Chi tiết tin - VPUBND Tỉnh

MỘT THỜI ĐÁNG NHỚ

17-03-2022 21:45:32

Huế, ngày 20 tháng 4 năm 2005

 
I. Trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, Văn phòng Ủy ban Kháng chiến hành chính (UBKCHC) tỉnh đã:
1. Xây dựng cho Ủy ban tỉnh những văn kiện, có nội dung súc tích, với lời văn hùng hồn, cổ vũ lòng người, ví dụ đầu năm 1950, lúc anh Phạm Văn Ga làm Chánh Văn phòng UBKCHC tỉnh có viết một Chỉ thị động viên nhân tài, vật lực phục vụ kháng chiến mở đầu bằng câu:
"Tình hình chuyển biến rất mau lẹ, chúng ta đang đứng trước một thời kỳ hết sức cấp bách chuẩn bị tổng phản công..."
(Lúc này Trung ương Đảng có Chỉ thị hoàn thành nhiệm vụ chuẩn bị chuyển mạnh sang tổng phản công).
2. Trong kháng chiến chống Pháp ở nông thôn đồng bằng Quảng Trị có 3 vùng:
- Vùng căn cứ du kích;
- Vùng du kích;
- Vùng tạm bị chiếm.
Tuy so sánh lực lượng ta, địch ở từng vùng có khác nhau, nhưng trên cả 3 vùng, cán bộ, du kích và nhân dân ta đều hoạt động theo tư tưởng tấn công địch. Văn phòng UBKCHC tỉnh đã tổ chức cho các đồng chí lãnh đạo như đồng chí Trương Quang Phiên - Chủ tịch UBKCHC tỉnh về làm việc với các vị cao tuổi và cán bộ ở làng Mai Xá (vùng tạm bị chiếm) và cán bộ xã Linh Quang (huyện Gio Linh) lúc bấy giờ. Việc đó có ảnh hưởng rất tốt đến tinh thần kháng chiến chống Pháp của nhân dân làng Mai Xá, làng Mai Thị và các làng khác ở vùng tạm bị chiếm khác trong tỉnh.
II. Trong chống Mỹ cứu nước, khi huyện Hướng Hóa đồng khởi thành công trở thành vùng giải phóng (1960 - 1961) cũng như từ ngày 5/7/1964 trở đi đồng khởi ở nông thôn đồng bằng, vùng ta làm chủ được mở rộng, nối liền 3 vùng (miền núi, nông thôn đồng bằng, đô thị) thì Văn phòng các Huyện ủy, Văn phòng Tỉnh ủy cùng các Ban Kinh tế của Tỉnh ủy, Huyện ủy làm chức năng của Văn phòng UBNDCM đã phối hợp các đoàn thể quần chúng:
- Tổ chức phong trào toàn dân đánh giặc, chiến đấu và phục vụ chiến đấu (xây dựng các đội du kích đánh giặc giữ làng, diệt ác, trừ gian, vận chuyển vũ khí, lương thực, nuôi dưỡng thương binh, làm đường...);
- Tổ chức nhân dân đẩy mạnh sản xuất, sản xuất cho nhiều lúa gạo, khoai sắn để nuôi mình và nuôi bộ đội;
- Thực hiện cuộc vận động "góp gạo nuôi quân đánh Mỹ cứu nước". Trong cuộc vận động này, Ban Kinh tế của Tỉnh ủy, Huyện ủy cùng Văn phòng cấp ủy đã làm chức năng của chính quyền cách mạng. Từ việc nhận thóc gạo trong dân đến việc tổ chức các đoàn dân công vận chuyển đưa vào kho, bảo vệ, quản lý các kho lương thực... đều do Ban Kinh tế cùng Văn phòng cấp ủy lo liệu;
- Có nơi ta thành lập được UBNDCM xã, Ban Cán sự thôn (một hình thức chính quyền tự quản); có nơi đã thực hiện việc chia ruộng đất tương đối công bằng cho nông dân, tổ chức các tổ đổi công...
Thời kỳ này khó mà phân biệt rõ việc của Văn phòng Tỉnh ủy, Văn phòng UBNDCM tỉnh, chỉ biết lo công việc chung sao cho có kết quả. Ngay cả khi có Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, có Ban Đại diện Chính phủ ở cấp khu, thì ở tỉnh, Văn phòng Tỉnh ủy và Ban Kinh tế Tỉnh ủy cùng làm chức năng của Văn phòng UBNDCM tỉnh.
IIISau thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, ta có UBND tỉnh thì hoạt động của Văn phòng Tỉnh ủy và Văn phòng UBND là hoạt động hợp tác, giúp đỡ lẫn nhau trên mọi mặt.
- Hàng tháng, hàng quý, hàng năm, cả 2 Văn phòng phối hợp với nhau, đánh giá tình hình, thống nhất nhận định đối với từng địa phương, từng ngành chức năng... để báo cáo với Thường vụ Tỉnh ủy và UBND tỉnh;
- Khi Văn phòng Tỉnh ủy chuẩn bị các báo cáo, các kế hoạch trình hội nghị Tỉnh ủy cũng như Văn phòng UBND tỉnh chuẩn bị các báo cáo trình Hội đồng nhân dân tỉnh, Văn phòng Tỉnh ủy và Văn phòng UBND tỉnh có sự hỗ trợ giúp đỡ lẫn nhau rất thiết thực, hiệu quả;
- Đặc biệt khi Văn phòng Tỉnh ủy chuẩn bị các văn kiện để Tỉnh ủy trình Đại hội Đảng bộ tỉnh thì Văn phòng UBND tỉnh đã cung cấp tư liệu, số liệu, đánh giá, nhận định..., kể cả chuyên viên biên tập văn kiện để cùng nhau xây dựng báo cáo chính trị, báo cáo kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội;
- Cũng có lúc 2 Văn phòng giúp đỡ lẫn nhau trong việc in ấn tài liệu.
Thời gian tôi công tác ở Văn phòng Tỉnh ủy, tôi thấy sự phối hợp, hợp tác, giúp đỡ nhau giữa 2 Văn phòng suôn sẻ, không có gì vướng mắc, và đã trở thành truyền thống cho đến ngày nay.

 

Ngô Thế Kiên
Nguyên Chánh Văn phòng Tỉnh uỷ tỉnh Bình Trị Thiên
Chánh Văn phòng Tỉnh uỷ tỉnh Quảng Trị

Các tin khác