Chi tiết tin - VPUBND Tỉnh
VĂN PHÒNG UBND TỈNH QUẢNG TRỊ THAM MƯU LÃNH ĐẠO TỈNH CHỈ ĐẠO THỰC HIỆN KẾ HOẠCH 5 NĂM (1991 - 1995).
18-03-2022 09:13:51
Tư tưởng chỉ đạo chung của kế hoạch 5 năm 1991 - 1995 là: giữ cho nền kinh tế trong các năm 1991 - 1992 dần dần ổn định và phát triển cả về kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh; đảm bảo ổn định về chính trị, tạo bước phát triển cho những năm tiếp theo.
Nhìn chung, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh năm 1991 của tỉnh vẫn được giữ vững và có một số mặt phát triển, nhất là sản xuất nông nghiệp. Sang năm 1992, toàn tỉnh tiếp tục tập trung đẩy mạnh phát triển nông - lâm - ngư nghiệp, công nghiệp của các thành phần kinh tế để khai thác có hiệu quả tiềm năng của các vùng. Kết quả đạt được là:
- Về lĩnh vực sản xuất nông - lâm - ngư nghiệp:
Do ảnh hưởng của cơn bão số 1 (cuối tháng 7/1992) và nhất là 2 cơn bão số 6 và số 7 (trong tháng 10/1992), đã gây thiệt hại lớn về người và tài sản, trong đó lúa vụ 10 ở các huyện Gio Linh, Vĩnh Linh, Cam Lộ, Hướng Hóa bị thất thu nặng. Mặc dù vậy, sản xuất nông - lâm - ngư nghiệp vẫn đạt được những kết quả khá. Tổng diện tích gieo trồng 60.899 ha, tăng 2,9% (1.759 ha) so với năm 1991. Năng suất lúa bình quân đạt 27,11 tạ/ha/vụ. Tổng sản lượng lương thực quy thóc đạt 134.600 tấn, bình quân 263kg/người/năm. Sản lượng cây công nghiệp dài ngày đạt khá: 198 tấn cao su mủ khô, 250 tấn hạt tiêu, 80 tấn cà phê nhân, 42 tấn chè búp khô, 16 tấn dứa quả. Chăn nuôi gia súc, gia cầm tuy có bị thiệt hại do lụt bão nhưng vẫn giữ vững về số lượng, sức cày kéo bảo đảm.
Giá trị công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp đạt 32,5 tỷ đồng, tăng 8% so với năm 1991. Đã tập trung sửa chữa nâng cấp tuyến quốc lộ 1A đi qua tỉnh và hầu hết các tuyến đường do tỉnh quản lý.
Mạng lưới bưu điện phát triển đáp ứng được nhu cầu phát triển của tỉnh. 100% tổng đài huyện, thị xã đã được tự động hóa; đường thông tin đã tăng từ 2 kênh lên 180 kênh; Bưu chính - viễn thông đã mở rộng diện phục vụ, thông tin thông suốt; mở thêm nhiều bưu cục nhằm đa dạng hóa dịch vụ, đưa báo chí về tất cả các địa bàn để phục vụ nhân dân.
Công tác quản lý xây dựng cơ bản tiếp tục được chấn chỉnh, từng bước đi vào nề nếp. Văn phòng UBND tỉnh phối hợp Ủy ban Kế hoạch, Sở Tài chính - Vật giá tham mưu kịp thời để tập trung nguồn vốn đầu tư vào các công trình trọng điểm, chuyển tiếp; không bố trí vốn dàn trải, hạn chế khởi công xây dựng mới; đã phân bổ kịp thời nguồn vốn do tỉnh quản lý là 17,34 tỷ đồng/15 tỷ đã được Nghị quyết HĐND tỉnh thông qua cho các công trình trọng điểm và trên 15 tỷ đồng do các Bộ, Ngành đầu tư trực tiếp hoặc ủy thác cho các ngành điện, thủy lợi, giao thông, kinh tế mới; 1,2 tỷ đồng viện trợ của Pháp để tập trung xây dựng các trường học.
Một buổi lao động của học sinh Trường PTTH Đông Hà |
Các lĩnh vực lưu thông hàng hóa, tài chính giá cả và ngân hàng cũng đã có những bước phát triển đáng mừng. Tổng thu ngân sách đạt 62.352 triệu đồng, đạt 113% kế hoạch Trung ương giao, bằng 105,5% kế hoạch địa phương. Tổng chi 61.200 triệu đồng, bằng 122% kế hoạch của địa phương.
- Trên lĩnh vực văn hoá - xã hội:
Điều kiện kinh tế ban đầu khi mới được lập lại, tỉnh gặp rất nhiều khó khăn, không có đủ tiềm lực, ngân sách để có thể đầu tư, khắc phục tình trạng xuống cấp, yếu kém của các ngành thuộc lĩnh vực văn hóa - xã hội. Quan điểm chung là phải tháo gỡ dần từng bước, đầu tư tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng cho các ngành trọng điểm như: Đối với Giáo dục - Đào tạo là phải ngói hoá, tiến tới kiên cố hóa trường lớp học trong tỉnh; đối với ngành Y tế là củng cố mạng lưới y tế cơ sở, tập trung đầu tư cho bệnh viện tỉnh, các bệnh viện khu vực và hệ thống trạm xá của các xã, nhất là các xã khó, vùng đặc biệt khó khăn; đối với ngành Lao động - Thương binh và Xã hội phải chú ý nâng cấp, cải tạo dần các Nghĩa trang Liệt sỹ trong tỉnh, chăm lo tốt đời sống các đối tượng chính sách và người có công; đối với ngành Văn hoá - Thông tin là tập trung xây dựng cơ sở vật chất, đặc biệt là Nhà Văn hóa Trung tâm và các di tích lịch sử đặc biệt quan trọng... Nhờ vậy, cùng với sự chuyển biến tích cực của tỉnh, hoạt động của các ngành văn hoá - xã hội đã có bước tiến bộ nhiều mặt.
Quy mô và chất lượng giáo dục vẫn giữ vững và phát triển. Tỷ lệ huy động học sinh ở các ngành học, cấp học tiếp tục tăng, tỷ lệ học sinh bỏ học giảm. Công tác xóa mù và phổ cập giáo dục tiểu học được đẩy mạnh. Toàn tỉnh có 4/8 huyện, thị xã với 62/131 xã, phường, thị trấn đạt chuẩn quốc gia về Phổ cập giáo dục tiểu học và chống mù chữ. Số học sinh giỏi cấp Quốc gia đạt giải tăng so với những năm trước.
Việc xây dựng cơ sở vật chất trường, lớp đã bắt đầu mang tính xã hội hóa và được toàn dân hưởng ứng tham gia. Các nguồn viện trợ kết hợp với sự đóng góp của phụ huynh, của nhân dân và của các đơn vị sản xuất kinh doanh được sử dụng có hiệu quả, từng bước "ngói hóa" trường lớp học. Phong trào học tin học và ngoại ngữ (tiếng Anh) được khuyến khích và nhân rộng.
Hoạt động văn hoá thông tin, thể dục thể thao, phát thanh, báo chí đã có những hình thức phong phú, hấp dẫn được toàn dân tích cực tham gia, đặc biệt là các hoạt động chào mừng kỷ niệm 20 năm ngày giải phóng quê hương (01/5/1972 - 01/5/1992).
Các chương trình về y tế quốc gia như: Tiêm chủng mở rộng, phòng chống sốt rét, phòng chống bướu cổ… được tập trung chỉ đạo và thực hiện tốt; kịp thời phát hiện, khống chế và dập tắt dịch tả, giảm thiểu việc xảy ra trên diện rộng. Các cơ sở y tế và các trung tâm kế hoạch hoá gia đình ở các địa bàn dân cư được nâng cấp. Tỷ suất sinh đạt 35%o, giảm 1,1%o so với năm 1991; tỷ lệ phát triển dân số tự nhiên là 2,81%, giảm 1,42% so với cùng kỳ năm trước. Văn phòng UBND tỉnh đã phối hợp chặt chẽ với các ngành Lao động - Thương binh và Xã hội, Tài chính - Vật giá, Kế hoạch, UBND các huyện, thị xã trực tiếp tham mưu cho lãnh đạo UBND tỉnh phê duyệt cho 530/570 hộ ở các vùng kinh tế mới trong tỉnh vay 2,3 tỷ đồng để ổn định cuộc sống, phát triển sản xuất; Thông qua Quỹ quốc gia hỗ trợ việc làm, cho 3.181 hộ vay 2.540 triệu đồng để phát triển sản xuất, giải quyết việc làm cho 4.850 lao động…; phối hợp với Sở Khoa học - Công nghệ và Môi trường, Viện Khoa học Việt Nam khảo sát thực tế để tiến
Khám chữa bệnh cho nhân dân tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Trị |
tới xây dựng các luận cứ cho đề tài khai thác, phát triển kinh tế - xã hội ở các vùng gò đồi, núi thấp, vùng cát của tỉnh.
Văn phòng UBND tỉnh cũng đã phối hợp với các ngành, các địa phương giúp lãnh đạo tỉnh chỉ đạo thực hiện tốt đợt sinh hoạt chính trị quan trọng: Bầu cử Quốc hội khóa IX và bầu bổ sung một số đại biểu HĐND các huyện, thị xã. Công tác xác định địa giới giữa tỉnh Quảng Trị với tỉnh Thừa Thiên - Huế cũng như xác định địa giới giữa các huyện, thị xã trong nội bộ tỉnh đã được quan tâm giải quyết. Năm 1992, Văn phòng cũng đã tiếp nhận hàng ngàn văn bản của Chính phủ, các Bộ ngành Trung ương, các huyện, thị xã và các Sở, Ban ngành, Đoàn thể trong tỉnh; đã tham mưu UBND tỉnh ban hành hàng trăm văn bản chỉ đạo, điều hành trên tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh. Mặc dầu chưa thực sự tham mưu được những giải pháp có tính chiến lược, những chủ trương quyết sách có tầm vĩ mô, nhưng cũng có thể khẳng định rằng: công tác tham mưu của Văn phòng UBND tỉnh đúng hướng, khoa học và phù hợp với tình hình thực tế của tỉnh. Tất cả các văn bản đã được phát hành, không có một văn bản nào bị cơ quan giám sát buộc phải thu hồi, điều chỉnh. Bên cạnh đó, Văn phòng cũng đã trực tiếp phục vụ cho lãnh đạo tỉnh tiếp hàng chục đoàn khách quốc tế; tiếp và lập kế hoạch làm việc với các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các Bộ ngành Trung ương vào thăm và làm việc với tỉnh ta; chuẩn bị đầy đủ nội dung và điều kiện, phương tiện để lãnh đạo tỉnh đi làm việc với cơ sở, với Chính phủ, các Bộ ngành Trung ương một cách có hiệu quả. Đội xe của Văn phòng UBND tỉnh bảo quản tốt phương tiện và đã chạy hàng chục vạn cây số, phục vụ các đồng chí lãnh đạo tỉnh một cách chu đáo, an toàn. Đặc biệt, Văn phòng UBND tỉnh đã phối hợp với các Sở, Ban, ngành, đoàn thể và UBND các huyện, thị xã tổ chức thành công Lễ kỷ niệm chào mừng 20 năm giải phóng quê hương Quảng Trị (01/5/1972 - 01/5/1992), khơi dậy niềm tự hào và để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng nhân dân trong toàn tỉnh.
Vui chơi ngày Tết cổ truyền |
Lãnh đạo Văn phòng UBND tỉnh đã chú trọng kiện toàn tổ chức bộ máy cơ quan và coi trọng công tác xây dựng các tổ chức Đảng, Đoàn Thanh niên, Công đoàn, Phụ nữ; xây dựng khối đoàn kết, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho cán bộ, công nhân viên; mạnh dạn cải tiến dần công tác tham mưu, phục vụ, tuyển thêm chuyên viên để đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ mới.Năm 1993 là năm thứ 3 toàn tỉnh ta tiếp tục động viên các tầng lớp nhân dân trong tỉnh tích cực thi đua thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, với những chủ trương, quyết sách lớn đã được lãnh đạo UBND tỉnh xác định.
Trên cơ sở cụ thể hóa mục tiêu, định hướng của kế hoạch 5 năm 1991 - 1995, Văn phòng UBND tỉnh Quảng Trị đã tham mưu nhiệm vụ trọng tâm, những bước đi cụ thể để thực hiện thắng lợi kế hoạch năm 1993 của tỉnh là:
“1. Đẩy mạnh sản xuất hàng hóa, trọng tâm là sản xuất lương thực nhằm ổn định mức sống nhân dân, giải quyết nạn thiếu đói, tập trung khai thác có hiệu quả kinh tế tổng hợp vùng gò đồi, ven biển, tạo việc làm cho lao động xã hội, từng bước xóa đói giảm nghèo cho nhân dân.
2. Tích cực khai thác và quản lý chặt chẽ các nguồn thu, thực hiện chống thất thoát, hạn chế các khoản chi chưa thật cần thiết để tích lũy bổ sung vốn xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật và phúc lợi xã hội.
3. Chấn chỉnh công tác quản lý xây dựng cơ bản, tập trung vốn ngân sách cho các công trình trọng điểm, hạn chế khởi công xây dựng công trình mới, thu hút vốn bên ngoài dưới các hình thức thích hợp: hợp tác đầu tư, viện trợ nhân đạo, viện trợ phát triển và các chương trình kinh tế quốc gia.
4. Mở rộng thị trường hàng hóa trong tỉnh, nhất là thị trường nông thôn, tăng cường đối ngoại tạo thị trường xuất khẩu ổn định, từng bước gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm và xuất khẩu.
5. Tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước bằng pháp luật và cơ chế chính sách, thực hiện có hiệu quả các chương trình; có những biện pháp tích cực để chống tham nhũng, buôn lậu, tiêu cực xã hội; thực hiện triệt để tiết kiệm, tích cực chống lãng phí.
6. Tích cực giải quyết các vấn đề cấp bách của xã hội: tạo thêm việc làm cho người lao động, vận động sinh đẻ có kế hoạch, giảm tỷ lệ tăng dân số, phòng ngừa dịch bệnh, chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân, nâng cao chất lượng giáo dục và mặt bằng dân trí, tăng mức hưởng thụ văn hóa nghệ thuật trong nhân dân, lành mạnh các quan hệ xã hội.
7. Kết hợp xây dựng kinh tế với củng cố an ninh quốc phòng, đẩy lùi và ngăn chặn tội phạm hình sự, giữ vững an toàn xã hội, bảo đảm cuộc sống yên bình của nhân dân.”
Xác định vùng gò đồi Quảng Trị là một vùng rộng lớn, có nhiều tiềm năng và thế mạnh nên tại Hội nghị Tỉnh ủy lần thứ 5, khóa XI đã ra Nghị quyết phát triển kinh tế - xã hội vùng gò đồi của tỉnh. Mục tiêu tổng quát mà Nghị quyết đã đề ra là: "Đến năm 2000, phấn đấu đạt kế hoạch phủ xanh gần một nửa diện tích đất trống, đồi trọc. Đưa thêm để có 20 vạn dân sống ở vùng gò đồi. Hình thành các vùng dân cư trên các tiểu vùng. Xây dựng được mô hình nông - lâm kết hợp, tạo những vùng dân cư mới với những trang trại có đủ hạ tầng kinh tế - xã hội thiết yếu. Xây dựng một số vùng cây công nghiệp hàng hóa có giá trị".
Bám sát các mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể nêu trên, Văn phòng UBND tỉnh đã phối hợp với các địa phương, ngành Nông nghiệp, Lâm nghiệp, Thương mại - Du lịch khẩn trương quy hoạch các vùng: trồng rừng PAM 4304, rừng phòng hộ đầu nguồn và các chương trình kinh tế, vùng gò đồi để trồng 2.650 ha rừng mới tập trung (trong đó rừng kinh tế là 2.200 ha); khai thác triệt để vùng đất đỏ để phát triển cây công nghiệp và cây ăn quả; phát triển chăn nuôi đại gia súc để kết hợp tốt việc sản xuất gắn với yêu cầu thị trường hàng hóa. Tiếp tục chỉ đạo thực hiện tốt các dự án: Kinh tế mới Đường 9, kinh tế mới Tây Triệu Phong; Triển khai một số dự án mới vùng gò đồi Nam - Bắc sông Bến Hải, dự án cao su của Công ty Cao su, dự án phát triển vùng Tân Lâm - Cùa; nâng cấp các tuyến đường lên núi, ra biển, đường Khe Sanh - Lìa, củng cố các tuyến đường lên vùng kinh tế mới; tiếp tục đầu tư hoàn thành hệ thống đường dây và trạm 35KV đi Khe Sanh; chuẩn bị khai thông trục kinh tế Đường 9 và tuyến du lịch đến Thái Lan, Lào, Campuchia.
Văn phòng UBND tỉnh đã tích cực chủ động bám sát vào các nhiệm vụ, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 1993 đã được xác định, vượt qua những khó khăn thách thức để tích cực tham mưu, phục vụ cho lãnh đạo tỉnh đi sâu, đi sát về từng cơ sở, chỉ đạo, điều hành thực hiện có hiệu quả hầu hết trên tất cả các lĩnh vực:
- Cơ cấu kinh tế đã có sự thay đổi tích cực. Thành phần kinh tế quốc doanh từ chỗ chiếm 22% trong tổng giá trị sản phẩm năm 1989, giảm xuống chỉ còn 19,3% vào năm 1993. Thành phần kinh tế ngoài quốc doanh chiếm 78%, tăng 80,7%. Chính sách đối ngoại đa phương, chính sách kinh tế đa thành phần đã được chú ý khuyến khích phát triển phù hợp. Ngành nông nghiệp chiếm 55 - 57% tổng giá trị sản phẩm xã hội và giảm xuống còn 45% năm 1993; ngành công nghiệp tăng lên 18,6% (năm 1992 là 16,7%); xây dựng cơ bản tăng từ 5,6% lên 10,8%. Các dịch vụ như: thương nghiệp, vật tư, bưu điện, giao thông vận tải chiếm từ 22% tăng lên 24%.
Nguồn tích lũy nội bộ từng bước được nâng lên góp phần giảm bớt sự căng thẳng giữa tích lũy và tiêu dùng. Thu ngân sách trên địa bàn ngày càng ổn định và chiếm tỷ trọng cao trong tổng thu ngân sách nhà nước. Nhịp độ tăng trưởng kinh tế địa phương tương đối ổn định và có chiều hướng phát triển phù hợp với xu thế đổi mới hiện nay. Tổng thu ngân sách nhà nước năm 1993 tăng gấp 2,3 lần so với năm 1992 và vượt gần 130 tỷ đồng so với năm 1990. Thu ngân sách trên địa bàn có bước tiến bộ rõ rệt: năm 1991 là 7,5% tổng thu, năm 1992 chiếm 54,4% và năm 1993 chiếm 67%.
- Sản xuất nông nghiệp đã có bước phát triển tương đối toàn diện. Sản lượng lương thực bình quân trong 3 năm đạt 12 vạn tấn/năm; Năm cao nhất đạt 13,4 vạn tấn, giá trị sản lượng nông nghiệp tăng 6,3%. Chăn nuôi giữ nhịp độ tăng trưởng đều hàng năm, nhất là đàn lợn và đàn bò; Diện tích cây công nghiệp tăng ở cả khu vực quốc doanh và hộ gia đình. Năm 1993 đã có 4.297 ha cao su, 696 ha cà phê, 200 ha dâu tằm và đã tạo ra những sản phẩm hàng hóa có giá trị, kể cả xuất khẩu. Trong 2 năm đã trồng được 5.393 ha rừng tập trung, 3,7 triệu cây phân tán (tương đương với 1.850 ha), đưa tổng diện tích trồng rừng lên trên 20.000 ha (trong đó có 5.430 ha thông nhựa). Việc khoanh nuôi tái sinh rừng tự nhiên được chú ý. Chương trình khai thác thế mạnh vùng gò đồi, xây dựng các vùng kinh tế mới được triển khai tích cực. Đã tổ chức xây dựng và tổ chức thực hiện hàng chục dự án kinh tế mới, chương trình phủ xanh đất trống đồi núi trọc. Công tác định canh định cư được triển khai thực hiện phù hợp và vững chắc. Đã tiến hành giao đất rừng cho 22.800 hộ với 150.170 ha rừng.
Ngư nghiệp có bước phát triển. Tổng công suất phương tiện đánh bắt tăng từ 6.600CV năm 1990 lên 9.200CV năm 1993 (trong đó đã có 80 tàu thuyền đánh bắt xa bờ). Bình quân hàng năm đánh bắt gần 5.000 tấn hải sản, đưa giá trị hải sản xuất khẩu tăng từ 80 vạn USD lên 1,6 triệu USD năm 1993. Bước đầu đã xây dựng được nhiều mô hình mới trong khai thác, đánh bắt, nuôi trồng và chế biến hải sản. Vai trò tự chủ của kinh tế hộ gia đình được khẳng định và đã xuất hiện ngày càng nhiều hộ sản xuất, kinh doanh giỏi trên nhiều vùng và nhiều ngành nghề khác nhau. Nhiều hợp tác xã đang quyết tâm phấn đấu đổi mới hoạt động theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 5 và cũng đã bắt đầu xuất hiện một số mô hình hợp tác xã mới.
- Sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp đã được tổ chức, sắp xếp lại nên nhiều cơ sở đã vượt qua được những lúng túng, ách tắc ban đầu và đã thích ứng dần với cơ chế thị trường, sản xuất bắt đầu đi vào ổn định và có bước phát triển. Nhịp độ tăng trưởng bình quân hàng năm đạt 8,3%. Tỷ trọng công nghiệp quốc doanh tăng từ 24% (năm 1990) lên 48% năm 1993 trong tổng giá trị sản lượng công nghiệp. Các cơ sở kinh tế ngoài quốc doanh cũng đã có bước phát triển mạnh và đã sản xuất được một số mặt hàng được khẳng định và đứng vững trên thị trường.
Một buổi sinh hoạt Nhạc cổ truyền |
- Xây dựng cơ bản được đầu tư tương đối toàn diện. Tổng vốn đầu tư bình quân hàng năm trên 50 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách địa phương chiếm 63% và đã huy động được nguồn vốn trong nhân dân tham gia. Các thị xã, thị trấn đã được quy hoạch và từng bước được đầu tư xây dựng. Các công trình trọng điểm như: cầu Đông Hà, Nhà Văn hóa trung tâm, Bệnh viện tỉnh, công trình thủy lợi Trúc Kinh đã tăng tốc độ xây dựng. Mạng lưới điện được mở rộng cả thành thị, nông thôn và một số vùng miền núi, miền biển. Tất cả các huyện lỵ và 61/131 xã, phường đã có điện toàn bộ hoặc một phần và đang tích cực khẩn trương thực hiện chương trình điện khí hóa toàn tỉnh. Khối lượng nước sạch cung cấp nước sinh hoạt cho thị xã, thị trấn, nông thôn được tăng thêm.
- Các hoạt động thương mại - dịch vụ đã năng động hơn. Thị trường mua bán thuận lợi, hàng hóa phong phú hơn, nhiều hoạt động dịch vụ phục vụ nông nghiệp, công nghiệp, dân sinh phát triển mạnh và đa dạng. Đã có 4 doanh nghiệp tư nhân và gần 6.000 hộ kinh doanh thương mại dịch vụ.
- Hoạt động văn hoá văn nghệ, thể dục thể thao có nhiều chuyển biến theo hướng tích cực: Vừa phát triển các loại hình văn hóa mới, đồng thời coi trọng phục hồi có chọn lọc các di sản văn hóa cổ truyền. Xây dựng một số tụ điểm văn hóa cộng đồng ở các cụm dân cư. Đã bắt đầu triển khai thực hiện công tác bảo tồn, bảo tàng, sưu tầm văn hóa cổ, kiểm kê, quy hoạch bảo vệ các di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh của tỉnh. Hệ thống thông tin đại chúng được mở rộng và đạt chất lượng, cơ bản đã phủ sóng phát thanh trong toàn tỉnh, phủ sóng truyền hình ở đồng bằng và một phần ở miền núi. Báo Quảng Trị đã ra 2 kỳ trong một tuần và tăng số lượng phát hành.
- Chất lượng giáo dục ngày càng được nâng cao. Tiếp tục đẩy mạnh phong trào xã hội hóa giáo dục trên nhiều lĩnh vực và đã đạt được những kết quả khả quan, đã góp phần tích cực để xóa "xã trắng", "vùng trắng" về giáo dục; tập trung sức mạnh tổng hợp, huy động nhiều nguồn lực để đầu tư cho giáo dục phát triển cả về quy mô, số lượng và chất lượng. Xây dựng mới 17 trường học cao tầng với 158 phòng học. Tổng số học sinh được huy động vào các cấp học, ngành học tăng nhanh. Số học sinh cấp I, cấp II và cấp III có 97.394 em, tăng 7,8% (tương đương 7.051 em); đón 17.503 cháu vào các trường mẫu giáo, nhà trẻ.
- Chương trình chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân thực hiện tích cực, giảm được các bệnh sốt rét, bướu cổ, triển khai phòng chống các dịch bệnh (sốt xuất huyết, tả) sau hạn hán có hiệu quả; thực hiện tốt các chương trình y tế quốc gia, từng bước đưa hoạt động y tế cơ sở vào nề nếp và chăm sóc sức khỏe cho nhân dân, phòng chống dịch bệnh ngày một tốt hơn. Các loại hình dịch vụ y tế có bước phát triển, một số cơ sở y tế được trang bị thêm các thiết bị và phương tiện phục vụ tốt cho công tác khám, chữa bệnh.
- Trong 3 năm đã xây dựng và sửa chữa 390 nhà tình nghĩa, trao 618 sổ tiết kiệm cho các đối tượng chính sách. Chương trình giải quyết việc làm gắn với xóa đói giảm nghèo được triển khai thực hiện tốt. Nhiều gia đình gặp hoạn nạn, người cơ nhỡ, cô đơn, tàn tật, trẻ mồ côi đã được Hội Chữ thập đỏ, ngành Lao động - Thương binh và Xã hội, Ủy ban Bảo vệ và chăm sóc trẻ em tỉnh, và toàn xã hội cùng quan tâm giúp đỡ. Đã tổ chức trường nuôi dạy trẻ mồ côi và nuôi dưỡng người già cô đơn không nơi nương tựa. Đời sống nhân dân ngày càng ổn định, số hộ nghèo, hộ thiếu đói được thu hẹp đáng kể.
- Tổ chức tốt việc xây dựng các khu vực phòng thủ, xây dựng xã, phường an toàn làm chủ, sẵn sàng chiến đấu trong tình hình mới. Chỉ đạo tốt việc xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân kết hợp với thế trận an ninh nhân dân. Chất lượng hoạt động của các lực lượng vũ trang được nâng lên. Quan hệ kết nghĩa với các tỉnh bạn Lào (Savannakhet, Salavan) được tốt hơn, việc bảo vệ an ninh biên giới được giữ vững.
Huấn luyện sẵn sàng chiến đấu |
Để sự chỉ đạo, điều hành của UBND tỉnh được đúng hướng, cụ thể và chặt chẽ, phát huy được hiệu quả và hiệu lực quản lý nhà nước trên địa bàn tỉnh, Văn phòng UBND tỉnh đã tham mưu UBND tỉnh ký các quy chế phối hợp hoạt động với Liên đoàn Lao động tỉnh, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh... để động viên các lực lượng xã hội cùng tham gia quản lý, đóng góp sức lực và trí tuệ nhằm thực hiện tốt các quy định của pháp luật, các chủ trương, chính sách của Đảng và nhà nước, tạo được một thế ổn định và quyết tâm mới thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh do Nghị quyết của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VII và Nghị quyết Đại hội tỉnh Đảng bộ lần thứ XI đã đề ra. Văn phòng UBND tỉnh cũng đã lập kế hoạch, chương trình, nội dung làm việc của lãnh đạo UBND tỉnh với các ngành, các địa phương trong tỉnh để kịp thời nắm bắt tình hình, trực tiếp giải quyết những khó khăn, bức xúc của ngành, địa phương. Từ đó, có những quyết sách, giải pháp đúng, kịp thời để khắc phục nhanh hậu quả của hạn hán, tạo cho cuộc sống của nhân dân sớm ổn định và tiếp tục đẩy mạnh sản xuất. Văn phòng UBND tỉnh đã phối hợp với Văn phòng Tỉnh ủy, Văn phòng Ủy ban MTTQVN tỉnh, các huyện, thị xã tổ chức các hoạt động thiết thực chào mừng kỷ niệm 25 năm Chiến thắng Khe Sanh - giải phóng Hướng Hóa; xây dựng kế hoạch và chương trình cụ thể để các đồng chí lãnh đạo tỉnh tiếp và làm việc một cách an toàn, chu đáo và đạt kết quả với Tổng Bí thư Đỗ Mười vào dự Lễ kỷ niệm 25 năm ngày giải phóng Khe Sanh - giải phóng Hướng Hóa và rất nhiều các đồng chí ở các Bộ, ngành Trung ương, các tướng lĩnh cao cấp vào thăm và làm việc với tỉnh ta.[1] Năm 1994, Văn phòng UBND tỉnh đã phối hợp với các Sở, Ban, ngành liên quan tham mưu UBND tỉnh tích cực làm việc với Chính phủ và các Bộ, ngành Trung ương về việc nâng cấp cửa khẩu. Trên cơ sở đó, ngày 05/01/1994, Chính phủ 2 nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào đã quyết định nâng cấp cặp cửa khẩu Lao Bảo (tỉnh Quảng Trị) - Bản ĐenSavẳn (tỉnh Savanakhet) thành cửa khẩu quốc tế. Văn phòng UBND tỉnh chuẩn bị đầy đủ các điều kiện, chương trình, kế hoạch và nội dung để lãnh đạo 2 tỉnh tổ chức tốt buổi Lễ khai trương cửa khẩu quốc tế Lao Bảo. Đây là cơ hội để chúng ta có điều kiện mở rộng giao lưu, hợp tác và phát triển. Phát huy lợi thế kinh tế Đường 9, với cửa khẩu quốc tế Lao Bảo nối dài về cảng Cửa Việt sẽ tạo điều kiện cho tỉnh Quảng Trị giao thương thuận lợi hơn với Lào, vùng Đông Bắc Thái Lan, Myanmar..., hợp tác và hội nhập nhanh hơn trong thời kỳ kinh tế mở cửa.
Trong các ngày từ 21 - 23/3/1994, Hội nghị Đại biểu giữa nhiệm kỳ Đảng bộ tỉnh được tổ chức. Trên cơ sở đánh giá những thành tựu đã đạt được, những yếu kém của thời kỳ vừa qua, Hội nghị khẳng định những thành tựu đạt được có ý nghĩa nhiều mặt, tạo tiền đề đưa nền kinh tế - xã hội của tỉnh chuyển sang thời kỳ mới: thời kỳ ổn định và phát triển. Phương hướng và nhiệm vụ chủ yếu của 2 năm 1994 - 1995 được xác định rõ là:
- Thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế: Nhằm mục tiêu tạo thêm nhiều việc làm, đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế, cải thiện hơn nữa đời sống nhân dân. Phấn đấu đến năm 1995 có cơ cấu lao động trong nông nghiệp - công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp - thương mại du lịch, dịch vụ là: 60 - 15 - 25, tạo tiền đề hình thành cơ cấu kinh tế công- nông nghiệp - thương mại du lịch, dịch vụ cho những năm sau.
- Coi trọng sản xuất nông nghiệp toàn diện. Phấn đấu đến năm 1995 đạt 15 vạn tấn lương thực, đẩy mạnh các chương trình kinh tế vùng gò đồi, kinh tế mới và kinh tế miền núi.
- Tích cực mở rộng cây công nghiệp ở vùng gò đồi, miền núi, một phần ở đồng bằng và những nơi có điều kiện theo hướng tập trung để tạo khối lượng hàng hóa lớn và nguồn nguyên liệu ổn định cho phát triển công nghiệp chế biến. Tiếp tục chăn nuôi heo theo hướng khuyến khích nhân dân cải tạo đàn giống và phát triển các loại giống mới, có năng suất và chất lượng cao, trước hết là đàn lợn và trâu, bò.
- Các hoạt động văn hóa: Nhằm xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, kết hợp với văn hóa truyền thống với hiện đại, bảo tồn và phát triển các tinh hoa văn hóa của dân tộc, đồng thời với việc chống văn hóa suy đồi, lai căng phi đạo đức và nhân tính, bài trừ hủ tục mê tín dị đoan và các tệ nạn xã hội khác.
Hoạt động văn hóa được phát triển cả thành thị và nông thôn, cả gia đình và xã hội, đa dạng về loại hình, thu hút rộng rãi các tầng lớp nhân dân tham gia và phải được quản lý chặt chẽ, làm tốt công tác bảo tồn, bảo tàng, tích cực chuẩn bị các điều kiện để xây dựng Bảo tàng tỉnh. Củng cố, mở rộng các phương tiện thông tin đại chúng nhằm kịp thời hướng dẫn thông tin, đưa thông tin đến với nhân dân, nâng cao mức hưởng thụ văn hóa cho quần chúng.
- Chăm lo sức khỏe nhân dân: Củng cố và xây dựng mạng lưới y tế cơ sở, giảm bớt các vùng trắng. Làm tốt các chương trình y tế quốc gia. Từng bước tăng cường trang thiết bị, nâng cấp các bệnh viện khu vực, xây dựng Bệnh viện tỉnh thành trung tâm khám và chữa bệnh có trình độ cao, nâng cao ý thức và trách nhiệm phục vụ của đội ngũ thầy thuốc.
- Tăng cường quốc phòng và an ninh: Tiếp tục làm cho cán bộ, đảng viên và nhân dân nhận thức sâu sắc 2 nhiệm vụ chiến lược luôn luôn tiến hành đồng thời. Tăng cường giáo dục pháp luật, làm cho mọi công dân phải sống và làm việc theo pháp luật, giữ vững kỷ cương xã hội. Nêu cao cảnh giác trong mọi hoạt động, ra sức xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân kết hợp thế trận an ninh nhân dân, xây dựng khu phòng thủ tỉnh, huyện làng xã chiến đấu vững chắc..."[2]
Trong những năm 1993 - 1994 là thời kỳ mà đội ngũ cán bộ, công nhân viên Văn phòng UBND tỉnh có nhiều cố gắng vươn lên về mọi mặt, nhất là nâng cao chất lượng công tác biên tập, soạn thảo văn bản, giúp UBND tỉnh tổ chức nhiều hội nghị tổng kết chuyên đề thành công. Đáng chú ý là Hội nghị tổng kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 22-NQ/TW ngày 27/11/1989 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách lớn phát triển kinh tế - xã hội miền núi, đã được Ủy ban Dân tộc và Miền núi đánh giá cao. Ủy ban Dân tộc và Miền núi đã chọn xã Tà Rụt (huyện Hướng Hóa, sau này thuộc huyện Đakrông) làm thí điểm toàn quốc về đầu tư hạ tầng phát triển kinh tế - xã hội miền núi. Đây là địa phương thí điểm thứ 2, sau huyện Mường Tè (tỉnh Lai Châu), tạo điều kiện góp phần tăng cường cơ sở vật chất cho miền núi tỉnh nhà.
[1] Báo cáo số 22/BC-UB ngày 30/9/1993 của UBND tỉnh.
[2] Báo cáo chính trị của BCH tỉnh Đảng bộ tại Hội nghị Đại biểu giữa nhiệm kỳ, từ ngày 21 – 23/3/1994
Lễ khởi công xây dựng di tích Thành cổ Quảng Trị |
Nhìn chung, "tình hình kinh tế - xã hội trong tỉnh được ổn định và có chuyển biến tích cực, đời sống nhân dân được cải thiện; quốc phòng - an ninh được giữ vững. Tốc độ tăng trưởng khá nhanh, có bước đi vững chắc, nhiều chỉ tiêu hoàn thành vượt mức kế hoạch.”[1]
So với năm 1994, các mục tiêu cơ bản trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 1995 đều tăng mạnh. Tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 8,7%, tăng 2,7%; tổng thu ngân sách địa phương đạt trên 203 tỷ đồng, tăng 33 tỷ đồng; tổng chi ngân sách địa phương đạt 179 tỷ đồng, tăng 57 tỷ đồng; sản lượng lương thực quy thóc đạt 15,3 vạn tấn, tăng 4,8 vạn tấn…
Năm 1995, lũ lụt gây ra hậu quả khá nặng nề. Văn phòng UBND tỉnh đã phối hợp với các ngành liên quan, kịp thời đề xuất những giải pháp chỉ đạo, điều hành. Lãnh đạo tỉnh đã đi sâu, đi sát cơ sở các vùng trực tiếp bị thiệt hại để xử lý, động viên các tầng lớp nhân dân, phát huy sức mạnh tại chỗ, đoàn kết tương trợ giúp đỡ lẫn nhau, kết hợp với sự hỗ trợ kịp thời, tích cực có hiệu quả của Chính phủ, Bộ ngành Trung ương, các đơn vị, các tỉnh bạn và các tổ chức quốc tế nên nhìn chung, đời sống của nhân dân vẫn ổn định, sản xuất tiếp tục phát triển. Văn phòng UBND tỉnh đã tổ chức đón tiếp các đoàn Trung ương, địa phương, đơn vị các tổ chức quốc tế và có kế hoạch tiếp nhận và phân bổ kịp thời tất cả các nguồn hàng, tiền cứu trợ đến tận trong các đối tượng bị thiệt hại do lũ lụt.
Năm 1995, mặc dù đã xảy ra hạn hán trong vụ hè - thu, ngập úng vụ đông - xuân, lũ lụt gây thiệt hại nặng ở một số vùng, ảnh hưởng một số diện tích lúa vụ 10 ở các huyện: Cam Lộ, Gio Linh, Hải Lăng song nhìn chung, sản xuất nông nghiệp có bước phát triển khá. Sản xuất nông nghiệp phát triển mạnh theo hướng sản xuất hàng hóa, đẩy mạnh công tác thâm canh tăng năng suất, chuyển đổi tích cực cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Diện tích gieo trồng đạt 60.950 ha, đạt 98,6% kế hoạch (trong đó lúa 42.260 ha, đạt 99,9% kế hoạch, hoa màu 12.170 ha, đạt 93,6% kế hoạch, cây thực phẩm 2.500 ha, đạt 92% kế hoạch, cây công nghiệp ngắn ngày 3.850 ha, đạt 106% kế hoạch). Trồng mới cây công nghiệp dài ngày 740 ha, đạt 148% kế hoạch.
Hướng tham mưu tập trung chỉ đạo là tăng cường làm tốt công tác khuyến nông, bảo vệ thực vật và bảo đảm kịp thời các dịch vụ nông nghiệp. Năng suất lúa bình quân đạt 31,47 tạ/ha, sản lượng cây công nghiệp đạt khá: thu hoạch 600 tấn mủ cao su, tăng 44,5% so với năm 1994 và vượt so với kế hoạch năm; hồ tiêu 370 tấn vượt 23%; cà phê nhân 240 tấn bằng sản lượng năm 1994. Tổ chức thực hiện tốt các chương trình 327, vay vốn giải quyết việc làm đã có tác dụng tích cực, tạo điều kiện thuận lợi cho nông dân mở rộng sản xuất, phát triển cây ăn quả, cây công nghiệp, hình thành các mô hình kinh tế vườn hộ. Điều động trên 900 hộ theo hình thức di dân, dãn dân đến xây dựng các vùng kinh tế mới. Chăn nuôi phát triển ổn định, có tăng trưởng nhưng còn chậm, khả năng cải tạo chất lượng đàn còn hạn chế. Dịch lở mồm long móng ở trâu bò xảy ra trong năm đã được tích cực chỉ đạo dập tắt kịp thời.
Tập trung chỉ đạo trồng 5.620 ha rừng tập trung, vượt 20% kế hoạch năm. Trong đó, dự án PAM trồng 2.000 ha, dự án 327 trồng 2.820 ha, dự án 773 trồng 800 ha. Phong trào trồng cây phân tán phát triển với trên 2 triệu cây. Khoanh nuôi và bảo vệ rừng tự nhiên 1.520 ha, đạt 100% kế hoạch năm; tổ chức giao khoán bảo vệ rừng cho các hộ gia đình và các thôn bản đồng bào dân tộc được 4.826 ha, đạt 100% kế hoạch; hỗ trợ xây dựng một số cơ sở hạ tầng phúc lợi như: trạm y tế xã, trường học, giếng nước, đường dân sinh…, góp phần tích cực vào việc ổn định đời sống dân cư cả trong các vùng dự án (327, 773, kinh tế mới...). Lồng ghép thực hiện có hiệu quả dự án định canh định cư độc lập gắn với việc thực hiện các chính sách dân tộc, miền núi, tổ chức phân bổ lại dân cư và lao động bằng việc triển khai thực hiện tốt công tác di dân từ đồng bằng lên các vùng kinh tế mới ở Hướng Hóa (xã Hướng Phùng), Tây Vĩnh Linh, Tây Gio Linh, Tây Triệu Phong... với 919 hộ. Tỉnh đã đầu tư tập trung nhiều cơ sở hạ tầng như: đường Tà Rụt - La Lay, điện nông thôn và nhiều công trình phúc lợi khác, góp phần cải thiện đời sống nhân dân và thay đổi bộ mặt xã hội trong vùng. Việc xây dựng các công trình thủy lợi đã có nhiều cố gắng, bảo đảm được công tác tưới tiêu kịp thời và đạt tỷ lệ khá so với năm 1994; Tập trung khôi phục hệ thống thủy lợi Nam Thạch Hãn, hồ La Ngà, hồ Kinh Môn. Công trình thủy lợi hồ Trúc Kinh đã căn bản hoàn thành, có thể chủ động phục vụ tưới tiêu cho trên 700 ha cho đồng ruộng ở Gio Linh, thị xã Đông Hà và một phần của huyện Cam Lộ. Phong trào đánh bắt, nuôi trồng thủy sản phát triển mạnh. Ngư dân tích cực vay vốn đóng mới tàu thuyền, sắm ngư lưới cụ để tăng năng lực đánh bắt. Sản lượng đánh bắt ước đạt 7.500 tấn, tăng 4,2%. Diện tích ao hồ nuôi cá đạt 450 ha (tăng 15,4%), nuôi tôm đạt 256 ha, tăng 21,9% so với năm 1994. Chế biến hải sản xuất khẩu còn gặp nhiều khó khăn, thu mua 300 tấn hải sản đông xuất khẩu, chỉ đạt 78% kế hoạch.
[1] Báo cáo số 39/BC-UB ngày 26/12/1995 của UBND tỉnh.
Lãnh đạo tỉnh thăm công trình Chợ Đông Hà mới hoàn thành |
- Giá trị tổng sản lượng công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp đạt 49,5 tỷ đồng, đạt 97% kế hoạch và tăng 13% so với năm 1994. Chương trình điện khí hóa nông thôn nhờ áp dụng phương châm nhà nước và nhân dân cùng làm nên đã triển khai tích cực và có hiệu quả. Đến nay đã có 90/136 xã, phường đã có điện.
- Về xây dựng cơ bản: Tổng nguồn vốn đầu tư trên địa bàn năm 1995 là 220 tỷ đồng, trong đó vốn các chương trình 327, 773 và các Bộ, Ngành đầu tư trực tiếp là 94 tỷ đồng, chiếm 42,7% tổng vốn; vốn ODA, NGOs, vốn liên quan là 18,6 tỷ đồng, chiếm 8,5%; vốn nhân dân đầu tư 24 tỷ đồng, chiếm 10,9% để chủ yếu tập trung đầu tư xây dựng các công trình điện, trường học, đường nông thôn, thủy lợi nhỏ… Vốn tín dụng đầu tư được tập trung xây dựng nhà máy xi măng 8,2 vạn tấn/năm (trên 23 tỷ đồng), xí nghiệp gạch ngói Vĩnh Đại 7 tỷ đồng để xây dựng và lắp đặt dây chuyền sản xuất gạch tuy nen.
Năm 1995, một số công trình trọng điểm của tỉnh đã hoàn thành và đã đưa vào sử dụng là: Nhà máy xi măng 8,2 vạn tấn/năm; Chợ Đông Hà với hơn 1.100 lô có mái che kiên cố và hơn 3.000 chỗ ở hành lang và ngoài trời; khai thông đường Tà Rụt - La Lay, đường 68; cơ bản hoàn thành công trình thủy lợi Trúc Kinh. Năm 1995 cũng đã tổ chức khởi công xây dựng nhiều công trình mới như: cảng Cửa Việt, đường về cảng Cửa Việt, cầu Hiền Lương, cầu treo Sông Hiếu, đường dây điện lên Nghĩa trang Liệt sỹ Trường Sơn, Nghĩa trang Liệt sỹ Đường 9 và một số công trình khác.
Năm 1995, Chính phủ giao cho tỉnh tự cân đối thu chi ngân sách. Tuy nhiên, do chính sách thuế xuất nhập khẩu thay đổi, nguồn hàng không ổn định nên cán cân thu - chi của tỉnh mất cân đối. Tổng thu ngân sách địa phương đạt 203,147 tỷ đồng, bằng 116% kế hoạch địa phương và bằng 126,6% kế hoạch Trung ương giao, trong đó thuế xuất nhập khẩu, đạt 142,23 tỷ đồng, bằng 118,52% kế hoạch địa phương và bằng 142,23% kế hoạch Trung ương giao, trong đó số thu do tỉnh có chính sách thu hút về xuất nhập khẩu là 82 tỷ đồng. Tổng chi ngân sách đạt 179,2 tỷ đồng, bằng 105,4% kế hoạch địa phương và bằng 111,8 kế hoạch Trung ương giao.
Trong hoạt động tín dụng, ngân hàng đã chủ động chuyển dịch cơ cấu theo hướng mở rộng thị trường nông thôn, coi hộ nông dân là đối tượng thực hiện chủ trương chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn. Tổng số vốn huy động trong năm 1995 là 105 tỷ đồng, tăng 40% so với năm 1994. Số dư nợ tính đến ngày 31/12/1995 là 124,66 tỷ đồng, tăng 40,5% so với năm 1994. Các công trình cho vay trọng điểm là: Nhà máy xi măng 50 tỷ đồng, Nhà máy gạch tuy nen 7 tỷ đồng.
Trong điều kiện của tỉnh còn gặp nhiều khó khăn, tập thể lãnh đạo, cán bộ, công chức của Văn phòng UBND tỉnh đã chủ động phối hợp chặt chẽ với các cấp, các ngành tham mưu, đề xuất lãnh đạo tỉnh chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là tập trung đẩy mạnh việc thực hiện tốt hợp tác kinh tế đối ngoại, lập nhiều dự án kêu gọi đầu tư từ các tổ chức quốc tế. Văn phòng UBND tỉnh đã tham mưu UBND tỉnh phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc UNDP tổ chức thành công Hội nghị quốc tế về xóa đói giảm nghèo tại Quảng Trị; tiếp và làm việc với trên 100 đoàn khách quốc tế. Năm 1995, đã tiếp nhận viện trợ của các tổ chức quốc tế như: OXFAM (Hồng Kông), Đại sứ quán Nhật, Úc, FAXTO Mỹ, Hội Âu - Á Pháp... với tổng vốn 25 tỷ đồng, không kể vốn viện trợ của các tập đoàn phi Chính phủ Hà Lan (NGO), Tổ chức Tàn tật thế giới được triển khai từ năm 1994 đến nay và một số nguồn vốn khác.
Những dự án được thông qua và triển khai thực hiện là: Chương trình Phát triển nông thôn do Phần Lan đầu tư ở Hải Lăng (7,3 triệu USD); Dự án phát triển tiêu và trồng rừng Tân Lâm do Đức tài trợ (7 triệu D-Mác); Chương trình trồng rừng phòng hộ đầu nguồn ở Trúc Kinh; Dự án nước ngầm Gio Linh phục vụ cho Đông Hà và Cửa Việt đã được tổ chức ADB cho vay 10,9 triệu USD; Chương trình đổi mới thiết bị nhà máy nước Đông Hà (3,8 tỷ đồng); Nâng cấp đường 68 (1 tỷ đồng); Nâng cấp nước thị trấn Hồ Xá; 4 dự án nước sạch nông thôn theo chương trình của Bộ Xây dựng; Chương trình điện khí hóa nông thôn do Pháp đầu tư ở 2 làng: Pa Nho (huyện Hướng Hóa) và Diên Khánh (huyện Hải Lăng).
Nạn thiếu đói kinh niên ở nhiều vùng khó khăn trước đây cơ bản đã được giải quyết. Văn phòng UBND tỉnh đã phối hợp với các ngành, các cấp triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình vay vốn từ Quỹ quốc gia giải quyết việc làm, vốn viện trợ của Cộng hòa Séc và Slôvakia (Tiệp Khắc cũ), Đức, Hungari và vốn vay ưu đãi hộ nghèo... góp phần giải quyết bớt khó khăn, tạo thêm việc làm cho nhân dân, nâng cao hiệu quả kinh tế và có ý nghĩa cải thiện mọi mặt về đời sống xã hội. Trong năm 1995, đã giải quyết cho vay 4.890 triệu đồng, giải quyết việc làm cho hơn 4.000 lao động.
Năm học 1994 -1995 kết thúc với quy mô các cấp học, ngành học đều tăng. Năm học mới 1995 - 1996, tổng số cháu vào nhà trẻ đạt 11,7% (tăng 0,82%), số cháu vào mẫu giáo đạt 38% (tăng 6,9% so với năm học trước); huy động 105.827 học sinh phổ thông các cấp (tăng 8,7% so với năm 1994). Toàn tỉnh đã có 105 xã, 7/8 huyện, thị xã (trừ huyện Hướng Hóa) đạt chuẩn quốc gia về phổ cập giáo dục tiểu học - chống mù chữ. Tỉnh đã tích cực chỉ đạo ngành Giáo dục - Đào tạo tập trung sức mạnh tổng hợp của toàn tỉnh để thực hiện tốt chiến dịch này ở các vùng núi, vùng sâu và vùng xa; huy động 65 giáo viên của 7 huyện, thị xã đồng bằng lên giúp huyện Hướng Hóa thực hiện mục tiêu phổ cập giáo dục tiểu học và chống mù chữ. Mục tiêu là phải quyết tâm phấn đấu hoàn thành mục tiêu Phổ cập giáo dục tiểu học - chống mù chữ vào năm 1998, trước 2 năm so với kế hoạch của Trung ương.
Các chương trình y tế quốc gia về phòng chống sốt rét, bướu cổ, suy dưỡng cho trẻ em và phụ nữ có thai, PAM 3844, tiêm chủng mở rộng được chủ động triển khai thực hiện. Năm 1995, bệnh nhân sốt rét giảm 22% so với năm 1994. Công tác Dân số - Kế hoạch hóa gia đình đã được toàn xã hội nhận thức đúng và đã có những chuyển biến tích cực. Năm 1995, tỷ lệ tăng dân số tự nhiên là 2,27%, đã có 49% cặp vợ chồng áp dụng các biện pháp tránh thai (tăng 7,5% so với năm 1994), tỷ suất sinh giảm 0,8%o theo đúng mục tiêu đã đề ra.
Các hoạt động văn hóa - thông tin, phát thanh - truyền hình và thể dục thể thao đã chuyển hướng theo tinh thần xã hội hóa sâu rộng. Tập trung đưa Văn hóa - Thông tin về cơ sở, nhất là vùng sâu, miền núi, vùng xa. Xây dựng đề án quy hoạch tổng thể các di tích lịch sử - cách mạng, danh thắng gắn với sự phát triển du lịch của tỉnh để trình Bộ Văn hóa - Thông tin và Chính phủ phê duyệt để bố trí đầu tư vào chương trình quốc gia năm 1996. Chương trình phủ sóng Phát thanh - Truyền hình đã được coi trọng, đã phủ sóng phát thanh trên 80% và phủ sóng truyền hình trên 78,6% trên địa bàn dân cư toàn tỉnh.
Nhiều hoạt động văn hóa - văn nghệ, thể dục thể thao; nhiều chương trình, chuyên mục mới được phát và đăng tải trên Báo Quảng Trị, Tạp chí Cửa Việt và trên sóng phát thanh, truyền hình có sức hấp dẫn, tạo được không khí thực sự tin tưởng, tự hào và phấn khởi vui tươi để cùng chung sức xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.
Văn phòng UBND tỉnh đã phối hợp với ngành Lao động - Thương binh và Xã hội tham mưu UBND tỉnh tổ chức thành công Lễ trao tặng, truy tặng danh hiệu "Bà mẹ Việt Nam Anh hùng" đợt 2 cho 413 Mẹ và đợt 3 cho 53 Mẹ.
Năm 1995, các phong trào "Xây dựng Gia đình văn hóa", "Nuôi con khỏe, dạy con ngoan", "Phụ nữ giúp nhau làm kinh tế giỏi", "Toàn dân đoàn kết xây dựng cuộc sống mới ở khu dân cư", "Xây dựng xã, phường an toàn làm chủ, sẵn sàng chiến đấu", "Đền ơn đáp nghĩa","Áo lụa tặng bà", "Tuổi trẻ lập nghiệp"... đã trở thành phong trào quần chúng sâu rộng, tạo nên một bộ mặt đời sống xã hội mới lành mạnh, củng cố niềm tin vào bản chất tốt đẹp của xã hội do Đảng ta lãnh đạo. Bên cạnh đó, chính quyền các cấp đã tập trung chỉ đạo thực hiện tốt các Nghị quyết 05/CP ngày 29/01/1993 về ngăn chặn và chống tệ nạn mại dâm; Nghị quyết số 06/CP ngày 29/01/1993 về tăng cường chỉ đạo công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy của Chính phủ; Chỉ thị số 406/CT-TTg ngày 08/8/1994 về cấm sản xuất, vận chuyển buôn bán và đốt các loại pháo nổ của Thủ tướng Chính phủ… Văn phòng UBND tỉnh đã tham mưu cho lãnh đạo tỉnh thành lập các Ban chỉ đạo tỉnh, Ban chỉ đạo các huyện, thị xã để trực tiếp giúp UBND tỉnh thực hiện có hiệu quả các vấn đề đã nêu trên nhằm nâng cao hiệu lực điều hành quản lý của chính quyền, các cấp, bảo đảm trật tự kỷ cương và an toàn xã hội.
Công tác giải quyết hồ sơ khen thưởng kháng chiến, khen thưởng thường xuyên: Tính đến tháng 10/1995, Văn phòng đã thẩm định trình UBND tỉnh trình cấp có thẩm quyền tặng thưởng Huân chương, Huy chương kháng chiến, Bằng khen của Chính phủ và UBND tỉnh cho 58.903 gia đình và cá nhân, cụ thể: 42.952 Huân chương Kháng chiến hạng Nhất, Nhì, Ba; 13.478 Huy chương Kháng chiến hạng Nhất, Nhì; 1.500 Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ; Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen cho 592 đơn vị và 517 cá nhân; tặng 125 cờ thi đua xuất sắc; 21 đơn vị và 8 cá nhân được Chủ tịch nước tặng và truy tặng Danh hiệu Anh hùng LLVTND.
Chính quyền các cấp đã coi trọng phong trào "Quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc", kết hợp với các phong trào "Xây dựng xã, phường an toàn làm chủ, sẵn sàng chiến đấu", xây dựng thế trận chiến tranh nhân dân với các phong trào cách mạng khác của quần chúng, bằng nhiều hình thức phong phú đa dạng; Mở nhiều đợt tấn công trong truy quét tội phạm, truy bắt các đối tượng nguy hiểm có lệnh truy nã của Bộ Nội vụ; xóa các địa bàn phức tạp về an ninh trật tự và 14 băng ổ nhóm lưu manh, trộm cắp. Trong năm 1995 đã phát hiện 60 vụ tham nhũng, khởi tố điều tra 14 vụ, 23 đối tượng, xử lý hành chính 28 trường hợp. Phát hiện và xử lý 2.978 vụ buôn lậu và buôn bán kinh doanh trái phép. Nhờ vậy, phạm pháp hình sự giảm 9,8% so với năm 1994, tình hình trật tự trị an ổn định hơn các năm trước đây.[1]
Tóm lại, trong giai đoạn 1991 - 1995, tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh của tỉnh đã có những bước phát triển mạnh so với những năm trước. Cơ chế quản lý nông nghiệp mới theo tinh thần Nghị quyết 10 của Bộ Chính trị (khoán 10) từ năm 1988, đã chứng tỏ sự phù hợp với yêu cầu thực tiễn, đảm bảo vai trò tự chủ kinh tế của hộ gia đình, được người dân đồng tình hưởng ứng. Vì vậy, nền kinh tế dựa chủ yếu vào nông nghiệp của tỉnh đạt được những kết quả đáng phấn khởi. Tốc độ tăng trưởng GDP đạt 6%/năm. Tổng thu ngân sách nhà nước tăng từ 44,44 tỷ đồng năm 1991 lên 249,34 tỷ đồng năm 1995. Thu nhập bình quân đầu người đạt 1.365.000 đồng/năm. Sản lượng lương thực đạt 12 vạn tấn/năm. Tốc độ tăng trưởng của ngành công nghiệp tăng bình quân hàng năm 12%, trong đó giá trị công nghiệp quốc doanh chiếm 47%. Tổng vốn đầu tư xây dựng cơ bản tử 1991 - 1995 là 660 tỷ đồng; đã đưa vào hoạt động một số cơ sở sản xuất - kinh doanh quan trọng như chợ Đông Hà, chợ thị xã Quảng Trị, nhà máy xi măng 8,2 vạn tấn/năm, nhà máy gạch tuy nen 20 triệu viên/năm…
[1] Báo cáo số 36/BC-UB ngày 26/12/1995 của UBND tỉnh Quảng Trị.
Lễ khánh thành Chợ Đông Hà |
Lĩnh vực văn hóa - xã hội có nhiều khởi sắc, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của nhân dân. Các thiết chế văn hóa được quan tâm đầu tư xây dựng và đưa vào khai thác có hiệu quả. Sóng phát thanh đã phủ đến mọi nơi trong tỉnh, sóng truyền hình cơ bản đã phủ đều khắp vùng đồng bằng và một số vùng ở miền núi. Công tác giáo dục và đào tạo có bước phát triển mạnh; đến năm 1995, đã có 7/8 huyện, thị xã hoàn thành mục tiêu Phổ cập giáo dục tiểu học - xóa mù chữ; đến đầu năm học 1995 - 1996, đã đưa vào sử dụng 34 trường học kiên cố và được cao tầng hóa, đặc biệt là một số trường đã được trang bị máy vi tính. Công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân được coi trọng; 97,7% trẻ em trong độ tuổi được tiêm phòng đầy đủ 6 loại vắc xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng; các loại dịch bệnh được kịp thời phát hiện và khống chế, không để xảy ra trên diện rộng. Các hoạt động an sinh xã hội, đền ơn đáp nghĩa được quan tâm thực hiện. Chế độ nhà nước đối với thương binh, gia đình Liệt sỹ, người có công với cách mạng và các đối tượng được hưởng trợ cấp xã hội được chi trả kịp thời, đầy đủ… Đến năm 1995, toàn tỉnh xây dựng được trên 400 nhà tình nghĩa, tặng gần 3.000 sổ tiết kiệm cho các gia đình chính sách, 100% Bà Mẹ Việt Nam anh hùng được các cơ quan, đơn vị nhận phụng dưỡng…Quốc phòng, an ninh được giữ vững. Tỉnh đã chủ động thực hiện chủ trương xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân; gắn chặt việc phát triển kinh tế - xã hội với bảo đảm quốc phòng - an ninh. Đến năm 1995, đã xây dựng được 37 cụm an toàn làm chủ ở 117 xã, phường, thị trấn và 145 cơ quan, xí nghiệp, trường học; 4.920 tổ an ninh nhân dân; 870 tổ hòa giải. Đặc biệt, đã phá tan âm mưu của của kẻ địch lợi dụng tôn giáo để lôi kéo đồng bào dân tộc thiểu số đi theo chúng, phá hoại đường lối cách mạng của Đảng, phá hoại tinh thần đoàn kết của dân tộc miền xuôi và miền ngược… đảm bảo được an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, truyền thống đoàn kết dân tộc, bảo vệ biên giới hòa bình, hữu nghị và hợp tác.
Đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, tổ chức bộ máy Văn phòng UBND tỉnh cũng đã được kiện toàn, bổ sung kịp thời, kể cả bộ máy lãnh đạo cũng như đội ngũ cán bộ, chuyên viên. Việc phối hợp với Văn phòng Tỉnh ủy, Văn phòng HĐND tỉnh và các sở, ban ngành, đoàn thể ngày càng đồng bộ, chặt chẽ, đáp ứng tốt hơn nhiệm vụ tham mưu lãnh đạo tỉnh chỉ đạo, điều hành nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, tạo đà cho giai đoạn tiếp theo.
Bắt đầu từ 01/7/1995, UBND tỉnh và Văn phòng UBND tỉnh chuyển về làm việc tại trụ sở mới (45 Hùng Vương, thị xã Đông Hà). Phương tiện, điều kiện làm việc được trang bị khá đầy đủ và hiện đại. Do đó, chất lượng công tác ngày càng đi vào chiều sâu và có hiệu quả hơn trước, góp phần để lãnh đạo UBND tỉnh chỉ đạo, điều hành một cách sát đúng, kịp thời, tạo được những bước đột phá quan trọng để thúc đẩy nhanh nhịp độ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Để hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị của mình, Văn phòng UBND tỉnh luôn luôn coi trọng củng cố khối đoàn kết, thường xuyên chăm lo công tác đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ để nâng cao năng lực tư duy, tinh thông nghề nghiệp của đội ngũ. Xây dựng và giữ vững các mối quan hệ tốt giữa Văn phòng UBND tỉnh với sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành trực tiếp của Chủ tịch, các Phó Chủ tịch UBND tỉnh; giữa Văn phòng UBND tỉnh với các sở, ban ngành, đoàn thể và UBND các huyện, thị xã. Phối hợp chặt chẽ và thường xuyên với Văn phòng Tỉnh ủy, Văn phòng HĐND tỉnh, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh. Giữ vững các mối quan hệ chặt chẽ với Văn phòng Chính phủ và các Bộ, Ngành Trung ương, tạo được sức mạnh thống nhất trong chủ trương hành động, đồng thuận trong ý chí và cách làm. Trong 2 năm 1994 - 1995, Lãnh đạo Văn phòng đã tạo điều kiện cho nhiều cán bộ, công chức Văn phòng theo học các lớp: Quản lý hành chính nhà nước, Tin học văn phòng, các ngành Đại học: Luật, Chính trị, Tin học… Nhờ vậy, đội ngũ cán bộ Văn phòng UBND tỉnh ngày càng trưởng thành, trình độ chuyên môn được nâng lên, đáp ứng yêu cầu, đòi hỏi ngày càng cao của tình hình mới.
- VĂN PHÒNG UBND TỈNH QUẢNG TRỊ THAM MƯU LÃNH ĐẠO TỈNH CHỈ ĐẠO THỰC HIỆN KẾ HOẠCH 5 NĂM (1996 - 2000). (18/03/2022)
- VĂN PHÒNG UBND TỈNH QUẢNG TRỊ THAM MƯU LÃNH ĐẠO TỈNH CHỈ ĐẠO THỰC HIỆN KẾ HOẠCH 5 NĂM 2001 - 2005. (18/03/2022)
- VĂN PHÒNG UBND TỈNH QUẢNG TRỊ THAM MƯU LÃNH ĐẠO TỈNH CHỈ ĐẠO THỰC HIỆN KẾ HOẠCH 5 NĂM 2006 - 2010. (18/03/2022)