.
- Tập trung đẩy mạnh việc tổ chức thực hiện 3 chương trình kinh tế: Sản xuất lương thực và thực phẩm, sản xuất hàng tiêu dùng và hàng xuất khẩu. Tăng cường công tác quản lý, thực hiện triệt để tiết kiệm
- Giải quyết tốt trọng điểm các vấn đề xã hội. Nâng cao chất lượng các hoạt động văn hóa, giáo dục, y tế, thể dục thể thao, báo chí và phát thanh - truyền hình.
- Kiên quyết chống tham nhũng, buôn lậu, chống lãng phí, thực hiện tốt chương trình giảm biên chế, nhất là ở khu vực hành chính sự nghiệp.

[1] Chỉ thị số 13-CT-TU ngày 09/8/1990 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Trị

Một góc thị xã Đông Hà

- Quyết tâm khắc phục và loại bỏ tư tưởng thụ động, ỷ lại, trông chờ; tích cực chủ động khai thác tốt các tiềm năng, lợi thế sẵn có, phát huy tối đa khả năng huy động tại chỗ. Nhất quán chủ trương phát triển kinh tế hàng hóa nhiều thành phần theo định hướng XHCN. Trong điều kiện khó khăn của một tỉnh mới thành lập, song Văn phòng UBND tỉnh đã chủ động phối hợp với các cấp, các ngành tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo tập trung thực hiện có hiệu quả các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh mà Tỉnh ủy đã đề ra, tạo sự ổn định và có bước phát triển, làm tiền đề quan trọng cho sự phát triển đi lên của tỉnh trong những năm tiếp theo.
Khái quát tổ chức bộ máy chính quyền cấp tỉnh và Văn phòng UBND tỉnh thời kỳ đầu lập lại tỉnh.
Sau khi tỉnh Quảng Trị chính thức được lập lại, bộ máy chính quyền cấp tỉnh từng bước đi vào hoạt động ổn định. Lúc mới thành lập, HĐND tỉnh do đồng chí Lê Văn Hoan làm Chủ tịch (1989 - 1991), đồng chí Lê Phước Từ làm Phó Chủ tịch (1989 - 1991). UBND tỉnh do đồng chí Nguyễn Bường làm Chủ tịch (1989 - 1999) và các Phó Chủ tịch là: đồng chí Nguyễn Minh Kỳ (1989 - 1999), đồng chí Nguyễn Đức Hân (1989 - 1991), đồng chí Văn Viết Hóa (1989 - 1999), đồng chí Ngô Tứ Linh (1989 - 1994). Đồng chí Nguyễn Minh Kỳ được phân công trực tiếp phụ trách hoạt động của Văn phòng UBND tỉnh.
Chỉ trong một thời gian ngắn, tổ chức bộ máy các Sở, Ban ngành, Đoàn thể cấp tỉnh dần dần đi vào ổn định thành và từng bước được củng cố, sắp xếp lại theo hướng tinh gọn, phù hợp với một tỉnh vừa được lập lại nhưng vẫn bảo đảm hiệu quả hoạt động. Tổ chức bộ máy của tỉnh theo cơ cấu khi chia tách tỉnh, ngoài 4 ban thuộc Tỉnh ủy, 5 tổ chức chính trị - xã hội, có 26 sở, ban ngành chuyên môn trực thuộc UBND tỉnh. Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã quyết định bố trí 67 cán bộ chủ chốt vào cương vị Giám đốc, Phó Giám đốc/Trưởng ban, Phó Trưởng ban và hình thành bộ máy các cơ quan trực thuộc UBND tỉnh. Mặc dù chia tách, thành lập tỉnh mới song bộ máy quản lý nhà nước các cấp, các ngành cũng như các tổ chức chính trị - xã hội… đặc biệt là ở cấp tỉnh vẫn hoạt động mang tính liên tục, thực hiện đầy đủ các nhiệm vụ của cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn. Tất cả các lĩnh vực của cuộc sống về kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh của tỉnh vẫn tiếp tục ổn định và có những bước phát triển mới.
Ngày 10/7/1989, UBND tỉnh Quảng Trị đã có Quyết định số 01/QĐ-UB về việc thành lập Văn phòng UBND tỉnh Quảng Trị. Kể từ đây, Văn phòng UBND tỉnh Quảng Trị chính thức được hình thành và bắt đầu đi vào hoạt động.
Lãnh đạo Văn phòng lúc mới thành lập gồm có:
- Chánh Văn phòng: Đồng chí Hoàng Hữu Phong
- Phó Văn phòng: Đồng chí Thái Xuân Lãm
Tổ chức bộ máy Văn phòng gồm có các bộ phận chuyên môn: Khối Tổng hợp nghiên cứu, Quản Trị - Tài vụ, Văn thư - Lưu trữ.[1] Bên cạnh đó còn có các bộ phận sinh hoạt ghép với Văn phòng UBND tỉnh như: Đối ngoại, Nhà khách UBND tỉnh.
Lúc mới lập lại tỉnh, Văn phòng UBND tỉnh vừa phục vụ hoạt động của UBND tỉnh, vừa phục vụ hoạt động HĐND tỉnh. Đến năm 1995, Văn phòng HĐND tỉnh được thành lập, tách ra khỏi Văn phòng UBND tỉnh để trở thành một đơn vị độc lập phục vụ hoạt động của HĐND tỉnh, Văn phòng UBND tỉnh phục vụ hoạt động chỉ đạo, điều hành của UBND tỉnh.[2]
Đây là thời kỳ vô cùng khó khăn, gian khổ của lãnh đạo UBND tỉnh cũng như của cán bộ, công nhân, viên chức Văn phòng UBND tỉnh. Cơ sở vật chất phục vụ hoạt động hết sức thiếu thốn. Điều kiện ăn ở, sinh hoạt, làm việc, đi lại đều tạm bợ. Tất cả cán bộ từ lãnh đạo đến công chức, viên chức của cơ quan Văn phòng UBND tỉnh Quảng Trị đều ăn, ở chung tại khu nhà cấp 4 của Xí nghiệp Xây dựng số 8 cho mượn. Hầu hết lãnh đạo UBND tỉnh, cán bộ Văn phòng UBND tỉnh đều từ thành phố Huế ra, sống một cảnh hai quê nên việc đi lại giữa gia đình đang ở tỉnh Thừa Thiên và nơi làm việc tại tỉnh Quảng Trị cũng là một trở lực lớn và kéo dài hơn 1 năm. Với sự quyết tâm cao, lòng say sưa nhiệt huyết, không nề hà, ngại khó, ngại khổ, toàn thể cán bộ, công chức, viên chức Văn phòng UBND tỉnh Quảng Trị đã đoàn kết, đồng lòng, chung sức cống hiến vì một mục tiêu chung: Quyết tâm xây dựng lại quê hương Quảng Trị phát triển ngày càng giàu đẹp, vững chắc trên con đường đổi mới của Đảng.
Thời gian đầu, bộ máy Văn phòng UBND tỉnh chỉ có 25 người (kể cả lãnh đạo, cán bộ, công chức, viên chức), lại sinh hoạt ghép rất nhiều bộ phận (gồm bộ phận chuyên viên, cán bộ phục vụ hoạt động chung của cả HĐND tỉnh và UBND tỉnh; bộ phận Đối ngoại; Nhà khách UBND tỉnh). Các tổ chức: Đảng ủy, Công đoàn, Đoàn Thanh niên, Nữ công,... của Văn phòng UBND tỉnh từng bước được hình thành, củng cố và đi vào hoạt động có hiệu quả. Đời sống cán bộ, công chức, viên chức dần dần được ổn định; phương tiện đi lại, điều kiện làm việc, cơ sở vật chất được chăm lo, cải thiện. Nhờ vậy, cán bộ, công chức, viên chức Văn phòng UBND tỉnh luôn phấn khởi, yên tâm công tác, khắc phục những khó khăn trước mắt, từng bước phấn đấu vươn lên hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Đội ngũ chuyên viên Văn phòng UBND tỉnh trực tiếp tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh lúc bấy giờ là rất ít, mỗi lĩnh vực chỉ có tối đa 1 chuyên viên, thậm chí nhiều đồng chí chuyên viên phải đảm trách thêm một số phần việc, lĩnh vực khác. Đội ngũ chuyên viên Văn phòng UBND tỉnh do đã trải qua công tác tham mưu các lĩnh vực cho lãnh đạo UBND tỉnh Bình - Trị - Thiên được chọn lựa ra nên có nhiệt huyết và kinh nghiệm hoạt động. Tuy nhiên, hầu hết đều đã lớn tuổi nên sự nhanh nhạy, năng động, sáng tạo trong công tác tham mưu ít nhiều bị hạn chế. Mặc dù vậy, với sự cộng đồng trách nhiệm cao, với ý chí quyết tâm cống hiến, đóng góp sức mình vì quê hương Quảng Trị thân yêu của một ngày mai phát triển mà sẵn sàng quên cả tuổi tác, thời gian, vất vả để cùng gánh vác công việc chung, phục vụ tốt cho công tác chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo UBND tỉnh.
Văn phòng UBND tỉnh tham mưu lãnh đạo tỉnh chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng - an ninh thời kỳ đầu lập lại tỉnh (1989 - 1990).
Hai nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách trước mắt của toàn bộ cán bộ, công chức, viên chức Văn phòng UBND tỉnh Quảng Trị sau khi lập lại tỉnh là: Vừa nhanh chóng kiện toàn bộ máy, ổn định nơi ăn chốn ở, chăm lo đời sống; vừa phải nắm bắt tình hình, suy nghĩ, tìm tòi để trực tiếp tham mưu cho Lãnh đạo tỉnh về những nhiệm vụ, mục tiêu, chiến lược lâu dài nhằm phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, tránh nguy cơ tụt hậu.

[1] Quyết định số 460a QĐ/UB ngày 31/3/1990 của UBND tỉnh Quảng Trị ban hành bản quy định chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức, chế độ làm việc và quan hệ công tác của Văn phòng UBND tỉnh

[2] Quyết định số 274/QĐ-UB ngày 08/4/1995 của UBND tỉnh về việc thành lập Văn phòng HĐND tỉnh.

Quy hoạch xây dựng đường Hùng Vương,​thị xã Đông Hà

Ngay sau khi tỉnh nhà được lập lại, lãnh đạo tỉnh đã quyết định tổ chức mit tinh chào mừng. Văn phòng UBND tỉnh đã phối hợp với Văn phòng Tỉnh ủy và các cơ quan liên quan tham mưu lãnh đạo tỉnh về kế hoạch và chỉ đạo tổ chức buổi lễ. Ngày 22/7/1989, buổi mit tinh được tổ chức thành công tại thị xã Đông Hà, tạo nên được không khí vui tươi, phấn khởi trong toàn Đảng, toàn quân và nhân dân trong toàn tỉnh; tạo được phong trào thi đua sôi nổi trong quần chúng nhân dân, phát huy truyền thống đoàn kết, từng bước vượt qua mọi khó khăn, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, quyết tâm thực hiện thắng lợi sự nghiệp đổi mới sâu sắc và toàn diện mà Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng đã đề ra.Ngày 19/11/1989, cuộc bầu cử HĐND 3 cấp tỉnh Quảng Trị khóa I (Nhiệm kỳ 1989 - 1994) được tổ chức. Văn phòng UBND tỉnh đã tích cực tham mưu, giúp lãnh đạo tỉnh chỉ đạo triển khai thực hiện tốt đợt sinh hoạt chính trị lớn đầu tiên của tỉnh sau chia tách, góp phần không nhỏ vào thành công chung với 99,09% số cử tri trong toàn tỉnh đi bầu cử, bầu ra 60 đại biểu HĐND tỉnh, 206 đại biểu HĐND huyện, thị xã và 3.370 đại biểu HĐND xã, phường, thị trấn. Tại kỳ họp thứ nhất, HĐND tỉnh đã bầu đồng chí Lê Văn Hoan giữ chức Chủ tịch HĐND tỉnh, đồng chí Nguyễn Bường giữ chức Chủ tịch UBND tỉnh.
Thực hiện Nghị quyết số 02-NQ/TU ngày 28/6/1989 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Quảng Trị về nhiệm vụ chủ yếu trước mắt trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, tổ chức và tư tưởng; những nhiệm vụ và mục tiêu quan trọng đã được định hướng trong diễn văn mit tinh chào mừng tỉnh nhà được lập lại của đồng chí Quyền Bí thư Tỉnh ủy, 5 tháng cuối năm 1989, tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh của tỉnh đã có những bước chuyển biến, phát triển khá trên tất cả các lĩnh vực. Vượt qua những khó khăn, thách thức, tập thể lãnh đạo và cán bộ, công chức, viên chức Văn phòng UBND tỉnh đã không ngừng hiến mưu, hiến kế, phối hợp chặt chẽ với các sở, ban ngành của tỉnh xây dựng nhiều chương trình, tham mưu nhiều giải pháp, giúp lãnh đạo UBND tỉnh chỉ đạo, điều hành một cách đúng hướng, thực hiện thắng lợi tất cả các nhiệm vụ, mục tiêu cấp bách của kế hoạch đã đề ra.
Về việc sắp xếp lại các đơn vị hành chính: Để phù hợp với điều kiện quản lý và tình hình thực tiễn, trên cơ sở đề xuất của tỉnh, Hội đồng Bộ trưởng đã có Quyết định số 134-HĐBT ngày 16/9/1989 về việc lập lại thị xã Quảng Trị; Quyết định số 91-HĐBT ngày 23/3/1990 về việc lập lại các huyện Gio Linh, Vĩnh Linh (trên cơ sở chia tách huyện Bến Hải) và các huyện: Triệu Phong, Hải Lăng (trên cơ sở chia tách huyện Triệu Hải); Quyết định số 328-HĐBT ngày 19/8/1991 về việc điều chỉnh địa giới hành chính thị xã Đông Hà và lập lại huyện Cam Lộ trên cơ sở tách 8 xã nguyên thuộc huyện Cam Lộ được sát nhập vào thị xã Đông Hà năm 1981. Huyện Hướng Hóa giữ nguyên như cũ. Như vậy, toàn tỉnh có 8 đơn vị hành chính cấp huyện, gồm 6 huyện và 2 thị xã.
Trên lĩnh vực nông nghiệp, tuy có bị ảnh hưởng gió bão, nhưng vụ hè - thu năm 1989, diện tích gieo trồng vẫn tiếp tục tăng. Sản lượng lương thực cả năm là 13,88 vạn tấn, tăng 2,2 vạn tấn so với năm 1988, đạt 121,3% kế hoạch, bình quân lương thực đạt 303 kg/người. Giá cả các mặt hàng tiếp tục được bình ổn, đời sống nông dân được cải thiện. Cơ chế khoán 10 từng bước tạo được sự chuyển biến tích cực trong việc quản lý, khai thác các tiềm năng về đất đai, sức lao động..., kích thích được khí thế hăng hái sản xuất cho người nông dân. Tổng đàn trâu bò, lợn tăng đáng kể. Đến tháng 10/1989, toàn tỉnh có 75.000 con trâu bò, 130.000 con lợn, bảo đảm đủ sức kéo và cung cấp thịt cho nhân dân.
Về thủy lợi, diện tích tưới tiêu cho vụ hè - thu năm 1989 và đông - xuân năm 1990 tăng 4% so với năm 1988. Đến đầu năm 1990, đã hoàn thành thiết kế kỹ thuật công trình hồ thủy lợi Trúc Kinh, hoàn thành xây dựng đập ngăn mặn Vĩnh Phước, thi công kè Cát Sơn, trạm bơm Hải Dương, hệ thống kênh N2 của công trình đại thủy nông Nam Thạch Hãn... Chương trình mục tiêu xây dựng và phát triển rừng thu được kết quả khá. Đến cuối năm 1989, toàn tỉnh đã trồng mới được 3.196 ha rừng tập trung, 3.766 ha rừng phân tán.
Năm 1989, sản lượng đánh bắt hải sản là 3.600 tấn, trong đó có tôm hùm, mực khô và các loại thủy, hải sản khác để xuất khẩu được 288.000 USD.
Trên lĩnh vực kinh tế quốc doanh, tư tưởng ỷ lại, trông chờ vào sự giúp đỡ từ cấp trên đã từng bước được khắc phục. Tính năng động đã được phát huy, chủ động nắm chắc nguồn hàng, nắm chắc tình hình sản xuất, kinh doanh, liên kết kinh tế, từng bước gắn trách nhiệm người lao động với kết quả sản phẩm nhằm phát huy năng lực, trí tuệ của từng người để không ngừng cải tiến kỹ thuật, nâng cao chất lượng sản phẩm.
Về lĩnh vực xây dựng cơ bản, giá trị xây lắp đã bàn giao đạt 3,333 tỷ đồng. Mặc dù giá trị xây lắp còn thấp song việc đầu tư không mang tính dàn trải mà đã tập trung đầu tư vào các công trình trọng điểm như: Nhà máy điện, nhà máy nước, hồ Hiếu Nam, sửa chữa cầu Đông Hà, cầu Hiền Lương; tiến hành san ủi và cấp đất làm nhà ở cho 150 cán bộ, công nhân viên của tỉnh.
Qua 5 tháng, từ một mạng lưới điện ít ỏi, lạc hậu, tính bình quân đầu người từ chỗ không vượt quá 10kw/h, đến nay sản lượng điện gia tăng đáng kể. Ngoài các tổ máy đã được sửa chữa lại, tiến hành lắp đặt mới 2 trạm biến áp ở huyện Gio Linh và thị xã Đông Hà để đấu nối với hệ thống tải điện quốc gia. Nhiều tuyến đường mới được mở rộng như: Đường 1A từ Ngã Tư Sòng vào cầu Lai Phước, đường 9A, đường 9B và mở thêm một số tuyến đường mới ở trung tâm thị xã Đông Hà; các tuyến đường về vùng biển, miền núi và vùng nông thôn.
Lĩnh vực văn hoá - xã hội của tỉnh tiếp tục được ổn định và phát triển. Ngành Giáo dục và Đào tạo trong năm học 1989 - 1990 đã huy động được 105.000 học sinh các cấp đến trường. Đội ngũ giáo viên các cấp có 4.289 người. Toàn tỉnh có 118 trường mẫu giáo, 176 trường trung học cơ sở, 8 trường phổ thông trung học, 1 trường trung cấp sư phạm.

Chơi thuyền trên Công viên Đông Hà

Trong điều kiện còn rất thiếu thốn về cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật, song công tác khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe nhân dân, sinh đẻ có kế hoạch được quan tâm hơn. Tỉnh cũng đã có nhiều cố gắng để kịp thời phát hiện, khống chế nhằm hạn chế đến mức tối đa việc dịch bệnh xảy ra trên diện rộng (nhất là sau lụt bão, hạn hán); đã tổ chức khám, điều trị và phát thuốc dự phòng sốt rét cho 22 xã miền núi với 25.000 lượt người.
Việc chăm lo thực hiện chính sách cho các gia đình thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sỹ, người có công đã được quan tâm hơn trước; tiền lương hưu cho cán bộ cũng được cố gắng giải quyết sớm; chỉ đạo triển khai thực hiện kịp thời, nghiêm túc Quyết định số 176/HĐBT ngày 09/10/1989 của Hội đồng Bộ trưởng về sắp xếp lại lao động trong các đơn vị kinh tế quốc doanh, để từng bước giải quyết tốt chế độ, chính sách cho người lao động, sắp xếp việc làm cho cán bộ, công nhân viên trong các đơn vị sản xuất, kinh doanh thuộc khu vực quốc doanh một cách hợp lý và hiệu quả hơn.
Ngành Văn hóa - Thông tin bước đầu nắm lại tình hình, nhìn nhận đúng thực trạng văn hóa cơ sở; tích cực truy quét văn hóa đồi trụy, phản động và từng bước xây dựng cơ sở vật chất, đẩy mạnh sự nghiệp Văn hoá - Thông tin, nâng cao đời sống văn hóa ở cơ sở trong năm 1990 và những năm sau. 

 

Diễu hành chào mừng Kỷ niệm 45 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 02/9/1990

 
Báo Quảng Trị, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh đã vượt qua khó khăn, thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị được giao, tuyên truyền sâu rộng đến toàn Đảng, toàn dân trong tỉnh hiểu và làm đúng theo quan điểm đường lối của Đảng, kịp thời uốn nắn những quan điểm lệch lạc, nhận thức mơ hồ trước những luận điệu xuyên tạc của kẻ thù. Quốc phòng - an ninh và trật tự an toàn xã hội được giữ vững, góp phần tích cực vào việc ổn định tình hình, củng cố lòng tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, vào con đường đi lên chủ nghĩa xã hội.Văn phòng UBND tỉnh Quảng Trị đã chuẩn bị tốt tất cả các điều kiện để Đoàn cấp cao của 2 tỉnh Quảng Trị - Savannakhet gặp gỡ và ký các văn bản hợp tác, kết nghĩa giữa 2 tỉnh. Ngoài ra, Văn phòng còn phục vụ lãnh đạo tỉnh tiếp hơn 30 đoàn khách quốc tế, nhiều Đoàn cấp cao của Đảng, Nhà nước, các Bộ, ngành Trung ương vào thăm và làm việc với tỉnh ta. Tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo thực hiện 3 dự án vốn tài trợ không hoàn lại của các tổ chức Liên hiệp quốc, các tổ chức nhân đạo (dự án trồng rừng PAM, dự án dinh dưỡng bảo vệ bà mẹ và trẻ em, dự án nước sạch nông thôn), lập 6 dự án trình Chính phủ hỗ trợ đầu tư (dự án cải tạo đất cát, dự án ứng dụng tiến bộ kỹ thuật sản xuất chế biến tiêu xuất khẩu, dự án khai thác tổng hợp hệ thống công trình thủy lợi Trúc Kinh, dự án xây dựng nông thôn mới, dự án nước sinh hoạt thị xã Quảng Trị, dự án khai thác nước ngầm vùng đất đỏ), 3 dự án hợp tác với Cộng hòa dân chủ Đức về hồ tiêu Tân Lâm, với UNIPRAM về trồng rừng giấy sợi, với Rumani về trồng cao su.[1]
Phát huy những thành tựu đã đạt được, bám sát vào tình hình thực tiễn của từng địa bàn, từng cơ sở và toàn tỉnh, Văn phòng UBND tỉnh đã nêu cao tính chủ động, sáng tạo; không ngừng cố gắng vươn lên về mọi mặt, đáp ứng được yêu cầu và sự đòi hỏi mới để tham mưu giúp lãnh đạo tỉnh hoạch định kế hoạch, nhiệm vụ, mục tiêu quan trọng cho sự phát triển kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh của tỉnh trong năm 1990 và chuẩn bị tiền đề thực hiện kế hoạch 5 năm (1991 - 1995), quyết tâm lập thành tích cao nhất để thiết thực chào mừng Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VII, Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI. Tập thể cán bộ, công chức, viên chức của Văn phòng UBND tỉnh đã không quản ngại khó khăn, quan tâm phục vụ tốt cho các đồng chí lãnh đạo tỉnh, làm việc trực tiếp với các ngành để kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, chỉ đạo thực hiện một cách có hiệu quả các nhiệm vụ, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội thông qua các chương trình do UBND tỉnh đề ra (Chương trình miền núi, chương trình kinh tế, chương trình văn hóa - xã hội...). Kết quả thu được là:
- Lĩnh vực sản xuất nông nghiệp có những tiến bộ đáng phấn khởi: Sản lượng lương thực 5 năm (1986 - 1990) tăng so với 5 năm trước gần 5 vạn tấn, tăng bình quân 10%/năm. Các ngành dịch vụ nông nghiệp chuyển dần hoạt động sang cơ chế mới. Nhiều công trình đã được đầu tư nâng cấp, xây dựng mới và tu sửa kịp thời sau thiên tai, góp phần nâng cao năng lực tưới tiêu và ngăn mặn, phục vụ tốt sản xuất. Đời sống nhân dân ổn định và khá hơn trước. Lao động nghề ở nông thôn bắt đầu hình thành, sản xuất hàng hóa có chiều hướng phát triển tốt. Năng lực sản xuất được giải phóng. Phong trào trồng cây gây rừng phát triển khá: đã có gần 20.000 ha rừng trồng (trong đó gần 8.000 ha rừng thông để lấy nhựa). Riêng 2 năm 1989 - 1990, đã trồng mới trên 4.000 ha rừng tập trung, 10.000.000 cây phân tán. Nghề cá đã đánh bắt trong 2 năm đạt 10.000 tấn. Xí nghiệp Đông lạnh Cửa Tùng và Đông Hà đã hoàn thành công tác xây dựng, bắt đầu tổ chức thu mua, chế biến hải sản để xuất khẩu. Giá trị xuất khẩu từ chỗ vài trăm ngàn USD năm 1989 đã nâng lên 800.000 USD năm 1990. Đời sống của một bộ phận ngư dân được cải thiện.
Với chức năng là cơ quan tham mưu, giúp việc, ngoài việc tập trung toàn bộ công sức, trí tuệ và thời gian để cùng với lãnh đạo tỉnh nắm chắc tình hình, đi sâu, đi sát về cơ sở để chỉ đạo thực hiện tốt các vấn đề đã nêu trên. Trong 2 năm 1989 và 1990, Văn phòng UBND tỉnh Quảng Trị đã làm tốt công tác nội vụ, nghiệp vụ tham mưu của mình, tiếp nhận gần 2.000 văn bản của Chính phủ, các Bộ ngành Trung ương; Tham mưu UBND tỉnh ban hành 2.034 quyết định, 78 chỉ thị và hàng ngàn các loại văn bản chỉ đạo, điều hành khác. "Các văn bản pháp quy của UBND tỉnh trung bình không quá 2 trang và chưa có văn bản nào bị cơ quan có thẩm quyền giám sát, kiểm soát bãi bỏ hoặc phủ quyết... Tuy trụ sở và phương tiện làm việc còn lắm khó khăn nhưng tinh thần trách nhiệm, khắc phục khó khăn của cán bộ, công nhân viên có nhiều cố gắng, tạo nên sự hoạt động của hệ thống bộ máy quản lý nhà nước được bình thường và thông suốt".[2]

[1] Báo cáo số 16/BC-UB ngày 11/12/1989 của UBND tỉnh Quảng Trị trình bày tại kỳ họp thứ nhất, HĐND tỉnh khóa II, nhiệm kỳ 1989 - 1994.

[2] Báo cáo số 21/BC-UB ngày 11/7/1990 của UBND tỉnh trình bày tại Kỳ họp thứ 3 - HĐND tỉnh khóa II

Các tin khác