Chi tiết tin - VPUBND Tỉnh
HỒI KÝ
Post date: 17/03/2022
Sau năm 1945, cùng với phong trào thi đua trên toàn quốc hưởng ứng lời kêu gọi của Bác Hồ: “Chống giặc đói, chống giặc dốt, chống giặc ngoại xâm”, tại tỉnh ta, tình hình nhân sự sớm ổn định, mọi người nỗ lực vượt qua những khó khăn thiếu thốn mọi bề, góp phần đưa đất nước tiến lên.
Bước đầu, chúng tôi làm tốt công tác dân vận, kêu gọi những nhà hảo tâm và ngư dân ủng hộ lương thực, thực phẩm để tự ổn định đời sống. Lúc này, bộ máy Văn phòng Uỷ ban huyện gồm: Đồng chí Nguyễn Đăng Khoa, Chủ tịch; đồng chí Trần Đình Thảo, Thường vụ Huyện uỷ, Bí thư Chi bộ cơ quan. Chính tại đây, ngày 01/10/1945, tôi đã được kết nạp vào Đảng; đến ngày 01/01/1946 chuyển chính thức. Sau khi tôi được kết nạp Đảng, Huyện uỷ và Uỷ ban huyện biệt phái tôi xuống xã chỉ đạo một thời gian. Đến 03/02/1946, Huyện uỷ có quyết định lập Chi bộ xã Kiến Hiệp (gồm 5 thôn: Lại An, Tân Minh, Phú Thị, An Mỹ, Nhĩ Thượng), tôi được bầu làm Bí thư Chi bộ. Sau một thời gian ngắn cùng chi bộ ổn định tình hình, Huyện uỷ và Uỷ ban huyện lại điều tôi về phụ trách Văn phòng Uỷ ban huyện, có lúc kiêm cả Văn phòng Huyện bộ Việt Minh.
Từ cuối 1949, thực hiện chủ trương “Đơn giản huyện, kiện toàn tỉnh, tăng cường xã”; đến đầu 1951, nhận thấy lập xã mới quá lớn (mỗi huyện chỉ còn 5 xã), trong lúc cấp huyện không được tăng cường, không thể xuống tới xã, còn xã thì quá rộng, năng lực cán bộ hạn chế không với tới dân nên Uỷ ban tỉnh bắt đầu chỉ đạo điều chỉnh lại cho phù hợp. Lúc này tôi đang làm Thư ký phụ trách Nội chính ở Văn phòng Uỷ ban tỉnh, được điều về huyện làm Uỷ viên Uỷ ban huyện. năm 1952, tôi được bầu làm Phó Chủ tịch thường trực Uỷ ban huyện. Từ cuối năm 1953 - tháng 7/1954, tỉnh quyết định tôi làm Quyền Chủ tịch huyện Gio Linh. Tháng 8/1954, tổ chức phân công tôi ở lại miền Nam (chiến trường B), không đi tập kết ra miền Bắc. Đến tháng 8/1955, Thường vụ Tỉnh uỷ điều tôi lên làm Chánh Văn phòng Tỉnh uỷ. Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh khoá I (tháng 6/1961) tôi trúng cử vào Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, và liên tục tham gia Tỉnh uỷ Quảng Trị và Tỉnh uỷ Bình Trị Thiên (thời kỳ hợp nhất) cho đến 1981 (20 năm).
Trong 21 năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta, dưới sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng và Chính phủ, cả nước đã dồn sức cho Quảng Trị (bao gồm Vĩnh Linh) - vị trí đầu cầu của hai miền và là chiến trường trọng điểm của cả nước, ngày 1/5/1972, Quảng Trị được giải phóng. Hàng vạn liệt sỹ của cả nước đã nằm lại Quảng Trị và được quy tụ về hai nghĩa trang Trường Sơn và Đường 9 - đây là 2 công trình đền ơn đáp nghĩa không chỉ của nhân dân Quảng Trị mà là của cả nước, là nơi để các thế hệ sau chăm sóc, bảo vệ, gìn giữ và ôn lại truyền thống hào hùng, đời đời nhớ ơn các liệt sỹ để tiếp bước các chiến sĩ đã ngã xuống, nhắc nhau quyết tâm làm tròn nghĩa vụ thiêng liêng bảo vệ Tổ quốc trường tồn là điều luôn ghi nhớ.
Ngày 6/7/1972, Chính quyền cách mạng tỉnh được thành lập gồm: 1 Chủ tịch, 2 Phó Chủ tịch và 11 Uỷ viên, là những chiến sĩ cách mạng, các nhân sĩ, trí thức, các dân tộc và tôn giáo trong tỉnh.
Sau ngày thành lập và ra mắt, Uỷ ban Mặt trận dân tộc giải phóng tỉnh và Uỷ ban nhân dân cách mạng tỉnh đã ra lời kêu gọi các tầng lớp nhân dân trong tỉnh, công bố 10 chính sách của vùng mới giải phóng, chương trình hành động của Chính quyền cách mạng tỉnh. Đồng thời nhắc nhở chính quyền cách mạng các cấp lãnh đạo tốt tư tưởng, phổ biến đến từng người dân các chính sách, chế độ…, nhờ vậy, tình hình an ninh, trật tự sớm ổn định, nhân dân giúp đỡ nhau sắp xếp việc ăn, ở, sản xuất và hưởng ứng rất nhiệt tình mọi việc mà chính quyền cách mạng đề ra.
Đầu tháng 4/1973, được sự cho phép của Trung ương Đảng và Chính phủ, tỉnh Quảng Trị đã cử một Đoàn Đại biểu thay mặt nhân dân Quảng Trị do đồng chí Nguyễn Sanh, Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cách mạng tỉnh làm Trưởng đoàn; đồng chí Phạm Hồng Lân, Chính trị viên Tiểu đoàn 8; đồng chí Nguyễn Thị Bích Đào, Thường vụ Tỉnh đoàn Thanh niên và một số đồng chí khác đang công tác tại Hà Nội sang hoạt động kết nghĩa với tỉnh Bôlônha, vùng Emilia- Romanha, nước Cộng hoà Italia. Do Chính phủ nước Cộng hoà Italia lúc đó chưa công nhận Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam, nên cuộc gặp mặt giữa đoàn Quảng Trị và đoàn Italia được diễn ra tại Matxcơva. Tại đây, cả hai Đoàn ra thông cáo chung và ký một số biên bản về viện trợ giữa 2 tỉnh. Nói chung, đoàn đại biểu Italia rất công phẫn thái độ của Chính phủ Ý. Đến tháng 11/1973, Đoàn Italia đã có thư mời đoàn đại biểu Quảng Trị sang Bôlônha để chính thức làm lễ kết nghĩa và thăm một số tỉnh thành ở vùng Emilia - Romanha, thủ đô Roma và nhiều nơi khác của Ý.
Nguyễn Thư Nguyên Phó Chủ tịch UBNDCM tỉnh Quảng Trị Nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình trị Thiên |
- MỘT THỜI ĐÁNG NHỚ (17/03/2022)
- ĐỊCH VẬN (17/03/2022)
- NHỚ LẠI NHỮNG GIÂY PHÚT THIÊNG LIÊNG GẶP BÁC HỒ VÀ NHỮNG THÁNG NĂM LÀM CHÁNH VĂN PHÒNG UBND TỈNH QUẢNG TRỊ (17/03/2022)
- VÀI SUY NGHĨ VỀ MỘT THỜI LÀM VĂN PHÒNG CẤP UỶ (17/03/2022)
- NHỚ LẠI VĂN PHÒNG UBND TỈNH QUẢNG TRỊ (17/03/2022)
- NHỚ CÁC ANH (17/03/2022)
- NHỮNG MẨU CHUYỆN PHỤC VỤ CÔNG TÁC VĂN PHÒNG (17/03/2022)
- K15 (17/03/2022)
- HỢP TÁC XÃ K10 (17/03/2022)
- ĐẢNG BỘ VÀ NHÂN DÂN KHU VỰC VĨNH LINH THAM GIA PHỤC VỤ CHIẾN DỊCH GIẢI PHÓNG QUẢNG TRỊ, ĐIỀU ĐỘNG CÁN BỘ CHI VIỆN KỊP THỜI CHO CẤP TỈNH VÀ CÁC HUYỆN THỊ (17/03/2022)