Chi tiết tin - VPUBND Tỉnh
ĐẢNG BỘ VÀ NHÂN DÂN KHU VỰC VĨNH LINH THAM GIA PHỤC VỤ CHIẾN DỊCH GIẢI PHÓNG QUẢNG TRỊ, ĐIỀU ĐỘNG CÁN BỘ CHI VIỆN KỊP THỜI CHO CẤP TỈNH VÀ CÁC HUYỆN THỊ
Post date: 17/03/2022
Tiếng súng mở màn chiến dịch giải phóng Trị Thiên vào lúc 11giờ ngày 30/3/1972 xuất phát từ Nghị quyết Bộ Chính trị Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam về việc mở cuộc tấn công chiến lược năm 1972 trên các hướng miền Đông Nam bộ, Trị Thiên và Tây Nguyên. Hướng tấn công ban đầu là miền Đông Nam bộ… nhưng để phát huy ưu thế thuận lợi gần miền Bắc xã hội chủ nghĩa, ta có thể tập trung lực lượng bảo đảm vật chất cho một chiến dịch quy mô lớn, dài ngày; hơn nữa bọn Mỹ ngụy cho rằng hướng tiến công chiến lược của ta chính là chiến trường Tây Nguyên nên đã điều phần lớn lực lượng dự bị của chúng lên đây… vì thế Tổng Quân uỷ đã đề nghị được Trung ương đồng ý lấy chiến trường Trị Thiên làm hướng tiến công chủ yếu.
Để thực hiện kế hoạch của Trung ương và của Đảng uỷ Bộ Tư lệnh chiến dịch Trị Thiên, Thường vụ Khu uỷ Vĩnh Linh cùng Thường vụ Tỉnh uỷ Quảng Bình đã huy động hàng vạn thanh niên xung phong, dân công phối hợp Cục Vận tải của Bộ Tư lệnh 559 và Đoàn vận tải Quân khu 4 đã chuyển 16.020 tấn hàng để phục vụ chiến dịch. Riêng khu Vĩnh Linh cũng đã dự trữ 1.100 tấn gạo và muối, vải, thuốc chữa bệnh…
Ngày 27/3/1972, Ban Chấp hành Khu uỷ Vĩnh Linh đã mở Hội nghị bất thường đề ra 5 nhiệm vụ lớn… để khi tiếng súng của chiến dịch bắt đầu thì mọi hoạt động được nhịp nhàng, ăn khớp, tham gia chiến đấu và sẵn sàng chi viện cho chiến trường, vừa chiến đấu bảo vệ tốt Vĩnh Linh.
Tiếp theo đó, thay mặt cho Thường vụ Tỉnh uỷ Quảng Trị, đồng chí Hồ Sĩ Thản, Bí thư đã ra làm việc với Thường trực Khu uỷ Vĩnh Linh (gồm Trần Đồng, Dương Tốn, Trần Kim Hồ) theo yêu cầu và đề nghị của đồng chí Thản, hai bên nhất trí: Vĩnh Linh cần chuẩn bị một lực lượng cán bộ cần thiết, sẵn sàng điều động vào tăng cường cho tỉnh nhà sau khi được giải phóng.
Cũng cần nói thêm, Vĩnh Linh trước đây vốn là một huyện, nhưng sau khi có hiệp nghị chấm dứt chiến sự, lập lại hoà bình ở Việt Nam… thì Vĩnh Linh trở thành đặc khu theo Nghị định số 551/TTg ngày 16/6/1955 của Thủ tướng Chính phủ. Theo Luật Tổ chức HĐND và UBND các cấp, đặc khu Vĩnh Linh được coi như một tỉnh ở miền xuôi. Do đó, bộ máy hành chính Vĩnh Linh được hình thành có các Ty, Ban như những tỉnh ở miền Bắc. Phần lớn cán bộ của Quảng Trị, Thừa Thiên ra tập kết đa số được bố trí về làm việc ở đặc khu Vĩnh Linh, vì vậy mà cán bộ ở đây có số lượng tương đối đông.
Được Ban Bí thư Trung ương Đảng đồng ý theo yêu cầu điều động cán bộ chi viện cho Quảng Trị và còn cho ý kiến: Nếu Khu vực Vĩnh Linh không đủ số lượng theo yêu cầu thì Trung ương cho điều thêm cán bộ là con em Quảng Trị đang công tác trên các tỉnh ở miền Bắc và các ngành của Trung ương. Do đó Ban Tổ chức Khu uỷ và Ban Tổ chức chính quyền Khu vực Vĩnh Linh làm tham mưu cho Cấp uỷ đã chuẩn bị cán bộ đủ để hình thành bộ khung các ngành, các cấp tỉnh và huyện ở Quảng Trị. Chủ yếu là các ngành chuyên môn về chính quyền như công an, bưu điện, giao thông - vận tải, y tế, lương thực, thương nghiệp, tài chính, ngân hàng, kế hoạch thống kê, giáo dục, tổ chức cán bộ v.v… đồng thời, thảo công văn để Cấp uỷ và chính quyền Khu ký gửi đến các tỉnh trên miền Bắc để xin và nhờ lập sẵn danh sách (là cán bộ con em Quảng Trị) để khi cần là xin điều động.
Cuộc tiến công vào sào huyệt ở Quảng Trị ít hôm thì đoàn cán bộ của Trung ương trên 20 người gồm Bộ trưởng, Thứ trưởng, Vụ trưởng của các ngành trọng yếu vào ăn ở tại Nhà khách Vĩnh Linh để nghiên cứu giúp Trung ương có chủ trương chính sách cụ thể áp dụng ở vùng mới giải phóng hoặc để tiếp quản các trường đại học, Bệnh viện Trung ương Huế… nếu sau khi Huế được giải phóng. Đoàn do đồng chí Nguyễn Thanh Bình (Ban Bí thư Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Thuỷ lợi) làm Trưởng đoàn.
Theo ý kiến của đồng chí Trần Hữu Dực (Phó Thủ tướng Chính phủ vào chỉ đạo Trị Thiên và Vĩnh Linh) thì: Vì tình nghĩa quê hương ruột thịt nên Khu vực Vĩnh Linh có bao nhiêu cán bộ điều cho Quảng Trị cũng tốt, nhưng nhớ 2 điều:
1. Đừng để Vĩnh Linh yếu đi không làm được nhiệm vụ hậu phương trực tiếp của tiền tuyến lớn.
2. Không được điều cán bộ là kế toán trưởng của các hợp tác xã nông nghiệp, thủ công nghiệp và các xí nghiệp kinh doanh sản xuất để không làm đảo lộn công tác quản lý tài vụ, hạch toán kinh tế…
Sau khi chiến dịch giải phóng Quảng Trị bắt đầu khoảng 10 - 15 ngày, ta đã thu được thắng lợi lớn, đã giải phóng được hai huyện Gio Linh, Cam Lộ, đồng chí Hồ Sỹ Thản thường xuyên có mật điện hoặc gọi điện thoại cho anh Trần Đồng hoặc tôi (Trần Kim Hồ) xin điều động gấp cán bộ vào. Có khi cử đồng chí Nguyễn Thư, Phó Chủ tịch Ủy ban cách mạng lâm thời, Thường vụ Tỉnh uỷ ra trực tiếp bàn bạc cụ thể về cán bộ.
Thỉnh thoảng, đồng chí Hồ Sỹ Thản cũng viết thư nhờ tôi đi ra một số tỉnh, một số ngành ở Trung ương xin một số cán bộ đích danh theo nhu cầu của lãnh đạo tỉnh.
Chỉ tính đến ngày 12/5/1972, Khu vực Vĩnh Linh đã điều động vào cho Quảng Trị 473 cán bộ và tiếp theo đợt 2 là 313 cán bộ, cả hai đợt là 786 cán bộ.
Cụ thể trong đợt 1 là:
- 150 cán bộ Công an vũ trang và Công an nhân dân (riêng CAND là 53) để chốt giữ những địa bàn trọng yếu: đô thị, bờ biển, biên giới, bảo vệ cơ quan, nội bộ;
- 24 cán bộ, nhân viên bưu điện để kịp thời giúp tỉnh thành lập mạng lưới thông tin hữu tuyến từ các xã lên tỉnh, huyện;
- 35 cán bộ ngành y tế để tăng cường cho 5 huyện và hai đội vệ sinh dịch tể đội chống sốt rét và phòng bệnh; (1)
- 168 cán bộ tăng cường cho các ngành chuyên môn của chính quyền cấp tỉnh và 7 huyện thị; (2)
- 86 cán bộ tăng cường cho cấp xã; (3)
- 10 cán bộ chỉ huy 2 đơn vị vận tải đường bộ và đường sông.
Con số cán bộ trên đây chưa kể trước khi mở chiến dịch Bộ Tư lệnh Khu vực Vĩnh Linh đã điều hàng ngàn dân công hoả tuyến, dân công dài hạn và thanh niên xung phong và còn tiếp đợt 2. (4)
Tiếng súng mở màn vào lúc 11h ngày 30/3/1972 thì suốt cả đêm đó đến ngày 01/4/1972, đồng bào Triệu Phong, Hải Lăng, Gio Linh, Cam Lộ đã vượt qua bom đạn, hướng về sông Bến Hải. Nhân dân các xã ven sông như Vĩnh Quang, Vĩnh Giang, Vĩnh Sơn, Vĩnh Thành đã dùng tất cả thuyền bè, chuối cây, xông pha dưới bom đạn suốt trong hai ngày đêm liền đưa 8 vạn ông già, bà lão, trẻ em, phụ nữ vượt sang sông bờ Bắc - UBND và Bộ Tư lệnh Khu Vĩnh Linh đã huy động 1.500 cán bộ, dân quân ra tận sông Bến Hải để hướng dẫn bà con về nơi sơ tán của các xã. Toàn bộ lương thực, thực phẩm, thuốc men... Vĩnh Linh đã dự trữ bấy lâu, nay được đem ra phân phối, cấp phát cho đồng bào bờ Nam vừa chạy sang.
***
Trước và sau ngày mở chiến dịch, nhất là ngay sau ngày 01/5/1972, quê hương Quảng Trị được giải phóng, tất cả cán bộ, quân nhân, đồng bào Khu Vĩnh Linh vô cùng phấn chấn, vui mừng khôn xiết. Mọi người đều quyết tâm không quản mệt nhọc, ngày hay đêm, ra sức tăng cường tăng năng suất lao động và học tập, nhằm khắc phục những hậu quả của chiến tranh, hàn gắn vết thương chiến tranh của 20 năm qua mà Mỹ - ngụy đã gây nên cho dân tộc và Tổ quốc của chúng ta.
Trần Kim Hồ Nguyên Uỷ viên trực Ban Thường vụ kiêm Trưởng Ban Tổ chức Khu uỷ Vĩnh Linh |
- 10 NĂM - MỘT CHẶNG ĐƯỜNG THẦM VINH DỰ VÀ TỰ HÀO (17/03/2022)
- KÝ ỨC NHỮNG NĂM THÁNG KHÔNG BAO GIỜ QUÊN (17/03/2022)
- ĐÃ VÀ MÃI SẼ VẪN NÓI LỜI “CẢM ƠN” (17/03/2022)
- THỜI KỲ CÔNG TÁC Ở UBND VỚI TÔI NHỮNG CHUYỆN NHỎ CŨNG ĐÁNG NHỚ (17/03/2022)
- NGOÀI HIỂU BIẾT PHẢI CÓ NHIỆT HUYẾT MỚI THÀNH CÔNG (17/03/2022)
- NHỮNG CHUYỆN NHỎ CỦA VĂN PHÒNG AN CƯ LẠC NGHIỆP (17/03/2022)
- ĂN SÁNG MÓN GÌ? (17/03/2022)
- CHUYỆN ĐI XIN LÀM RÀO QUÁN (17/03/2022)
- VĂN PHÒNG VÀ NGÀY HỘI MỪNG CÔNG (17/03/2022)