Chi tiết tin - VPUBND Tỉnh

  

NHỚ LẠI VĂN PHÒNG UBND TỈNH QUẢNG TRỊ

Post date: 17/03/2022

(Thời kỳ từ tháng 5/1972 - 6/1976)

 
Văn phòng phục vụ sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ủy ban từ ngày thành lập đến lúc nhập tỉnh (1972 - 1976) có thể chia ra 3 thời kỳ:
- Từ ngày thành lập đến tháng 01/1973 là lúc còn chiến tranh bom đạn;
- Từ đầu năm 1973 đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng (30/4/1975);
- Từ 1/5/1975 đến ngày nhập tỉnh Bình Trị Thiên (30/6/1976).
1. Thời kỳ thứ nhất:
Thời kỳ này đang còn chiến tranh, địch phản kích lấn chiếm (gọi là tái chiếm) từ 28/6/1972 - 16/9/1972, địch chiếm huyện Hải Lăng, 5 xã phía Nam huyện Triệu Phong và thị xã Quảng Trị. Cuộc chiến đấu 81 ngày đêm.
Phía sau vùng giải phóng, địch dùng máy bay, đại bác thám thính, tàu chiến bắn phá vùng biển Gio Linh, Cửa Việt, không khí sẵn sàng chiến đấu cao.
Nhiệm vụ chính trị của tỉnh lúc này, ngoài phần việc của lực lượng vũ trang phản kích địch, phải đưa mấy vạn dân ở Hải Lăng, Triệu Phong về phía sau, đồng bào Hải Lăng đưa ra Cam Lộ, đồng bào Triệu Phong đưa ra Vĩnh Linh, một phần ở Lệ Thủy - Quảng Bình, ổn định ăn, ở, sinh hoạt cho dân.
Mặt khác tiếp nhận cán bộ ở miền Bắc, Trung ương chi viện vào, cán bộ ở rừng về hình thành bộ máy các ngành. Những vùng an toàn và tương đối an toàn như hai huyện Nam, Bắc Hướng Hóa, Gio Linh, Cam Lộ, lãnh đạo nhân dân khai hoang, phục hóa sản xuất nông nghiệp, tự túc một phần lương thực, thực phẩm theo Nghị quyết của Tỉnh ủy do các ngành, các huyện chỉ đạo trực tiếp.
- Văn phòng Ủy ban lúc này mới thành lập rất gọn nhẹ, cơ quan đóng ở Lạc Tân, sau chuyển lên Tân Văn, Tây Gio Linh làm hầm, lán ở trong nhà dân. Đồng chí Nguyễn Đằng được cử làm Chánh Văn phòng. Tuy ít người nhưng vẫn theo dõi kỹ tình hình sản xuất, đời sống của dân trong vùng giải phóng, báo cáo kịp thời hàng tháng lên Thường vụ Tỉnh ủy và Ban Đại diện Chính phủ Cách mạng lâm thời khu Trị Thiên - Huế.
2. Thời kỳ thứ hai:
Lúc này Hiệp định Pari đã ký (27/01/1973), căn cứ theo Nghị quyết của Tỉnh ủy và Thường vụ Tỉnh ủy, phải triển khai những công việc lớn, Văn phòng Ủy ban được tăng cường cán bộ để đủ sức giúp Ủy ban chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ cấp bách; cơ quan Ủy ban dời từ thôn Tân Hà, Tân Lịch về đóng ở thôn Đông Hà, nay là Phường 3, thị xã Đông Hà và ở làm việc vẫn trong nhà dân là chính.
Những công việc lớn và cấp bách ấy là:
- Đón tiếp anh chị em chiến thắng trở về (trao trả);
- Đưa dân Triệu Phong sơ tán về quê hương;
- Tiếp nhận viện trợ của Trung ương và miền Bắc, quốc tế cho Quảng Trị;
- Làm nhiệm vụ đối ngoại (trình Quốc thư của Chính phủ Cách mạng lâm thời, đón khách, báo quốc tế; đón các vị lãnh đạo của Trung ương, các tỉnh đến thăm, cả miền Bắc và miền Nam);
- Xây dựng, củng cố bộ máy chính quyền từ tỉnh đến cơ sở;
- Khai hoang phục hóa, khôi phục sản xuất, ổn định đời sống nhân dân (thường gọi là xây dựng vùng giải phóng);
- Tiếp tục lãnh đạo nhân dân và lực lượng vũ trang đấu tranh giải phóng phần đất, phần dân còn bị địch chiếm (thường gọi là nhiệm vụ phía trước do Thường vụ Tỉnh ủy trực tiếp).
Cơ quan Ủy ban tỉnh lúc này lại dời về trung tâm thị xã Đông Hà, nơi UBND Đông Hà làm việc hiện nay.
Với những công việc to lớn, Văn phòng UBND được tăng cường thêm cán bộ để đủ sức tham mưu giúp Uỷ ban chỉ đạo thực hiện đúng Nghị quyết của Đảng, từ soạn thảo văn bản, liên hệ trên dưới, trong ngoài, các ngành theo dõi tình hình báo cáo đề xuất Thường trực Ủy ban nắm, giải quyết kịp thời, cụ thể:
- Cử đồng chí Nguyễn Văn Thưởng sang công tác ở Ban Đón tiếp T72 do đồng chí Lê Hành, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận làm Trưởng Ban; phối hợp liên hệ xe cộ, ăn ở, cung cấp hậu cần cho anh em trở về và chuyển ra phía sau.
- Việc đón khách quốc tế, ngoại giao của Chính phủ Cách mạng lâm thời, Văn phòng cử đồng chí Trương Sỹ Duẩn đi giúp việc cho đồng chí Nguyễn Sanh, Phó Chủ tịch chỉ đạo công tác này, cùng với bộ phận đối ngoại của T72 lo việc trình Quốc thư, đón khách quốc tế, các nhà báo quốc tế đến thăm vùng giải phóng. Đón Chủ tịch Phiđen, Chủ tịch Trường Chinh, Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Chủ tịch Nguyễn Hữu Thọ, các Bộ trưởng, các vị trong Ủy ban Trung ương Mặt trận giải phóng dân tộc miền Nam Việt Nam, các vị trong Chính phủ Cách mạng lâm thời đến thăm. Một khối lượng công việc đồ sộ, liên tục sau ngày Hiệp định Pari có hiệu lực và cũng đã hoàn thành xuất sắc.
Hoàn thành công việc trên, đồng chí Trương Sỹ Duẩn được phân công tổ chức các lớp đào tạo cán bộ cho xã ở Cam Giang và Triệu Độ (3 lớp). Một số đồng chí học ở đây sau này trở thành những cán bộ cốt cán ở huyện, một số ngành cấp tỉnh. Về sau đồng chí Trương Sỹ Duẩn được phân công theo dõi khối Nội chính cho đến lúc nhập tỉnh Bình Trị Thiên, đây là một cán bộ khá năng động ở Văn phòng Ủy ban tỉnh thời kỳ này.
- Việc bố trí đồng bào Triệu Phong sơ tán trở về quê chủ yếu là do Ủy ban Triệu Phong lo. Văn phòng Ủy ban tỉnh đã có dự theo dõi, tạo điều kiện để huyện hoàn thành kế hoạch, giải quyết các vấn đề phát sinh, cung cấp lương thực, thực phẩm, nhà cửa, dụng cụ sản xuất, thuyền lưới cho đồng bào vùng biển thông qua các ngành chức năng thực hiện theo kế hoạch của Ủy ban tỉnh.
- Việc tiếp nhận viện trợ của miền Bắc, quốc tế, đón tàu B 400 của Trung Quốc mang hàng viện trợ sang giúp Quảng Trị, một khối lượng vật tư, lương thực thực phẩm, trâu bò, phân giống, dụng cụ sản xuất từ cái dao, rựa, cuốc, liềm của miền Bắc, nhà cửa của đồng bào Thanh Hóa tặng được vận chuyển bằng đường biển, đến hàng đoàn giáo viên miền Bắc chi viện cho Quảng Trị được tiếp nhận, phân phối chu đáo đến tận dân. Đồng chí Nguyễn Như Nguyên được phân công theo dõi, cùng các ngành lập sổ sách thống kê báo cáo lên Tỉnh ủy, Trung ương. Về sau đồng chí Nguyên được phân công giúp Chủ tịch Lê San theo dõi kế hoạch hàng năm xin Trung ương chi viện, kiểm tra, thanh tra việc thực hiện của các ngành đến khi nhập tỉnh được cử làm Phó Ban Thanh tra vào Hiệp thương với 3 tỉnh.
- Có một việc rất cấp bách và cũng rất phức tạp cả trước và sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng là khai hoang, phục hóa đồng ruộng đầy bom mìn để giải phóng đất đai, khôi phục sản xuất nông nghiệp. Chiến dịch rà phá bom mìn bằng sức dân, với cái thuốn bằng sắt làm công cụ, giải phóng hàng nghìn ha ruộng vườn và máu cũng còn đổ trên đồng ruộng. Một chiến dịch khai hoang tập trung, huy động hàng trăm thanh niên, cán bộ, bộ đội, khai hoang cánh đồng Dốc Miếu ở Gio Linh bỏ hoang hàng chục năm, nằm trong vùng hàng rào điện tử Macnamara được Đài Tiếng nói Việt Nam phát thanh, tuyên truyền sức sống mới trong vùng giải phóng Quảng Trị.
- Văn phòng Ủy ban lo tổ chức các cuộc Hội nghị tổng kết sản xuất Đông Xuân 1973 - 1974, 1974 - 1975. Hội nghị Thi đua toàn tỉnh, soạn thảo văn kiện tổng kết tuyên dương khen thưởng, tổ chức hậu cần chu đáo, động viên được cán bộ, nhất là cán bộ cơ sở về tỉnh họp, được Chủ tịch Ủy ban khen.
- Một cuộc sống mới trên địa bàn Quảng Trị giải phóng tuy còn nhiều thiếu thốn, gian khổ nhưng sôi sục, lạc quan của đồng bào từ sông Thạch Hãn ra cầu Hiền Lương, từ Cửa Việt đến Khe Sanh. Việc khai thác tre nứa tận Lào của ngành Lâm nghiệp cho dân làm nhà, các trạm bơm Việt Yên, An Mô, Lâm Lang ngày đêm đổ nước ra đồng ruộng. Việc học hành của con em được khôi phục, cứ gần 3 người dân có 1 người đi học, trong vùng giải phóng Quảng Trị đã có trường Trung học đệ nhị cấp. Đêm đã có điện, có loa truyền thanh, có chợ buôn bán, có hạt muối của dân tự làm ra, thỉnh thoảng được xem văn công Trung ương, Khu ủy... các công việc trên được Văn phòng Ủy ban theo dõi, nắm kỹ, báo cáo đề xuất kịp thời với Chủ tịch, Phó Chủ tịch giải quyết, giúp các ngành, các địa phương hoạt động thuận lợi. Văn phòng Ủy ban là cầu nối giữa Thường trực Ủy ban với các ngành, các huyện. Sự hoạt động nhanh chóng, hiệu quả nhiều hay ít, có sự năng động sáng tạo của bộ máy Văn phòng và chịu trách nhiệm của mỗi bộ phận, mỗi thành viên trong cơ quan Văn phòng Ủy ban.
- Những anh chị em trong khối Hành chính - Quản trị, hậu cần, xe cộ điện đài, liên lạc là một bộ phận không thể thiếu của cơ quan Văn phòng Ủy ban. Chỉ với phụ cấp mỗi tháng 5 đồng, 7 đồng, anh chị em vẫn yên tâm phục vụ, góp phần vào chiến công chung của toàn bộ máy.
- Bộ phận Giao tế, Nhà khách Ủy ban - một bộ phận quan trọng trong phục vụ việc đối ngoại của Ủy ban trong thời kỳ này, không để xảy ra sai sót trong đón tiếp, phục vụ, giao dịch với khách trong nước, ngoài nước, nhà báo, phóng viên, các đoàn chi viện mặc dù anh chị em không được đào tạo một ngày nào về lễ tân.
Trong giai đoạn lịch sử này, có thể nói Văn phòng UBND cách mạng tỉnh Quảng Trị đã sát cánh cùng các ngành, các địa phương, phục vụ sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ủy ban, hoàn thành trọng trách của mình. Riêng nhiệm vụ giải phóng phần đất, phần dân còn lại ở phía trước do Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo, nhưng sự phối hợp giữa hai Văn phòng, giữa anh Lê Bá Tạo, Phó Văn phòng Tỉnh uỷ và anh Phan Châu rất sát sao, phục vụ đắc lực cho Đảng ủy phía trước công tác thuận lợi mọi mặt về hậu cần, tiếp tế, đến ngày 19/3/1975, quê hương sạch bóng quân thù.
3. Thời kỳ thứ ba:
Từ tháng 5/1975 - 6/1976: Nhập tỉnh. Lúc này cơ quan Ủy ban tỉnh chuyển về trung tâm thị xã Đông Hà hiện nay.
Sau hơn 2 năm xây dựng vùng giải phóng, với sự chi viện to lớn của Trung ương, sự giúp đỡ của miền Bắc, tình hình mọi mặt ở quê hương tương đối ổn định, bộ máy chính quyền từ cơ sở đến tỉnh được củng cố, tăng cường; Văn phòng Ủy ban cũng được tăng cường thêm cơ sở vật chất, cán bộ để phục vụ sự chỉ đạo của Ủy ban trong tình hình và nhiệm vụ mới. Đồng chí Hồ Xinh, Phó Ban Kế hoạch thống kê kiêm Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân cách mạng tỉnh. Lúc này sự viện trợ của Trung ương không còn như trước, tỉnh phải phát huy những thuận lợi và hiệu quả sau hơn 2 năm xây dựng để đi lên cùng cả nước thống nhất.
Việc trước hết là đưa dân Hải Lăng và 5 xã phía Nam của Triệu Phong trở về quê. Đón tiếp đồng bào chạy loạn vào Nam trở về, ổn định ăn ở cho dân, tiếp tế lương thực, thực phẩm để ổn định đời sống, khai hoang phục hóa, sản xuất nông nghiệp. Tiếp quản trụ sở chính quyền cấp tỉnh của chế độ cũ ở Diên Sanh, thu nhận vật tư, kỹ thuật, lương thực, thực phẩm địch chạy để lại. Đồng chí Lê Ngọc Uynh làm Trưởng đoàn tiếp quản. Các cuộc mít tinh lớn ở Ngô Xá, Diên Sanh mừng quê hương giải phóng của hai huyện Triệu Phong và Hải Lăng có sự giúp đỡ của Văn phòng Ủy ban tỉnh.
Văn phòng Ủy ban đã bố trí và cử cán bộ đi theo các đồng chí lãnh đạo tỉnh vào các tỉnh phía Nam. Đồng chí Chủ tịch Lê San đi thăm đồng bào vào định cư ở Bình Tuy; đồng chí Nguyễn Sanh đi Đà Nẵng; đồng chí Trần Mạnh Quỳ đi Sài Gòn thăm đồng bào và động viên con em quê hương trở về xây dựng tỉnh nhà. Được sự giúp đỡ của các địa phương sở tại, các cuộc họp đã được tổ chức ở các nơi này. Với tình cảm quê hương, chính sách chiêu hiền đãi sỹ, các ông Trần Thiện Thanh, Lê Bá Đính, Tham Thụy, con em Quảng Trị ra quê nghiên cứu và xây dựng một thời gian, tạo một số cơ sở vật chất cho tỉnh nhà như nông trường Tân Lâm, đập cát Hải Lăng, Triệu Phong, nhà máy gạch Ái Tử....
Có sự chi viện của Văn phòng Chính phủ, đồng chí Nguyễn Nghiêm, Chuyên viên vào làm việc với đồng chí Nguyễn Văn Lương, Phó Chủ tịch, các đoàn xe viện trợ từ phía Nam ra, chở tôn, gỗ giúp đồng bào làm lại nhà cửa, giúp xây dựng cơ sở nông trường Cồn Tiên. Văn phòng Ủy ban đã đón tiếp chu đáo, tiếp nhận vật tư và tổ chức chiêu đãi, thể hiện tình cảm và lòng biết ơn đối với các tỉnh bạn.
Một đợt chuyển dân mới - đồng bào Hải Lăng đi Tây Gio Linh, đồng bào Triệu Phong đi Hướng Hóa xây dựng kinh tế mới, thực hiện kế hoạch giãn dân ở đồng bằng, khai thác vùng đất đỏ ở miền Tây là một chủ trương sáng suốt và sau 30 năm vẫn phát huy tác dụng rất tốt. Văn phòng Ủy ban tỉnh đã theo dõi sát sao cuộc vận động này từ lúc đi đến lúc đến, đề xuất kịp thời các chính sách hỗ trợ cho đồng bào định cư an tâm sản xuất, ăn ở lâu dài trên quê hương mới.
Vùng đồng bằng, trước khi nhập tỉnh tháng 6/1976, Ủy ban tỉnh cũng đã có chủ trương tạo điều kiện cho các xã ổn định làm việc, cấp kinh phí xây dựng các công trình: Trường học, trạm xá, nhà hàng, trụ sở Uỷ ban, nghĩa trang liệt sỹ… mỗi xã được cấp 100.000 đồng, xã Anh hùng 150.000 đồng.
Cuối cùng có hai cuộc họp mặt tình cảm trước lúc chia tay để số đông cán bộ vào Huế, một số về các huyện, đi các ngành, về địa phương. Các cuộc họp mặt tình cảm này có các đồng chí: Bùi San, Trần Mạnh Quỳ, Hồ Sỹ Thản, Lê Hành, Lê Bổ, Nguyễn Văn Lương... dự, chụp ảnh lưu niệm, chia tay; Văn phòng Ủy ban tổ chức hai cuộc họp này rất tốt, để lại nhiều ấn tượng giữa kẻ ở, người đi, vô cùng xúc động.
Văn phòng UBND cách mạng tỉnh Quảng Trị 1972 - 1976 là kế thừa truyền thống Văn phòng Ủy ban hành chính - Ủy ban hành chính kháng chiến 1945 - 1954 của tỉnh nhà, phục vụ sự lãnh đạo của Ủy ban qua ba thời kỳ khác nhau, ba nơi làm việc khác nhau. Đến đây kết thúc nhiệm vụ, đa số anh chị em đã nghỉ hưu, có đồng chí đã qua đời, có người thuyên chuyển công tác đi địa phương khác. Mong muốn của người ghi chép này, nhân kỷ niệm 60 năm Truyền thống Văn phòng, các đồng chí đương nhiệm tổ chức được một cuộc họp mặt và tặng cho anh chị em một huy hiệu để kỷ niệm một thời ở Văn phòng Ủy ban Quảng Trị.

 

Phan Châu
Nguyên Phó Văn phòng UBNDCM tỉnh Quảng Trị

More