Chi tiết tin - VPUBND Tỉnh

VĂN PHÒNG UBND TỈNH QUẢNG TRỊ THAM MƯU LÃNH ĐẠO TỈNH CHỈ ĐẠO THỰC HIỆN KẾ HOẠCH 5 NĂM (1996 - 2000).

18-03-2022 09:20:24

1. Đường lối phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh của tỉnh trong kế hoạch 5 năm giai đoạn 1996 - 2000.

Thủ tướng Võ Văn Kiệt thăm và làm việc tại Quảng Trị

Trong bối cảnh đất nước có những chuyển biến sâu sắc, sự nghiệp đổi mới do Đảng khởi xướng và lãnh đạo đã giành được nhiều thành tựu to lớn. Ở Quảng Trị, từ sau Đại hội Đảng bộ lần thứ XI, Đảng bộ và nhân dân ta đã khắc phục nhiều khó khăn, thử thách, phấn đấu thi đua thực hiện Nghị quyết Đại hội, mang lại những kết quả khả quan. Nhiệm vụ kinh tế xã hội giai đoạn 1996 - 2000 có vị trí đặc biệt quan trọng, đất nước đang chuyển sang thời kỳ mới với nhiều vận hội mới nhưng cũng đầy phức tạp và khó khăn. Đây cũng là thời kỳ chuyển tiếp một giai đoạn có tính lịch sử đối với Đảng bộ và nhân dân Quảng Trị, đòi hỏi phải phấn đấu quyết liệt hơn nữa trong những năm cuối của thế kỷ này nhằm tạo được sự phát triển mạnh mẽ về kinh tế và xã hội, để Quảng Trị sớm vượt qua tình trạng là một tỉnh nghèo và chậm phát triển.
Với tinh thần đó, phương hướng và mục tiêu tổng quát trong 5 năm 1996 - 2000 là: "Tập trung mọi lực lượng, khắc phục khó khăn, vượt qua thách thức, tranh thủ thời cơ, phát huy lợi thế, phát triển kinh tế từng bước vững chắc; giải quyết những vấn đề bức xúc về xã hội, cải thiện đời sống nhân dân; phấn đấu không còn hộ đói, giảm bớt hộ nghèo, tăng hộ khá, sớm hình thành cơ cấu kinh tế công nghiệp - nông nghiệp - thương mại, dịch vụ”.
Trên cơ sở mục tiêu tổng quát như trên, mục tiêu cụ thể cho giai đoạn này được tỉnh xác định: Phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng sản phẩm xã hội 10 - 12%, nâng giá trị tổng sản phẩm nội tỉnh GDP bình quân đầu người vào năm 2000 gấp 2,2 lần năm 1995, bắt đầu có tích lũy từ nội bộ. Đẩy mạnh tốc độ tăng bình quân hàng năm của các ngành kinh tế: Công nghiệp - xây dựng 15 - 18%; nông - lâm - ngư nghiệp 5 - 6%; thương mại - dịch vụ và du lịch 20 - 22%, giá trị xuất khẩu năm 2000 đạt 20 - 22 triệu USD, khai thác triệt để mọi nguồn lực, tập trung đầu tư có trọng điểm và đồng bộ, tạo nên khâu đột phá để chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phấn đấu đạt cơ cấu giá trị công nghiệp - thương mại - dịch vụ 65 - 70%; nông nghiệp 30 - 35% vào năm 2000 [1].
Trong giai đoạn này, bộ máy lãnh đạo UBND tỉnh đã có một số thay đổi. Năm 1999, đồng chí Nguyễn Bường chuyển công tác; đồng chí Nguyễn Minh Kỳ làm Chủ tịch; đồng chí Lê Hữu Phúc làm Phó Chủ tịch (từ 12/1999 - 8/2003), rồi Quyền Chủ tịch (từ 9/2003 - 4/2004) và Chủ tịch (từ 5/2004 - 5/2009); bổ sung các Phó Chủ tịch là đồng chí Lê Hữu Thăng (từ 12/1999 - 2011) và đồng chí Nguyễn Đức Chính (từ 12/1999 - 10/2014).
Bộ máy lãnh đạo Văn phòng UBND tỉnh cơ bản vẫn giữ nguyên, gồm: Đồng chí Thái Xuân Lãm làm Chánh Văn phòng UBND tỉnh; các Phó Văn phòng gồm: Đồng chí Dương Khánh Hồng, đồng chí Nguyễn Chí Dũng và đồng chí Quốc Hồ Hiệp Nghĩa.
2. Văn phòng UBND tỉnh Quảng Trị tham mưu lãnh đạo tỉnh chỉ đạo thực hiện kế hoạch 5 năm, giai đoạn 1996 - 2000.
Năm 1996 là năm đầu tiên thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 1996 - 2000 theo Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VIII và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XII. Việc phấn đấu hoàn thành và vượt mức các chỉ tiêu của Nghị quyết HĐND tỉnh (Khóa III, kỳ họp thứ 4), có ý nghĩa hết sức quan trọng, tạo đà phát triển cho những năm tới, tiến tới hoàn thành các mục tiêu của kế hoạch 5 năm 1996 - 2000. UBND tỉnh đã tập trung chỉ đạo, cùng với sự nỗ lực phấn đấu của nhân dân và các cấp, các ngành trong tỉnh, góp phần làm cho nền kinh tế - xã hội của tỉnh ổn định và phát triển; đời sống nhân dân tiếp tục được cải thiện; quốc phòng - an ninh được giữ vững; tốc độ tăng trưởng khá, nhiều chỉ tiêu quan trọng đạt và vượt kế hoạch đề ra. Mặc dù trong năm 1996, lũ lụt gây thiệt hại nặng ở các huyện: Hải Lăng, Triệu Phong, Hướng Hóa, thị xã Quảng Trị... nhưng nhờ tiềm lực kinh tế tích lũy được trong những năm qua, nhân dân ta đã có sức để khắc phục hậu quả và vẫn còn điều kiện để vươn lên hoàn thành kế hoạch năm 1996.
Từ năm 1996 - 2000, với chức năng, nhiệm vụ của mình, Văn phòng UBND tỉnh quyết tâm phấn đấu, tích cực đổi mới tư duy, năng động và sáng tạo để tham mưu, giúp việc cho UBND tỉnh chỉ đạo, điều hành toàn Đảng, toàn quân, toàn dân tỉnh ta thực hiện thắng lợi nhiệm vụ, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội trong kế hoạch 5 năm lần thứ 2 của tỉnh (1996 - 2000) do Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XII đề ra.
Nhìn chung, cơ cấu kinh tế nông nghiệp trong 5 năm qua bước đầu chuyển dịch theo hướng tích cực. Tổng sản phẩm (GDP) tăng bình quân 5 năm đạt 8,5% (kế hoạch 12%); hầu hết các chỉ tiêu còn lại khác đều đạt và vượt. Tiềm lực kinh tế của tỉnh và của nhân dân được tăng cường, tạo thế và lực mới cho sự phát triển của các giai đoạn tiếp theo.
Sản xuất nông - lâm - ngư nghiệp đạt nhiều kết quả đáng phấn khởi. Nhịp độ tăng trưởng về diện tích cây lương thực trong 5 năm là 0,35%. Tốc độ tăng trưởng bình quân về diện tích lúa thời kỳ 1996 - 2000 là 1,15%, tốc độ tăng trưởng bình quân về sản lượng là 13,6% Sản lượng lương thực đạt 21,7 vạn tấn, vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra (17 - 18 vạn tấn). Bình quân lương thực đầu người tăng từ 287kg (năm 1995) lên 369,5 kg (năm 2000); diện tích cây cao su tăng từ 4.900 ha (năm 1995) lên 9.815 ha (năm 2000); cây cà phê tăng từ 1.380 ha lên 3.400 ha; hồ tiêu tăng từ 769 ha lên 1.494 ha. Diện tích rừng trồng đạt từ 4.000- 5.000 ha/năm. Trong 5 năm đã trồng 24.300 ha rừng tập trung, 16 triệu cây phân tán, đưa độ che phủ rừng từ 23% lên 30%.
Chăn nuôi tiếp tục ổn định và có bước phát triển. Đến năm 2000, tổng đàn trâu, bò có 98.044 con; đàn lợn có 185.574 con và đã "nạc hóa" 75% tổng đàn; số lượng các loại gia cầm cũng tăng nhanh.
Chương trình khai thác hải sản, đánh bắt xa bờ được đẩy mạnh, năng lực đánh bắt được tăng cường. Trong 5 năm, công suất đã tăng từ 35.700 CV (năm 1996) lên 37.580CV (năm 2000). Sản lượng hải sản năm 1996 là 7.800 tấn, năm 2000 đạt 12.360 tấn. Diện tích nuôi trồng thủy, hải sản đạt 1000 ha; Tổng kim ngạch xuất khẩu ngành thủy sản đạt bình quân hàng năm 3,5 triệu USD.

[1] Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XII

Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu thăm vùng cao su tiểu điền huyện Vĩnh Linh

Văn phòng UBND tỉnh đã tích cực chủ động tham mưu nhiều biện pháp huy động nguồn vốn tự có trong nhân dân, vốn nhà nước, vật tư, thiết bị và vốn của các tổ chức quốc tế (Unicef, PLAN, Phần Lan, Ủy ban Y tế Hà Lan 2...) để xây dựng nhiều công trình nước sạch và vệ sinh môi trường ở các địa bàn trong tỉnh, nhất là vùng nông thôn, miền núi và những vùng đặc biệt khó khăn. Đã xây mới 3.440 giếng khoan, 11 công trình nước tự chảy, đào mới 319 giếng nước, xây 824 bể lọc, với tổng số vốn đầu tư trong 5 năm là 7.500 triệu đồng, cung cấp nước sạch cho trên 13.000 dân.
Trên tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VIII: "Thực hiện nhất quán, lâu dài chính sách phát triển kinh tế hàng hóa nhiều thành phần. Lấy việc giải phóng sức sản xuất, động viên tối đa mọi nguồn lực bên trong và bên ngoài cho công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nâng cao hiệu quả kinh tế - xã hội, cải thiện đời sống nhân dân làm mục tiêu hàng đầu trong việc khuyến khích phát triển các thành phần kinh tế và hình thức tổ chức kinh doanh", lãnh đạo tỉnh đã kịp thời có chủ trương phát triển nhanh kinh tế trang trại, khuyến khích động viên nhân dân mạnh dạn nhận đất, tự bỏ vốn để đầu tư sản xuất, tạo được một số mô hình kinh tế trang trại nông, lâm ngư trong nông nghiệp, nông thôn của tỉnh. Đến năm 2000, toàn tỉnh có trên 1.000 trang trại trong tất cả các lĩnh vực có quy mô từ 2 đến 10 ha.
Kinh tế trang trại phát triển đã trở thành một kênh quan trọng sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn đầu tư, nguồn vốn vay, đặc biệt là các dự án thuộc các chương trình: phủ xanh đất trống đồi núi trọc (chương trình 327); phát triển vùng cát, bãi bồi ven sông, biển (chương trình 773); trồng mới 5 triệu ha rừng (chương trình 661); vay vốn giải quyết việc làm (chương trình 120); trồng cao su tiểu điền, trồng rừng theo dự án Đức... Các chủ trang trại đã làm ăn có lãi, trả được nguồn vốn vay, khai thác và sử dụng đất đai có hiệu quả. [1]
Công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp tiếp tục duy trì nhịp độ tăng trưởng, bước đầu khai thác có hiệu quả tiềm năng, thế mạnh sẵn có của tỉnh. Giá trị công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp đạt 301,6 tỷ đồng (giá cố định năm 1994), tăng 15% so với năm 1999 và bằng 108,5% kế hoạch; trong đó, khu vực nhà nước 149,3 tỷ đồng, khu vực ngoài quốc doanh đạt 152,3 tỷ đồng.
Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, một số dự án mới như: Dây chuyền sản xuất gạch tuy nen 10 triệu viên/năm ở Vĩnh Linh; Nhà máy chế biến hải sản Cửa Việt; dây chuyền may công nghiệp; dây chuyền chế biến cà phê 50 tấn/ngày; dây chuyền sơ chế cao su và một số cơ sở công nghiệp quy mô vừa và nhỏ khác cũng được đầu tư xây dựng như: sản xuất cơ khí, lắp ráp xe máy, lắp ráp điện tử, sản xuất cấu kiện xây dựng, phục vụ xây dựng điện, thủy lợi, giao thông...

[1] Báo cáo số 56/BC-UB ngày 15/10/1999 của UBND tỉnh về việc Đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch 5 năm 1996- 2000 và định hướng kế hoạch kinh tế- xã hội 5 năm 2001- 2005

Nhà máy xi măng 8,2 vạn tấn/năm hoàn thành và đi vào sản xuất

Nhịp độ tăng trưởng công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp ổn định (13,6%), giá trị sản xuất tăng bình quân hàng năm 11,9%. Thế mạnh về công nghiệp vật liệu xây dựng được phát huy. Các ngành công nghiệp khai khoáng, chế biến phân lân vi sinh, chế biến thủy, hải sản được củng cố và có bước phát triển. Công nghiệp ngoài quốc doanh chiếm tỷ trọng 49,9% giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh. Năm 1990, toàn tỉnh chỉ có 1.598 cơ sở sản xuất kinh doanh, đến năm 2000 đã có 5.660 cơ sở, tăng gấp 3,5 lần. Sản lượng điện cả năm đạt 92,21 triệu KW/h, điện thương phẩm đạt 83,9 triệu KW/h, hoàn thành đề án bổ sung, sửa đổi quy hoạch lưới điện toàn tỉnh để trình Trung ương phê duyệt.
Cùng với việc nâng cấp Quốc lộ 1A và Quốc lộ 9, nhiều tuyến đường quan trọng được xây dựng và phát huy hiệu quả như: Đường về cảng Cửa Việt; đường Tà Rụt - La Lay; Hướng Phùng - Cù Bai; Hồ Xá - Cáp Lài; xã Thuận - Lìa; đường 64; đường 68 và đường về các xã ven biển… Xây dựng nhiều cầu quan trọng như: Cầu vượt đường sắt Đông Hà; cầu treo Đakrông; cầu treo Sông Hiếu; cầu An Mô; cầu Hiền Lương...; đã hoàn thành xây dựng giai đoạn 1 Cảng Cửa Việt và đang tiếp tục triển khai xây dựng giai đoạn 2. Phong trào kiên cố hóa giao thông nông thôn được nhân dân đồng tình ủng hộ và phát triển mạnh. Đến năm 2000, toàn tỉnh đã có 132/136 xã, phường có đường ô tô về trung tâm. Tổng số vốn đầu tư để phát triển giao thông trong 5 năm khoảng 490,2 tỷ đồng, chiếm 25,34% tổng số vốn đầu tư trên địa bàn.
Các công trình thủy lợi Trúc Kinh, Bảo Đài, đập ngăn mặn Việt Yên, công trình Nam Thạch Hãn được củng cố và nâng cấp; hệ thống hồ đập, trạm bơm, đê kè, kiên cố hóa kênh mương, hệ thống thủy lợi miền núi, các chương trình chống cát lấp, cát bay,… đã phát huy tốt hiệu quả. Đến năm 2000, trên địa bàn toàn tỉnh đã có 237 công trình thủy lợi lớn, vừa và nhỏ; 10.000 km kênh mương chủ động tưới cho trên 70% diện tích lúa nước (tăng 10% so với năm 1995).
Mạng lưới bưu chính - viễn thông phát triển khá nhanh, đã có 100% huyện, thị xã có hệ thống vi ba số; 100/136 xã, phường, thị trấn có điện thoại; mật độ máy điện thoại đạt 2,8 máy/100 dân, tăng 2,5 lần so với năm 1995; đã xây dựng 33 bưu cục, tăng 43,5%; có 77 điểm bưu điện văn hóa xã.

Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải viếng NTLS Đường 9 nhân chuyến thăm và làm việc tại Q.Trị - Năm 2001

Hệ thống phát thanh - truyền hình, Báo Quảng Trị, các cơ sở thể dục thể thao được xây dựng và bổ sung trang thiết bị. Hệ thống chợ đô thị, nông thôn đã được đầu tư xây dựng và mở rộng. Hình thành 2 tuyến đô thị chủ yếu dọc theo 2 tuyến đường Quốc lộ 1A và Quốc lộ 9. Diện mạo các thị xã, thị trấn, thị tứ và nhiều cụm xã ở nông thôn, miền núi đã có sự thay đổi rõ rệt; trên 60% nhà ở của nhân dân được xây dựng kiên cố hoặc bán kiên cố; số hộ có xe máy và các phương tiện nghe, nhìn tăng nhanh.Văn phòng UBND tỉnh đã phối hợp với các ngành liên quan hoàn chỉnh Đề án Quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh từ năm 2001 - 2010; Đề án Khu Kinh tế Thương mại Lao Bảo và phối hợp với các huyện, thị xã khẩn trương xây dựng đề án của huyện, thị xã để trình UBND tỉnh phê duyệt; đồng thời giúp UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ban, ngành xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2001 - 2005) trình các Bộ, ngành Trung ương và Chính phủ phê duyệt.
Văn phòng UBND tỉnh đã tham mưu UBND tỉnh ban hành một số cơ chế, chính sách nhằm động viên khuyến khích các thành phần kinh tế nộp ngân sách địa phương; giao chỉ tiêu nộp ngân sách cụ thể cho từng doanh nghiệp. Nhờ vậy, nguồn thu ngân sách từ nội bộ nền kinh tế tăng, thu từ xuất nhập khẩu bình quân 5 năm đạt trên 300 tỷ đồng, tăng 30% so với năm 1995. Tổng thu ngân sách nhà nước năm 2000 đạt 254,4 tỷ đồng; thu 5 năm đạt 1.734 tỷ đồng, tăng 1.177 tỷ đồng so với 5 năm trước. Tổng chi ngân sách địa phương 5 năm đạt 1.570 tỷ đồng, nhịp độ tăng bình quân hàng năm là 17,1%. Tổng kim ngạch xuất khẩu 5 năm thực hiện hơn 80 triệu USD; năm 2000 đạt 21,4 triệu USD. Kim ngạch nhập khẩu 5 năm đạt hơn 70 triệu USD; năm 2000 đạt 13,7 triệu USD.
Văn phòng UBND tỉnh đã kịp thời tham mưu cho UBND tỉnh tổ chức rà soát lại toàn bộ quy hoạch và kế hoạch phát triển Khu Thương mại Lao Bảo; làm việc với Văn phòng Chính phủ và các Bộ ngành liên quan (Bộ Ngoại giao, Bộ Thương mại, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính), trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 219/1998/QĐ-TTg ngày 12/11/1998 về Quy chế Khu vực khuyến khích phát triển kinh tế Khu Thương mại Lao Bảo. Đến hết năm 2000, đã có thêm 5 dự án của trong nước và nước ngoài đã đầu tư vào Khu Thương mại Lao Bảo với số vốn trên 50 tỷ đồng Việt Nam và 2,5 triệu USD.
Toàn tỉnh đã có 317/368 hợp tác xã đã chuyển đổi và thành lập hợp tác xã mới hoạt động theo Luật Hợp tác xã. Tổng số xã viên tham gia hợp tác xã khoảng 121.000 người, chiếm 50% tổng số lao động toàn tỉnh. Tính đến 31/12/2000, tổng số vốn của các hợp tác xã là 78.894 triệu đồng (trong đó vốn lưu động là 32.142 triệu đồng, vốn cố định là 46.751 triệu đồng). Kinh tế hợp tác xã đã góp phần tích cực thúc đẩy nền kinh tế của tỉnh không ngừng phát triển, tạo điều kiện cho kinh tế hộ xã viên phát triển và công tác xóa đói giảm nghèo có hiệu quả. 

Đập tràn Nam Thạch Hãn
Công trình Bệnh viện Đa khoa tỉnh  hoàn thành, đưa vào sử dụng

Ngành, nghề, dịch vụ ở nông thôn có bước phát triển, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Kinh tế miền núi và định canh, định cư được thực hiện tích cực và có kết quả bước đầu. Đã thực hiện 16 dự án định canh, định cư, ổn định thêm 20 bản với 1.552 hộ gia đình. Nhà nước đã đầu tư 25,55 tỷ đồng để ổn định và phát triển kinh tế miền núi. 6/17 trung tâm cụm xã được quy hoạch từng bước đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu.Công tác đối ngoại với yêu cầu đa dạng hóa và đa phương hóa để hội nhập đã được lãnh đạo UBND tỉnh quan tâm. Quan hệ kinh tế đối ngoại đã có bước phát triển mới. Quan hệ với các tỉnh của nước bạn Lào được tăng cường. Nhiều dự án ODA đầu tư tại tỉnh vẫn tiếp tục phát huy hiệu quả. 5 năm qua, tỉnh đã mở rộng quan hệ với các tổ chức quốc tế như: UNICEF, PAM, UNHCR, PLAN, NGO... các tổ chức song phương như: OECF, JICA, Hội Chữ thập đỏ Hà Lan, tổ chức Cây Hòa bình Mỹ... và Đại sứ quán của rất nhiều nước. Trong năm 2000, Văn phòng UBND tỉnh đã chuẩn bị đầy đủ nội dung, chương trình, đề án cho lãnh đạo tỉnh tiếp và làm việc với 224 đoàn khách quốc tế đến Quảng Trị để tìm hiểu đầu tư, ký kết hợp tác, thăm lại chiến trường xưa, cứu trợ lụt bão, tài trợ nhân đạo, khắc phục hậu quả chiến tranh, hoạt động MIA... Văn phòng UBND tỉnh cũng đã chuẩn bị đầy đủ các văn kiện liên quan để lãnh đạo UBND tỉnh ký các Hiệp định: Dự án phát triển nông thôn ven biển Triệu Phong do Chính phủ Na Uy tài trợ; Dự án xóa đói giảm nghèo ở huyện Hướng Hóa, huyện Đakrông do ADB tài trợ; chuẩn bị các điều kiện để tiếp tục thực hiện Chương trình phát triển nông thôn Quảng Trị giai đoạn 2 do chính phủ Phần Lan tài trợ, thực hiện tại các huyện: Hải Lăng, Cam Lộ, Đakrông.
Lĩnh vực văn hoá - xã hội đạt được những tiến bộ quan trọng, có ý nghĩa về nhiều mặt, đời sống tinh thần của nhân dân phong phú hơn. Văn phòng UBND tỉnh đã phối hợp với Sở Văn hóa - Thông tin và các ngành liên quan tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 03/KH-UB ngày 01/01/1996 quy định về những tiêu chí cụ thể của làng văn hóa, gia đình văn hóa; xác định rõ những nội dung cơ bản để làm cơ sở cho các địa phương xây dựng quy ước, nhằm thực hiện tốt Nghị định số 87/CP của Chính phủ, Chỉ thị số 814/TTg của Thủ tướng Chính phủ và cuộc vận động "Toàn dân xây dựng đời sống văn hóa cơ sở" mà trọng tâm là "Xây dựng làng văn hóa, gia đình văn hóa".

Nhà Dài truyền thống của đồng bào dân tộc Vân Kiều Pa Cô đã được phục chế

Sau 5 năm thực hiện, toàn tỉnh đã có 259 làng, bản, khu phố, đơn vị phát động xây dựng làng văn hóa; 92 làng đã được tỉnh công nhận là Làng văn hóa; 25.800/hơn 50.000 hộ gia đình đã đăng ký được công nhận danh hiệu Gia đình văn hóa. Các thiết chế văn hóa, thể dục, thể thao được quan tâm đầu tư xây dựng, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của nhân dân như: Nhà thi đấu thể thao, nhà văn hóa trung tâm, rạp chiếu bóng, thư viện; các cụm văn hóa xã, bưu điện văn hóa xã, các tụ điểm sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao của các làng. Văn hóa đồi trụy và độc hại từng bước được đẩy lùi.
Hệ thống di tích lịch sử và danh thắng sớm được quy hoạch và được Chính phủ phê duyệt, gồm 389 di tích được kiểm kê, phân loại;

Trống đồng có niên đại 2.500 năm, tìm được ở Trằm Trà Lộc, xã Hải Xuân, huyện Hải Lăng

có 24 di tích và cụm di tích được xếp hạng di tích quốc gia quan trọng như: Thành cổ Quảng Trị; đôi bờ Hiền Lương; địa đạo Vịnh Mốc; nhà đày Lao Bảo; sân bay Tà Cơn; Khu Di tích danh thắng Đakrông; Khu Lưu niệm Cố Tổng Bí thư Lê Duẩn.
Hoạt động thông tin, báo chí có nhiều đổi mới. Báo Quảng Trị được cải tiến nội dung và đã nâng lên 3 số/tuần. Phát thanh và truyền hình nâng dần diện phủ sóng, nâng cao chất lượng và thời lượng phát sóng, mở nhiều chuyên đề, chuyên mục mới, tạo được sức hấp dẫn, phục vụ tốt nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần của nhân dân. Đã phủ sóng phát thanh và sóng truyền hình cho 121/136 xã, phường.
Văn phòng UBND tỉnh đã phối hợp với các cấp, các ngành tham mưu UBND tỉnh ban hành và chỉ đạo triển khai thực hiện kế hoạch tổ chức các ngày lễ lớn năm 2000 như: Kỷ niệm 105 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh; Kỷ niệm 50 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9; 90 năm ngày sinh Tổng Bí thư Lê Duẩn; 25 năm ngày giải phóng Quảng Trị; đặc biệt, chủ động lập kế hoạch, chương trình, tiếp đón và tổ chức các hoạt động bổ trợ cho hàng chục đoàn của các tỉnh về tham gia Hội thi Thể thao - Văn nghệ người khuyết tật toàn quốc lần thứ nhất, tổ chức vào dịp kỷ niệm 50 năm ngày Thương binh liệt sỹ (27/7/1947 - 27/7/1997) tại Quảng Trị. Thành công của Hội thi ngoài cả sự mong muốn, tạo được sự cảm phục, tin yêu của tất cả các Đoàn tỉnh bạn, được Trung ương và các Bộ, ngành đánh giá cao.
Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, trên cơ sở Nghị quyết Trung ương 2, Chương trình hành động số 69/CTHĐ-TU ngày 19/4/1997 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Nghị quyết số 09 của HĐND tỉnh về phát triển Giáo dục - Đào tạo trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, Văn phòng UBND tỉnh đã phối hợp với Sở Giáo dục - Đào tạo, các ngành liên quan và UBND các huyện, thị xã xây dựng kế hoạch phát triển sự nghiệp Giáo dục - Đào tạo của tỉnh đến năm 2000.
Quy mô các ngành học, bậc học được củng cố, phát triển và mở rộng: Giáo dục phổ thông năm học 2000 - 2001 có 152.284 học sinh, tăng 47.444 em so với năm học 1994 - 1995, trong đó có 963 học sinh dân tộc nội trú.

Lễ kỷ niệm 10 năm - Quảng Trị đổi mới và phát triển (1989 - 1999)

Năm học 1996 - 1997, toàn tỉnh có 126/136 xã, phường, thị trấn đạt chuẩn quốc gia về phổ cập giáo dục tiểu học và chống mù chữ, đạt 92%. Năm học 2000 - 2001 đã tăng lên 134/136 xã, phường, thị trấn đạt chuẩn quốc gia. Cuối năm 1996, Quảng Trị là tỉnh thứ 18/61 tỉnh, thành trong cả nước được Trung ương công nhận đạt chuẩn quốc gia về phổ cập giáo dục tiểu học và chống mù chữ. Công tác phổ cập giáo dục trung học cơ sở được đẩy mạnh. Năm học 2000 - 2001, toàn tỉnh đã có 83/136 xã, phường, thị trấn và 4 huyện, thị xã (Vĩnh Linh, Gio Linh, Hải Lăng, thị xã Quảng Trị) đã đạt chuẩn quốc gia về phổ cập giáo dục trung học cơ sở.
Chất lượng dạy và học có sự chuyển biến mạnh cả về diện đại trà và mũi nhọn. Đội ngũ giáo viên được tăng cường cả về số lượng và chất lượng. Năm học 2000 - 2001, toàn tỉnh có 8.524 giáo viên các cấp học, ngành học (trong đó có 49 thạc sỹ, 3.832 đại học và cao đẳng, 1.357 giáo viên ngoài biên chế). Học sinh giỏi cấp tỉnh và cấp quốc gia tăng hàng năm.
Cơ sở vật chất kỹ thuật từng bước được đầu tư xây dựng, nâng cấp. Năm 1990, toàn tỉnh có 3 trường cao tầng, năm 1996 có 56 trường và đến năm 2000 đã thực hiện chương trình cao tầng hóa được 152 trường (chưa tính đến các trường sửa chữa và ngói hóa) với 1.547 phòng học kiên cố, chiếm tỷ lệ 45%. Ngân sách đầu tư cho sự nghiệp giáo dục tăng mạnh theo từng năm học: Năm học 1996 - 1997 là 49 tỷ đồng, đến năm học 2000 - 2001 đã lên đến 73 tỷ đồng. Tỉnh cũng đã nâng cấp xây dựng mới Nhà Văn hóa Trung tâm tỉnh, Nhà Văn hóa Thiếu nhi, nhà Văn hóa các huyện, thị xã; đồng thời chú trọng đầu tư phát triển các trung tâm kỹ thuật tổng hợp - hướng nghiệp, dạy nghề; trung tâm giáo dục thường xuyên; Trường Chính trị Lê Duẩn, Trường Cao đẳng Sư phạm, Trường Trung học Nông nghiệp; Trường Công nhân kỹ thuật và nghiệp vụ giao thông vận tải;…, tạo nên một hệ thống đào tạo nghề phong phú, đa dạng, thu hút được nhiều học viên theo học; mỗi năm các cơ sở trên đã đào tạo khoảng 2.500 người, khoảng 4.500 - 5.000 học sinh trong tỉnh được học nghề phổ thông tại các trung tâm và hàng ngàn người đang học nghề ở các cơ sở tư nhân, góp phần giải quyết việc làm cho người lao động và thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển.

Di tích Khu Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam

Để làm tốt công tác đào tạo, chuẩn bị nguồn nhân lực, đặc biệt là đội ngũ cán bộ có trình độ cho các vùng đồng bào dân tộc miền núi, tỉnh đã tập trung chỉ đạo Hội đồng cử tuyển của tỉnh, UBND các huyện tổ chức tốt việc xét duyệt con em ở miền núi và dân tộc hàng năm được học ở các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp theo chế độ cử tuyển của nhà nước. Đa số các học sinh này sau khi tốt nghiệp đều đã về công tác tại địa phương và đã phát huy được tác dụng.
Văn phòng UBND tỉnh cũng đã chủ động phối hợp với Sở Giáo dục - Đào tạo, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính và các ngành liên quan, UBND các huyện, thị xã xây dựng Đề án quy hoạch, kế hoạch phát triển Giáo dục - Đào tạo trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa 2000 - 2010 của tỉnh; chú trọng quy hoạch lại mạng lưới các cơ sở dạy nghề trên địa bàn toàn tỉnh.
Giải pháp tích cực mà Văn phòng UBND tỉnh chọn lựa để tham mưu cho Lãnh đạo tỉnh chỉ đạo đẩy nhanh tốc độ phát triển sự nghiệp Giáo dục - Đào tạo của tỉnh là xã hội hóa sâu, rộng về cả trí lực, nhân lực và vật lực cho Giáo dục - Đào tạo nói riêng và cho cả các ngành Y tế, Văn hoá - Thông tin, Phát thanh - Truyền hình, Thể dục - Thể thao, Lao động - Thương binh và Xã hội... Năm học 1996 - 1997, đã huy động sự đóng góp của nhân dân là 4.780 triệu đồng (trên tổng kinh phí đầu tư là 54.145 triệu đồng, trong đó tỉnh là 41.451 triệu đồng, Trung ương là 7.914 triệu đồng). Năm học 1999 - 2000, nhân dân đóng góp được 5.000 triệu đồng. 100% huyện, thị xã và xã đã thành lập Hội đồng Giáo dục 8/9 huyện, thị xã đã tập trung xây dựng và quyết tâm thực hiện Đề án "Kiên cố hóa và cao tầng hóa trường, lớp học". Sự nghiệp Giáo dục của tỉnh đã chuyển động tốt theo hướng của một "nền giáo dục của dân, do dân và vì dân".
Công tác bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân có những tiến bộ mới. Cơ sở vật chất ngành y tế được đầu tư, đã xây dựng và đưa vào sử dụng Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Trung tâm Y tế 6 huyện, 2 Trung tâm kỹ thuật, 70 trạm y tế xã, phường… Hệ thống y tế được củng cố và mở rộng. Số lượng bác sỹ tăng gấp 3 lần so với năm 1990; 100% thôn, bản có nhân viên y tế cộng đồng; 100% trạm y tế xã, phường có nữ hộ sinh; 40% xã, phường đã có bác sỹ. Công tác y tế dự phòng, Chương trình hỗ trợ y tế quốc gia được tổ chức thực hiện tích cực, đạt hiệu quả cao; các bệnh xã hội giảm rõ rệt, bệnh bại liệt và bệnh phong đã được loại trừ. Năm 2000, tỉnh Quảng Trị là tỉnh thứ 14 trong cả nước đã được Bộ Y tế chính thức công nhận thanh toán được bệnh phong theo tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế thế giới. Chương trình phòng, chống suy dinh dưỡng cho trẻ em được tiến hành với nhiều hình thức phong phú ở cả 136 xã, phường, thị trấn trong tỉnh.

Khai mạc Hội khoẻ Phù Đổng tỉnh lần thứ 1

Công tác Dân số - Kế hoạch hóa gia đình được các cấp ủy Đảng, chính quyền, các tổ chức đoàn thể quần chúng quan tâm và tích cực tham gia, có những giải pháp mạnh, đề ra những chính sách đầu tư thỏa đáng để thực hiện tốt công tác này, điển hình là các huyện Hải Lăng, Gio Linh, Hướng Hóa, thị xã Quảng Trị. Tỷ suất sinh giảm mạnh. Tỷ lệ tăng dân số tự nhiên từ 2,23% (năm 1996) xuống còn 1,68% (năm 2000). Tỷ lệ trẻ chết dưới 1 tuổi giảm ở đồng bằng từ 4% (năm 1996) xuống còn 2,36% (năm 1999), và ở miền núi từ 11,3% xuống 5,7%. Chương trình tiêm chủng mở rộng hàng năm có 97 - 99% trẻ em được tiêm phòng.
Công tác khám, chữa bệnh có nhiều tiến bộ. Dịch bệnh như sốt rét, sốt xuất huyết đã được bao vây, khống chế và dập tắt kịp thời; đặc biệt đã làm tốt công tác phòng trừ dịch bệnh, chăm sóc sức khỏe cộng đồng, vệ sinh môi trường sau lũ. Văn phòng UBND tỉnh đã phối hợp với Sở Y tế, UBND huyện Hướng Hóa chủ động làm việc và phối hợp với tỉnh Savannakhet (Lào) để xử lý, giúp bạn dập tắt dịch tả vừa mới xuất hiện ở các xã, các huyện biên giới của bạn, không để lây lan sang địa bàn của huyện Hướng Hóa.
Hoạt động thể dục thể thao được tiếp tục phát triển để trở thành phong trào thể dục thể thao quần chúng nhất là phong trào "Khỏe vì nước"; số người tập luyện thường xuyên tăng. Đến năm 2000, đã có 76.000 người tham gia luyện tập thể dục, thể thao thường xuyên, chiếm tỷ lệ 13% dân số, có 7.300 gia đình thể thao, chiếm tỷ lệ 6,5%. Số câu lạc bộ thể thao và các điểm luyện tập tăng, toàn tỉnh đã có 350 điểm. Đã tổ chức thành công Hội khỏe Phù Đổng của tỉnh, các huyện, thị xã; chú trọng việc bồi dưỡng năng khiếu và hình thành các đội tuyển làm hạt nhân. 100 % số trường trong tỉnh đã giảng dạy nội khóa chương trình thể dục, thể thao; 35% số trường đã tổ chức được các hoạt động thể thao ngoại khóa. Trong 5 năm, hoạt động thể thao Quảng Trị đã giành được 28 huy chương vàng; 22 huy chương bạc và 25 huy chương đồng tại các Đại hội thể thao khu vực, cả nước.

Lễ tiếp nhận bàn giao hài cốt liệt sỹ quân tình nguyệnViệt Nam hy sinh ở Lào về nước được tổ chức tại Bản Đensavẳn

Thực hiện tốt chính sách khen thưởng kháng chiến. Đến cuối năm 2000, tỉnh đã giải quyết kịp thời cho 28.000 người được hưởng chính sách ưu đãi người có công; quản lý 56.998 hồ sơ các loại đối tượng có công với cách mạng. Trong 5 năm, tỉnh đã huy động gần 10,5 tỷ đồng; xây mới 658 nhà tình nghĩa, sửa chữa trên 500 nhà; 93 Bà mẹ Việt Nam anh hùng của tỉnh còn sống đều được phụng dưỡng. Quỹ "Đền ơn đáp nghĩa" tăng nhanh, có 4.785 sổ tiết kiệm tình nghĩa trị giá trên 950 triệu đồng gửi tặng các gia đình chính sách đang gặp khó khăn. Các chính sách xã hội thực hiện có hiệu quả, mang nhiều ý nghĩa sâu sắc. Toàn tỉnh có 75/136 xã, phường, thị trấn được công nhận làm tốt công tác thương binh, liệt sỹ, người có công, nâng cao mức sống cho các gia đình chính sách ngang với mức sống trung bình của nhân dân địa phương nơi cư trú. Toàn tỉnh đã tu sửa, xây dựng 56/72 nghĩa trang liệt sỹ, trong đó có công trình Nghĩa trang liệt sỹ quốc gia Đường 9. Riêng 2 năm 1997 - 1998 đã sửa chữa, nâng cấp 8.668 mộ liệt sỹ, xây mới 3.566 mộ, gắn 6.599 mặt bia đá, nâng tổng số các mộ được gắn mặt bia bằng đá lên 21.950 mộ.

Đưa các Anh về yên nghỉ trong lòng đất mẹ

Tham mưu lãnh đạo tỉnh thành lập Ban Công tác đặc biệt để chỉ đạo việc tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sỹ là quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hy sinh ở tỉnh Savanakhet (Lào) về nước. Từ mùa khô năm 1993 đến cuối năm 2000, đã quy tập trên 1.000 hài cốt liệt sỹ về mai táng tại Nghĩa trang liệt sỹ Đường 9. Mỗi năm 2 đợt, Văn phòng UBND tỉnh đã chủ động xây dựng kế hoạch và phối hợp với Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, UBND các huyện Hướng Hóa, Đakrông, Cam Lộ và thị xã Đông Hà tổ chức tốt lễ tiếp nhận, đưa đón và mai táng các liệt sỹ là quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hy sinh ở Lào về nước trang trọng, tôn nghiêm.
Hoạt động từ thiện và cứu trợ đột xuất được thực hiện kịp thời, có tác dụng thiết thực. Từ năm 1996 đến năm 2000, Văn phòng UBND tỉnh đã tổ chức tiếp đón và làm việc với hàng trăm đoàn khách trong nước và quốc tế đến thăm và trực tiếp cứu trợ lũ lụt, hạn hán cho tỉnh, đã phối hợp tổ chức chặt chẽ việc tiếp nhận, quản lý và phân bổ kịp thời, đúng đối tượng gần 58.177 triệu đồng, 3.835,781 tấn gạo và hàng trăm các mặt hàng cứu trợ khác.

Đoàn tỉnh Quảng Trị nghiên cứu XĐGN tại Ấn Độ trong khuôn khổ Dự án VIE 96/026

Toàn tỉnh có 2.146 người thuộc diện đối tượng xã hội được hưởng trợ cấp thường xuyên, trong đó có 2.067 người được hưởng chế độ chăm sóc tại cộng đồng, 79 người được nuôi dưỡng tập trung. Tỉnh đã trích ngân sách 6,3 tỷ đồng hỗ trợ cải thiện nhà ở cho 126 cụ lão thành cách mạng tiền khởi nghĩa, gấp rút chuẩn bị lập hồ sơ để giải quyết chế độ cho cán bộ đi B, C, K.Công tác dạy nghề, giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo đã được các cấp ủy Đảng, chính quyền, các tổ chức chính trị, xã hội quan tâm và triển khai thực hiện khá tốt, thu được những kết quả rất đáng mừng. Trong 5 năm đã giải quyết việc làm cho hơn 16.000 lao động. Riêng năm 2000, Văn phòng UBND tỉnh đã thẩm định và trình UBND tỉnh phê duyệt cho vay 824 dự án thuộc Chương trình Quốc gia hỗ trợ việc làm, với tổng số vốn 11,2 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho hơn 4.000 lao động. Đã tham mưu chuyển hướng cho vay thí điểm các dự án làng nghề, trang trại, các cơ sở sản xuất và các doanh nghiệp có nhu cầu vốn để tạo được những việc làm mới.
Thực hiện chủ trương chung của tỉnh, Văn phòng UBND tỉnh đã chủ động phối hợp với Ban Chỉ đạo Xóa đói giảm nghèo tỉnh, các Sở, Ban ngành, đoàn thể liên quan, UBND các huyện, thị xã khẩn trương xây dựng "Chương trình Xóa đói giảm nghèo của tỉnh giai đoạn 1996 - 2000" và đã được UBND tỉnh trình kỳ họp thứ 5 - Khóa III, HĐND tỉnh thông qua. Do đó, từ 24.759 hộ nghèo đói năm 1996, chiếm tỷ lệ 22, 75% giảm xuống còn 16.231 hộ nghèo năm 2000, chiếm 13,2%, trung bình mỗi năm giảm gần 2%, tương ứng với trên 2000 hộ/năm.[1]
Công nghệ thông tin phát triển và có hiệu quả bước đầu, các đề tài khoa học đã phát huy tác dụng trong thực tế; công tác điều tra cơ bản về tài nguyên, môi trường, kinh tế - xã hội đã được triển khai có kết quả; phong trào ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong nông nghiệp được nhân rộng.[1] Báo cáo số 45/BC-UB ngày 28/12/1999; số 03 ngày 03/01/1999; số 01 ngày 07/01/1999; số 87 ngày 30/12/1999; số 53 ngày 27/12/2000 và số 56 ngày 15/10/1999 của UBND tỉnh

Chủ tịch nước Trần Đức Lương thăm bà con dân tộc huyện Hướng Hoá – Năm 2003

Để thực hiện hai Nghị quyết số 01-NQ/TU, 02-NQ/TU ngày 23/10/1996 của Hội nghị Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh lần thứ 3, Khóa XII về “Phát triển kinh tế - xã hội miền núi" và "Phát triển kinh tế - xã hội vùng biển của tỉnh đến năm 2000", Văn phòng UBND tỉnh đã phối hợp với các sở, ban ngành, đoàn thể trong tỉnh, UBND các huyện, thị xã đã kịp thời tham mưu cho lãnh đạo tỉnh chỉ đạo các ngành xây dựng các chương trình hành động triển khai thực hiện và hoàn chỉnh hai Đề án phát triển kinh tế - xã hội miền núi và phát triển kinh tế - xã hội vùng biển giai đoạn 1996 - 2000 của tỉnh với yêu cầu là: Chuyển nhanh nền kinh tế tự cung, tự cấp sang nền kinh tế hàng hóa, phát huy thế mạnh nông - lâm nghiệp, hình thành các vùng chuyên canh cây công nghiệp, cây ăn quả gắn với công nghiệp chế biến và phát triển chăn nuôi. Huy động mọi nguồn lực tại chỗ kết hợp với việc tranh thủ các nguồn viện trợ quốc tế nhằm sử dụng có hiệu quả diện tích đất trống, đồi núi trọc. Khai thác đi đôi với việc bảo vệ, tái tạo nguồn tài nguyên rừng, bảo vệ môi trường, bảo đảm lợi ích của đồng bào dân tộc. Đã tập trung chỉ đạo thực hiện 16 dự án định canh, định cư, ổn định thêm 20 bản với 1.522 hộ gia đình và đã định cư nhưng vẫn còn du canh 210 bản, với 7.355 hộ. Tổng số vốn nhà nước đầu tư trên địa bàn miền núi là 15,55 tỷ đồng. Xây dựng 6/17 trung tâm cụm xã đã được quy hoạch. Các công trình cơ sở hạ tầng được tập trung đầu tư xây dựng, đặc biệt là xây dựng, nâng cấp một số tuyến đường quan trọng: Tà Rụt - La Lay; Tân Long - A Túc - Pa Tầng; Hướng Phùng - Cù Bai; tuyến Trung tâm huyện lỵ Đakrông - Triệu Nguyên; Vĩnh Hà - Vĩnh Ô. Nhiều chương trình dự án nước ngoài đầu tư cho các xã miền núi như: Dự án VIE 96/026, chương trình Phần Lan tài trợ… đã góp phần giảm tỷ lệ hộ đói nghèo từ 78,7% năm 1996 xuống còn 41,55% năm 2000. Trong 5 năm đã đầu tư 17.286 triệu đồng cho 5 dự án hỗ trợ đồng bào vùng đặc biệt khó khăn và 16 dự án định canh, định cư độc lập. Nâng cấp và xây dựng mới 33 công trình thủy lợi lớn, nhỏ cung cấp nước tưới cho gần 3.000 ha diện tích cây trồng các loại và nước sinh hoạt cho nhiều vùng. Từ 1999 - 2000 đã thực hiện kiên cố hóa gần 50km kênh mương với số vốn đầu tư hơn 20 tỷ đồng, tăng diện tích lúa nước lên 450 ha. Lương thực quy thóc bình quân đầu người đã đạt 172 kg/năm. Đời sống của đồng bào dân tộc được ổn định, trình độ dân trí được nâng lên, tình làng nghĩa xóm được củng cố, các phong tục tập quán lạc hậu từng bước được đẩy lùi.

Lễ khai trương cửa khẩu Quốc gia La Lay Năm 1998

Đến năm 2000, đã có rất nhiều trường học được xây dựng mới, nhiều nhà ở giáo viên được quan tâm đầu tư, 69 trường học (trong đó có 45 trường tiểu học, 17 trường trung học cơ sở, 2 trường phổ thông trung học, 1 trường phổ thông dân tộc nội trú tỉnh và 4 trường phổ thông dân tộc nội trú huyện (Hướng Hóa, Đakrông, Gio Linh, Vĩnh Linh) được đầu tư xây dựng mới với tổng số 19.674 học sinh, 787 giáo viên. Tỷ lệ học sinh huy động đến lớp đạt 85% (năm 1996 chỉ đạt 56%), vượt chỉ tiêu đề ra là 5%. Cùng với cả tỉnh, vùng miền núi của tỉnh đã đạt chuẩn quốc gia về phổ cập giáo dục tiểu học và chống mù chữ năm 1996.
Công tác chăm sóc sức khỏe cộng đồng được chú trọng. Đến năm 2000, 45/45 xã đã có trạm xá, tại các trung tâm cụm xã đã và đang triển khai xây dựng các phòng khám đa khoa khu vực. Đội ngũ cán bộ y tế có 257 người, trong đó có 22 bác sỹ, hầu hết các thôn, bản đã có nhân viên y tế cộng đồng, chỉ tiêu giường bệnh đạt 1,3/1000 dân.

Lễ ký biên bản tăng dày mốc biên giới

Từ năm 1999, tỉnh đã tập trung chỉ đạo thực hiện có hiệu quả chương trình phát triển kinh tế - xã hội các xã đặc biệt khó khăn miền núi, vùng sâu, vùng xa, các xã biên giới (Chương trình 135) gồm 30 xã vùng đặc biệt khó khăn, 5 xã biên giới (năm 2001 Trung ương công nhận bổ sung thêm 11 xã). 45 công trình đường liên thôn; 4 công trình cầu tràn liên hợp và hơn 30 cầu cống; 11 công trình thủy lợi nhỏ điện, hệ thống nước tự chảy, giếng nước, chợ, trạm y tế... được đầu tư xây dựng. Bình quân mỗi xã thuộc vùng 135 được hỗ trợ thực hiện 400 triệu đồng/năm [1]Trên cơ sở nhiệm vụ trọng tâm của Chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng biển đến năm 2000 là: "Phát huy mạnh mẽ các nguồn lực về kinh tế - xã hội của vùng biển, phấn đấu tạo nên bước phát triển vững chắc về kinh tế của vùng cửa lạch và vùng biển bãi ngang, đảm bảo cho sản xuất và đời sống nhân dân vùng biển ổn định và có bước tiến bộ mới; văn hóa - xã hội phát triển, quốc phòng - an ninh được giữ vững. Xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh đủ sức lãnh đạo phong trào, tạo tiền đề cơ bản để tiếp tục đẩy nhanh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa của tỉnh"[2], UBND tỉnh đã tập trung chỉ đạo thực hiện tốt các chương trình: khai thác hải sản xa bờ, chương trình 773, các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng phát triển nghề cá, dự án xây dựng cảng biển, chương trình nuôi tôm công nghiệp, dự án xây dựng làng sinh thái vùng cát... Đến năm 2000, 15/15 xã miền biển đã sử dụng điện. Hầu hết các xã đều có đường ô tô về trung tâm. Các công trình như cảng cá, Khu dịch vụ hậu cần nghề cá Cửa Việt, một số hạng mục chính của công trình Khu dịch vụ hậu cần nghề cá đảo Cồn Cỏ, đảo Thanh niên Cồn Cỏ; tuyến đê cát ven biển với chiều dài 25 km, 5 tuyến đê ngăn mặn, chống lũ, chống xói lở bảo vệ sản xuất... được xây dựng. Năng lực đánh bắt hải sản tăng từ 28.500 CV năm 1995 lên 41.800 CV năm 2000. Diện tích nuôi trồng thủy sản tăng từ 340 ha năm 1995 lên 944 ha năm 2000. Một số loại cây trồng trên cát cho năng suất cao như dưa hấu Sugababi, hành tỏi, bờ rô, cà rốt... Việc xây dựng mô hình làng sinh thái ngư - nông - lâm trên vùng cát các xã bãi ngang đã được chú trọng, tập trung chỉ đạo và đạt được những kết quả khả quan. Hệ sinh thái vườn nhà kết hợp với trồng cây ăn quả và chăn nuôi gia cầm được khẳng định. Năm 2000, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 35,5% (theo tiêu chí mới), tỷ lệ phát triển dân số tự nhiên giảm xuống còn 1,9%. 15 xã đều đã có trạm y tế; công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu, sức khỏe sinh sản... được chú trọng, tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng giảm đáng kể. Văn phòng UBND tỉnh cũng đã tập trung lực lượng, công sức và trí tuệ để đề xuất Lãnh đạo tỉnh có những giải pháp hữu hiệu nhằm thực hiện tốt dự án cải tạo vùng cát ở 3 huyện: Hải Lăng, Triệu Phong và Gio Linh[3].
Việc đầu tư xây dựng các công trình quốc phòng được coi trọng. Từ năm 1994 đến năm 2000, tỉnh đã đầu tư xây dựng mới các công trình: đường cơ động, hệ thống công sự trên đảo Cồn Cỏ. Công tác tuyển quân hàng năm thực hiện tốt, đạt chỉ tiêu kế hoạch, chất lượng ngày càng cao, lực lượng dân quân tự vệ thường xuyên được củng cố. Đến năm 1999, lực lượng dân quân tự vệ toàn tỉnh chiếm 1,7% dân số, 100% đơn vị cơ sở đã tham gia tốt chương trình huấn luyện.
Chủ quyền an ninh biên giới quốc gia, hải đảo dược giữ vững, thực hiện tốt Quy chế biên giới Việt Nam - Lào. Tích cực tiến hành xây dựng cơ sở xã, phường, cụm tuyến an toàn làm chủ, sẵn sàng chiến đấu.
Ở tuyến biên giới, lực lượng an ninh, biên phòng đã phối hợp chặt chẽ, triển khai nhiều biện pháp cùng với các lực lượng của tỉnh Savannakhet, Salavan (Lào) đấu tranh làm thất bại các chiến dịch "Đông tiến 1 - 2 - 3", "kế hoạch vượt sóng"... của các tổ chức phản động lưu vong của Hoàng Cơ Minh, Đặng Văn Thanh, Nguyễn Hữu Chánh... đưa lực lượng lén lút xâm nhập về nước âm mưu phá hoại cách mạng.
Ở tuyến biển, song song với việc đẩy mạnh và phát triển sản xuất, đã tập trung xây dựng một hệ thống phòng thủ, các đồn biên phòng vững mạnh, phối hợp với các lực lượng trên địa bàn kịp thời ngăn chặn làn sóng vượt biên trốn ra nước ngoài, kiên quyết xóa các tụ điểm mất an ninh trật tự, củng cố lực lượng nòng cốt cơ sở, xây dựng các cụm tuyến an toàn, làm chủ... bảo đảm tốt an ninh chính trị, trật tư an toàn xã hội trên toàn tuyến biển của tỉnh.
Có thể khẳng định một cách tổng quát rằng: Giai đoạn 1996 - 2000, tỉnh ta phải đương đầu với nhiều khó khăn, thách thức lớn. So với cả nước, Quảng Trị vẫn là một tỉnh còn nghèo, hậu quả chiến tranh được tập trung khắc phục nhưng vẫn còn để lại hết sức nặng nề; hạn hán, bão lụt liên tiếp xảy ra gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản; nhưng nhờ quyết tâm cao, sự nỗ lực phấn đấu "vượt lên chính mình" của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân trong tỉnh, nền kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh của tỉnh đã có bước tăng trưởng khá vững chắc, phát triển trên tất cả các lĩnh vực, tạo thế và lực mới để bước vào thời kỳ 5 năm đầu tiên của thiên niên kỷ mới (2001 - 2005) và cho cả những giai đoạn tiếp theo.
Cùng với sự phát triển đi lên chung của tỉnh, Văn phòng UBND tỉnh cũng đã có những bước chuyển đổi mạnh về tổ chức bộ máy, đào tạo, nâng cao trình độ, chuyên môn nghiệp vụ, cải cách thủ tục hành chính để từng bước đổi mới phương pháp hoạt động, đáp ứng được yêu cầu về nhiệm vụ trong tình hình mới.

[1] Báo cáo ngày 17/4/2002 của UBND tỉnh về việc thực hiện NQ 01 của BCH Đảng bộ tỉnh lần thứ 3, khóa XII về phát triển kinh tế- xã hội miền núi đến năm 2000 và phương hướng nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế- xã hội miền núi đến năm 2005

[2] Nghị quyết số 02/NQ-TU ngày 23/10/1996 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh

[3] Báo cáo số 20/BC-UB ngày 17/4/2002 của UBND tỉnh về Báo cáo của BCH Đảng bộ tỉnh lần thứ 3, khóa XIII về phát triển kinh tế - xã hội vùng biển đến năm 2000 và phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp phát triển kinh tế- xã hội vùng biển đến năm 2005

Âu thuyền và khu dịch vụ hậu cần nghề cá đảo Cồn Cỏ

Giai đoạn 1996 - 2000, hầu hết các đồng chí lãnh đạo Văn phòng và chuyên viên đều được cử đi đào tạo và tốt nghiệp các lớp cao cấp chính trị, cử nhân chính trị, cử nhân luật, cử nhân quản lý xã hội, cử nhân quản lý hành chính nhà nước, trong đó có nhiều đồng chí có từ 2 - 3 bằng đại học. Nhiều cán bộ, công nhân viên Văn phòng đi học các lớp ngoại ngữ Anh, Lào, Thái Lan, Trung cấp Lưu trữ. Đặc biệt, công tác tin học hóa công tác Văn phòng đã được từng bước triển khai, thực hiện có hiệu quả, giúp hoạt động soạn thảo, phát hành và quản lý văn bản được chặt chẽ, nhanh và chất lượng hơn.
Trong 5 năm qua, Văn phòng UBND tỉnh đã làm thủ tục phát hành 18.190 văn bản của UBND tỉnh; đồng thời, tiếp nhận, đăng ký và chuyển giao 49.020 văn bản của Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương và các Sở, Ban ngành, địa phương và công dân gửi đến UBND tỉnh, Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND tỉnh và Văn phòng UBND tỉnh đúng nguyên tắc, chế độ, đảm bảo an toàn, bí mật; chuyển tiếp hàng ngàn văn bản đến lãnh đạo UBND tỉnh, lãnh đạo Văn phòng UBND tỉnh và cán bộ, công chức Văn phòng kịp thời, đúng quy trình, quy định, hạn chế tình trạng sai sót, chậm việc.
Ngày 24/6/1997, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 723/QĐ-UB về việc thành lập Ban Chỉ đạo tổng rà soát và hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật của tỉnh. Đến ngày 15/11/1999, đã tập hợp 963 văn bản quy phạm pháp luật do HĐND tỉnh và UBND tỉnh ban hành từ 31/12/1996 - 1/7/1998. Qua rà soát, đề nghị bãi bỏ 590 văn bản hết hiệu lực; bổ sung, sửa đổi 67 văn bản. Qua đợt tổng kiểm tra rà soát này, chưa phát hiện một văn bản nào của tỉnh có sai phạm quy trình, thể thức cũng như những quy định của pháp luật.
Để đẩy mạnh và thực hiện tốt hơn nữa công tác cải cách hành chính của tỉnh, được sự đồng ý của Chính phủ, Văn phòng UBND tỉnh đã hoàn thành dự án, các hồ sơ và điều kiện liên quan và tổ chức tốt cho lãnh đạo tỉnh ký Hiệp định riêng của Dự án Cải cách hành chính công thí điểm tỉnh Quảng Trị giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Thụy Điển vào ngày 10/9/1999.

Diễn tập phòng chống thiên tai và thảm họa

 Văn phòng UBND tỉnh đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị được giao, thực hiện tốt cả công tác đột xuất cũng như thường xuyên, tham mưu các chủ trương giải pháp cũng như công tác bảo vệ, phục vụ cho lãnh đạo UBND tỉnh. Với cung đường hàng chục triệu km đường trường cũng như ở các vùng biên giới, hải đảo, đội ngũ lái xe Văn phòng với tinh thần trách nhiệm cao đã phục vụ chu đáo, an toàn cho những chuyến công tác xa và đi cơ sở của lãnh đạo tỉnh. Đặc biệt, tháng 11/1999, một trận lụt lịch sử, một cơn "đại hồng thủy" chưa từng thấy trong 75 năm qua đã ập đến, gây hậu quả nghiêm trọng về người và tài sản của nhà nước và nhân dân. Tổng thiệt hại lên đến 550 tỷ đồng (gần gấp đôi nguồn thu của cả tỉnh trong 1 năm). Trong tình hình hết sức cấp bách, cán bộ, công chức Văn phòng đã không quản ngại ngày đêm cùng với Lãnh đạo tỉnh về tận các địa bàn bị ngập lụt để chỉ đạo trực tiếp việc ứng cứu và khắc phục nhanh, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại.Văn phòng UBND tỉnh cũng đã phối hợp với Ban Phòng chống lụt bão tỉnh và Ban Tiếp nhận viện trợ tỉnh tổ chức trực 24/24h để kịp ứng phó với tình hình. Tổ chức chu đáo đón tiếp hàng trăm đoàn khách đến cứu trợ và tiếp nhận, quản lý và phân phối kịp thời đến tay những người bị thiệt hại, đang khó khăn ở trong vùng lũ hơn 9,194 tấn lương khô; 521,051 tấn gạo; 31.293 bộ quần áo; 13.709 quyển vở; 616 cơ số thuốc; 2.000 kg xăng dầu và rất nhiều vật dụng khác, trị giá 715 triệu đồng. Tiến hành phân bổ kịp thời 2.800 tấn gạo Chính phủ hỗ trợ và 40 tỷ đồng (bao gồm: 29,8 tỷ đồng của Chính phủ, 2.180 triệu đồng trích từ ngân sách tỉnh và 8.254 triệu đồng cứu trợ của các tỉnh, các Bộ, ngành Trung ương, các cơ quan, đơn vị trong cả nước, các tổ chức và cá nhân trong và ngoài nước) về cho các huyện, thị xã chủ động ứng cứu cho dân. Văn phòng UBND tỉnh cũng đã tham mưu cho Lãnh đạo tỉnh bố trí 10 tỷ đồng nguồn vốn vay từ ngân hàng để hỗ trợ cho nông dân vay để chủ động mua giống sản xuất, ổn định đời sống sau bão lụt.
Văn phòng UBND tỉnh đã tổ chức để lãnh đạo tỉnh làm việc với Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Gia Khiêm; đồng chí Lê Huy Ngọ, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trưởng đoàn công tác đặc biệt của Chính phủ và rất nhiều đoàn cao cấp khác của Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương vào thăm, kiểm tra tình hình và chỉ đạo giúp tỉnh khắc phục nhanh hậu quả lũ lụt. Đặc biệt, Văn phòng UBND tỉnh đã chủ động xây dựng kế hoạch, chương trình nội dung cho lãnh đạo tỉnh làm việc chu đáo, an toàn, có hiệu quả chuyến thăm và kiểm tra tình hình của Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu và Chủ tịch nước Trần Đức Lương.
Văn phòng UBND tỉnh đã cùng các ngành, các cấp phục vụ thành công cuộc bầu cử HĐND 3 cấp (lùi lại 1 tuần so với cả nước). Trong khó khăn, tỷ lệ cử tri đi bầu cử vẫn đạt cao 99,68%; có 82/136 xã, phường, thị trấn, 3 huyện đạt 100% cử tri đi bầu cử. Văn phòng UBND tỉnh đã tham mưu kịp thời để Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen cho 4 tập thể, 27 cá nhân đã có thành tích xuất sắc trong việc cứu người, cứu tài sản, bảo vệ nhân dân trong đợt lũ lụt vừa qua (trong đó có Tập thể Văn phòng UBND tỉnh và 4 cán bộ, công chức của Văn phòng).
Tóm lại, giai đoạn 1996 - 2000, nền kinh tế - xã hội của tỉnh đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, nổi bật là xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển nông nghiệp toàn diện, đẩy mạnh sự nghiệp văn hóa, giáo dục và thực hiện chính sách thương binh liệt sỹ, người có công. Hệ thống chính trị được củng cố; quốc phòng và an ninh được tăng cường, đẩm bảo ổn định chính trị và trật tự xã hội. Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được cải thiện đáng kể. Hình thành một mặt bằng mới với nhiều thuận lợi, là tiền đề quan trọng để bước vào thực hiện kế hoạch 5 năm (2001 - 2005). [1] 


[1] Báo cáo Chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh tại Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII

Các tin khác