Chi tiết tin - VPUBND Tỉnh

  

Hiệu quả kênh tương tác phản ánh hiện trường

Post date: 10/06/2024

Qua hơn 2 năm đi vào hoạt động, Trung tâm Giám sát điều hành thông minh (IOC) Quảng Trị đã đánh dấu bước tiến quan trọng trong lộ trình xây dựng chính quyền điện tử hướng đến chính quyền số, kinh tế số, xã hội số tại Quảng Trị. Thông qua hoạt động của Trung tâm IOC tỉnh đã cung cấp cho lãnh đạo các cấp chính quyền cái nhìn toàn diện các thông tin liên quan đến các lĩnh vực, đơn vị, địa phương trên phạm vi toàn tỉnh. Đồng thời, thúc đẩy sự tương tác giữa người dân, doanh nghiệp và các cơ quan quản lý nhà nước góp phần tạo ra môi trường xã hội công bằng, văn minh.

Cán bộ Trung tâm IOC Quảng Trị xử lý thông tin phản ánh hiện trường từ người dân

Cán bộ Trung tâm IOC Quảng Trị xử lý thông tin phản ánh hiện trường từ người dân

 

 

           Trong các hệ thống giải pháp của Trung tâm IOC tỉnh, hệ thống thông tin phản ánh hiện trường (PAHT) là một trong những hệ thống đang được triển khai hiệu quả, mang lại sự hài lòng của người dân. Từ khi đi vào hoạt động, cổng PAHT giúp tăng tính tương tác 2 chiều giữa người dân với chính quyền. Nếu như trước đây người dân rất ngại phản ánh các vấn đề gặp phải trong cuộc sống, thì nay khi gặp vấn đề cần phản ánh, người dân chỉ cần gửi đến Trung tâm IOC tỉnh bằng các kênh thông tin như: cổng thông tin tương tác, fanpage, tổng đài AI.

          Đặc biệt, thông qua ứng dụng di động app QuangTri IOC, người dân có thể gửi các phản ánh về Trung tâm IOC kèm theo hình ảnh hoặc video ghi nhận tại hiện trường. Ngay lập tức, toàn bộ thông tin hình ảnh, nội dung, địa điểm ghi hình cùng số điện thoại người gửi sẽ được Trung tâm IOC tỉnh tiếp nhận, phân loại nội dung và chuyển đến cơ quan có thẩm quyền xử lý.

          Với hệ thống này, người dân dễ dàng truy cập từ thiết bị di động được kết nối Internet để gửi, cũng như có thể theo dõi, nhận kết quả trả lời phản ánh, kiến nghị của mình. Thông tin về phản ánh, nội dung, địa điểm, hình ảnh sẽ được các cơ quan chức năng phân tích và xử lý một cách kịp thời và chính xác. Toàn bộ quy trình xử lý PAHT đều được công khai, qua đó người dân có thể giám sát, tương tác và đánh giá mức độ hài lòng đối với kết quả xử lý phản ánh của từng cơ quan, đơn vị xử lý.

          Chị Nguyễn Thị Hiệp, người dân thôn Khe Song, thị trấn Krông Klang, huyện Đakrông cho hay: “Tôi thấy ứng dụng QuangTri IOC rất tiện lợi cho người dân vùng sâu, vùng xa, chúng tôi không thể tiếp xúc với chính quyền địa phương nhưng vẫn có thể phản ánh qua tin nhắn. Cơ quan, chính quyền nhanh chóng tiếp nhận để giải quyết kịp thời, tiện lợi, hiệu quả, tôi thấy rất hài lòng với kết quả xử lý phản ánh”.

          Việc triển khai kênh tương tác PAHT bước đầu mang lại hiệu quả tích cực, được người dân địa phương ủng hộ cao. Đến nay, toàn tỉnh có hơn 9.040 lượt cài đặt App QuangTri IOC, 38 đơn vị tham gia hệ thống, Trung tâm IOC đã phối hợp, điều hành xử lý 523 phản ánh, trong đó, đã xử lý 513 phản ánh, đang xử lý 10 phản ánh.

Hầu hết các phản ánh ghi nhận trên cổng PAHT thuộc các lĩnh vực như trật tự xây dựng, vệ sinh môi trường, hạ tầng giao thông, hạ tầng đô thị, các vấn đề liên quan đến an toàn, trật tự xã hội và chất lượng dịch vụ của các lĩnh vực cũng như các hành vi chậm trễ, gây phiền hà, thực hiện không đúng quy định của cán bộ, công chức trong giải quyết thủ tục hành chính.

            Đây là kênh giao tiếp tổng hợp giữa người dân, doanh nghiệp với chính quyền tỉnh, tạo sự thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trong việc sử dụng các dịch vụ công trực tuyến, phản ánh kiến nghị, tra cứu và khai thác các thông tin dữ liệu do chính quyền cung cấp, góp phần phục vụ công tác điều hành KT-XH, phục vụ người dân tốt hơn trong quá trình thực hiện chuyển đổi số.

Là một trong những đơn vị nhận được nhiều phản ánh của người dân về các vấn đề bức xúc tại địa phương, thời gian qua, UBND TP. Đông Hà đã phối hợp xử lý hiệu quả các vấn đề về hạ tầng, xây dựng, an ninh trật tự. Chánh Văn phòng UBND TP. Đông Hà Hoàng Trọng Quang cho biết: “Có thể nói PAHT là một kênh “cảm biến xã hội” thông qua việc tiếp nhận ý kiến phản ánh của người dân nhằm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước của chính quyền. Thông qua đây, người dân có thể phản ánh tất cả những vấn đề mà người dân cần chính quyền quan tâm, đây cũng là cách phát huy quyền giám sát của Nhân dân. Nhờ có kênh PAHT mà đã có nhiều vụ việc liên quan đến an ninh trật tự, trật tự đô thị, vệ sinh môi trường được cơ quan chức năng tiếp nhận, xử lý kịp thời, góp phần nâng cao chất lượng phục vụ Nhân dân”.

            Giám đốc Trung tâm CNTT&TT, Sở Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thị Lệ Hằng, đơn vị được giao nhiệm vụ quản lý và vận hành Trung tâm IOC tỉnh khẳng định: “Cổng thông tin phản ánh hiện trường là giải pháp để các cơ quan nhà nước tiếp nhận những phản ánh của công dân, doanh nghiệp đối với các vấn đề bất cập trong xã hội. Dù mới chỉ đưa vào hoạt động nhưng Trung tâm IOC tỉnh đã góp phần trong việc nâng cao chất lượng, hiệu quả chỉ số cải cách hành chính, chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính, tạo dựng và nâng cao hình ảnh chính quyền thân thiện, năng động, văn minh, đồng thời góp phần phát triển KT-XH ở địa phương”.