Chi tiết tin - VPUBND Tỉnh
NGOÀI HIỂU BIẾT PHẢI CÓ NHIỆT HUYẾT MỚI THÀNH CÔNG
17-03-2022 21:54:20
Lên nhận công tác tại UBND tỉnh, được phân công phụ trách khối Kinh tế (Tài chính, Ngân hàng, Kho bạc, Hải quan, Thuế, Thương mại - Du lịch, Quản lý thị trường…) và Khu Thương mại Lao Bảo.
Khu Thương mại Lao Bảo khi mới thành lập (tháng 11/1998), các nhà tham mưu hoạch định chính sách định đặt tên là “Khu Thương mại tự do Lao Bảo” nhưng không được trên chấp thuận vì lo chữ “tự do”, nên đặt là khu “Khu vực khuyến khích, phát triển kinh tế và thương mại Lao Bảo”, gọi tắt là “Khu Thương mại Lao Bảo”. Với những chính sách thông thoáng, ưu đãi cao nhất, nhưng quá trình thực hiện vướng phải các điều khoản luật pháp quy định nên các Bộ, ngành Trung ương không ra được các văn bản hướng dẫn thực hiện, chính sách ưu đãi bị “teo dần”, không có hiệu lực thi hành, không đi vào cuộc sống.
Tỉnh Quảng Trị quyết liệt đi “gõ cửa” Chính phủ, Thủ tướng giao cho Bộ Thương mại kết hợp UBND tỉnh Quảng Trị thành lập đoàn đi nghiên cứu Đặc khu kinh tế Thẩm Quyến, Trung Quốc do Thứ trưởng Trần Đức Minh làm Trưởng đoàn. Thành phần tham gia đoàn có Văn phòng Chính Phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan và tỉnh Quảng Trị. Quảng Trị có tôi (Phó đoàn), Lãnh đạo Văn phòng UBND tỉnh và một số ngành liên quan. Quá trình của chuyến đi cũng là dịp tốt để đoàn Quảng Trị tìm mọi cách thuyết trình cho cán bộ của các Bộ, ngành Trung ương hiểu về thực tiễn và “vận động” sự ủng hộ. Cuối cùng, Bộ Thương mại và Đoàn cũng đạt được một sự thỏa thuận là đề nghị Chính phủ cho lập “đặc khu”. Nhưng phải nói rằng, trong lúc này, Chính phủ đang rất “dị ứng” với hai chữ “đặc khu”. Thành phố Vũng Tàu có lần đã đề nghị lập “đặc khu ” mà không được huống gì Lao Bảo. Vậy nên lách như thế nào để nội hàm nó phải là “đặc khu” cho dù không được gọi tên là “đặc khu”? Thế là tên “Khu kinh tế - Thương mại đặc biệt Lao Bảo” xuất hiện (tên hiện nay). Nói tắt cũng có nghĩa là đặc khu kinh tế - thương mại với các chính sách ưu đãi kèm theo, như chính sách một khu thương mại tự do.
Mặc dù chính sách như “khu thương mại tự do”, nhưng vì chưa có luật cho khu thương mại tự do nên vẫn “vướng”, phải thường xuyên “mang cặp” đi các Bộ, ngành Trung ương để tháo gỡ, và không lần nào thiếu vắng Văn phòng. Văn phòng phải lo cập nhật đầy đủ cho mỗi chuyến đi, muốn vậy ngoài phải có kiến thức pháp luật, hiểu biết chính sách còn phải có nhiệt huyết để đi xin “tháo gỡ”, nếu không thì đã “buông tay”. Theo kinh nghiệm như các nước, muốn có khu thương mại tự do phải có luật về khu thương mại tự do và luật đó ghi rõ: Các luật pháp khác trái với luật khu thương mại tự do thì không thực hiện điều chỉnh các hoạt động trong khu thương mại tự do.
Từ Thâm Quyến - Trung Quốc, từ Khu Thương mại tự do Zofri của tỉnh Iquique - Chi Lê, tháng 6/2004, tôi đã viết bài “Từ Thâm Quyến, nghĩ về Lao Bảo” và tháng 8-2007 “Suy ngẫm từ Zofri - Chi Lê” đăng trên tạp chí Thương mại, báo Thương mại để chứng minh sự thành công của họ và kiến nghị phải sớm có luật cho khu thương mại tự do.
Ngoài những khó khăn về chính sách cho Khu Kinh tế - Thương mại đặc biệt Lao Bảo, tôi nhớ anh Vũ Khoan, Phó Thủ tướng Chính phủ khi vào thăm Lao Bảo có nói rằng: Khu kinh tế “mở” thực sự có ý nghĩa khi cả nước còn “đóng” (như Thâm Quyến của Trung Quốc). Nhưng Lao Bảo “mở” trong lúc cả nước đều “mở”. Nhiều khu tuy không được gọi là “đặc biệt” nhưng đến Lao Bảo “học tập” để ra Trung ương xin, rồi cũng được “mở” như Lao Bảo. Trong lúc Lao Bảo lại xa sân bay, hải cảng (dù nằm trên trục hành lang kinh tế Đông Tây), nên Lao Bảo kém hấp dẫn, việc thu hút đầu tư, xây dựng thành khu kinh tế phát triển là rất khó. Đúng. Tuy nhiên, dù chưa như mong muốn, nhưng dù sao cũng từ một vùng nghèo khó, có hơn 61% hộ đói nghèo, nay Lao Bảo đã là một “đô thị vàng”, một Khu Kinh tế cửa khẩu phát triển bậc nhất so với tất cả các Khu Kinh tế cửa khẩu phía Tây khác, thành quả đó không thể không nói đến sự góp phần tích cực của Văn phòng UBND tỉnh Quảng Trị.
Lê Hữu Thăng Nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh |