Chi tiết tin - VPUBND Tỉnh

HỢP TÁC XÃ K10

17-03-2022 21:51:12

Hè 1967, Mỹ ngụy càn vào bờ Nam và “bạch hoá” khu phi quân sự. Thấy bà con bị đánh phá bất ngờ, bà con bờ Bắc nhất là các xã Vĩnh Sơn, Vĩnh Giang, Vĩnh Quang đưa dân quân vào đánh trả để chặn địch và tìm cách đưa cho bà con trở về bờ Bắc. Từ đó, bà con hai bờ sông Bến Hải sống đoàn tụ vui vẻ bên nhau. Thực ra đây chính là dân cùng ở một huyện Vĩnh Linh (khi lấy con sông Bến Hải làm ranh giới ngăn cách thì một phần của xã Vĩnh Sơn và xã Vĩnh Liêm cũ nằm ở phía Nam sông).
Đến tháng 10, bà con Trung Sơn, Trung Giang, Trung Hải cùng bà con Vĩnh Linh đi sơ tán ra Tân Kỳ - Nghệ An và cùng làm ăn trong một hợp tác xã.
Được một thời gian, bà con xin tách lập hợp tác xã riêng. Nhân dịp thay mặt Văn phòng Uỷ ban hành chính (UBHC) khu Vĩnh Linh ra công tác tại Tân Kỳ, tôi đến làm việc với tổ Công tác Nông thôn K10. Các đồng chí Nguyễn Đức Chức, Nguyễn Nguyên đã trình bày nguyện vọng của bà con và tôi xin ý kiến Ban Công tác Nông thôn Nghệ An. Song do có nhiều khó khăn nên vẫn chưa biết xử lý thế nào! Suy nghĩ một lúc, tôi trao đổi: "Trước hết phải tôn trọng ý kiến có tính nguyên tắc của Ban Công tác Nông thôn Nghệ An và cũng phải biết vận dụng đúng đắn theo hoàn cảnh K10 để giải quyết cho phù hợp với tình hình thực tiễn đang đặt ra.
Về nguyên tắc: Tự nguyện, dân chủ và cùng có lợi thì không phải bàn vì bà con đã yêu cầu. Về góp cổ phần xã viên: Thì phải góp dần từng bước, vì đời sống của bà con đang khó khăn. Cái khó nhất là Chi bộ lãnh đạo, hướng xử lý chung là dựa vào sự lãnh đạo của các Chi bộ xã của Vĩnh Linh, có tăng cường cán bộ cốt cán được chọn gồm những người có năng lực, có nhiệt tình và trách nhiệm để bầu bổ sung, với phương châm vừa làm, vừa bồi dưỡng thêm. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc thì tiếp tục điện vào Văn phòng UBHC khu Vĩnh Linh để trình Lãnh đạo Uỷ ban, xin ý kiến chỉ đạo xử lý."
Gần hai năm sau, khi trở lại Tân Kỳ, tôi hết sức phấn khởi khi thấy hầu hết đều thành lập Hợp tác xã Nông nghiệp và làm ăn khá cả như: Xuân Hoà, Võ Xá, Kinh Môn, Kinh Thị … Gia đình nào thu nhập cũng khá hơn nhờ có nhiều sắn, ngô, đỗ, lạc… và mật mía - món đặc sản mà Vĩnh Linh chưa bao giờ có.
Cuộc sống tươi vui, đêm đêm sinh hoạt Đội và sau đó là văn nghệ, nhiều tiết mục phong phú như hò, vè, thơ... Có một bài thơ mà lúc đó tôi thấy rất hay nhưng vì lâu ngày nên chỉ nhớ được mấy câu:
                                     “…Sáng sớm Giai Xuân,
                                     Chiều về Nghĩa Phúc,
                                     Đất xa lạ mà nghĩa tình không lạ,
                                     Đất Tân Kỳ, quê của muôn quê!...”
Hè 1973, thay mặt Uỷ ban Hành chính Khu vực Vĩnh Linh, tôi tổ chức cho bà con K10, kể cả bà con bờ Nam (Trung Sơn, Trung Giang, Trung Hải) gặp mặt liên hoan văn nghệ trong bầu không khí vui vẻ, ấm tình ruột thịt của những người con xa quê.
Năm 1976, khi đang làm Phó Trưởng Ban Kinh tế Tỉnh uỷ Quảng Trị, tôi có về Gio Linh làm việc với anh Nguyễn Đức Êm, Bí thư Huyện uỷ, càng phấn khởi hơn khi biết thêm bà con Hợp tác xã K10 với kinh nghiệm ở miền Bắc đã hăng hái phát huy tính ưu việt của Hợp tác xã để xây dựng lại quê hương.
Cách đây ba năm, có một đồng chí cán bộ công tác ở Triệu Hải cũ (quê ở Trung Sơn) gặp tôi và nói: “Tôi chở chú ra Trung Sơn chơi, bà con ngoài đó cứ hỏi thăm chú mãi, họ nhớ cái Hợp tác xã K10 năm xưa đó”.
Nghe vậy, tôi mừng quá! Bao nhiêu ký ức lại hiện về. Mỹ ngụy đàn áp thì bà con bờ Nam nổi dậy chống lại, Mỹ ngụy triệt phá cuộc sống thì bà con ra miền Bắc và đi theo con đường xã hội chủ nghĩa- Niềm tin và ý chí của con người là sức mạnh chiến thắng tất cả.
Và tôi nghĩ: Chính họ là người tiên phong xây dựng Hợp tác xã Nông nghiệp đầu tiên của huyện Gio Linh, của Quảng Trị chúng ta.
 

Hè năm 2005
Nguyễn Kham

Các tin khác