Chi tiết tin - VPUBND Tỉnh

NHỚ CÁC ANH

17-03-2022 21:49:25

Tôi công tác ở Văn phòng UBNDCM tỉnh Quảng Trị từ năm 1973 - 1976. Với trách nhiệm là Phó Văn phòng phụ trách công tác Nghiên cứu - Tổng hợp, tôi được thường xuyên làm việc với các đồng chí Chủ tịch, Phó Chủ tịch để phục vụ sự chỉ đạo của Uỷ ban. Tôi học ở các đồng chí ấy rất nhiều điều tốt đẹp. Dưới đây tôi xin ghi lại vài mẩu chuyện nhỏ thường ngày mà tôi nhớ mãi về các đồng chí Lãnh đạo của mình.
1. Bác Lê San, Nguyên Chủ tịch (1972 - 1976):
- Hôm đó Bác đi họp ở Thường vụ Tỉnh uỷ, 9 giờ sáng Bác trở về cơ quan. Bước vào nhà làm việc của Văn phòng, Bác hỏi: “Châu ơi, anh Uynh mô rồi?” Tôi nghĩ chắc có chuyện gì đó cần trao đổi trong Thường trực Uỷ ban Bác mới về đột xuất, không gọi điện thoại. Tôi báo cáo với Bác: “Anh Uynh đi Triệu Phong”. Tần ngần một lúc Bác nói: “Trực răng lại đi?”. Rồi một mình Bác vào chỗ làm việc của Chủ tịch, tìm tài liệu, giấy tờ gì đó rồi ra xe đi họp Thường vụ, không để lại một tiếng phàn nàn, bực bội gì. Tôi nghĩ đây là một phong cách cao quý của Bác với đồng sự, với cấp dưới của mình.
- Hội nghị tổng kết Đông Xuân 1973 - 1974, năm ấy được mùa toàn diện. Cán bộ ở xã, tập đoàn đều được mời về dự. Phần chuẩn bị nội dung, bồi dưỡng báo cáo điển hình, thi đua khen thưởng đã xong. Chúng tôi lên xin Chủ tịch chế độ tổng kết hội nghị. Bác hỏi một câu rất bình thường và ý nghĩa: “Tổng kết là gì?” Câu hỏi này thì cán bộ nào cũng trả lời được. Bác nói thêm: “Tổng kết là bồi dưỡng. Ngoài việc bồi dưỡng cho các anh em kinh nghiệm, cách thức làm việc cho có kết quả, năng suất cao... còn phải bồi dưỡng cho anh em sức khoẻ. Anh em ở dưới xã, tập đoàn còn cực lắm, còn khổ nhọc lắm, một năm mới được về tỉnh họp một lần cho nên phải đón tiếp anh em thật chu đáo. Bố trí nơi ăn ở thật tốt. Ăn uống đầy đủ để sau 3 ngày họp trở về họ thấy thoải mái, phấn khởi và tự tin hơn”.
Chúng tôi coi đây là lời tâm huyết, một tấm lòng cao quí của người lãnh đạo đối với anh em ở cơ sở nói riêng và cán bộ đồng nghiệp nói chung. Và mãi mãi sau này chúng tôi vẫn nhớ những lời chỉ dạy ân cần của Bác.
2. Anh Nguyễn Sanh, nguyên Phó Chủ tịch (1972 - 1976):
Sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc, theo chủ trương của tỉnh, bác Lê San, Chủ tịch UBND tỉnh đi Bình Tuy thăm đồng bào chúng ta chạy giặc vào định cư ở trong đó.
Anh Nguyễn Sanh đi Đà Nẵng để cám ơn lãnh đạo và nhân dân thành phố Đà Nẵng đã giúp đỡ đồng bào tỉnh ta trong thời gian từ năm 1972 đến ngày giải phóng - tạm định cư ở Đà Nẵng. Tôi và cô Hoài Phương cùng đi với anh để phục vụ buổi họp mặt cám ơn này. Chương trình đi là có ở lại Đà Nẵng một đêm để thăm một số nơi, một số bè bạn, đồng chí. Sau khi đã hoàn thành công việc, nghe buổi phát thanh 18 giờ hôm đó có tin bão từ xa, anh quyết định ra ngay, anh nói với chúng tôi có tin bão, cần về sớm để cùng các đồng chí ở nhà chống bão. Anh nói: “Mình cũng tiếc, nhưng thôi hẹn lại dịp khác vậy”.
Tuy chúng tôi ra ngay trong đêm, không được ở lại Đà Nẵng nhưng chúng tôi đã học được tinh thần trách nhiệm cao của một người Lãnh đạo.
3. Anh Nguyễn Văn Lương, Phó Chủ tịch sau này là Chủ tịch UBND tỉnh Bình - Trị - Thiên, nay nghỉ hưu ở Huế:
Trong thời gian anh về Thường trực Uỷ Ban, bác Lê San đi chữa bệnh ở Hà Nội về công việc nhiều và anh thường xuyên phải làm đêm. Điện lúc ấy chỉ sáng đến 21 giờ. Văn phòng phải chuẩn bị ở phòng làm việc của anh một cây đèn bão. Tôi ăn nghỉ ở cơ quan nên thường thấy anh làm việc vào ban đêm. Một lần, thấy phòng làm việc của anh còn có đèn sáng, tôi lên gác và nói một câu rất chân thành: “Khuya rồi, anh nên nghỉ để mai còn đi họp Thường vụ”. Anh nói lại một cách vui vẻ: “Mình nghỉ thì dễ, nhưng ngày mai một số bộ phận phải ngừng việc”, và anh tiếp tục ghi chép rồi dặn tôi: “Những ý kiến các ngành đề nghị đã ghi trên công văn - các bản thảo trình ký đã xem, nhắc anh em triển khai cho kịp, ngày mai có thể chiều tôi mới về”.
Chúng tôi ở Văn phòng Uỷ Ban thường hay nhắc đến cách làm việc chu đáo, tận tuỵ đầy trách nhiệm của anh, và mãi mãi chúng tôi không bao giờ quên trong ký ức của mình.

 

Phan Châu

Các tin khác