Chi tiết tin - VPUBND Tỉnh

VÀI SUY NGHĨ VỀ MỘT THỜI LÀM VĂN PHÒNG CẤP UỶ

17-03-2022 21:47:52

1) Tôi Hoàng Khương, nguyên Bí thư xã Cam Giang (xã lớn), năm 1950, Huyện uỷ Cam Lộ điều lên làm Chánh Văn phòng Cấp uỷ.
Sau năm 1949 - 1950, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp phát triển mạnh, ta phản kích địch liên tiếp buộc chúng co lại quanh vùng kiểm soát. Vùng chiến khu Cùa “Tự do” làm chủ, các xã đồng bằng, trung du có căn cứ du kích mạnh.
Để giành lại thế chủ động, địch liên tiếp tổ chức những trận càn quét lớn, nhỏ, có xe tăng, máy bay, pháo yểm trợ đánh phá vùng chiến khu và các địa điểm căn cứ du kích của ta rất ác liệt.
Các cơ quan của huyện thường phải lưu động vào các thôn ven sườn núi như thôn Thiết Tràng, Trung Chỉ, Lộc An, Phương An (Cùa) để xây dựng nơi làm việc hội họp của Huyện uỷ và Uỷ ban Kháng chiến hành chính (UBKCHC), tổ chức nơi bí mật để cất dấu tài liệu và dự trữ lương thực… Thời gian ở chiến khu Cùa bị nhiều trận càn lớn, nhưng ta biết trước chủ động bố trí đánh địch và phòng tránh, nên các cơ quan huyện không xảy ra thiệt hại.
Đầu năm 1952 - 1953, khi cuộc kháng chiến chuyển mạnh sang giai đoạn phản công địch, các cơ quan của huyện đều chuyển về đồng bằng (trừ các cơ quan phụ trách hậu cần) như các xã Cam Thuỷ, Cam Tuyền, Cam Thanh để chỉ đạo kháng chiến sát cơ sở và kịp thời hơn.
Khi về đồng bằng, cơ quan huyện biên chế thật gọn nhẹ, cơ động nhanh, quân sự hoá 100%, nhưng phải bảo đảm công tác có hiệu quả. Thường xuyên phối hợp với các đơn vị bộ đội địa phương, các đơn vị du kích tập trung để bố phòng nắm tình hình địch, bảo vệ địa điểm của cơ quan huyện, phòng tránh khi xảy ra các cuộc càn quét của địch.
Thời gian này, Văn phòng Huyện uỷ cơ động từ vùng Kim Đâu, Kim Bình, An Thái, An Mỹ, Thọ Xuân đến xóm Động, thôn An Bình xã Cam Thanh. Tuy chỗ làm việc cách xa nhau, nhưng giữa cơ quan, Huyện uỷ và UBKCHC vẫn thường xuyên giữ liên lạc với nhau, cứ 3 ngày có họp báo của Ban Thường vụ Huyện và UBKCHC để điều hành, chỉ đạo kịp thời các công tác thường xuyên về các xã, các đơn vị vũ trang, các ngành… kể cả những công tác đột xuất.
Trong bối cảnh cơ quan thường xuyên cơ động nhưng vẫn ở trong dân. Để được an toàn hơn, cơ quan thường tổ chức hai địa điểm: 1 bán công khai, 1 bí mật. Việc chuẩn bị cơ sở hậu cần, tiếp tế chu đáo dựa vào dân. Do cơ sở của ta bảo đảm, nhờ sự bảo vệ, giúp đỡ của đồng bào và đồng chí các thôn nói trên, nên trong thời gian cơ quan huyện về đồng bằng cũng như ở chiến khu Cùa được an toàn tuyệt đối, chưa xảy ra việc gì đáng tiếc, tạo mọi nhân tố thuận lợi giúp Văn phòng Cấp uỷ và UBKCHC huyện thực hiện tốt chức năng nhiệm vụ của mình.
Nhân dịp kỷ niệm ngày Truyền thống Văn phòng, chúng ta biết ơn các bà mẹ, đồng bào, đồng chí đã tận tuỵ, nhường cơm sẻ áo, chịu đựng gian khổ hi sinh, mặc dầu nhà bị địch đốt cháy, trâu bò bị bắn chết nhưng vẫn tin cách mạng và sẵn sàng nuôi dưỡng cán bộ, bộ đội để đánh giặc, giải phóng quê hương.
2) Văn phòng UBKCHC huyện lúc bấy giờ chỉ có 1 Uỷ viên Thư ký, Văn thư, đánh máy, một vài cán bộ lưu động cùng với Chủ tịch, Phó Chủ tịch huyện làm nhiệm vụ tổ chức chỉ đạo, điều hành các mặt quân sự, chính trí, kinh tế, xã hội, các ngành, các xã. Tuy cán bộ rất ít, chưa được đào tạo huấn luyện, văn hoá thấp nhưng nhiệt tình, tận tụy, dũng cảm, không cầu an, sợ chết. Văn phòng đã giúp Uỷ ban điều hành bộ máy chính quyền từ huyện đến các xã, các ngành được thông suốt và hiệu quả. Thường xuyên bảo đảm việc báo cáo, thỉnh thị với cấp trên, cũng như tiếp đón các đoàn cán bộ Trung ương, Khu Trị Thiên Huế và tỉnh về thăm, làm việc được an toàn. Đồng thời, thường xuyên quan hệ chặt chẽ với các đơn vị bộ đội, các tổ chức kinh tế của Trung ương, của tỉnh đóng trên địa bàn.
Năm 1950, Văn phòng Uỷ ban tổng kết cuộc vận động “Thực hiện sắc lệnh Tổng động viên của Chính phủ”, đã huy động hàng trăm thanh niên tham gia bộ đội, tham gia du kích, vận chuyển hàng trăm tấn thóc, gạo, muối lên chiến khu.
Sau chỉnh huấn “Rèn cán chỉnh quân”, các phong trào thi đua giết giặc lập công, phong trào sản xuất nông nghiệp, xây dựng tổ đổi công, thi đua đóng thuế nông nghiệp bằng thóc, tổ chức vận tải, tiếp tế phục vụ kháng chiến ngày càng lên cao.
Năm 1951, hai Văn phòng Huyện uỷ, UBKCHC phối hợp tổ chức Đại hội Thi đua toàn huyện ở “Rào Trù” đã bầu được nhiều chiến sĩ thi đua trong đó có 2 chiến sĩ giết giặc giỏi như Hồ Kài, Bộ đội địa phương, Hoàng Thị Thiệp, Xã đội phó Cam Thuỷ, cụ Hoàng Dốc thôn Vĩnh An, Chiến sĩ thi đua sản xuất nông nghiệp…
Năm 1952 - 1953, thời kỳ phát động giảm tô, giảm tức, thu thuế nông nghiệp…
Trong các phong trào đó Văn phòng Uỷ ban luôn tổ chức theo dõi, sơ tổng kết, báo cáo lên tỉnh, kịp thời đề xuất khen thưởng động viên các đơn vị, các xã và những cán bộ có thành tích cao; đồng thời, phát hiện những lệch lạc trong phong trào đấu tranh của quần chúng có ảnh hưởng đến sách lược, chính sách đại đoàn kết dân tộc để điều chỉnh kịp thời.
Cho đến năm 1954, hiệp định Giơ-ne-vơ ký kết, các cơ quan của huyện vẫn đóng ở Cam Thuỷ (Vùng Tam Hiệp), chuẩn bị việc tổ chức tập kết chuyển quân.

 

Hoàng Khương

Các tin khác