Chi tiết tin - VPUBND Tỉnh

K15

17-03-2022 21:50:38

Hồi ký

 

Hè năm 1972, ta giải phóng tỉnh Quảng Trị. Sau đó, địch tái chiếm lại vùng Triệu Hải. Tình hình trở nên khốc liệt. Bốn vạn bà con huyện Triệu Phong và một số xã ở Hải Lăng phải sơ tán ra khu Vĩnh Linh.
Khu ủy và Ủy ban hành chính (UBHC) khu Vĩnh Linh phải thành lập Ban đón tiếp, lấy tên là K15. Nhiệm vụ nặng nề được giao cho Văn phòng UBHC khu Vĩnh Linh đảm nhiệm và tổ chức triển khai khẩn trương để hạn chế tổn thất cho bà con.
Thế là Văn phòng UBHC khu Vĩnh Linh có thêm một nhiệm vụ mới - K15 và hai K trước là K8, K10 phải lo tốt.
Với bộ máy Văn phòng phải gọn nhẹ phù hợp với thời chiến, khối lượng công việc lại tăng đột xuất nhưng yêu cầu đặt ra là phải tổ chức thực hiện tốt sự chỉ đạo của UBHC khu. Bộ máy K15 chủ yếu lấy từ Văn phòng Ủy ban sang; do đó vừa tổ chức và điều hành cho phù hợp, khẩn trương và nhịp nhàng. Tôi được Ủy ban giao phụ trách K15 nên phải chia thời gian làm việc thật hợp lý: Ngày đến K15 làm việc để giải quyết mọi việc của K15 và phối hợp với các đồng chí huyện ủy Triệu Phong, tối trở về Văn phòng để cùng hai đồng chí Phó Văn phòng là Phan Thanh Dư và Đinh Viết Diệu, Thư ký Đoàn Lê Cứ... nắm lại tình hình trong ngày để xác định, thống nhất hướng giải quyết chung và báo cáo lên Ủy ban.
Tình hình càng khó khăn ác liệt, nhiệm vụ càng nặng nề, nhất là nhiệm vụ chỉ đạo sản xuất, đời sống của nhân dân... Nhiệm vụ tại chỗ và tình hình K10, K8 đang sơ tán ở các tỉnh bạn; sự phối hợp các ban ngành, các xã để đảm bảo sự chỉ đạo thông suốt của Ủy ban. Ngoài ra phải chu đáo cho khách đến công tác, và cả các đoàn cán bộ đi B chưa đi được phải trú lại Vĩnh Linh, với yêu cầu là tất cả đều phải chu tất nơi ăn, ở với đủ các loại hầm ẩn nấp để không bị thương vong trước mọi thủ đoạn đánh phá ác liệt và đủ loại bom đạn dày đặc của giặc Mỹ.
Càng khó khăn, anh chị em trong Văn phòng càng yêu thương nhau, đoàn kết nhất trí trên dưới một lòng. Nhờ vậy mà mọi việc được chu đáo.
Bà con K15 được cấp đủ gạo, chăn màn, soong nồi, thực phẩm, thuốc men phục vụ kịp thời cho bà con lúc ốm đau và sinh đẻ...
Điều đáng tự hào nhất là trong hoàn cảnh bom đạn ác liệt, dân Vĩnh Linh sau khi đi sơ tán, còn lại khoảng 3 vạn người nhưng lại phải cáng đáng 4 vạn bà con huyện Triệu Phong và huyện Hải Lăng, trong đó có 2 ngàn người bị thương. Chưa kịp làm hầm thì phải ở chung một hầm, mỗi hầm vốn đã 2 - 4 người, nay phải thêm 5 - 7 người nữa là hết sức chật chội, phức tạp, song bà con Vĩnh Linh vẫn vui vẻ trong sự đồng cảm sâu sắc, chẳng khác gì bà con K10 đang được đồng bào Nghệ - Tĩnh cưu mang, đùm bọc.
Từ tháng 6, mọi việc được ổn định một bước cho K15, thì đến cuối tháng 7 và tháng 8 lại nảy sinh một việc bức xúc đặt ra đòi hỏi phải tập trung giải quyết dứt điểm. Đó là điều chỉnh lại toàn bộ 4 vạn dân đang ở chung trong nhiều thôn, xã quy tụ lại thành làng, xã để tiện sự chỉ đạo của chính quyền, đoàn thể, lực lượng dân quân vừa để xây dựng phong trào, vừa tiếp tục đưa người vào chống địch lấn chiếm vùng giải phóng. Đây là nhiệm vụ rất khó vì phải xáo trộn lại cuộc sống đã tạm ổn định và rất dễ bị thương vong lớn khi phải di dời đến hàng vạn người trong thời điểm ác liệt nhất, ngày cũng như đêm, các loại máy bay, tàu chiến bắn phá dữ dội vùng Vĩnh Linh.
UBHC khu vực Vĩnh Linh thông cảm rất sâu sắc yêu cầu đó của Huyện uỷ Triệu Phong, song rất băn khoăn không biết thế nào để giúp Triệu Phong điều chỉnh lại dân cư. Đồng chí Trần Đồng, Bí thư Khu ủy gọi tôi sang cơ quan vừa giao nhiệm vụ, vừa tâm sự: "Việc rất khó và rất dễ bị thương vong, song đồng chí Kham phải cố gắng thực hiện cho bằng được theo yêu cầu của Triệu Phong. Đây vừa là trách nhiệm vừa là tình cảm quê hương. Chúng ta là những đồng chí lãnh đạo cũ của Triệu Phong đi tập kết”. Suy nghĩ một lúc, tôi tiếp thu ý kiến và xin phép ra về.
Được sự đồng tình và động viên của đồng chí Dương Tốn, Chủ tịch UBHC Khu, tôi tranh thủ họp Văn phòng và Ban K15 bàn kế hoạch triển khai. Anh chị em rất lo lắng song rất đồng tình, vì ai nấy đều thông cảm với Triệu Phong.
Cuộc họp với lãnh đạo các ban, ngành, các xã để triển khai đều được sự nhất trí cao. Như vậy, vào thời điểm này phải huy động toàn lực của Vĩnh Linh để thực hiện tốt kế hoạch, nhất là ở cấp xã và hợp tác xã, gia đình, mỗi hộ phải có người đưa tiễn, lại phải có người đi đón hộ mới đến ở.
Đêm thứ nhất phải đưa gần 1 vạn rưỡi người từ vùng đất đồng sang vùng đất đỏ, nơi có nhiều hầm hào được thực hiện tốt, không thương vong, không thất lạc.
Đêm thứ hai, thực hiện tốt việc đưa gần 1 vạn người từ vùng đất đỏ sang vùng đất đồng.
Tại các vùng đất đỏ cũng như đất đồng, việc tự điều chỉnh cho nhau trong vùng cũng được thực hiện chu đáo.
Đêm thứ ba, đưa nốt khoảng 4 ngàn người từ vùng đất đỏ sang vùng đất đồng; nhưng không may, đến giờ xuất phát thì hai chiếc F4 bắn pháo sáng, trinh sát liên tục vào bến đò Hiền Lương - Huỳnh Hạ. Tuy vậy, với ý chí quyết tâm cao, ta vẫn tìm đủ cách đưa bà con vượt sông an toàn. Nhờ kế hoạch tốt, chuẩn bị chu đáo, sau ba đêm dồn sức thực hiện việc sắp xếp lại dân cư cho bà con K15, huyện Triệu Phong theo từng thôn xã được hoàn thành và an toàn; được mọi người hoan nghênh, khen ngợi; cán bộ và nhân dân Triệu Phong hết sức phấn khởi.
Điều này đã tạo điều kiện thuận lợi, góp sức cùng huyện Triệu Phong nhanh chóng củng cố phong trào quần chúng, xây dựng tổ chức, sinh hoạt, học tập. Cán bộ đi lại thuận lợi hơn để bám cơ sở chỉ đạo. Nông dân Triệu Phong được phiên chế vào các đội sản xuất cùng với xã viên Hợp tác xã nông nghiệp Vĩnh Linh sẵn sàng bước vào vụ sản xuất Đông Xuân 1972 - 1973; được ghi công điểm ăn chia cho vụ thu hoạch tới và nhất là đã giúp cho bà con làm quen với cung cách làm ăn tập thể hợp tác xã để sau này trở về xây dựng phong trào hợp tác xã ở Triệu Phong.
Văn phòng UBHC khu Vĩnh Linh rất đỗi tự hào vì đã làm tròn một nhiệm vụ to lớn và nặng nề. Song điều kỳ diệu hơn là từ năm 1972 - 1973, trên đất giới tuyến có hai Đảng bộ, hai cộng đồng dân cư cùng chung sống, cùng chiến đấu, sản xuất và xây dựng, làm cho hai cái nôi Cách mạng của Quảng Trị có dịp gần gũi, gắn bó với nhau. Nhiều đôi trai gái hai huyện nhờ hoàn cảnh đó mà yêu thương nhau, nên vợ nên chồng.
Từ đó, cứ mỗi lần có lễ lớn ở Triệu Phong, các đại biểu ở các xã Vĩnh Linh đều vào dự và chung vui với các xã ở Triệu Phong. Thật cảm động vô cùng.
Là người trong cuộc, cứ mỗi lần như vậy, ký ức của một thời hào hùng của đất thép Vĩnh Linh sống lại nguyên vẹn trong tôi, đầy tự hào và yêu thương vô hạn.
 

Thành cổ Quảng Trị, tháng 5/2005
Nguyễn Kham
Nguyên Uỷ viên Thư ký - Chánh Văn phòng
UBHC Khu vực Vĩnh Linh

 

Các tin khác