Chi tiết tin - VPUBND Tỉnh

NHỮNG MẨU CHUYỆN PHỤC VỤ CÔNG TÁC VĂN PHÒNG

17-03-2022 21:50:00

Mẩu chuyện 1:
Tháng 5/1972, từ Giáo vụ Trường B tôi được điều vào Văn phòng. Nơi ăn, chốn ở chưa có. Đồng chí Chủ tịch giao cho tôi nhiệm vụ đi tìm địa điểm mới chuẩn bị di dời cơ quan. Mặc dù địa bàn Gio An, Trung Sơn quen thuộc nhưng mấy năm ở Trường B, tôi không rõ những nơi địch rải bom mìn. Tôi mạnh dạn liên hệ với đồng chí Bình, Văn phòng Tỉnh ủy đóng ở Tân Lập để xin một đồng chí bảo vệ đi cùng bảo đảm an toàn.
Đến Văn phòng Tỉnh ủy, khi nghe đồng chí Bình báo cáo nội dung công việc, đồng chí Thản, Bí thư Tỉnh uỷ hỏi tôi: “Mày ở xã nào?”. Nghe tôi trả lời: “Dạ, cháu ở Gio An”. Đồng chí Bí thư liền bảo: “Cậu tự đi một mình”.
Thất vọng vì không ngờ, nhưng cũng là lệnh của cấp trên, tôi đành đi tìm địa điểm cần chọn. Sau khi xác định được địa điểm, tôi về báo cáo với đồng chí Chủ tịch. Kế đó, tôi điều 9 người đi làm hầm, lán cho Lãnh đạo và Văn phòng. Đồng chí Đằng, Chánh Văn phòng đi kiểm tra hiện trường đã cùng với 2 anh em trong đội làm lán ra ngầm than tắm, bỗng nhiên máy bay địch đến ném bom, có 1 quả rơi cách vị trí đồng chí Đằng đang tắm khoảng 100m, may mà bom không nổ, mọi người đều nhẹ nhõm mừng cho đồng chí Đằng - Thật là một kỷ niệm nhớ đời.
Tối đó về cơ quan, đồng chí Chủ tịch lại bảo tôi đi dọc đường 1 lên đường 9 vùng Nam Lào xem địa điểm lần thứ 2. Và tôi tiếp tục một mình đi bộ, từ sáng đến tối mịt mới đến nơi, vừa đi vừa tránh máy bay và đạn pháo, sáng hôm sau trở về báo cáo với Chủ tịch, đồng chí Chủ tịch quyết định chuẩn bị qua Hà Thượng, cho người vào Đông Hà tháo nhà đổ ở chợ Đông Hà lấy vật liệu còn sót lại đem về dựng nhà để Lãnh đạo làm việc, làm xong lại chuyển sang Tân Sang, Hà Thượng. Sau đó, đồng chí Chủ tịch cử tôi vào Đông Hà để chuẩn bị nơi ăn, ở đón anh em cán bộ trở về cuối năm 1973. Một lần nữa tôi lại vào Đông Hà, điều dân công Triệu Phong đến dựng lại nhà cửa giữa đống đổ nát. Thỉnh thoảng, pháo địch bắn đến song anh em không sợ, nghe bom đạn nổ thì nằm xuống tránh, sau đó lại tiếp tục công việc một cách say sưa, tích cực.
Mẩu chuyện 2:
Việc phục vụ tiếp khách tôi chưa bao giờ làm nên rất lo lắng, nhân viên phục vụ lại thiếu chưa đáp ứng được yêu cầu công tác.
Đầu năm 1974, đoàn Ủy ban tỉnh Quảng Bình vào thăm, trong đoàn có cô nhân viên Nhà khách Đồng Hới đi theo. Tôi tranh thủ hỏi cô cách tiếp khách để bày lại cho các cháu lễ tân.
Cũng may, cô nhân viên Nhà khách Đồng Hới đã rất nhiệt tình chỉ rõ cho tôi từ cách bố trí salong, khoảng cách giữa các ghế, vị trí của chủ và khách, cho đến cách đi, đứng tiếp khách, phục vụ nước uống,… và các yêu cầu cơ bản khác của một nhân viên lễ tân.
Cứ thế, tôi tích lũy thêm ít nhiều kinh nghiệm để chỉ bày cho chị em làm tốt hơn khâu lễ tân ngoại giao.
Mẩu chuyện 3:
Đón đoàn Đại biểu miền Bắc vào thăm bố trí ở Nhà khách. Đồng chí Chủ tịch gọi điện báo tôi Anh phải xuống Nhà khách đi chợ một bữa xem sao”. Tôi báo cáo bác: “Dạ, làm thế anh chị em Nhà khách thắc mắc thì sao?”. Bác mắng tôi “Anh đi chợ sợ xấu phải không?”. Không nói gì với ai, tôi đành phải ra chợ. Đến hàng bán gà, vịt tôi hỏi giá cả mỗi con theo từng loại để biết rồi về. Khi chị em Nhà khách đi chợ về lên giá của mỗi con bao nhiêu tiền, xem bảng giá, tôi hiểu bác Chủ tịch đã nghi vấn nên bảo tôi làm vậy. Bác căn dặn tôi nhắc nhở chị em phải trung thực, thật thà trong mua bán, đừng để việc đón tiếp khách mang tiếng không hay.
Mẩu chuyện 4:
Đón đại sứ Angiêri từ Quảng Bình vào ngủ tại nhà 2 tầng. Tôi đặc biệt chú ý bố trí nơi vệ sinh, dặn dò lễ tân những việc cần thiết rồi, nhưng tôi vẫn đích thân kiểm tra việc dội nước, đóng, mở cửa nhà vệ sinh, không để một chút bẩn nào dù chỉ một giọt nước để mời bạn đi vệ sinh.
Khi lên xe, ghế ngồi của bạn có bụi bẩn, bạn không ngồi, tôi đành lấy tay phủi bụi xong, mời bạn lên xe, theo thói quen tôi lại phủi tay để bắt tay bạn nhưng bạn không bắt tay, chỉ lên xe ngồi (vì tôi đã dùng tay phủi bụi trước đó mà chưa kịp rửa).
Tối hôm đó trước giờ đi ngủ, bạn bảo tôi cho bác sỹ đến tiêm thuốc (bạn yêu cầu phải là bác sỹ, còn y sỹ, y tá đều không được). Tôi đành điện Bệnh viện tỉnh, Hồng Sơn bảo chỉ có y sỹ nhưng cứ nói với bạn là bác sỹ cho bạn yên tâm.
Thế là cuối cùng mọi việc cũng xong xuôi mà bạn không thể trách ta điều gì.
Mẩu chuyện 5:
Đón đoàn Hungari ở Nhà khách được bố trí ăn súp buổi sáng trước khi lên gặp Chính phủ. Tôi đến sớm, thấy cô phục vụ đã đưa lên hai tô súp đặt trên bàn, nhưng bạn không ăn. Tôi mời, bạn lắc đầu, tôi không hiểu vì sao, nhưng rồi có một con ruồi bay qua, bạn chỉ - thế là rõ. Tôi bảo cô phục vụ thay tô xúp khác, nói thế nào cô cũng trả lời: Cháu chỉ nấu có 2 tô thôi”, tôi phải xử lý bằng cách đem tất cả xuống, thay sang hai tô khác và đưa lên mời bạn, bạn ăn ngon lành.
Đến chiều, tôi phải báo cáo mọi chuyện với bác San, bác Thành (có cả anh Thủy, Công an và đồng chí cán bộ ngoại giao nữa). Nghe xong, hai bác nhìn tôi, vẻ không hài lòng vì có đồng chí cán bộ ngoại giao ở đấy. Đang băn khoăn, tôi nhẹ cả người khi đồng chí ngoại giao nói “Anh làm như thế là nhanh trí đó”.
Mẩu chuyện 6:
Đoàn Ấn Độ đến thăm Chính phủ, Ủy ban mời cơm liên hoan buổi chiều. Mọi việc chuẩn bị xong xuôi thì cách giờ ăn độ 15 phút đoàn đến, tôi tiếp nước, bạn bảo là dự chiêu đãi nhưng không ăn thịt bò. Hôm đó có người của Chính phủ đạo diễn thực đơn chiêu đãi, đồng chí này bảo tôi “Chỉ còn cách là ra chợ mua ngay con gà đem về gấp mới kịp”. Có gà rồi, đồng chí chặt ngay hai đùi gà, thân gà… đem thui cho sạch lông và nướng, không kịp cắt tiết, Vừa làm, tôi vừa mong có thêm thời gian vì sợ làm lâu, bạn chờ sẽ bảo ta không trọng thị. Vừa lúc bác San, bác Hành đến, tôi tranh thủ báo cáo qua sự việc, đề nghị hai bác và phía ta khi tiếp bạn thì nên ăn thịt bò, còn thịt gà để mời bạn (vì quá ít, thời gian lại gấp nên không thể nào làm kịp). Buổi chiêu đãi diễn ra trong không khí vui vẻ, thân tình.
Mẩu chuyện 7:
Đón đoàn Lào về thăm tỉnh, Ủy ban tổ chức chiêu đãi chiều 20/7/1975, Văn phòng không mượn ai, tự túc lo liệu, tôi phân vân không biết bạn ăn gì để phục vụ.
Chiều 19/7, bác Chủ tịch xuống bảo tôi: “Các anh phải lo chi thêm tiền bảo đảm đừng để thiếu, cũng không cần tính đến tiêu chuẩn đã quy định là Quốc tế: 0,7kg/người, Việt Nam 0,5kg/người…”. Đã nhận lệnh của Chủ tịch, tôi và đồng chí Uynh lên thực đơn, cùng tính toán chu đáo mọi việc.
Vào tiệc, bạn cứ mời ta uống, ta cũng mời lại rất nhiệt tình. Thức uống là bia Trúc Bạch và rượu Bông lúa được tăng cường liên tục theo yêu cầu. Xong tiệc, nhiều đồng chí không đi nổi, nhưng ấn tượng chung là cả ta và bạn rất vui. Riêng anh chị em phục vụ lúc này phải tập trung dọn dẹp mọi thứ đang ngổn ngang trong phòng, mệt đến nổi không ai ăn uống được. Sau đấy 5 ngày, chúng tôi được bác Chủ tịch động viên, cảm ơn bằng 5 chai bia. Vừa uống bia, vừa nghe Chủ tịch khen ngợi, chúng tôi thầm mừng vì mỗi cá nhân đã cố gắng hết sức mình một cách hiệu quả vào việc chung trong điều kiện quê hương đang rất thiếu thốn về mọi mặt.
Mẩu chuyện 8:
Một lần đón đoàn Thuỷ thủ Trung Quốc đến thăm, Ủy ban tổ chức tiệc chiêu đãi tại nhà 2 tầng, có mời tôi tham dự. Tổng số đại biểu mời gồm 40 người. Các cháu phục vụ chỉ mượn ở Nhà khách đủ số lượng là 40 bát, 40 đôi đũa. Lúc vào tiệc, một bạn người Trung Quốc ngồi gần tôi làm rơi đũa, tôi bảo cháu phục vụ đem đôi đũa khác ra để đổi cho bạn, nhưng vì không mượn thừa đũa, bát nên cháu rất lúng túng, thấy vậy, tôi phải vào phòng trong lấy khăn lau xong, đưa ra cho bạn. Việc này tôi làm hai lần vì hình như anh bạn Trung Quốc ngồi cạnh tôi không quen dùng đũa thì phải. Có đồng chí nhắc tôi: “Anh cứ ngồi, để các cháu phục vụ làm…”, không nói gì nhưng tôi hiểu mình đã xử lý đúng.
Trong đời làm công tác phục vụ cho Văn phòng Ủy ban nhân dân cách mạng, tôi đã có một số kỷ niệm nhỏ như vậy, đã cố gắng xử lý trong thời gian nhanh nhất, hạn chế hậu quả nhằm góp phần thành công sự chỉ đạo, lãnh đạo của Lãnh đạo tỉnh, xin trao đổi để bạn đọc hiểu phần nào điều kiện về hoàn cảnh và cơ sở vật chất của tỉnh ta thời ấy.
 

Ghi theo lời kể của Bác Nguyễn Văn Thưởng
Nguyên Phó Văn phòng UBNDCM tỉnh Quảng Trị

Các tin khác